Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Ngày đăng: 20/05/2019 - 12:05

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính và xác định cải cách TTHC là khâu then chốt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hội đồng Tư vấn mong muốn phát huy vai trò, khuyến khích sự tham gia của khối kinh tế tư nhân góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như thúc đẩy việc cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh. Bày tỏ sự nhất trí với định hướng hoạt động của Hội đồng Tư vấn và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC và từng thành viên tập trung thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ sau đây:

Tích cực, chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và TTHC để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra quản lý chuyên ngành… Các thành viên Hội đồng tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, TTHC trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời phản hồi về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ TTHC của các TTHC đã ban hành. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đề cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo đối với văn bản còn khiếm khuyết, không phù hợp, thiếu khả thi... Tuy nhiên, ý kiến góp ý phải rõ ràng, cụ thể; giải pháp nêu ra phải phù hợp và giải quyết được các vấn đề của thực tiễn để cơ quan quản lý hoặc người có thẩm quyền có thể quyết định được ngay, tránh những ý kiến thiếu xác đáng, một chiều.

Phó Thủ tướng Thường trực cho biết: Hiện nay, có nhiều ý kiến đặt ra cần xác định những khâu đột phá mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, những yêu cầu của đổi mới sáng tạo, đầu tư cho hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải cách thể chế, chính sách, phát luật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Đây cũng là những vấn đề được xem xét cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh việc cải cách thể chế như pháp luật, phương thức vận hành của bộ máy nhà nước, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, ý thức phục vụ người dân và doanh nghiệp.

“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Bởi ngoài chi phí giải quyết thủ tục hành chính theo luật nhưng vẫn còn dư luận các doanh nghiệp phải chi phí ngoài luồng”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Đây cũng là chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu cần phải khắc phục tình trạng này và Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo, ban hành Chỉ thị. Sắp tới đây, tập trung chỉ đạo để lan toả mạnh hơn trên tinh thần của Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Đánh giá về hoạt động của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, Hội đồng Tư vấn đã làm việc trách nhiệm và có hiệu quả trong tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã lắng nghe, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương sát với thực tiễn, trúng và đúng vấn đề chứ không phải tư vấn bằng lý thuyết, đáp ứng yêu cầu của đổi mới sáng tạo, tháo gỡ những “nút thắt”, vướng mắc, khó khăn.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh hiện nay các bộ ngành còn nhiều rào cản, nhiều thủ tục hành chính cần cải cách lại chưa cải cách, đây chính là “nút thắt”, cần lắng nghe địa phương, doanh nghiệp họ nói gì, cần gì để tháo gỡ kịp thời. “Chúng ta cứ nói trải thảm kêu gọi đầu tư nhưng có những thủ tục đến vài năm làm nhà đầu tư nản lòng”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Đồng thời, muốn khắc phục tình trạng này, chúng ta phải thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy và biên chế, hiệu lực hiệu quả, phương thức vận hành của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, khảo sát, đánh giá theo chuyên đề như chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng; chuyên đề về chi phí tuân thủ TTHC… báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Hằng năm, Hội đồng Tư vấn thực hiện đánh giá và công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC là một hoạt động có ý nghĩa, tuy nhiên, cần phải cẩn trọng trong thực hiện, việc đánh giá phải thực chất và hiệu quả.

Đồng thời, chủ động đối thoại giữa Hội đồng tư vấn với các bộ, ngành và địa phương đang có nhiều vấn đề lớn đặt ra như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương… để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là kinh tế khu vực tư nhân.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý Hội đồng Tư vấn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào những nội dung như: Giới thiệu những điểm mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong việc giải quyết thủ tục hành chính; những kết quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 02/NQ-CP Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phải lan tỏa được khí thế và tạo động lực cải cách tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân để huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng, phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ tổng kết, trao giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ 19.

Ngày 15/5, phát biểu tại lễ tổng kết, trao giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ 19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trí tuệ Việt Nam đã làm nên nhiều điều “không tưởng” trong lịch sử. Điều đó không chỉ thể hiện khát khao chinh phục của các nhà khoa học mà cao hơn nữa là đem sức lực, trí tuệ của mình phục vụ cho sự nghiệp của đất nước, dân tộc. Điều này càng quan trọng, ý nghĩa hơn trong thời đại khoa học, công nghệ đang phát triển như vũ bão, không đất nước, dân tộc nào đứng yên.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Trong 5 năm qua, khoa học, công nghệ của chúng ta đã có những bước tiến nhảy vọt khi số công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế tăng hơn 2 lần. Nhưng các nước khác cũng tăng nhanh không kém với xuất phát điểm tốt hơn nhiều. Vì vậy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam mới đứng thứ 5 về số nghiên cứu khoa học công bố quốc tế.

