Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học: Phát triển nguồn nhân lực trong ngành xuất bản - Thực trạng và giải pháp

Ngày đăng: 01/09/2017 - 16:09

nghiem thu 19.jpg

Quang cảnh chung buổi nghiệm thu đề tài.

Ngày 1-9-2017, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học: Phát triển nguồn nhân lực trong ngành xuất bản - Thực trạng và giải pháp, mã số: KHBĐ (2016)-05 do TS. Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật làm chủ nhiệm.

nghiem thu 191.jpg

Đồng chí Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản, Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tại buổi nghiệm thu.

Tham dự buổi nghiệm thu có các thành viên Hội đồng nghiệm thu, thành viên Hội đồng Khoa học Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và cộng tác viên tham gia đề tài. Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản làm Chủ tịch Hội đồng.

nghiem thu192.jpg

Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu.

Ngoài Phần mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung đề tài gồm ba chương, trình bày một cách tương đối toàn diện một số vấn đề vấn đề lý luận liên quan đến phát triển nguồn nhân lực ngành xuất bản, thực trạng, đưa ra giải pháp và một số kiến nghị để phát triển nguồn nhân lực ngành xuất bản trong thời gian tới.

Theo đó, trên cơ sở phân tích thực trạng, đánh giá mặt tích cực và hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực ngành xuất bản, xác định vai trò, đặc điểm, các nhân tố tác động tới nguồn nhân lực trong ngành xuất bản; chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với ngành xuất bản; giới thiệu kinh nghiệm phát triển nhân lực ngành xuất bản của một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ; dự báo xu hướng phát triển của ngành xuất bản và nhân lực ngành xuất bản nước ta trong điều kiện hội nhập…, đề tài đưa ra ba nhóm giải pháp gồm: Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của các cơ quan chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản; Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các nhà xuất bản; Thứ ba, phát triển đội ngũ biên tập viên. Trong đó, đề tài đi sâu phân tích thực trạng và đưa ra nhóm giải pháp nhằm phát triển đội ngũ biên tập viên. Đồng thời đề xuất một số kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Xuất bản Việt Nam, các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực,… để phát triển nhân lực ngành xuất bản cả về số lượng và chất lượng trong những năm tới.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, thành viên Hội đồng nghiệm thu và các đại biểu tham dự đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài; đồng thời góp ý để Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi bảo vệ cấp bộ.

Thu Hằng

Bình luận