Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên

Ngày đăng: 11/02/2020 - 16:02

 

Trải qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển. Những thành tựu đó đã khẳng định đường lối của Đảng ta là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước và thời đại. Song, bên cạnh những thành tựu đạt được, tiến trình đổi mới vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn ra phức tạp, đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp bách.

1. Công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên thời gian qua

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái, trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm đã cụ thể hóa các hành vi, biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tương ứng với nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm là các hình thức kỷ luật.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật kiến thức, tập huấn tay nghề, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cập nhật thông tin thời sự trong và ngoài nước, giáo dục, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống, đấu tranh nhằm làm trong sạch Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao chất lượng, năng lực, kỹ năng công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Song, trên thực tế, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị cùng với suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng như Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tiếp tục khẳng định, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; một số cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, có tư tưởng, hành động chống đối Đảng, Nhà nước. Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã có nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ chức vụ cao bị kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa gương mẫu, còn quan liêu, cửa quyền làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan, tổ chức đảng, gây bức xúc trong dư luận1. Có thể dẫn ra một số trường hợp như: kỷ luật GS.TS. Chu Hảo - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ do vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Nhà nước; kỷ luật cảnh cáo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải do vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; xóa tên đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ đối với Lê Phước Hoài Bảo, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam vì không trung thực trong kê khai lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, truy tố, bắt giam, xét xử ông Đinh La Thăng vì vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011; khai trừ ra khỏi Đảng, truy tố, bắt giam các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tội nhận hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Tổng Công ty MobiFone mua cổ phần AVG;… Bên cạnh đó, nhiều tướng lĩnh quân đội, công an giữ cương vị cấp cao, đứng đầu các bộ tư lệnh cũng bị xử lý kỷ luật, truy tố do có biểu hiện tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy, kịp thời đề ra những biện pháp đấu tranh nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp bách đối với các cấp, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng, cơ bản, lâu dài của cả hệ thống chính trị.

2. Một số giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, chủ động, tích cực bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

Vấn đề cơ bản của cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, vì việc dùng các biện pháp áp đặt và trừng phạt khó có thể thay đổi được nhận thức. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và đoàn thể cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng. Coi trọng nghiên cứu lý luận trong công tác tư tưởng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó lấy các tiêu chí khoa học, khách quan làm trung tâm. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học. Chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. 

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp trong việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, nhất là trong thời điểm tổ chức các sự kiện chính trị trọng đại, các vấn đề dư luận quan tâm, vụ việc phức tạp, nổi cộm, công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá “tin giả”, thông tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội. Ban tuyên giáo các cấp định kỳ tổ chức thông báo nội dung, cung cấp thông tin và hướng dẫn để các cơ quan báo chí, cơ quan lý luận tiến hành đấu tranh phê phán thường xuyên, kịp thời các tư tưởng, quan điểm sai trái. Tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về những cán bộ, đảng viên có biểu hiện gây mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng; tham gia các tổ chức hội trái quy định của Đảng, Nhà nước; lợi dụng quyền dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống người khác làm ảnh hưởng xấu đến nội bộ Đảng; trả thù, trù dập những  người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại dưới nhiều hình thức; đồng thời, cần có biện pháp quản lý, không để kẻ địch lợi dụng. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt của chi bộ, kịp thời phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, từ đó củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Hai là, nêu cao tinh thần gương mẫu, nâng cao chất lượng, năng lực công tác, kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập nội dung này: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Cho đến nay, tư tưởng đó vẫn giữ nguyên giá trị và càng trở nên cần thiết khi Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI và XII của Đảng. Do đó, cần thực hiện tốt các quy định về nêu gương: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55/QĐ-TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Cùng với đó, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần tích cực kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ và chế độ, chính sách đối với cán bộ sau khi sắp xếp bộ máy bị dôi dư, nhất là chính sách tiền lương, nhà ở. Làm tốt việc đánh giá cán bộ, phát hiện nguồn cán bộ chất lượng để đưa vào quy hoạch. Tổ chức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, lựa chọn được người tài. Kiên quyết và kịp thời thay thế những cán bộ tham nhũng, tiêu cực.

Cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến cơ sở phải thực sự gương mẫu đi đầu trong việc nêu gương về đạo đức, lối sống, kiên quyết phòng, chống tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”2; “có ý thức làm chủ Nhà nước" thấm nhuần sâu sắc “tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình””3, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”4; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống vị kỷ, thực dụng, thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, thực sự là nô bộc của Nhân dân.

Ba là, giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức

Nguyên nhân của sự tha hóa quyền lực xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn  và khe hở của cơ chế, chính sách để trục lợi. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bệnh tham lam -  Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”5. Do đó, việc giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên cần tập trung vào nội dung nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến cơ sở phải thường xuyên tự soi, tự sửa, tự học tập như việc “đánh răng, rửa mặt” hằng ngày; coi học tập là nhu cầu tự thân bởi quá trình phấn đấu, tự tu dưỡng, rèn luyện là quá trình tích cực, chủ động tự điều chỉnh hành vi của mình, tự giác nhận khuyết điểm, tự sửa chữa mình, không tranh công, đổ lỗi, sợ trách nhiệm.

Bốn là, tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật, thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng

Mặc dù hiện nay pháp luật của nước ta có trên 200 bộ luật, luật và hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, ngoài ra còn có Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng, song tình trạng suy thoái, tha hóa  quyền lực, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn tồn tại, thậm chí có xu hướng phát triển, gây hậu quả nghiêm trọng.

Do đó, cần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật, các quy định của Đảng theo hướng chi tiết và cụ thể hóa cao hơn, từ đó làm căn cứ để cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo môi trường lành mạnh để mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu, tiến bộ và trưởng thành. Tập trung hoàn thành việc xây dựng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, nhất là quy định về những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định về việc ngăn chặn những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định việc cho thôi giữ vị trí, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; quy định cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Năm là, đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, nhất là trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần chuyển biến nhận thức trong toàn Đảng, trước hết là trong cấp ủy, lãnh đạo các cấp về tính chất nghiêm trọng của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong thực hiện Điều lệ Đảng, trách nhiệm nêu gương, tự soi, tự sửa theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ, đạo đức, lối sống. Trong tổ chức thực hiện, cần có biện pháp phù hợp để đánh giá phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời những đảng viên vi phạm; phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc giám sát cán bộ, đảng viên.

Tóm lại, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng cũng như sự phát triển bền vững của đất nước, vì vậy cần có sự đoàn kết, quyết tâm kiên trì của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

1. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã có 19 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật bằng các hình thức, trong đó có những trường hợp bị xử lý hình sự.

2, 3, 4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,  2011,  t. 15, tr. 547; t. 13, tr. 66; t. 1, tr. 28; t. 5, tr. 295.

Bùi Thái Trọng

Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả