Hội thảo khoa học Phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

Ngày đăng: 25/08/2012 - 13:08

Sáng 24-8-2012, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tham dự, Hội thảo có đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; các đồng chí đại diện lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học… PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật chủ trì Hội thảo.

1-PGS1.-TS

PGS. TS. Vũ Văn  phúc phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã thu hút gần 80 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các cơ quan, ban, ngành, trong đó 12 ý kiến phát biểu trực tiếp.

Trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Vũ Văn Phúc nhấn mạnh: Chưa bao giờ Việt Nam lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ cao như hiện nay. Nếu trong thời gian tới, không giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nước ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chất lượng nhân lực trầm trọng, mà hệ quả của nó là sụt giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế; khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”; đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế, đặc biệt sau khi gia nhập WTO… Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tất yếu đang từng bước tiến tới chiếm lĩnh những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, nên đòi hỏi một lực lượng đông đảo nhân lực có trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ và cạnh tranh. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất là yếu tố then chốt bảo đảm nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

3-TS1

TS. Nguyễn Duy Hùng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục cho rằng: Trong giáo dục, đào tạo nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực phải dựa trên yếu tố nhân cách. Tuy nhiên, trong những năm qua, giáo dục nhân cách trong giáo dục ở Việt Nam chưa thật sự thành công. Chúng ta cần quán triệt được các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển giáo dục nói chung, đặc biệt là các vấn đề kinh tế giáo dục nói riêng, làm cho giáo dục vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh của kinh tế, làm cho cơ cấu giáo dục đáp ứng tốt cả 3 mục tiêu: dân trí - nhân lực - nhân tài, làm cho nhà trường thực hiện tốt giáo dục cho mọi người, cho mỗi người, là công việc cấp thiết để sự nghiệp đổi mới của đất nước đi đến thành công.

2-Cac-dai-bieu-tham-du-Hoi-

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Để phát triển được nguồn nhân lực cao, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cần chú trọng gắn kết ba khâu: Đào tạo, sử dụng, đãi ngộ… Việc đào tạo phải dựa trên xu hướng, nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đào tạo đúng địa chỉ sử dụng; tiếp thu các thành tựu của thế giới, tham khảo cách làm hay, trước mắt là trong khu vực như Xingapo...

Theo nhà báo Hữu Thọ, trong bốn nguồn nhân lực chất lượng cao: Các nhà lãnh đạo, quản lý; các nhà văn hóa, khoa học tài năng; các doanh nhân; người lao động, mỗi nguồn nhân lực có vai trò quan trọng riêng cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nhưng thực tế cho thấy, những yếu kém cả về năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đang cản trở sự phát triển của đất nước, do đó, trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ này. Chất lượng nhân lực lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu sẽ thúc đẩy việc nâng cao chất lượng các nguồn nhân lực khác.

Các tham luận đã tập trung làm rõ năm vấn đề: Một là, vai trò quan trọng của nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay; Hai là, những thành tựu, hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực của nước ta trong những năm qua, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay; Ba là, chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng nguồn nhân lực; Bốn là, kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực của một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Nhật Bản và những quốc gia đã đạt được nhiều thành công nhanh chóng trong phát triển kinh tế những thập kỷ gần đây như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Xingapo… Trên cơ sở đó, chỉ rõ những bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay; Năm là, nêu ra những quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Duy Hùng khẳng định: Các vấn được đề cập trong Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư, nhằm góp phần cung cấp những luận chứng khoa học và thực tiễn, thiết thực phục vụ Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa XI) của Đảng.

Phạm Ngọc Huệ

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả