Chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng - nhìn từ công tác xây dựng Đảng ở cơ sở

Ngày đăng: 17/12/2018 - 16:12

Công tác tư tưởng nói chung và cuộc đấu tranh chống DBHB trên lĩnh vực tư tưởng nói riêng ở phường, xã thường gắn liền với công tác vận động quần chúng. Làm dân vận ở phường, xã chính là làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương thông suốt về tư tưởng, từ đó có sự đồng thuận cần thiết với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Điều này cho phép khẳng định công tác tư tưởng và đấu tranh chống DBHB trên lĩnh vực tư tưởng ở phường, xã thời gian vừa qua đã có một số kết quả nhất định, thể hiện qua thái độ nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nhiều phong trào hành động cách mạng ở địa phương; như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào đền ơn đáp nghĩa..., hay trong việc thực hiện các cuộc vận động và các chủ trương của đảng bộ và chính quyền.

Cũng có thể thấy đối tượng tác động của công tác tư tưởng và đấu tranh chống DBHB trên lĩnh vực tư tưởng ở phường, xã khá ổn định, hiểu theo nghĩa chỉ bó hẹp trong phạm vi những người vốn đã tích cực: Tích cực tham gia nghiên cứu quán triệt, hoặc nghe phổ biến chỉ thị, nghị quyết trong Đảng và trong các đoàn thể; tích cực tham gia sinh hoạt tổ dân phố, thôn và các cuộc tiếp xúc cử tri; tích cực đọc báo, nghe đài, xem truyền hình... thực tế cho thấy đại biểu HĐND phường xã, và cả các cấp trên - đại bộ phận là kiêm nhiệm; còn số đông cử tri tham gia tiếp xúc cử tri ở các phường xã, các khu dân cư thì lại là chuyên trách, tức chỉ quanh đi quẩn lại một số gương mặt đến nghe và chất vấn kiến nghị.

Trong khi đó, những người vốn thiếu tích cực tham gia, thậm chí chưa bao giờ tham gia nghiên cứu quán triệt, hoặc nghe phổ biến chỉ thị, nghị quyết trong Đảng và trong các đoàn thể; thiếu tích cực tham gia, thậm chí chưa bao giờ tham gia sinh hoạt thôn, tổ dân phố và các cuộc tiếp xúc cử tri; ít đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, thậm chí còn phát tán tài liệu ngoài luồng... thì vẫn chưa được những người làm công tác tư tưởng và đấu tranh chống DBHB trên lĩnh vực tư tưởng ở phường, xã quan tâm “phủ sóng”.

Đáng chú ý là trong những người “ngoài cuộc” này, có không ít thanh niên chưa được tập hợp vào tổ chức Đoàn, Hội và đang phải đối diện với nhiều cám dỗ, cạm bẫy rất dễ sa ngã… Chính vì vậy, muốn làm tốt công tác tư tưởng và đấu tranh chống DBHB trên lĩnh vực tư tưởng, cần phải tăng cường khả năng theo dõi nắm bắt, nắm chắc và quan trọng hơn là phân tích, đánh giá cho được diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở từng thời điểm, trên từng địa bàn dân cư.

Tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở phường xã thường xuyên chịu ảnh hưởng của các biến động chính trị-xã hội theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Kinh nghiệm cho thấy trước một sự kiện chính trị-xã hội, bao giờ cũng có sự phân hoá hai cực - tích cực và tiêu cực; lạc quan và bi quan; ủng hộ và chống đối; tin tưởng và hoài nghi...; nhưng cần phải tỉnh táo nhận định cực nào là chủ đạo để có sự phân tích, đánh giá sát với thực tế tình hình và đúng với thực chất vấn đề.

Đó là chưa kể tuy cùng một cực nhưng do động cơ khác nhau, thực tế tình hình và thực chất vấn đề cũng không hoàn toàn giống nhau.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân mà tiến hành việc định hướng dư luận. Giải pháp tối ưu nhất để định hướng dư luận theo cực tích cực, lạc quan, ủng hộ, tin tưởng... chính là tuyên truyền miệng.

Bên cạnh việc tổ chức nắm bắt, nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, một hình thức công tác tư tưởng và đấu tranh chống DBHB trên lĩnh vực tư tưởng cũng thường gặp ở phường xã là chuyển tải chỉ thị, nghị quyết của Đảng - tức là cung cấp những thông tin chính thống.

Kinh nghiệm cho thấy để có một hệ thống giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả chuyển tải chỉ thị, nghị quyết của Đảng, cần phải tính toán những vấn đề sau đây: Một là, lựa chọn hình thức triển khai thích hợp nhất với đối tượng đi đôi với việc tìm cách phối hợp các hình thức triển khai khác nhau để cùng tác động thuận chiều đến đối tượng đó.

Hai là, cân nhắc liều lượng triển khai - cả nội dung và thời gian. Ba là, tăng cường đầu tư về điều kiện triển khai - địa điểm, tài liệu, đối tượng truyền đạt...; và quan trọng hơn là các vấn đề nằm ngoài ba yếu tố trên - ý thức của đối tượng tiếp nhận - chẳng hạn quan tâm hay thờ ơ với chính sự; tính thiết thực của bản thân chỉ thị, nghị quyết - sát hay không sát đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, phù hợp hay không phù hợp với nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, khả thi hay không khả thi trong thực tiễn.

Nói khác đi, muốn nâng cao hiệu quả chuyển tải, phải chú ý đầy đủ ba cạnh của cùng một tam giác đều: Đối tượng truyền đạt chỉ thị, nghị quyết - Đối tượng tiếp nhận chỉ thị, nghị quyết - Bản thân chỉ thị, nghị quyết. Về đối tượng tiếp nhận chỉ thị, nghị quyết của Đảng, có thể chia thành ba nhóm: một là, cán bộ chủ chốt và cấp uỷ viên - với tư cách là đối tượng tiếp nhận chứ không phải với tư cách người định hướng, lãnh đạo; hai là, cán bộ và đảng viên bình thường; ba là, nhân viên trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công nhân trong doanh nghiệp, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, nhân dân ở khu dân cư.

Còn đối tượng truyền đạt chỉ thị, nghị quyết, ngoài đội ngũ báo cáo viên chuyển tải một cách hệ thống, bài bản, thì cả ba nhóm đối tượng tiếp nhận nêu trên đều có thể trở thành đối tượng truyền đạt thông qua hình thức tuyên truyền miệng, phổ biến đến một số đối tượng tiếp nhận khác những thu hoạch về chỉ thị, nghị quyết của bản thân mình.

Cũng cần hết sức chú ý tới phương pháp nêu gương bằng hành động thực tế - kinh nghiệm cho thấy nhiều khi một hành động thực tế có ý nghĩa hơn một bài giảng đơn thuần lý thuyết dẫu cho hùng hồn, sinh động đến mấy, trước hết thông qua sự tiên phong gương mẫu trong hành động thực tế - chứ không chỉ trong nhận thức - của đội ngũ đảng viên, của tập thể cấp uỷ mà trước hết là của đồng chí bí thư cấp uỷ.

Thật vậy, không một cá nhân người đứng đầu nào, dẫu xuất chúng đến mấy, có thể tự mình thấu hiểu mọi việc, sáng suốt mọi lẽ, đúng đắn trong mọi quyết định. Cá nhân người đứng đầu tổ chức Đảng chỉ có thể có được sự thấu hiểu ấy, sự sáng suốt ấy, sự đúng đắn ấy khi bản thân thực sự cầu thị, khiêm tốn học tập, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ và quan trọng hơn là tập hợp được trí tuệ của tập thể cấp uỷ, của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhưng dẫu sao thì người bí thư vẫn có vai trò hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Đó là ngọn cờ đoàn kết tập hợp, là linh hồn của cả tổ chức Đảng, cũng là tấm gương sáng mẫu mực nhất trong công tác tư tưởng nói riêng và trong sự lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng nói chung.

Nhân đây cần nói thêm là tập thể cấp uỷ và cá nhân đồng chí bí thư cấp uỷ phường xã phải có kiến thức về tình huống học, có năng lực xử lý tình huống chính trị một cách thông minh sáng suốt. Đời sống chính trị càng được dân chủ hoá thì tình huống chính trị càng trở nên phức tạp, thiên hình vạn trạng, đòi hỏi những người lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở phải điềm tĩnh, khôn khéo, biết đánh giá bản chất và mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc.

Cần thấy đối tượng chủ yếu tạo ra những điểm nóng chính trị là người dân - có thể do tự phát hoặc bột phát theo áp lực của đám đông mà cũng có thể do bị kẻ xấu kích động, và những đòi hỏi của họ nhìn chung là chính đáng, vì thế có khi chỉ cần các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể ở địa phương trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, giải thích làm rõ nếu do thiếu thông tin mà có sự hiểu nhầm về bản chất và về mức độ của sự việc, nhận khuyết điểm và hứa khắc phục nếu quả tình là có khuyết điểm, qua đó mà động viên đồng bào tự giải tán một cách êm thấm trật tự.

Theo Công an nhân dân

Bình luận