Giải pháp khắc phục biểu hiện tư duy nhiệm kỳ

Ngày đăng: 12/12/2018 - 14:12

Trong bộ hồ sơ hướng dẫn tổng kết công tác năm 2018 của cán bộ, đảng viên theo quy định mới thì biểu hiện thứ 28 là: Có “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích là một trong 29 biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, cần được nhận diện và khắc phục.

Lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến tư duy nhiệm kỳ (TDNK) tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3 khóa XI (ngày 10-10-2011) như lời cảnh báo, nhắc nhở cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng phải phòng, chống TDNK như một căn bệnh, tệ nạn trong xã hội. Hội nghị T.Ư 4 khóa XII (tháng 10-2016) xác định TDNK là một biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội giữa tháng 6 năm 2017, đại biểu đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình rằng: Hiện nay, TDNK đã và đang tồn tại ở các ngành, các cấp và có thể thấy rất rõ; Điều này dẫn tới tình trạng có sự cắt khúc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp, sự phân tán trong nguồn lực đầu tư, đầu tư kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực. Chính phủ có giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên, hạn chế dần và tiến tới xóa bỏ được TDNK ở trong các ngành, các cấp? Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: Chính phủ chủ trương là một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân. Bộ máy công quyền hành chính nhà nước cũng đòi hỏi những công chức, cán bộ, viên chức, người lãnh đạo các ngành, các cấp phải trên tinh thần đó. TDNK có thể vì lợi ích nhóm; có thể vì muốn thể hiện mình để được phiếu cho kỳ tới; cũng có thể thấy mình đã hết nhiệm kỳ rồi thì thôi, không quyết tâm nỗ lực nữa… Tất cả những biểu hiện này đòi hỏi phải tăng cường xây dựng thể chế, quy chế và kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị Tham tán thương mại (ngày 7-2-2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các cán bộ thương vụ cần vượt qua TDNK, vượt qua khó khăn, tận dụng tốt cơ hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chính phủ có thể xem xét cơ chế phù hợp tương thích với sự cống hiến và đóng góp của các cán bộ thương vụ và ngược lại…

TDNK là một phạm trù chính trị tư tưởng mới và có tính mở cao: Ở điều kiện nhất định, nó có thể trở thành một xung lực thúc đẩy người cán bộ có khát vọng cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung thêm tích cực phấn đấu ghi dấu ấn và thành tích cá nhân trong nhiệm kỳ công tác, khi họ hiểu tính hữu hạn và một chiều của thời gian. Tuy nhiên, về bản chất, TDNK thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực là những suy nghĩ và hành xử được dẫn dắt bởi quan điểm lệch lạc, chỉ tập trung vào các hoạt động thu lợi ích tối đa và an toàn nhất cho bản thân, gia đình và nhóm lợi ích của mình trong nhiệm kỳ đương chức, bất chấp các nguyên tắc tổ chức, pháp luật và mọi hệ lụy tiêu cực to lớn và lâu dài có thể có cho đơn vị và đất nước.

Thực tế cho thấy, TDNK biểu hiện dưới mọi hình thức ngày càng đa dạng, tinh vi; có thể diễn ra ngay từ những ngày đầu và tăng tốc bộc phát trong những năm cuối của nhiệm kỳ; thể hiện rõ nhất trong các quyết định liên quan đến công tác quản lý kinh tế, đầu tư công, quản lý quy hoạch và đất đai; công tác cán bộ…

TDNK khiến nhiều quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, được lập và thông qua dễ dãi, chất lượng thấp; không gắn với nguồn lực và phi thực tế; đồng thời, dễ dàng bị buông lỏng quản lý, thậm chí bị điều chỉnh theo ý chí chủ quan và sự “dẫn dắt” của một vài cá nhân trong mỗi nhiệm kỳ. Thế mới có chuyện đột nhiên xuất hiện nhiều chung cư cao tầng được cài, cắm thêm vào trong khu vực đã được quy hoạch giới hạn độ cao; hoặc việc đất quốc phòng được chuyển cho tư nhân thuê dài hạn, thậm chí hóa giá thành đất dự án nhà cao tầng thương mại... Cuộc chạy đua xây cảng, sân bay và sân gôn ở nhiều tỉnh vừa qua đã được dư luận cảnh báo là một minh chứng điển hình của lối TDNK này.

