Thể chế pháp lý về vai trò bảo đảm an sinh xã hội của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường

Ngày đăng: 12/11/2018 - 11:11

 Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động lẫn nhau theo quy luật cung - cầu, quy luật giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường1. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường là quy luật tất yếu của sự phát triển xã hội, tạo ra môi trường kinh doanh tự do, dân chủ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng đem lại nhiều hạn chế như: sự phân biệt giàu nghèo, sự suy đồi đạo đức, thất nghiệp, chạy theo lợi nhuận, chỉ tập trung vào những hoạt động kinh tế sinh lợi mà coi nhẹ những nhu cầu cơ bản của xã hội,… Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế pháp lý về vai trò bảo đảm an sinh xã hội của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường là đặc biệt quan trọng và cần thiết.

Khái quát thể chế pháp lý về vai trò bảo đảm an sinh xã hội của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường

An sinh xã hội được hiểu là một hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước, các đối tác xã hội thực hiện nhằm bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, sức khỏe và các phúc lợi xã hội; nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; quản lý và kiểm soát các rủi ro do mất việc làm, tuổi già, ốm đau, thiên tai, chuyển đổi cơ cấu, khủng hoảng kinh tế, dẫn đến giảm hoặc bị mất thu nhập và giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Cách hiểu này được xây dựng dựa trên quan điểm coi hệ thống an sinh xã hội không chỉ là sự trợ giúp các cá nhân, gia đình, cộng đồng giảm thiểu và bù đắp thiệt hại do rủi ro gây ra, mà hệ thống này còn hỗ trợ, giúp đỡ người dân, gia đình và cộng đồng chủ động ngăn ngừa rủi ro thông qua giải pháp thị trường lao động chủ động, các chính sách, pháp luật hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, thông tin thị trường lao động,... Về bản chất, an sinh xã hội không phải là “sự ban ơn”, “chiếu cố” của xã hội đối với những người gặp hoàn cảnh khó khăn,… mà đó là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và cộng đồng đối với các thành viên của mình.

Ở các quốc gia trên thế giới, Nhà nước luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội2, bao gồm việc xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội, tổ chức thực thi, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội trên thực tế. Nhà nước có vai trò bảo đảm an sinh xã hội vì Nhà nước là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhà nước do Nhân dân bầu nên, Nhân dân ủy quyền cho Nhà nước quản lý xã hội. Vì vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm xã hội công bằng, ổn định, dân chủ, văn minh, phát triển bền vững.

Khung pháp luật an sinh xã hội của Việt Nam được xác định gồm 5 bộ phận cơ bản, bao gồm: 1) Pháp luật về xây dựng thị trường lao động chủ động; 2) Pháp luật về bảo hiểm xã hội; 3) Pháp luật về bảo hiểm y tế; 4) Pháp luật về trợ giúp xã hội; 5) Pháp luật về ưu đãi xã hội. Ở Việt Nam, việc đảm bảo an sinh xã hội trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, bởi việc chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân là mục tiêu cao nhất của sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, vấn đề thiết yếu là phải thể chế hóa các vai trò của Nhà nước. Thế chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội là tổng thể các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong bảo đảm an sinh xã hội; vai trò của các chủ thể này trong việc ban hành, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về thị trường lao động chủ động, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; các quy định về trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội và các quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong các nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội, còn có các quy tắc, tiêu chí quy định, ràng buộc về nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an sinh xã hội do các thiết chế chính trị - xã hội, các tập đoàn xuyên quốc gia, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước thừa nhận, đặt ra nhằm bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ưu đãi xã hội và trợ giúp xã hội. Đó là các quy tắc, thỏa ước lao động tập thể có lợi hơn cho người lao động, do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận, có tính ràng buộc và được áp dụng trong thực tiễn.

Để đánh giá thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay, cần phải dựa trên các tiêu chí nhất định, như: tính toàn diện, tính thống nhất, tính công khai, minh bạch, tính khả thi, tính phòng ngừa, tính kịp thời...

Thực trạng thể chế pháp luật về vai trò bảo đảm an sinh xã hội của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay

Bảo đảm  an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước, được quy định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị quyết Đại hội Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XII,... Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề xã hội đã đặt ra yêu cầu: “Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ”. Thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo đảm an sinh xã hội, Điều 34, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Điều 59, Hiến pháp khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội, đó là: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”. Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về vai trò của Nhà nước trong đảm bảo an sinh xã hội, Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng thị trường lao động chủ động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ưu đãi xã hội và trợ giúp xã hội.

Thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong ban hành và bảo đảm phát triển thị trường lao động chủ động

Xây dựng thị trường lao động chủ động nhằm tạo việc làm, giảm thiểu thất nghiệp,… là một trong những nội dung quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện được điều này, bên cạnh sự chủ động của người lao động, sự tham gia của cộng đồng thì Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng. Vai trò của Nhà nước được thể chế hóa trong các quy định pháp luật, như: Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Hợp tác xã năm 2013, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013, Luật Cư trú năm 2007, sửa đổi, bổ sung năm 2013, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Luật Việc làm năm 2013,... Bên cạnh khung pháp lý, Nhà nước còn tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về an sinh xã hội thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề qua các năm, như: Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 2101/QĐ-TTg ngày 31-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ...

Như vậy, thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong xây dựng thị trường lao động chủ động ngày càng hoàn thiện, song vẫn còn tản mạn, thiếu sự thống nhất và đồng bộ nên khó thực hiện, giám sát, xử lý trong thực tiễn. Đồng thời, việc xã hội hóa cho các chủ thể được tham gia vào quá trình phát triển thị trường lao động chủ động trong khi quản lý nhà nước về vấn đề này còn yếu kém đã dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong ban hành và bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Để bảo đảm việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội,  Nhà nước ban hành các đạo luật và các văn bản hướng dẫn liên quan, như: Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012; Luật Việc làm năm 2013; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Đặc biệt, hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo hiểm xã hội ngày càng được hoàn thiện theo Quyết định số 1518/QĐ-BHXH của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 18-10-2016, quy định hoạt động của thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và hoạt động kiểm tra của bảo hiểm xã hội Việt Nam3. Các quy định này đã thể chế hóa tương đối rõ ràng vai trò bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, thể chế pháp luật về vai trò của Nhà nước trong bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội vẫn còn những thiếu sót, hạn chế; đặc biệt là hoạt động tổ chức thực hiện, thanh tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội còn chưa hiệu quả, tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội còn phổ biến; các quy định về xử phạt vi phạm và xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ thể vi phạm pháp luật bảo hiểm còn chưa cụ thể, dẫn đến việc áp dụng trách nhiệm pháp lý trên thực tiễn chưa triệt để. Hiện nay, Việt Nam có hơn 60% người lao động sống ở nông thôn, chủ yếu làm nông nghiệp tự túc nên số lượng người lao động thiếu việc làm chưa được tham gia bảo hiểm còn nhiều. Do vậy, cần phải hoàn thiện hơn nữa thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong bảo đảm thực hiện bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam.

Đối với việc bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm y tế, Nhà nước đã ban hành Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16-5-2005 về Điều lệ Bảo hiểm y tế và các văn bản pháp lý liên quan. Trong quá trình thực hiện, Nhà nước thường xuyên nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, Nhà nước đã ban hành Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Nghị định số 92/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17-10-2011 về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế và Nghị định số 62/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27-7-2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Quan điểm này đã được xác định từ Hiến pháp 1992 và luôn nhất quán trong các văn kiện của Đảng.

Thể chể pháp lý về vai trò của Nhà nước trong ban hành và bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về ưu đãi xã hội

Theo thống kê, hiện nay có khoảng trên 150 văn bản quy định về quyền được hưởng các chế độ ưu đãi xã hội4. Có thể kể đến một số văn bản quan trọng như: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2012; Pháp lệnh Quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2012; Nghị định số 35/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 6-4-2010; Nghị định số 70/2017/NĐ-CP về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng ban hành các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ưu đãi xã hội, như: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22-8-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.

Có thể thấy, thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước được thể hiện rõ qua việc ban hành các quy định pháp luật về cơ cấu tổ chức của các cơ quan nhà nước trong thực hiện ưu đãi xã hội; quy định về nguồn lực, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan nhà nước cũng như các chủ thể khác trong thực hiện ưu đãi xã hội; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ưu đãi xã hội. Những hành vi tước đoạt, chiếm đoạt tiền ưu đãi dành cho người có công với cách mạng, lợi dụng ưu đãi để rút ngân sách nhà nước,... đã bị phát hiện và xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, thể chế pháp lý về bảo đảm ưu đãi xã hội vẫn còn tản mạn do nằm ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau. Hiện nay, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực này vẫn chỉ là các pháp lệnh, chính vì vậy tính hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm ưu đãi xã hội chưa cao. Vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là của cộng đồng chưa phát huy được hiệu quả trên thực tế.

Thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong bảo đảm về trợ giúp xã hội

Trợ giúp xã hội là sự cứu tế và trợ giúp của Nhà nước, cộng đồng xã hội đối với các thành viên của mình khi họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhằm giúp họ vượt qua, tái hòa nhập với cộng đồng xã hội5. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước ta ngày càng quan tâm đến việc ban hành nhiều văn bản pháp luật về cứu trợ xã hội, đó là: Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21-10-2013 quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Ngoài ra, còn nhiều văn bản pháp luật khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp về công tác bảo đảm trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, thể chế pháp lý về vấn đề này vẫn còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, giá trị của các văn bản pháp lý trong lĩnh vực này còn thấp vì chủ yếu là văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, nội dung các quy định còn hạn chế, thiếu sót; việc tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu của thực tiễn.

Tóm lại, các quy định pháp luật về an sinh xã hội và vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội vẫn còn những bất cập, thiếu sót. Có thể khái quát lại như sau:

Một là, thể chế pháp lý về an sinh xã hội và vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội đã được ban hành tương đối nhiều, song còn tản mạn, thiếu thống nhất, không đồng bộ, thậm chí còn mâu thuẫn, thiếu sự liên kết giữa các chính sách, pháp luật, chưa phù hợp với thực tiễn. Việc áp dụng, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho cán bộ quản lý cũng như người dân nắm bắt, thực hiện quyền lợi của mình còn gặp nhiều khó khăn.              

Hai là, tính dự liệu và tính khả thi của một số quy định pháp luật còn thấp, lạc hậu, thậm chí nhiều quy định chưa phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ba là, quy định về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm an sinh xã hội còn chưa hợp lý, nhiều thiếu sót, chưa bao quát.

Bốn là, các quy định về điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người lao động, chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Năm là, quy định pháp luật về điều kiện, mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội, trợ giúp xã hội về cơ bản còn hẹp và thấp so với thực tế phát triển xã hội.

Sáu là, kết quả đạt được trong bảo đảm  an sinh xã hội chưa cao. Vai trò của Nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện an sinh xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Không ít cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và người dân còn coi an sinh xã hội là trách nhiệm của riêng Nhà nước.

Bảy là, năng lực xây dựng chính sách an sinh xã hội còn hạn chế. Do các chính sách được ban hành ở nhiều giai đoạn khác nhau, áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau nên thiếu tính hệ thống, gây khó khăn cho việc áp dụng chính sách và quản lý đối tượng.

Giaûi phaùp hoaøn thieän theå cheá phaùp lyù veà vai troø cuûa Nhaø nöôùc trong ñaûm baûo an sinh xaõ hoäi tröôùc caùc taùc ñoäng tieâu cöïc cuûa kinh teá thò tröôøng

Thứ nhất, nâng cao năng lực xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật về vai trò của Nhà nước trong đảm bảo an sinh xã hội. Khắc phục được sự tản mạn, thiếu thống nhất giữa các chính sách, pháp luật với vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội, từ đó nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ hai, rà soát các quy định của pháp luật về an sinh xã hội, vai trò của Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội với các văn bản pháp luật liên quan nhằm sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời,… Pháp điển hóa pháp luật về an sinh xã hội, nghiên cứu, xây dựng bộ luật về bảo đảm an sinh xã hội trong các lĩnh vực ưu đãi xã hội, trợ giúp xã hội,…

Thứ ba, bên cạnh các quy định nhằm tạo việc làm, bổ sung việc làm cho người lao động, đầu tư máy móc, khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất lao động, Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về điều kiện tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Có chính sách miễn phí 100% tiền đóng bảo hiểm xã hội cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Việc tăng tiền đóng bảo hiểm y tế cần có lộ trình rõ ràng, các dịch vụ khám chữa bệnh cần phải bảo đảm chất lượng cao hơn, mang tính phục vụ hơn.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong thực hiện chính sách ưu đãi xã hội. Nâng các Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh Quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thành Luật Ưu đãi người có công với cách mạng và Luật Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hoặc pháp điển hóa hai pháp lệnh trên thành một đạo luật. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý, cơ sở khoa học, tài chính, nhân lực,… cho những người bị nhiễm chất độc da cam/điôxin ở Việt Nam.

Thứ năm, nâng cao vai trò của Tòa án trong bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội của người dân, với tư cách là cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và sự công bằng. Nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như của cộng đồng xã hội trong quá trình thực hiện an sinh xã hội nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền được hưởng an sinh xã hội của nhân dân.

Thứ sáu, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội cho người lãnh đạo, người quản lý cũng như công dân để các chủ thể thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Bên cạnh đó, để tạo nguồn lực cho bảo đảm an sinh xã hội, ngoài việc sử dụng ngân sách nhà nước, cần thể chế hóa các kênh, cách thức huy động sự tham gia từ cộng đồng, đồng thời khuyến khích người dân tự an sinh, người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm an sinh xã hội.

 TS. Bùi Đức Hiển

                                                                                              Viện Nhà nước và Pháp luật  Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

1. Xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_t%E1%BA%BF_th%E1%BB%8B_tr%C6%B0%E1%BB%9Dng.

2. Xem http://truongchinhtri.caobang.gov.vn/index.php/news/Nghien-cuu-khoa-hoc/Vai-tro-cua-nha-nuoc-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-nuoc-ta-hien-nay-247/.

3. Xem http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/mot-so-bat-cap-trong-thi-hanh-phap-luat-ve-bao-hiem-that-nghiep.

4. Bùi Đức Hiển: “Hệ thống hóa pháp luật an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Luật học, Số 3, tr. 18-26.

5. Xem http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1371.

 

Bình luận