Bảo đảm công bằng, bình đẳng góp phần giữ vững ổn định chính trị ở nước ta

Ngày đăng: 12/10/2018 - 15:10

Qua hơn 30 năm đổi mới đất nước, tuy chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến mới về bình đẳng, công bằng xã hội chủ nghĩa, song Nhà nước và cả hệ thống chính trị vẫn cần phải tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt nhiều chính sách, pháp luật để bảo đảm bình đẳng, công bằng, góp phần giữ vững ổn định chế độ chính trị ở nước ta.

Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN

Bất công, bất bình đẳng là nhân tố cơ bản gây nên bất ổn chính trị - xã hội 

Nhìn lại lịch sử phát triển của xã hội loài người, có thể thấy, tư duy con người dù ở phương Đông hay phương Tây luôn nghĩ đến công bằng, bình đẳng. Không chỉ các nhà tư tưởng lớn trong các thời đại, mà mọi con người bình thường cũng đều có tư duy, suy nghĩ về công bằng và bình đẳng. Nói cách khác, công bằng và bình đẳng là những khái niệm mang tính phổ biến đối với nhận thức của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, nội dung của công bằng, bình đẳng của mỗi xã hội và việc giải quyết nó trong thực tế luôn theo một lập trường, quan điểm nhất định. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định, nội hàm của các khái niệm công bằng và bình đẳng có tính giai cấp và tính lịch sử. 

Từ thời cổ đại, nhiều nhà tư tưởng đã phát hiện ra ý nghĩa thực của vấn đề công bằng, bình đẳng đối với vận mệnh của chế độ chính trị - xã hội. Nhà triết học A-ri-xtốt từng khái quát, một thành quốc có thể bị sụp đổ vì nhiều lý do, trong đó có lý do bất công, bất bình đẳng. Điều này đã được thực tế lịch sử chứng minh.

Phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ tạo ra và dựa trên sự bất bình đẳng giữa giai cấp chủ nô và các giai cấp khác trong xã hội, đặc biệt là với giai cấp nô lệ. Đương nhiên, sự bất bình đẳng kéo theo sự bất công trong xã hội giữa các giai cấp và là nguồn gốc của việc giai cấp nô lệ vùng lên đấu tranh, mà điển hình là cuộc khởi nghĩa do Xpác-ta-cút lãnh đạo.

Phương thức sản xuất phong kiến ra đời đã xóa bỏ địa vị nô lệ, nhưng lại tạo ra và dựa trên sự bất bình đẳng giữa giai cấp địa chủ, quý tộc, tầng lớp tăng lữ và giai cấp nông dân, thợ thủ công, tầng lớp chủ xưởng; đồng thời kéo theo sự bất công giữa các giai cấp, tầng lớp đó. Sự bất bình đẳng và bất công đó dần dần triệt tiêu sức sống của phương thức sản xuất phong kiến; hơn nữa, dấy lên các phong trào đấu tranh của người nông dân và chủ xưởng với giai cấp địa chủ, quý tộc ở khắp nơi, và kết cục là các cuộc cách mạng tư sản mở đường cho sự ra đời của phương thức sản xuất mới - phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, với cơ cấu giai cấp mới trong xã hội. 

So với các phương thức sản xuất trước đó, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo nên sự bình đẳng cho tất cả mọi cá nhân tự do. Nhưng thay cho bất bình đẳng phong kiến thì nó lại tạo ra bất bình đẳng khác - bất bình đẳng giữa người có tiền và người không có tiền, giữa ông chủ tư bản và người công nhân làm thuê. Ở nhiều nơi, nó còn tiếp tục duy trì sự bất bình đẳng giới, giữa người da đen và người da trắng và nhiều sự bất bình đẳng, bất công khác có từ trước kia. Đến tận đầu thế kỷ XX, pháp luật nước Mỹ mới công nhận phụ nữ và người da đen có quyền bình đẳng trong bầu cử, ứng cử vào bộ máy nhà nước. 

Hiện nay, ngay tại các nước tư bản phát triển, không phải mọi quyền lợi và nghĩa vụ của con người đều đã được giải quyết một cách bình đẳng và công bằng. Trong các công ty, lao động nữ vẫn nhận lương thấp hơn lao động nam với cùng một công việc. Báo cáo “Phát triển con người năm 2014” của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chỉ ra, trên thế giới hiện nay, trung bình lương của phụ nữ thấp hơn lương của đàn ông là 25%; cơ hội việc làm của phụ nữ ít hơn 24% so với đàn ông. Tình trạng này cũng tương tự với người da đen khi họ vẫn phải nhận lương thấp hơn người da trắng, dù họ đáp ứng được mọi điều kiện, tiêu chuẩn và có cống hiến ngang với người da trắng. Trong khoảng 10 năm vừa qua, các cuộc bạo động của người da đen ở một số thành phố của nước Mỹ cho thấy, dù chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã bị xóa bỏ, song sự phân biệt dẫn tới đối xử không công bằng với người da đen vẫn còn trong tiềm thức sâu xa của không ít người Mỹ dưới nhiều hình thức tinh vi, khó nhận thấy. 

Sự ra đời của chế độ xã hội chủ nghĩa đã đáp ứng khát vọng của loài người về một xã hội công bằng, bình đẳng hơn tất cả cho mọi người. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, và tiếp theo là một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã cố gắng thực hiện lý tưởng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trong thực tế. Trong các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, không còn có ông chủ, kẻ đầy tớ, không có sự phân hóa giàu - nghèo quá lớn; mọi người có quyền bình đẳng trong bầu cử, được nhà nước, xã hội chăm sóc, có phúc lợi như nhau,...

Ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, việc thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, có sức lao động mà không làm thì không hưởng” được coi là công bằng của xã hội. Tuy nhiên, việc chỉ áp dụng duy nhất một nguyên tắc này đã làm nảy sinh bất công đối với những người đóng góp nhiều cho xã hội, cụ thể là họ có thể đóng góp nhiều cho xã hội bằng trí tuệ hoặc bằng của cải, tiền bạc nhưng không được đánh giá, công nhận, tôn vinh một cách xứng đáng. Chủ nghĩa bình quân trong phân phối và chủ nghĩa hình thức trong khen thưởng khiến cho người đóng góp nhiều và người đóng góp ít nhiều khi đều được đánh giá và hưởng thụ ngang nhau là một bất công. Có thể khẳng định, đó là một hình thức khá phổ biến của bất công trong chủ nghĩa xã hội hiện thực trước đây. 

Những vấn đề chưa giải quyết được về bất bình đẳng, bất công trong chủ nghĩa xã hội hiện thực trước đây đã dẫn đến suy giảm động lực và sự sáng tạo của người lao động, suy giảm sức sống của phương thức sản xuất, làm nảy sinh sự bất bình âm ỉ giữa người dân với chế độ, với đảng cộng sản, là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mất quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, sự tan rã của mô hình nhà nước và chế độ chính trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Từ bài học của lịch sử, có thể khẳng định, một chế độ chính trị muốn tồn tại, phát triển bền vững thì một trong những nhiệm vụ quan trọng có tính lâu dài đòi hỏi nó phải thực hiện được là bảo đảm công bằng, bình đẳng phù hợp với điều kiện khách quan của thời đại.

Thành tựu và những vấn đề công bằng, bình đẳng đặt ra cần giải quyết trong quá trình phát triển của đất nước

1- Thành tựu

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tạo ra bước phát triển vượt bậc của dân tộc trong thực hiện bình đẳng, công bằng xã hội. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta lại đạt thêm những bước tiến bộ mới về thực hiện bình đẳng, công bằng xã hội. 

Trước hết, về mặt nhận thức, vấn đề công bằng, bình đẳng tiếp tục được Đảng ta khẳng định như là một đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991, Đảng ta đã nêu quan niệm về chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng là xã hội: Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Tại Đại hội VIII (năm 1996), Đảng ta xác định công bằng, bình đẳng như là một yêu cầu của tư tưởng về phát triển: Tăng tưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội phải thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”(bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục làm rõ hơn quan điểm này: Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách.

Vấn đề công bằng, bình đẳng được đưa vào Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định. Ví dụ: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3); “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” (Điều 5); “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Điều 16); “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” (Điều 24); “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới... 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26); “1. Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau” (Điều 36).

Từ những quan điểm của Đảng và những quy định của Hiến pháp năm 2013 về công bằng, bình đẳng, nhiều văn bản pháp luật đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung để thể hiện ngày càng đầy đủ hơn về nhận thức và tạo khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề liên quan tới bình đẳng, công bằng, như các quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Bảo hiểm xã hội,... 

Các báo cáo của Liên hợp quốc về phát triển con người trong các năm gần đây đều công nhận Việt Nam có những tiến bộ trong bảo đảm quyền bình đẳng và công bằng xã hội, nhất là so với các nước trong tương quan về trình độ phát triển kinh tế và mức thu nhập trên đầu người chưa cao. Theo báo cáo của UNDP, năm 2013 Việt Nam có chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,617 điểm, đứng thứ 127/188 quốc gia xếp hạng, thuộc nhóm trung bình của thế giới. Nhưng Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có chỉ số bình đẳng cao, đạt 0,531 điểm, xếp thứ 70; và được xếp vào nhóm khá cao về chỉ số bình đẳng giới, đạt 0,299 điểm, đứng thứ 48. 

2- Một số vấn đề cần giải quyết

Thứ nhất, còn một số hiện tượng bất bình đẳng.

Trong đời sống chính trị: có rất ít người ngoài Đảng tham gia ứng cử vào các cơ quan đại diện của nhân dân (Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp); tình trạng ưu tiên, nâng đỡ “hậu duệ”, “quan hệ” không chỉ là sự lệch lạc mang tính cá nhân mà thực sự đang phản ánh tình trạng đối xử không công bằng trong công tác cán bộ, tuyển dụng và sử dụng người tài trong các cơ quan nhà nước. 

Về kinh tế, trong nhiều năm qua, thành phần kinh tế tư nhân vẫn chịu sự bất bình đẳng so với thành phần kinh tế nhà nước trong tiếp cận nguồn vốn, đất đai, tài nguyên và các cơ hội kinh doanh khác, mặc dù nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn thua lỗ nặng, để lại nhiều gánh nặng khổng lồ cho đất nước. Không chỉ so với doanh nghiệp nhà nước, mà so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chịu nhiều thiệt thòi, bởi vì một số cơ quan của Chính phủ và chính quyền các cấp vẫn ưu ái các doanh nghiệp FDI hơn. 

Về xã hội, bình đẳng nam nữ tuy có tiến bộ, song vẫn còn nhiều sự phân biệt, dẫn đến phụ nữ chưa thực sự được bình đẳng với nam giới từ trong môi trường gia đình tới môi trường xã hội. Vấn đề bạo lực gia đình với phụ nữ, tâm lý lựa chọn giới tính nam khi sinh là biểu hiện của thái độ “trọng nam, khinh nữ” chưa bị xóa bỏ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động xã hội vẫn thấp hơn nhiều so với nam giới. 

Thứ hai, còn một số bất công trong phân phối, đánh giá, khen thưởng.

Mặc dù chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong chính sách an sinh xã hội, song cũng còn không ít điều chưa công bằng. Ví dụ, chế độ tiền lương (bao gồm mức lương, thang lương, điều kiện tăng lương...) vẫn còn dấu ấn của chủ nghĩa bình quân, không công bằng đối với người đóng góp nhiều trí tuệ, công sức cho xã hội. Điều này gây nên một số hệ lụy, như triệt tiêu động lực cống hiến, thúc đẩy tham nhũng, suy giảm chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức.

Chế độ thuế, phí hiện nay vẫn còn chưa bình đẳng đối với các thành phần kinh tế, các ngành, nghề kinh doanh, các tổ chức và cá nhân có thu nhập. Thuế thu nhập cá nhân có mức khởi điểm chịu thuế khá thấp, thiệt thòi cho người lao động, nhưng với người có thu nhập rất cao thì mức thuế lũy tiến chưa tương xứng. Có những ngành, nghề được Nhà nước ưu đãi thuế (như sản xuất ô-tô trong nước), song hiệu quả kinh doanh không như xã hội mong đợi.

Tình trạng thiếu công bằng trong đánh giá, xử phạt, khen thưởng vẫn còn diễn ra. Chẳng hạn, các chế tài, nhất là về mặt kinh tế, tài chính đối với tội phạm tham nhũng còn quá nhẹ, không đủ răn đe kẻ tham nhũng; nhiều doanh nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, tài nguyên chưa bị xử lý thích đáng; tình trạng “chạy” bằng khen, huân chương, danh hiệu không tương xứng với đóng góp thực sự cho xã hội gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội. 

3- Cần có nhận thức toàn diện và những biện pháp thích hợp hơn để bảo đảm công bằng, bình đẳng phù hợp với thời đại, với nhu cầu và trình độ phát triển của đất nước

Bình đẳng là trạng thái pháp lý mà ở đó nhà nước công nhận mọi công dân có các quyền và nghĩa vụ ngang nhau, có được phẩm chất người như nhau. Trạng thái đó do nhà nước thiết định trong các luật và dành sẵn cho mọi cá nhân, dù họ có thực hiện hay không thực hiện các quyền của mình. 

Nội hàm của bình đẳng trong thời đại ngày nay trước hết là sự thừa nhận của nhà nước và cả xã hội đối với tất cả các quyền cơ bản của con người mà Liên hợp quốc nêu ra trong Tuyên ngôn về nhân quyền và Công ước về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các quyền đó được nhà nước khẳng định sẽ áp dụng cho mọi cá nhân mà không có sự phân biệt nào về giới tính, chính kiến, tôn giáo...