TDNK là cội nguồn của nhiều quyết định đầu tư công thiếu trách nhiệm và lạm quyền, ưu tiên mục tiêu trước mắt; sự lạm phát các dự án được chỉ định thầu, “né” thầu, cũng như tình trạng tạm ứng vay ngân sách và nợ đọng xây dựng cơ bản “ăn thâm” vào dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những dự án đầu tư có thể được phê duyệt dễ dàng khi kỳ vọng mang lại các khoản “bôi trơn” và “lại quả” hậu hĩnh cho cán bộ có thẩm quyền, bất chấp nguồn vốn và hiệu quả cho dự án đến đâu.

TDNK trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm và trọng dụng cán bộ thường chuộng trật tự ưu tiên “nhất hậu duệ, nhì phả hệ, ba quan hệ, tư tiền tệ, năm trí tuệ”; khiến nhiều quy trình, tiêu chuẩn chất lượng bị vô hiệu hóa hoặc hình thức hóa… dẫn đến tổ chức thêm cồng kềnh và tạo áp lực cho cán bộ tìm mọi cách “đầu tư” và tham nhũng “lấy thu bù chi” do mất tiền chạy chức, chạy quyền…

Thực tế có nhiều dẫn chứng cho thấy TDNK thường gắn với chủ nghĩa cơ hội, bệnh thành tích giả tạo và lợi ích nhóm; làm đảng viên xa rời lý tưởng và đối lập với lợi ích của Đảng, của dân, bùng nổ tệ nạn phe cánh, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí tài sản công và các nguồn lực đầu tư xã hội; trực tiếp làm tăng chi phí, nợ đọng ngân sách và nợ công, làm tổn hại về uy tín, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời, làm tăng bất công, bất bình và suy giảm sự đồng thuận, đạo đức và gắn kết xã hội; làm mất uy tín, giảm hiệu quả lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và suy giảm lòng tin vào chế độ…

Nhận diện và khắc phục TDNK là cần thiết, nhằm tăng cường quản lý nhà nước thống nhất theo hướng kiến tạo và sự chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ và tính cát cứ địa phương, các xung đột lợi ích…

Để ngăn chặn TDNK của cán bộ, đảng viên cần có giải pháp đồng bộ và triệt để, với phương châm cần “tìm người tài chứ không tìm người nhà”. Công tác đánh giá cán bộ cần được tiến hành khoa học và nghiêm túc, bám sát các tiêu chí và quy chuẩn hóa kết quả hoàn thành nhiệm vụ, hiệu quả công việc, tránh hời hợt, hình thức và không thực chất; kiên quyết không đưa những cán bộ thoái hóa biến chất, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào quy hoạch. Khi lựa chọn quy hoạch và bổ nhiệm, cần căn cứ vào mục đích sử dụng, kết quả đánh giá cán bộ; so sánh về kết quả công tác, chất lượng công việc của các chức danh quy hoạch tương đương, gắn với kết quả lấy phiếu giới thiệu của cán bộ, đảng viên theo đúng quy trình, quy định; bảo đảm tuyển chọn được vào trong bộ máy Đảng và công quyền những cán bộ thật sự có đủ “tâm, tầm, tài”, “trung thành, trung thực, thẳng thắn, trí tuệ, tận tụy, thực tiễn”, thật sự vì lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc và Nhân dân. Người đứng đầu chi bộ và cơ quan cần công tâm, gạt bỏ tư tưởng độc đoán chuyên quyền, cá nhân chủ nghĩa và đề cao trách nhiệm trong nhận xét, giới thiệu, thẩm định, xét duyệt, bổ nhiệm và đánh giá cán bộ. Cán bộ được ghi nhận công lao và bảo vệ khỏi áp lực của chủ nghĩa thành tích và tư tưởng dĩ hòa vi quý, an phận thủ thường, nhất là người sắp hết nhiệm kỳ. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị cần bảo đảm tính khoa học, sự chính xác và tạo áp lực mạnh, thay thế nhanh cán bộ không đủ khả năng, trách nhiệm cho vị trí đang đảm nhận. Cần tăng cường sự minh bạch và dân chủ trong giám sát xã hội đối với cán bộ và đạo đức hóa bộ máy lãnh đạo; coi trọng chống TDNK ngay trong đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ và công tác tư pháp; cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW (ngày 15-5-2016) của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW (ngày 1-11-2011) của Ban Chấp hành T.Ư, về những điều đảng viên không được làm và Quy định số 101-QĐ/TW (ngày 7-6-2012) của Ban Bí thư, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nâng cao khả năng tự đề kháng, chủ động phòng, chống TDNK gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, trước hết là trong bộ phận cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.

TS. NGUYỄN MINH PHONG

Theo Báo Nhân dân

Bình luận