“Lối thoát” nào cho ngành xuất bản Việt Nam?

Ngày đăng: 17/02/2014 - 08:02

Trăn trở, băn khoăn vì thực trạng ngành xuất bản Việt Nam năm 2013 vẫn chưa thoát khỏi cơn “bĩ cực”, là không khí chung của Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB) mới diễn ra tại Hà Nội. Trăn trở đến mức, ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã thốt lên: “Chúng ta phải nỗ lực phấn đấu hết mình để ngành xuất bản thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, chứ chưa vội nói đến mục tiêu… phát triển”!


loi thoat nao cho XBNgười dân tham quan, tìm hiểu tại một triển lãm sách hay về Hà Nội.


“Gam màu” vẫn ảm đạm

Báo cáo tóm tắt hoạt động xuất bản năm 2013 của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Tính đến ngày 31-12-2013, các NXB trong cả nước đã đăng ký 52.325 cuốn, đã in ấn 23.603 cuốn với 256.161 triệu bản. Như vậy, số lượng in ấn mới đạt 45,1%. Điều đó cũng có nghĩa là, tỷ lệ xuất bản chưa đạt 50% so với kế hoạch đặt ra. Báo cáo cho biết thêm: Năm 2013, sức mua của thị trường xuất bản phẩm giảm đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị xuất bản. Sách tiêu thụ chậm, nợ đọng của nhiều NXB lên cao.

Theo Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), trong số 20 NXB hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì đã có một NXB tự trả giấy phép, dừng hoạt động, còn hơn một nửa trong số 19 NXB còn lại thì sản xuất kinh doanh thua lỗ trong năm 2013.

Trong khi phát biểu, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã tiết lộ một con số không có trong báo cáo, khiến không khí hội nghị như chùng hẳn xuống: Một cán bộ Cục Xuất bản, in và phát hành cho tôi biết, trong 64 NXB của cả nước, chỉ có 4 đơn vị làm ăn thực sự ổn định, có lãi, nộp đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đó là NXB Giáo dục, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, NXB Trẻ và NXB Kim Đồng. Một vài NXB khác cũng có thể trụ vững được. Còn lại phần lớn các NXB đều ít nhiều gặp khó khăn, thậm chí có NXB tồn tại lay lắt, bên bờ vực thẳm và có NXB chuẩn bị “cáo phó”!

Nguồn cơn dẫn đến… bĩ cực

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), giãi bày: Là người trong cuộc, tôi rất “đau đầu” về tình trạng sản xuất kinh doanh của các NXB trong năm 2013. Số lượng in ấn, phát hành không những giảm sút so với năm 2012, mà kinh phí đầu tư của Nhà nước cho toàn ngành xuất bản năm qua chỉ bằng nửa một kênh truyền hình bình thường. So sánh nào cũng khập khiễng. Nhưng thử hỏi, một kênh truyền hình bình thường liệu có thể thay thế được hơn 23.600 cuốn sách đã được xuất bản năm 2013 không?

Rồi ông thẳng thắn bày tỏ: Vấn đề kinh phí cũng rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Cái chính là ở cơ chế, chính sách. Không phải bây giờ, mà cả chục năm qua, chỉ có bốn chữ thôi, đó là “cơ chế, mô hình” nào cho các NXB mà chúng ta loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản, đến nay chúng tôi vẫn vừa đau đáu, vừa hoang mang vì “bốn chữ” đó!

Như minh chứng thêm nhận định trên, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, người từng phụ trách lĩnh vực báo chí - xuất bản nhiều năm, hiện là Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói: Tôi cũng rất bức xúc vì cơ chế của ta vẫn ì ạch quá. Mấy năm trước đây, chúng tôi đã xây dựng đề án về mô hình xuất bản rồi, nhưng đến nay đã thấy hồi âm gì đâu?

Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Cũng như nhiều đơn vị xuất bản khác, 6 NXB của Bộ VHTTDL vẫn chưa tìm ra lối thoát vì một câu hỏi lớn: NXB là doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp có thu? Nếu theo mô hình doanh nghiệp, các NXB trong ngành văn hóa khó có thể cạnh tranh trên thương trường để mang lại lợi nhuận. Thời gian qua, lãnh đạo Bộ VHTTDL vẫn phải “len lén” trích một nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa để mỗi năm hỗ trợ luân phiên cho các NXB trong Bộ có thêm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động. Dù Kiểm toán Nhà nước lên tiếng về việc làm này là chưa phù hợp, nhưng chúng tôi cho rằng, trong khi chưa có mô hình, giải pháp khả thi, đành phải chấp nhận thực tế đó để giúp các NXB không bị phá sản trước khi tái cơ cấu.

Ở một khía cạnh khác, Thiếu tướng Bùi Bá Định, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an) nhìn nhận: Nhiều NXB những năm gần đây gặp khó khăn là do các xuất bản phẩm truyền thống đứng trước “cơn lốc” công nghệ số bùng nổ, sách điện tử (e-book) ra đời, ngày càng thu hút giới trẻ và tình trạng in lậu sách vẫn tràn lan, rất khó kiểm soát.

 “Lối thoát” nào?

Có một thực tế đau lòng mà nhiều nhà quản lý và những người trực tiếp làm xuất bản đã chỉ ra là: Thời gian qua, không ít NXB muốn tồn tại phải đi liên kết với các đối tác khác. Nhưng việc liên kết này dẫn tới một hệ lụy mà chính ông Chu Văn Hòa đã chỉ ra: Trong số 90% xuất bản phẩm liên kết thì có tới hơn 99,5% có nội dung sai sót bởi sự liên kết này. Như vậy không quá khó để hiểu rằng, sở dĩ “lụy tiền” nên NXB dễ bị “thao túng” từ chính những đối tác liên kết của mình!

Để thoát khỏi tình trạng “bĩ cực” của ngành xuất bản hiện nay, ngoài đòi hỏi các NXB phải “tự cứu mình” bằng cách nhạy bén, năng động với thương trường, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm xuất bản trong thời đại công nghệ số lên ngôi, thì vấn đề mấu chốt được nhiều nhà quản lý và lãnh đạo NXB quan tâm là phải tiếp tục có những tác động sâu rộng đến các cấp, các ngành để xác định hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, phi lợi nhuận, từ đó có những chính sách, hành lang pháp lý thuận lợi để tạo điều kiện cho các NXB hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, góp phần làm giàu đời sống văn hóa tinh thần cho xã hội.

Cùng với đó, phải có sự “vào cuộc” quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương có NXB. “Cơ quan chủ quản được ví như cha mẹ, NXB là con đẻ của họ. Nếu cha mẹ sinh con ra mà không chăm nuôi hay “đem con bỏ chợ” thì đừng hy vọng các NXB có thể đứng vững trên đôi chân của mình được. Còn về cơ chế, tới đây chúng tôi sẽ kiên trì đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục giảm thuế từ 10% xuống 5% cho các NXB theo mô hình doanh nghiệp để họ giảm bớt khó khăn như hiện nay”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Bài và ảnh: THIỆN VĂN

(Theo QĐND)


Bình luận