Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã tại các tỉnh Tây Bắc Việt Nam

Ngày đăng: 12/11/2018 - 08:11

Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá về những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn trong thực hiện pháp luật dân chủ ở các tỉnh Tây Bắc, tác giả nhận định: để tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh Tây Bắc trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện pháp luật dân chủ cấp xã, cần phải đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là giải pháp quan trọng bảo đảm thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc hiện nay.

Các tỉnh Tây Bắc gồm Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, có diện tích tự nhiên 3732,5 ha, chiếm 11,31% diện tích cả nước, dân số là 30.327 nghìn người (tính đến ngày 31-12-2015); cơ cấu dân số ở vùng nông thôn chiếm 86,1%, thành thị chiếm 13,9%. Tính đến 31-12-2016, các tỉnh Tây Bắc có 41 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, gồm 4 thành phố, 1 thị xã, 36 huyện,  29 phường, 32 thị trấn, 591 xã, trong đó có 343 xã đặc biệt khó khăn, 69 xã biên giới; với 923,86 km biên giới với nước Lào và Trung Quốc (Lào là 610km, Trung Quốc là 313,86km), phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào; phía đông giáp vùng Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng; phía nam giáp vùng Bắc Trung Bộ. Do vậy, các tỉnh Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp các tỉnh Tây Bắc, chính quyền cấp xã đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị, Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11-5-1998, Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn và gần đây là Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007. Nhờ vậy, việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc đã thu được những kết quả đáng khích lệ, bầu không khí dân chủ và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân được nâng lên. Nhiều xã, phường, thị trấn phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân, kịp thời khơi dậy sức sáng tạo của Nhân dân trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, tăng cường đoàn kết, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, kinh tế không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố, v.v..

Tuy nhiên, đến nay, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chưa hiệu quả, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều bất cập, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, đời sống của Nhân dân tuy được cải thiện, song còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Trong triển khai thực hiện pháp luật dân chủ ở cấp xã trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc bộc lộ không ít khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, của hội nhập kinh tế quốc tế và những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý của một số cấp ủy đảng và chính quyền cấp xã. Có nơi, có lúc, cấp ủy Đảng, chính quyền còn lúng túng trong thực hiện dân chủ, chưa thực sự nắm chắc nội dung của pháp luật về dân chủ nên nội dung, hình thức công khai tới Nhân dân chưa thực hiện đầy đủ, làm cho dân chủ trở thành hình thức. Vẫn còn một số ít cán bộ chưa phân biệt được công việc nào đưa ra dân bàn, công việc nào để dân giám sát, kiểm tra. Chưa đề cao vai trò của Nhân dân, chưa phát huy vai trò của các tổ chức nhân dân tự quản. Một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong xây dựng nếp sống văn hóa, nhất là trong việc tổ chức cưới hỏi, tang lễ, làm ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện dân chủ và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Cũng có nơi chính quyền cấp xã còn xem nhẹ hoặc né tránh giải quyết những bức xúc của Nhân dân. Đáng quan tâm là, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu, hoạt động kém hiệu quả và những vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc để chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phức tạp, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của Tây Bắc.

Để tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh Tây bắc trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện pháp luật dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, cần phải đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh Tây Bắc, cụ thể là:

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng với việc thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc. Đây là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Các cấp ủy đảng cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trước hết tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo ở cơ sở. Phải gắn chặt việc kiện toàn tổ chức với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy viên các cấp, cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể ở cấp xã, nhạy bén, vững vàng về chính trị, tư tưởng; trong sạch về đạo đức, lối sống; giỏi về năng lực; chững chạc về phong cách lãnh đạo, sâu sát với cơ sở, gần gũi với quần chúng. Trong lãnh đạo, các cấp ủy phải quán triệt, thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của cấp ủy địa phương và cấp trên, nắm vững tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để đề ra chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong từng giai đoạn cụ thể có tính khả thi cao, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tùy theo vị trí, vai trò lãnh đạo của từng cấp, các cấp ủy cần đề ra quy chế, chương trình và kế hoạch hoạt động cụ thể, không dập khuôn, máy móc, không ỷ lại vào cấp trên, nêu cao tính độc lập, sáng tạo trong việc vận dụng đường lối, nghị quyết của Đảng và cấp trên vào tình hình cụ thể của từng cơ sở. Các tổ chức đảng phải xây dựng được đội ngũ đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực, tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa; tận tụy phục vụ Nhân dân, luôn gần gũi, gắn bó với Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, ở một số bản thuộc cấp xã của các tỉnh Tây Bắc vẫn còn tình trạng “trắng đảng viên”, tổ chức đảng còn “mỏng”, số lượng, chất lượng đảng viên, tỷ lệ lãnh đạo còn thấp. Vì thế, các cấp ủy cơ sở cần chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm cho tất cả các thôn, bản đều có tổ chức đảng; chú trọng phát triển đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức đảng lãnh đạo phong trào quần chúng thực hiện tốt mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định địa bàn. Cùng với tăng về số lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, cần chú ý đến chất lượng, cơ cấu của đội ngũ cũng như năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hai là, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan chỉ đạo, quản lý, điều hành và giám sát mọi hoạt động ở cơ sở. Do đó, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thực hiện đúng chức năng của mình, thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Trên cơ sở chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính quyền phải cụ thể hóa thành những chương trình hành động cụ thể, thiết thực và tổ chức cho Nhân dân thực hiện. Trước hết, phải nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc. Theo đó, cán bộ chính quyền xã phải là người “trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe”, không làm những điều phương hại đến lợi ích của Nhân dân, cũng như không để những phần tử cơ hội lợi dụng “dân chủ” làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật và những quy định của địa phương. Hiệu lực quản lý và điều hành của chính quyền được thể hiện ở chỗ: quần chúng nhân dân chấp hành, thực hiện nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả; các mặt hoạt động có chuyển biến tích cực; địa bàn ổn định, đời sống của đồng bào được cải thiện và nâng cao.

Muốn nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, có đủ phẩm chất, năng lực, không chỉ có lòng trung thành, nhiệt tình, có tính quyết đoán, mà còn có trình độ chuyên môn cao, am hiểu pháp luật, nắm vững các nguyên tắc quản lý kinh tế - xã hội và có tinh thần đổi mới, sáng tạo, phong cách lãnh đạo, quản lý, điều hành các công việc thuộc phạm vi mình phụ trách. Hiện nay, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Bắc, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo còn thiếu và yếu, hạn chế về trình độ, năng lực, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về phẩm chất, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cần quan tâm đến việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giáo dục cho họ những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, có lập trường tư tưởng vững vàng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đường lối đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa; có lối sống trong sạch, lành mạnh, không tham ô, lãng phí, hết lòng phục vụ Nhân dân, biết chăm lo đến cuộc sống của Nhân dân. Cán bộ phải gần dân, sát dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để giải quyết nhu cầu chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; kịp thời đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chế độ.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục Nhân dân thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nhiệm vụ của địa phương. Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, tạo “cầu nối” giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, làm cho quan hệ giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân càng thêm gắn bó, Đảng hiểu dân, dân tin Đảng. Muốn vậy, phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng để mọi người dân đều có thể tiếp nhận và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, “hình thức” trong thực hiện pháp luật dân chủ ở cấp xã. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Quy chế dân chủ ở cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động và tập hợp Nhân dân tham gia vào các tổ chức, nhất là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, v.v..

Bốn là, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, cần làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các ngành đối với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, trong đó cần có cơ chế để bảo đảm phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư, chú trọng vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng thôn, những người có uy tín ở cộng đồng trong công tác vận động quần chúng. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, giữ vững sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây chia rẽ giữa các dân tộc, làm mất ổn định chính trị, xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân  thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển văn hóa - xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đồng thời, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; khắc phục bệnh quan liêu, hình thức, xa dân, không lắng nghe ý kiến của dân. Nếu nhiều vấn đề bức xúc của dân không được giải quyết, thì không chỉ làm mất lòng tin đối với dân mà còn làm suy yếu vai trò quản lý của chính quyền.

Sáu là, tiếp tục đổi mới công tác dân vận phù hợp với tình hình mới. Cần xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí và trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; tổ chức thực hiện tốt sự chỉ đạo của cấp ủy về công tác dân vận, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại trực tiếp, kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Mặt trận và các đoàn thể chính trí - xã hội không ngừng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, gần dân; tích cực vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, địa phương; tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu, phối hợp giải quyết những kiến nghị của Nhân dân, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc chăm lo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn Tây Bắc vững mạnh vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân địa phương, góp phần quan trọng xây dựng Tây Bắc giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc.d

ThS. Nguyễn Thanh Huyền

                                     Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Điện Biên

Tài liệu tham khảo

1. Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Nghị định số 29-NQ/CP, ngày 11-5-1998; Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 về Quy chế dân chủ ở xã.

3. Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

4. Kết luận số 65-KL/TW, ngày 4-3-2010 của  Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

5. Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. 

6. Báo cáo chuyên đề của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phục vụ Hội nghị toàn quốc đánh giá thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tháng 7-2018.

7. Báo cáo tổng kết 17 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình.

8. Tài liệu Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cụm các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc.

9. Tài liệu Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Bình luận