Sách hóa nông thôn, một hành trình rất ngắn. Nếu!

Ngày đăng: 13/02/2014 - 08:02

"Để hiện thực ý tưởng đưa sách về nông thôn, tôi bắt đầu tìm hiểu hệ thống thư viện, cấu trúc cộng đồng lẫn hệ thống hành chính nông thôn. Dòng họ nông thôn là điều đầu tiên tôi nghĩ đến vì khi còn nhỏ, tôi được nghe đến gia thư của đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh bị đốt cháy như thế nào trong cải cách ruộng đất, tôi được nghe về Hải trấn thư viện của gia đình cụ Lê Hữu Trác gần nhà tôi".

Từ một cú sốc xã hội

Năm 1996, khi đang là sinh viên năm thứ hai của Đại học Sư phạm Vinh, tôi tìm cách đưa chị Tám, một người tâm thần quê xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An về quê chị ấy nhưng chỉ có 2 người trong số hàng ngàn sinh viên  Đại học Vinh ủng hộ. Sự vô cảm của các sinh viên đã gây cho tôi cú sốc xã hội. Tôi bắt đầu tìm căn nguyên tại sao hàng ngàn người sống trong ký túc xá lại vô cảm đến vậy. Thực chứng cho tôi thấy rằng những sinh viên xuất thân nông thôn rất ít đọc sách vì tôi mặc định việc ít đọc là nguyên nhân cốt lõi. Năm 1997, tôi bắt đầu ý nghĩ đưa sách về nông thôn với mong muốn cộng đồng chúng ta sẽ sống nhân văn hơn. Tiếp sức cho ý tưởng từ năm 1997, chuyến đi công tác Nhật Bản năm 2003, đã giúp tôi thêm một mong muốn nữa là đưa sách về nông thôn để nông dân Việt Nam có thể nắm tay bình đẳng với nông dân Mỹ, Nhật Bản, Israel trong tương lai và vì một Việt Nam được cường thịnh.

Tu sach nong thon

Để hiện thực ý tưởng đưa sách về nông thôn, tôi bắt đầu tìm hiểu hệ thống thư viện, cấu trúc cộng đồng lẫn hệ thống hành chính nông thôn. Dòng họ nông thôn là điều đầu tiên tôi nghĩ đến vì khi còn nhỏ, tôi được nghe đến gia thư của đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh bị đốt cháy như thế nào trong cải cách ruộng đất, tôi được nghe về  Hải trấn thư viện của gia đình cụ Lê Hữu Trác gần nhà tôi. Trực cảm cho tôi thấy rằng dòng họ sẽ là nơi để bắt đầu các tủ sách. Để thực chứng trực cảm của mình, tôi bắt đầu đến các nghĩa địa ở nhiều xã thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh để xem các mộ tổ được xây hằng năm, tôi đến một số dòng họ để xem các nhà thờ họ, và tôi phỏng vấn hàng ngàn người về dòng tộc, về quỹ khuyến học. Đến năm 2002, thì dòng họ đã được lựa chọn để thí điểm nhưng tài chính hạn hẹp nên mãi năm 2007, tôi mới khởi động nó.

Một mô hình khác là Tủ sách phụ huynh đặt tại các lớp học. Mô hình này được ra đời nhờ việc quan sát nhiều dòng sông khi thủy triều lên nhờ tôi biết đến khái niệm “Nước duyềnh ngược trong thủy văn". Tôi đã liên tưởng rằng việc ít đọc sách ở người dân nông thôn phải lấy trẻ em làm trung tâm cho sự thay đổi. Tôi giả thuyết rằng tri thức mà các em học sinh lĩnh hội được như là lượng nước chảy ngược tác động vào sự ít đọc của thầy cô giáo nông thôn và cha mẹ các em. Suy nghĩ của tôi đã được thực chứng ở nhiều trường học khác nhau.

Mô hình thứ ba là Tủ sách giáo xứ, giáo họ. Mô hình này dựa vào sự quần cư của cộng đồng Công giáo ở trong một xứ từ 1-3 xã. Họ có nhà thờ để đi lễ và có cả không gian đọc sách và tạo dựng ra các tủ sách.

Mô hình thứ tư là Tủ sách lớp em được áp dụng cho khu vực miền núi, một phiên bản của Tủ sách phụ huynh.

Mô hình thứ năm là Tủ sách hậu phương, quê hương chiến sĩ. Mô hình này được phát triển dựa trên cấu trúc gia đình vợ giáo viên + chồng chiến sĩ. Mục đích là thông qua giáo viên để sách đến với học sinh và thông qua mạng lưới quân đội để khuyến khích toàn quân nhân rộng mô hình. Chúng tôi muốn xây dựng gia đình chồng quân đội, công an  có vợ giáo viên thành gia đình mẫu trong quá trình hình thành hệ thống tủ sách gia đình trong tương lai.

Đến nay, sau 10 năm lý thuyết và 7 năm ứng dụng, cả năm mô hình đã vận hành, với hơn 2.200 tủ sách được xây dựng ở 25 tỉnh trên cả nước. Đặc biệt, 80% số tủ là do cộng đồng tự nhân rộng.

Một cái nhìn về sách ở nông thôn Việt Nam

Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế rằng Việt Nam chưa bao giờ có văn hóa đọc. Điều này được chứng minh rất dễ dàng rằng: Trước năm 1945, cả nước có hơn 90% dân số mù chữ. Từ 1945 đến 1975 lại chiến tranh liên miên nên việc đọc sách chưa phải là thói quen của toàn dân. Từ 1975 đến nay, đói nghèo, phát triển nóng và thiếu tư duy vĩ mô về thư viện, đã không thể tạo thói quen đọc cho số đông dân chúng trên bình diện quốc gia.

Qua thực chứng cho thấy rằng hầu hết người dân nông thôn ở độ tuổi 18 tuổi trở lên rất ít người đọc sách ngoại trừ giáo viên đọc sách phục vụ chuyên môn. Năm 2010, qua phỏng vấn 240 học sinh ở 6 trường học khác nhau, chúng tôi thu được kết quả là chỉ có 20 trong số  240 em sở hữu từ 1 đến 12 cuốn sách truyện, thơ ở nhà. Số còn lại không hề có cuốn nào. Điều này cho thấy rằng trẻ em nông thôn không có sách ở nhà để đọc như trẻ em đô thị.

Thư viện nhà trường ở nông thôn thì sao? Chúng tôi đã đến 50 trường học ở các huyện  Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương, Đông Hưng của tỉnh Thái Bình qua phỏng vấn ngẫu nhiên và lấy thông tin từ sổ mượn của thư viện, các con số cho thấy vùng thuần nông mỗi học sinh chỉ đọc khoảng 1 đầu sách/năm. Các trường học ở khu vực thị trấn có số đầu sách được mượn cao hơn, bình quân 5 đầu sách/1 học sinh/1 năm.

Một biểu thị mặt ngoài khác là rất khó tìm thấy hình ảnh một sinh viên đọc sách trên xe buýt của thành phố trong khi đó những sinh viên đi xe buýt phần nhiều từ nông thôn đi lên. Trong số sinh viên đọc sách trên xe buýt mà chúng tôi tìm thấy lại là người Hà Nội, những người đã đọc cả ngàn đầu sách trong thời gian học sinh.

Ý thức về đọc sách ở nông thôn là một vấn đề cần được quan tâm hiện nay, bởi vì thường chúng ta rất dễ dàng chỉ trích sự ít đọc của cư dân nông thôn nhưng không nhiều người trong chúng ta đặt câu hỏi TẠI SAO người dân nông thôn ít đọc và LÀM THẾ NÀO để họ đọc sách. Trên thực tế, sự thiếu sách trầm trọng, sự thiếu vắng hệ thống thư viện cấp xã, vận hành yếu kém của hệ thống thư viện trường học là nguyên nhân của sự ít đọc ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, sự thiếu vắng chiến lược xây dựng văn hóa cộng đồng lấy tri thức  làm chủ đạo đã không kích thích tiềm năng đọc sách trong cộng đồng. Bởi vậy, sự không đọc sách do thiếu sách là mảnh đất màu mỡ cho các tệ nạn xâm nhập đời sống cộng đồng. Điển hình là thói hình thức, phô diễn vật chất hơn là tinh thần. Vô số ngôi làng xây dựng cổng làng hết hàng chục và hàng trăm triệu đồng vì để cạnh tranh với làng khác. Trong khi đó, một tủ sách với dăm trăm đầu sách trị giá khoảng 8-10 triệu đồng thì chưa thấy làng nào làm.

Nói chung sự đọc ở nông thôn đang ở mức cận con số không, một con số báo động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển đất nước.

Nên chăng, chúng ta đề xuất những giải pháp về vấn đề này. Bởi vì những nan đề hiện nay ở nông thôn có nguồn gốc từ  sự thiếu cơ hội tiếp cận tri thức  thông qua hệ thống thư viện. Việc ít đọc sách hiện nay là biểu thị mặt ngoài của dân trí thấp. Dân trí thấp thì năng lực lãnh đạo của chính quyền cũng rất thấp. Dân trí thấp thì không thể có một cộng đồng nhân văn, không thể có một cộng đồng có đủ năng lực tự kháng với sự xâm thực từ bên ngoài. Điển hình, thương lái Trung Quốc đã rất dễ dàng lừa đảo người dân chúng ta ngay trên ngôi làng của mình...

Với một bức tranh văn hóa đọc không mấy khả quan như đã nêu, liệu chúng ta có thể cải thiện bức tranh đó không? Câu trả lời là không những CÓ THỂ mà còn RẤT NHANH nếu tổ chức chính trị - xã hội và các thành viên trong xã hội tận tâm chung tay giải quyết với các nhóm phương pháp cụ thể như dưới đây.

Cấp nhà nước thì với hệ thống quản lý từ trung ương đến địa phương là cơ sở tối quan trọng thúc đẩy Sách hóa nông thôn nhằm hình thành thói quen đọc sách cho cộng đồng để văn hóa đọc và dân trí được nâng cao. Đơn giản là mỗi ngành cần có bộ khung quy chế cho chính hệ thống của mình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa tiêu chí tủ sách vào làng văn hóa. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa tiêu chí tủ sách lớp học/tủ sách phụ huynh vào tiêu chí thư viện trường học, xem tủ sách lớp học là cánh tay nối dài của thư viện nhà trường. Hội khuyến học đưa tiêu chí tủ sách vào dòng họ khuyến học. Bộ Quốc phòng & Công an đưa tiêu chí khuyến khích các gia đình có vợ là giáo viên nông thôn và chồng là chiến sĩ nhân rộng các tủ sách phục vụ cộng đồng. Các tiêu chí trên là điều kiện cần để kích thích cộng đồng bản địa xây dựng các tủ sách phụ vụ chính họ.

Cấp cộng đồng cần chia sẻ trách nhiệm xã hội: nên xây dựng một xã hội mà các thành viên hiểu rõ  trách nhiệm của mình đối với xã hội là công việc cần sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ của những thành viên nòng cốt trong xã hội. Nông thôn đang cần lắm sự chung tay hành động của những người sinh ra từ nông thôn. Chỉ cần 5 người sinh ra trong một xã, góp 200.000 đồng làm một trong lớp học của trường cũ, thì việc thiếu sách ở ngôi trường đó được giải quyết, từ lớp 1-12 các em học sinh sẽ được đọc ít nhất 500 đầu sách khác nhau. Tương tự, các dòng họ, xứ đạo cũng rất cần các thành viên tiến bộ hành động để đánh thức họ hàng, các giáo hữu cùng hành động vì sự đọc sách của con trẻ.

Việt Nam cần làm gì để khẳng định đẳng cấp của mình?

Đẳng cấp của một quốc gia được đo bằng các sản phẩm khoa học, sức mạnh kinh tế và quân sự được thừa nhận. Chẳng hạn, thế kỷ XIX, khi Jame Watt chế tạo ra máy hơi nước, mở đường cho công nghiệp nặng và chinh phục đại dương, nước Anh trở thành cường quốc hàng hải và xâm chiếm thuộc địa. Năm 1905, khi Nhật Bản đánh cho hải quân Nga bạt vía, đẳng cấp hải quân nước Nhật được khẳng định. Khi người Mỹ đặt chân lên mặt trăng thì một bước dài của nhân loại trong chinh phục vũ trụ được thành tựu, đương nhiên vị thế của người Mỹ đã cao lại càng lên cao trên trường quốc tế.

Đẳng cấp quốc gia không thể có trong ngày một ngày hai mà nó được hình thành trên nền tảng tinh thần dân  tộc, công cuộc khai trí và các chính sách phát triển vĩ mô đúng quy luật và sáng tạo trong mỗi bước đi. Một trong những yếu tố chính quan đó là phát triển hệ thống thư viện, khuyến khích người dân đọc sách nhằm kiến tạo văn hóa đọc trên bình diện xã hội.

Thay lời kết

Người Việt muốn được tôn trọng và được coi là có đẳng cấp quốc gia và tầng bậc tinh thần sau 20-50 năm thì ngay từ bây giờ việc đọc sách của người dân cần được ưu tiên trước nhất, song song với cải cách giáo dục theo hướng châu Âu và Mỹ. Việc đọc sách phải tuyên truyền đến từng người dân với tần suất cao để người dân tự ý thức được vai trò và tầm quan trọng của sách và lĩnh hội tri thức từ sách phục vụ đời sống của chính họ. Ở cấp trường học, thư viện của trường phải mở rộng đến các lớp học để học sinh tự quản và tự phục vụ. Ở cấp cộng đồng, Nhà nước cần xây dựng hệ thống thư viện đến cấp thôn xóm. Ủng hộ khu vực dân sự như dòng họ, xứ đạo, nhà chùa xây dựng các tủ sách. Đặc biệt, hệ thống chính trị cần xem việc đọc sách của người dân như là một hệ giá trị trong quá trình xây dựng đất nước. Khi việc đọc sách và sáng tạo được khuyến khích ở khắp mọi nơi thì xã hội sẽ tự hình thành ra những tầng bậc tinh thần để những công dân tiệm cận các giá trị tinh thần đó.

Bất cứ quốc gia nào xây dựng được hệ thống thư viện rộng khắp đến từng tay người dân, kiến tạo thói quen đọc sách cho phần đông dân chúng để hình thành văn hóa đọc, song song với phát triển giáo dục chính thống trên nguyên tắc khai phóng tư tưởng công dân, thúc đẩy tự do cá nhân và sáng tạo, quốc gia đó sẽ tạo được đẳng cấp cho mình sau 20-50 năm. Nhật Bản và Singapore là những ví dụ điển hình.

Nguyễn Quang Thạch

(Theo trithucthoidai.vn)

Bình luận