Tương tự về kinh tế, hơn 20 năm qua chúng ta tăng trưởng liên tục cao thứ hai thế giới nhưng đến giờ phút này thu nhập bình quân đầu người vẫn rất thấp, đứng khoảng 120-125 thế giới.

Không thể đợi ai từ bên ngoài đến giúp Việt Nam thoát nghèo nếu tự chúng ta không nỗ lực. Có rất nhiều việc phải làm nhưng chắc chắn không thể thiếu đột phá về khoa học, công nghệ. Trong quá trình chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tới, nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, sự sáng tạo của cả đất nước được coi là một khâu đột phá mới theo đúng nghĩa bởi thời gian qua, nhiều nơi, nhiều lúc, trong chỉ đạo thực hiện chưa thực sự coi “khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu”.

Phó Thủ tướng nêu một số hạn chế lớn về cơ chế, chính sách đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ hiện nay. Đó là tỷ lệ đầu tư ngân sách cho khoa học những năm gần đây giảm. Luật quy định phải chi 2% ngân sách cho khoa học, công nghệ nhưng từ năm 2001 đến nay năm cao nhất mới được 1,8% và có xu hướng giảm dần.

Chúng ta không có tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học nên rất nhiều quy định, quy trình phức tạp. Việc sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học chưa hiệu quả, nhiều đề tài, công trình trùng lặp. Chúng ta chưa có những chính sách kinh tế thiết thực để mọi doanh nghiệp thấy lợi ích khi đầu tư vào khoa học, công nghệ.

“Đặc biệt, chúng ta chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong nghiên cứu và thông tin khoa học. Tiền chi cho nghiên cứu ít nhưng nếu phối hợp tốt sẽ tránh được rất nhiều đề tài trùng lặp. Kết nối, tham gia vào mạng lưới thông tin khoa học toàn cầu thì chúng ta có thể tiết kiệm rất nhiều kinh phí khi nhiều công trình đã được nghiên cứu trên thế giới, chỉ cần hiểu, nắm được, có cải tiến thay vì làm lại từ đầu”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Thực tế có những đề tài, chương trình nghiên cứu ngay trong lĩnh vực quân sự cũng chưa có kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị với nhau, giữa quân sự với dân sự, giữa các cơ quan dân sự với nhau, giữa Trung ương với địa phương. Vì vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&CN đề ra một số nhiệm vụ khoa học ở tầm quốc gia, tầm ngành có mục tiêu kết nối tất cả các kết quả nghiên cứu, lực lượng cùng chuyên ngành, công nghệ, sản phẩm với nhau.

Phó Thủ tướng cho rằng lực lượng khoa học trẻ được đặt rất nhiều niềm tin và kỳ vọng bởi sức trẻ luôn có đặc trưng dám nghĩ khác, làm khác, dám sáng tạo, chấp nhận rủi ro.

Phó Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ KH&CN phải có những nhiệm vụ nghiên cứu ở tầm quốc gia theo tinh thần này, “khoán một khoản kinh phí, tuyệt đối tin tưởng các nhà khoa học”. Đây cũng là hướng cần đẩy mạnh triển khai trong nghiên cứu khoa học, công nghệ của quân đội.

“Hơn lúc nào hết, chúng ta cần quan tâm hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong quân đội, trước hết để phục vụ các nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân từng bước chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại.

Làm được như vậy, nhất định Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ hoàn thành thật tốt sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao cho. Xứng đáng với mong ước của Bác Hồ kính yêu cũng như của hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, để đất nước được hùng cường, thực sự sánh vai với các quốc gia bè bạn”, Phó Thủ tướng tin tưởng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp đoàn các doanh nghiệp lớn của Pháp trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, hàng không

Ngày 15/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp đoàn các doanh nghiệp lớn của Pháp trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, hàng không.

Hoan nghênh đoàn doanh nghiệp Pháp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp đang phát triển rất tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế-thương mại-đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Pháp đã đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển hạ tầng hàng không, quản lý khai thác dịch vụ, bảo đảm an toàn bay... Theo đó, các dự án hợp tác sẽ giúp Việt Nam cải thiện, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đồng thời mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư Pháp.

Đối với các dự án đang được triển khai, Phó Thủ tướng đề nghị các bên tiếp tục nỗ lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đặc biệt là các dự án lớn như: Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Công ty Tư vấn ADPi phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam thực hiện nghiên cứu và lập phương án mở rộng, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đạt công suất 60 triệu hàng khách/năm vào năm 2030; Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... bởi đây là các dự án quan trọng, góp phần giảm ùn tắc, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không đang tăng nhanh.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn các doanh nghiệp Việt - Pháp sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, mở rộng đầu tư trong lĩnh vực hàng không và nhiều lĩnh vực khác, mang lại lợi ích cho cả hai nước.

BT: Tấn Đức

(thông tin từ Văn phòng Chính phủ)

Bình luận