Ngày nay, bình đẳng còn được hiểu không chỉ là sự ngang nhau về quyền và nghĩa vụ, danh dự và phẩm giá cho mọi người, mà còn là đặt các đối tượng xã hội vào cùng một vạch xuất phát, là trao cơ hội ngang nhau cho mọi người, mọi tổ chức có năng lực ngang nhau, không phân biệt thành phần, nam nữ, tôn giáo, dân tộc... để họ có thể làm giàu cho bản thân và góp phần phát triển đất nước.

Với tinh thần đó, bình đẳng về kinh tế trước hết là tạo khuôn khổ pháp lý cho mọi người về cơ hội sở hữu và kinh doanh. Những ai có mong muốn và điều kiện cần thiết đều có cơ hội ngang nhau để kinh doanh và làm giàu. Nhà nước sẽ tạo “sân chơi” cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chẳng hạn như bình đẳng trong đấu thầu, trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên; bình đẳng trong ngành, nghề kinh doanh. Những điều này phải đi vào pháp luật, trở thành linh hồn của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu...

Về mặt chính trị, để có sự bình đẳng hơn, đã đến lúc cần sửa đổi Luật Bầu cử để nhiều người ngoài Đảng có phẩm chất đạo đức, năng lực thích hợp có cơ hội ứng cử, tự ứng cử và có thể được bầu vào cơ quan đại biểu của nhân dân ở các cấp. Đồng thời, cần quy định có tính pháp lý về một tỷ lệ nữ cao hơn nữa trong các cơ quan đại biểu của nhân dân và yêu cầu các nơi phải đạt được tỷ lệ cố định đó. 

Công bằng là trạng thái xã hội mà trong đó mỗi người sau khi hoạt động, cống hiến cho cộng đồng, dân tộc, quốc gia được nhận lại sự đánh giá và đãi ngộ, thù lao, khen thưởng tương xứng. 

Nếu bình đẳng là trạng thái xã hội thiết định cho số đông, thì công bằng là sự đối xử cụ thể với từng hành vi, hành động trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng cá nhân trong mối tương quan với người khác. Vì vậy, bảo đảm được sự công bằng khó khăn hơn rất nhiều so với bảo đảm sự bình đẳng. 

Có một quy luật khách quan là trong quá trình sống và trưởng thành của con người sẽ phát sinh sự khác nhau về thể lực, trí tuệ, tình cảm. Vì vậy, tất yếu dẫn đến sự khác nhau về chất lượng, hiệu quả lao động và sự đóng góp cho xã hội. Do đó, xét về mức hưởng thụ, mức được đánh giá của cá nhân là khác nhau, không thể đồng đều, ngang bằng. Đã đến lúc cần loại bỏ hoàn toàn chủ nghĩa bình quân mà nhiều năm được coi là chuẩn mực của công bằng, bởi đó là chỉ là công bằng mang tính hình thức, còn trên thực tế là bất công. 

Cần có cái nhìn toàn diện hơn về sự đóng góp của cá nhân, tập thể, cộng đồng đối với xã hội và đất nước để có sự ghi nhận, biểu dương, đền đáp thích đáng. Đó không chỉ là sức lao động, mà còn dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cả tiền bạc, của cải, sự sáng tạo, đặc biệt là sự hy sinh xương máu, tính mạng... Trên tinh thần đó, các đạo luật, các văn bản pháp luật phải được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để thể hiện được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với nước. Chính sách, pháp luật không được phép bỏ sót bất cứ cá nhân, tổ chức nào đã cống hiến cho Tổ quốc.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước đã nhìn nhận đúng đắn hơn vai trò của giới doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Đó là sự tiến bộ rất đáng kể về nhận thức và thái độ. Để có sự thịnh vượng của đất nước, rất cần một tầng lớp doanh nhân (hoặc có thể gọi là giới doanh nhân) chân chính. Thay vì sự kỳ thị hoặc đố kỵ, cần phải có những hình thức tôn vinh trang trọng, kịp thời đối với các doanh nhân đã có những đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc một trong những nội dung rất quan trọng của tinh thần pháp quyền là, bất kỳ ai, kể cả đảng viên có chức, có quyền ở cấp cao, nếu phạm tội, đặc biệt là tội tham nhũng thì phải bị xử lý thích đáng, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Có như thế mới là bảo đảm công bằng, bình đẳng xã hội chủ nghĩa.

Vũ Hoàng Công

PGS. TS. Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận