Khát vọng thịnh vượng

Ngày đăng: 15/02/2019 - 16:02

Lần đầu, kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước ta lại vượt mốc tăng trưởng 7%, vượt qua mọi dự báo và nằm trong 18 nền kinh tế mới nổi vượt trội nhất thế giới trong vòng 50 năm qua (Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 - WEF ASEAN 2018).

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, thể hiện ở năng suất lao động tăng lên và không còn phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, tài nguyên cũng như mở rộng tín dụng, đầu tư. Quy mô nền kinh tế tăng từ mức 6,3 tỷ USD năm 1989 lên 245 tỷ USD vào năm 2018; GDP bình quân đầu người tăng tương ứng 27,4 lần trong giai đoạn này, mức hiện tại đạt 2.587 USD.

Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam từng được coi là một trong những điểm sáng trên bản đồ kinh tế toàn cầu nhờ dấu ấn tăng trưởng kinh tế cao và lập kỳ tích về đích sớm đối với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Nền kinh tế đã duy trì được tốc độ phát triển ở mức khá trong một thời gian dài, tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 1989 - 2018 đạt khoảng 6,8%, là mức cao trong khu vực ASEAN và chỉ thấp hơn Trung Quốc. Thành tựu lớn nhất và quan trọng nhất là Việt Nam đã từ một nước nông nghiệp lạc hậu gia nhập vào các quốc gia có thu nhập trung bình. Ðất nước cũng bước ra thế giới với diện mạo mới, uy tín và vị thế trên trường quốc tế được nâng cao.

Có thể nói, việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao vào năm 2018 trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức là một kỳ tích của Việt Nam, củng cố thêm niềm tin về vận hội, thời cơ của đất nước. Song, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 30 năm tới tương đương 30 năm vừa qua không hề dễ dàng. Bởi khi đạt được mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ là khó khăn, thách thức lớn. Tuy nhiên, Việt Nam, luôn có khát vọng về sự thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập cao trên thế giới. Không chỉ khát vọng thịnh vượng, Việt Nam còn mong muốn trong thập kỷ tới, có thể đóng góp trở lại cho các nước kém phát triển hơn. Quá trình đi tới quốc gia thịnh vượng được xác định là chặng đường lắm chông gai, nhiều thăng trầm. Khó khăn trước mắt chúng ta đang phải đối mặt chính là những nút thắt về thể chế, trình độ và nguồn nhân lực còn hạn hẹp, sức cạnh tranh của một số ngành kinh tế thấp,… Ðặc biệt, lực lượng chủ lực của nền kinh tế là cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình phát triển. "Sức khỏe" của DN còn yếu ớt, trung bình mỗi năm có hơn 100 nghìn DN mới thành lập, nhưng tỷ lệ DN rời bỏ thị trường luôn ở mức cao, gây ảnh hưởng tới nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ngay từ năm nay, Chính phủ đã xây dựng một Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021-2030 và chuẩn bị các chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn năm 2045. Bài học quan trọng từ thành quả tăng trưởng năm 2018 nói riêng và kinh nghiệm ứng phó biến động từ bên ngoài cho thấy, nếu tập trung củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực của đất nước thông qua các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, sẽ giúp chúng ta có đủ nội lực để vượt qua các "cú sốc" từ bên ngoài. Cùng với đó, là các giải pháp tập trung phát triển các động lực dẫn dắt cho tăng trưởng, như công nghiệp chế biến - chế tạo; dịch vụ; đầu tư của khu vực tư nhân; khoa học - công nghệ và thúc đẩy cải cách, nhất là cải cách thể chế và môi trường kinh doanh. Ðây chính là nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam bứt phá thành công, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng mang tầm quốc gia.

Tô Hà

Theo Báo Nhân dân

Bình luận