Nêu gương để “xây” cán bộ tốt

Ngày đăng: 15/11/2018 - 09:11

Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điểm cốt lõi của Quy định là “Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu” và theo nguyên lý "Có xây, có chống và xây trước, chống sau", góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với Tạp chí Tuyên giáo xoay quanh nội dung này.

CHỨC VỤ CÀNG CAO, CÀNG PHẢI GƯƠNG MẪU

*Trước đây, đã có những quy định của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Vì sao Hội nghị Trung ương 8 khóa XII tiếp tục ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, thưa đồng chí?

- Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã thảo luận và quyết định ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là lần đầu tiên Trung ương đưa ra thảo luận và quyết định về vấn đề này.

Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên được xác định là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc rèn luyện, giáo dục, bồi dưỡng, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên.

Trước đây, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và thực hiện từ năm 2012. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Các quy định đó mới chỉ quy định về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, mới chỉ nhấn mạnh “nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”, chưa cụ thể hóa trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương trong khi sự nêu gương của các đồng chí này có tác động mạnh mẽ, sâu sắc và có sức lan tỏa trong toàn Đảng, toàn xã hội.

Qua thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhận thức của các cấp ủy, của cán bộ, đảng viên về nội dung này đã có những chuyển biến nhất định, nhưng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, kể cả về mặt nhận thức, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc. Cho nên, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ở một số nơi còn hình thức, chưa đạt được yêu cầu như mong muốn.

Tại Hội nghị lần này, các đồng chí Trung ương thảo luận rất sôi nổi, trách nhiệm, tâm huyết và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc. Điều đó càng khẳng định, việc Trung ương ban hành Quy định nêu gương, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương hết sức có ý nghĩa, đúng thời điểm và đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân.

Cũng cần nói thêm rằng, đây là quy định của Ban Chấp hành Trung ương ban hành, có tính pháp lý cao hơn, hiệu lực lớn hơn so với quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành.

* Quy định lần này có những điểm mới, cụ thể đáng chú ý như thế nào, thưa đồng chí?

- Quy định về trách nhiệm nêu gương lần này cô đọng, vừa khái quát, vừa cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo và dễ kiểm tra, giám sát. Nguyên lý xây dựng Quy định là “có xây, có chống và xây trước, chống sau”. Điểm cốt lõi của Quy định là “cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu” và nhấn mạnh trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điều 2 trong Quy định là những nội dung có tính chất “xây”, xây từ trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đối với Đảng, Tổ quốc, bản thân và đối với công việc. Điều 3 là những nội dung có tính chất “chống”, kiên quyết chống với mọi biểu hiện từ chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, đến những việc cụ thể của sự suy thoái…

Tôi cho rằng, Quy định lần này như một “khuôn mẫu” để mỗi Ủy viên Trung ương soi vào và thực hiện. Vì đã là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thì phải gương mẫu, đi đầu thực hiện, không được phép làm những việc ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Bên cạnh việc các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện, Quy định sẽ được công bố rộng rãi trong toàn Đảng, đến các chi bộ để cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng biết, thực hiện, theo dõi và giám sát.

* Vậy theo đồng chí, vì sao cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu?

- Bởi vì chức vụ của các cán bộ đảng viên càng cao, càng lớn thì phạm vi tác động, ảnh hưởng càng rộng.

Một việc làm tốt của cán bộ, đảng viên ở một địa phương, đơn vị chỉ ảnh hưởng, tác động đến địa phương, đơn vị đó. Một hành động gương mẫu của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương sẽ có sự lan tỏa và tác động mạnh mẽ sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân.

Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người nhường cơm sẻ áo, lập hũ gạo cứu đói Người gương mẫu thực hiện cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, cùng đồng bào nỗ lực chống giặc đói. Mùa Xuân năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi thực hiện “Tết trồng cây”, và Người đều gương mẫu đi đầu tham gia Tết trồng cây. Người kêu gọi nhân dân rèn luyện sức khỏe để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vì “Bản thân tôi ngày nào cũng tập”. Dù là Chủ tịch nước, Người không nề hà đến tận nơi thăm bà con nông dân, ra tận ruộng, xắn quần cùng tát nước, cấy lúa. Với cán bộ, đảng viên, Bác khuyên, phải hết sức coi trọng, tu dưỡng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và Người chính là hình mẫu thuyết phục của những phẩm chất đó.

GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CẤP CHIẾN LƯỢC

* Trên thực tế, không ít cán bộ ở các cấp, kể cả những cán bộ đã từng giữ trọng trách lớn trong Đảng, trong Chính phủ đã vi phạm kỷ luật, pháp luật, nguyên tắc Đảng và bị đưa ra xử lý?

- Thời gian qua, một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp, trong đó có cả cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước đã vi phạm khuyết điểm, thậm chí có người vi phạm cả pháp luật của Nhà nước và phải xử lý bằng pháp luật. Điều này đã có tác động rất xấu đến toàn xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến vai trò lãnh đạo và uy tín của Đảng, Nhà nước.

Để khắc phục và xóa bỏ tình trạng đó, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã đấu tranh quyết liệt với tệ tham nhũng, lãng phí và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, niềm tin của dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường. Mấu chốt của vấn đề là nói đi đôi với làm, Đảng nói là xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền thì Đảng làm như vậy. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị của Trung ương trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược có năng lực phẩm chất tốt, góp phần nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

*Như vậy, cũng có thể coi nêu gương cũng là một trong những giải pháp tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW khóa XII?

- Đúng vậy. Vừa qua, khi tổng kết 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ, Trung ương khẳng định Chiến lược cán bộ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, tạo khung thể chế cho sự định hình và phát triển đội ngũ cán bộ của thời kỳ phát triển mới của đất nước. Đội ngũ cán bộ của chúng ta có bước phát triển, trưởng thành về nhiều mặt. Số lượng tăng hơn, trình độ nâng cao hơn, kiến thức rộng mở hơn, kinh nghiệm phong phú hơn. Chính sự trưởng thành, phát triển đó có ý nghĩa lịch sử, quyết định làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua.

Bên cạnh đó, Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế khuyết điểm, yếu kém của đội ngũ cán bộ. Đó là, đội ngũ cán bộ của chúng ta đông nhưng không mạnh. Trong đội ngũ cán bộ, còn một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu; còn một bộ phận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; còn có một bộ phận hư hỏng, làm nghèo đất nước, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Chính những yếu kém của đội ngũ cán bộ và những khuyết điểm trong công tác cán bộ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước chúng ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình, chậm phát triển so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là đánh giá rất thẳng thắn, chính xác của Trung ương về đội ngũ cán bộ.

Vì vậy, khi các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng thực sự gương mẫu, trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng cũng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề ra.

* Có thể kỳ vọng như thế nào về việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của các cán bộ, đảng viên, thưa đồng chí?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Điều đó có nghĩa khi cán bộ đảng viên đi đầu nêu gương trước sẽ tạo sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng. Sinh thời, Người rất chú trọng việc biểu dương tấm gương người tốt việc tốt, bởi từ đó, những việc tốt không chỉ lôi cuốn những người khác làm theo mà còn có sự lan tỏa mạnh mẽ.

Tin tưởng rằng, nếu tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đề cao trách nhiệm nêu gương thì chắc chắn những việc tốt được lan tỏa mạnh mẽ, những việc tích cực sẽ đẩy lùi tiêu cực; cái tốt, cái đẹp sẽ dẹp cái xấu, góp phần quan trọng xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

* Xin cám ơn đồng chí!

THU HẰNG (thực hiện)

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận