Những bức xúc và bất cập trong công tác xuất bản

Ngày đăng: 11/02/2014 - 10:02

Cuối năm 2013, một số sự kiện như kiến nghị của bảy nhà xuất bản (NXB) ở Hà Nội gửi Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), các ý kiến phát biểu tại Hội nghị giao ban xuất bản cuối năm tại TP. Hồ Chí Minh,... đã tiếp tục làm "nóng" vấn đề và đặt ra câu hỏi: Phải chăng đã đến lúc cần xây dựng chính sách phù hợp, đưa ra giải pháp thỏa đáng để giúp ngành xuất bản phát triển đúng với vị trí, mục đích, vai trò xã hội?1284119847aaa

Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong năm 2013, ngành xuất bản ở Việt Nam đã xuất bản gần 25.000 cuốn sách với 274 triệu bản. So với số liệu năm 2012 (16.500 cuốn sách với gần 190 triệu bản) thì đây là con số đáng mừng, cho thấy một bước phát triển của ngành xuất bản. Nhưng con số ấy sẽ ít nhiều giảm ý nghĩa nếu so sánh với một số vụ việc, và một số vấn đề có tính "vấn nạn" trong lĩnh vực xuất bản mà báo chí đề cập, đặc biệt là so sánh với kiến nghị của bảy NXB ở Hà Nội gửi Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), ý kiến của một số đại biểu tại Hội nghị giao ban xuất bản hồi cuối năm 2012 ở TP. Hồ Chí Minh. Nhiều lý giải, phân tích đã được đưa ra, nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ, song xét đến cùng thì cơ bản vẫn là tình trạng kinh doanh thua lỗ. Nhiều NXB "không trả nổi tiền thuê nhà, thuê đất" nên "nợ nần, có nguy cơ dẫn đến phá sản" và phải gửi kiến nghị tới cơ quan chức năng. Một bài báo cho biết: Trong bảy NXB này, một NXB năm 2011 lỗ 400 triệu đồng, năm 2012 lỗ tiếp 180 triệu đồng; một NXB năm 2011 lãi 640 triệu đồng, năm 2012 lại lỗ 128 triệu đồng; năm NXB còn lại thì "chưa đến mức kinh doanh thua lỗ, nhưng đa số chỉ có mức lãi "tượng trưng" vài chục triệu đồng cho cả một năm hoạt động"!? Đặc biệt, dù đã bàn thảo nhiều, nhưng hầu như các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vẫn chưa quan tâm trả lời rành mạch câu hỏi: Tại sao vài năm trở lại đây, số đầu sách bị dừng phát hành lại có xu hướng tăng lên?

Như Điều 3 Luật Xuất bản (số 19/2012/QH13, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) thì: "Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Điều này cho thấy, sản phẩm từ xuất bản có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội - con người, vì thế dù coi sản phẩm từ xuất bản là một loại hàng hóa thì vẫn phải coi đó là loại hàng hóa đặc biệt, luôn chịu sự chi phối, quy định của Điều 10 Luật Xuất bản về "Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản".

Nhiều năm trước đây, hầu như hoạt động xuất bản ở Việt Nam được bao cấp toàn bộ, thua lỗ có "Nhà nước chịu", gây tâm lý chờ đợi, ỷ lại. Dẫu vậy, từ tâm huyết nghề nghiệp, đây cũng là thời "hoàng kim" với rất nhiều cuốn sách, xuất bản phẩm có chất lượng cao. Hiện tượng bạn đọc cả nước tìm đọc một cuốn sách không phải là hiếm, trong đó có cuốn trở thành "sách gối đầu giường". Tới những năm gần đây, phải nói rằng ngành xuất bản vẫn chưa thích ứng với yêu cầu của thời kỳ mới. Kinh doanh sách, xuất bản phẩm trong bối cảnh bao cấp của Nhà nước không còn như trước, trong khi đó công chúng lại có nhiều phương tiện thỏa mãn nhu cầu văn hóa hấp dẫn, sinh động hơn,... đã buộc ngành xuất bản phải đi tìm lời giải cho một bài toán khó. Vì thế, Điều 23 Luật Xuất bản về "liên kết trong hoạt động xuất bản" ra đời là một trong các cách thức giúp tháo gỡ một số khó khăn mà ngành xuất bản phải đối mặt. Tuy nhiên, từ thực tế xuất bản trong các năm gần đây, có lẽ Điều 23 nói trên hầu như lại trở thành phương thức tồn tại của nhiều NXB? Bởi hình thức liên kết xuất bản ngày càng trở nên phổ biến và không còn là điều ngạc nhiên nếu thấy trên bìa 1 nhiều cuốn sách mới xuất bản có in logo của một nhà sách, công ty nào đó. Dẫn tới một nghịch lý là: Trong khi nhiều cơ quan xuất bản ca thán vì thua lỗ, thì các "tổ chức có tư cách pháp nhân" - hình thức NXB có thể liên kết theo quy định (như nhà sách, công ty văn hóa, truyền thông,...) lại thi nhau ra đời, và dường như vẫn "sống khỏe" qua sự tấp nập của các "phố sách" xuất hiện ở nhiều nơi. Và đáng buồn là trong khi có NXB đôn đáo tìm kiếm bản thảo, mua bản quyền của đối tác nước ngoài,... để xuất bản các cuốn sách có chất lượng tốt, thì một số NXB vẫn duy trì thói quen của thời bao cấp. Thói quen đó là: cấp giấy phép xuất bản và thu quản lý phí, như một bài báo đã viết: "Rất nhiều NXB không thể sống được bằng sách kế hoạch A (tức sách do NXB tự kinh doanh), mà sống bằng quản lý phí sách kế hoạch B và trông chờ vào mùa lịch blốc cuối năm"!

Khi liên kết xuất bản trở nên phổ biến thì dù chặt chẽ đến đâu, NXB cũng không thể giữ vai trò chủ đạo trong quá trình xuất bản - phát hành. Khi đối tác liên kết giữ vai trò "chủ chi", họ sẽ mặc nhiên làm chủ quá trình xuất bản - phát hành, chứ không phải nơi cấp giấy phép và thu quản lý phí. Mà đã kinh doanh thì đối tác liên kết cần có lãi, vốn không bị đọng và thu hồi nhanh,... nên NXB khó có thể yêu cầu đối tác phải ứng xử với sách và xuất bản phẩm như Điều 3 Luật Xuất bản đòi hỏi. Nếu NXB tắc trách trong biên tập, thậm chí sau khi cấp giấy phép là phó mặc cho đối tác liên kết, và đối tác liên kết chỉ quan tâm làm sao "sách bán chạy", ít chú ý tới giá trị tư tưởng - nghệ thuật, thì NXB cũng khó có thể kiểm soát. Đó là một lý do làm cho thị trường sách (nhất là sách văn học, nghệ thuật) xuất hiện những cuốn sách vi phạm Luật Xuất bản, giá sách đội lên rất cao (có khi người mua được chiết khấu hàng chục phần trăm ngay sau khi phát hành); lại có kẻ trục lợi từ "sách bán chạy" bằng thủ đoạn in lậu,... Để sách bán chạy, người ta còn thực hiện một số chiêu trò như: phát hành sách trước thời hạn nộp lưu chiểu, khi cơ quan chức năng nhắc nhở, hay tạm đình chỉ phát hành, thì vội loan tin "sách có vấn đề" và người đọc vì tò mò mà lùng mua; rồi đổi tên sách, đổi tên tác giả để nếu cơ quan chức năng không phát hiện thì sẽ phát hành trót lọt (như đổi tên Trại súc vật thành Chuyện ở nông trại; hay năm 2010 một dịch giả kể với VOA đã xuất bản một cuốn sách bằng cách đổi chữ "dân chủ" thành "dân trị" trong nhan đề; và cách đây không lâu, có nơi lại sử dụng bút danh Tràng Thiên để in sách của Võ Phiến,...). Nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới những hạn chế, tiêu cực trong xuất bản. Nhưng trước hết hãy tìm nguyên nhân từ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm. Một tác giả đã viết: "Hiện nay trong các NXB, có bao nhiêu người thật sự tâm huyết với sự nghiệp làm sách? Một sự thật đáng buồn là rất nhiều lãnh đạo các NXB không tâm huyết với sự nghiệp làm sách bằng... tư nhân". Khi lãnh đạo NXB không tâm huyết với công việc xuất bản, thì tình trạng thua lỗ, tắc trách, và sự xuất hiện các cuốn sách, xuất bản phẩm có sai sót về tri thức, không phù hợp với sự phát triển xã hội - con người, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, vi phạm Luật Xuất bản là hệ quả rất khó tránh khỏi.

Nói như vậy không có nghĩa là bỏ qua quyền lợi của các doanh nhân thật sự tâm huyết với nghề xuất bản. Vì không thể phủ nhận một thực tế là những năm qua, ngành xuất bản ít nhiều khởi sắc là do có sự tham gia của một số cơ sở kinh doanh sách và xuất bản phẩm. Cho nên, nếu một mặt cần yêu cầu, tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh hoạt động phù hợp với pháp luật, khuyến khích họ đem tới các cuốn sách, xuất bản phẩm có giá trị chân - thiện - mỹ, góp phần phát triển xã hội - con người; thì mặt khác, cần có biện pháp chế tài nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân hoạt động xuất bản một cách lành mạnh. Như với sách lậu, sự kiện năm 2011, sau khi Công an Hà Nội và quản lý thị trường niêm phong, thu giữ gần 10.000 cuốn sách in lậu thành phẩm, bán thành phẩm, cùng rất nhiều sách giả, một lượng lớn trang bìa, ruột đã in xong của nhiều cuốn sách chưa rõ nguồn gốc,... tại cơ sở gia công sau in Huy Thi (Ngọc Hồi, Hà Nội) mà cơ sở này chỉ bị phạt 12 triệu đồng, rồi tiếp tục hoạt động là không có tính răn đe. Về luật pháp, NXB và đối tác liên kết không có quyền khám xét cơ sở in lậu, làm sách lậu, mà chỉ có thể phát hiện, và việc còn lại là của các cơ quan chức năng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, ủng hộ NXB và đối tác liên kết trong việc loại trừ nạn sách lậu, vi phạm bản quyền. Và khi bị in lậu, bị vi phạm bản quyền, NXB và đối tác liên kết cần chủ động dựa vào pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Sự kiện First News - Trí Việt thắng kiện về bản quyền đối với hai trường ngoại ngữ lớn ở TP. Hồ Chí Minh, và một trường đào tạo ngoại ngữ tại Hà Nội vừa buộc phải đền bù 729 triệu đồng và đề nghị First News - Trí Việt rút đơn kiện là bài học mà các NXB và đối tác liên kết cần tham khảo nếu quyết tâm loại trừ nạn in lậu, vi phạm bản quyền.

Để kết thúc câu chuyện về các "vấn nạn" của xuất bản, cần nhắc tới năng lực của biên tập viên các NXB, của chuyên viên đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, cộng tác viên đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu thuộc Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông của các tỉnh, thành phố. Được biết, đội ngũ này còn nhiều hạn chế về số lượng, tuy nhiên căn cứ vào hiện tượng một số cuốn sách, xuất bản phẩm vi phạm Luật Xuất bản một cách tinh vi vẫn được phát hành, nhất là sách dịch, có lẽ đội ngũ này còn thiếu chuyên gia am hiểu về mỗi lĩnh vực xã hội, về mỗi tác giả, mỗi xu hướng tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật,... cụ thể? Nếu đúng vậy, cần sớm kiện toàn, vì đó là những người có vai trò quan trọng quyết định sự có mặt của sách và xuất bản phẩm trong đời sống.

NGUYỄN LỮ HOÀI AN

(Theo Nhân dân)

Bình luận