Tự do hóa thương mại

Ngày đăng: 13/06/2018 - 13:06

Tự do hóa thương mại là việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để làm cho luồng hàng hoá và dịch vụ di chuyển từ nước này sang nước khác được thuận lợi hơn. Tự do hóa thương mại trước hết nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu của mỗi nước và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa và dịch vụ nước ngoài dễ dàng xâm nhập vào.

Các biện pháp để mở rộng tự do hóa thương mại quốc tế bao gồm việc ký kết các hiệp định song phương và đa phương về thương mại và kinh tế; tham gia vào khu vực mậu dịch tự do và tổ chức thương mại quốc tế; chủ động xây dựng lộ trình cắt giảm thuế quan và phi thuế quan theo các cam kết; điều chỉnh chính sách hỗ trợ xuất nhập khẩu như chính sách về đầu tư, tỷ giá hối đoái, tín dụng theo chiều hướng nới lỏng sự can thiệp của nhà nước; hình thành các thể chế thương mại phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Quá trình này gắn liền với các biện pháp có đi có lại trong khuôn khổ pháp lý giữa các quốc gia.

Lợi ích lớn nhất của tự do hóa thương mại là thúc đẩy trao đổi, buôn bán, phát huy lợi thế so sánh của các nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Đối với người tiêu dùng (bao gồm cả những nhà nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất ra hàng hóa), tự do hóa thương mại sẽ tạo cho họ cơ hội lựa chọn hàng hóa tốt hơn với giá hợp lý hơn.

Nhận thức được tính khách quan của tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế, ngay từ Đại hội VII (6-1991), Đảng ta đã đề ra chủ trương: "Đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế với mọi quốc gia"[1], "Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào nước ta đầu tư, hợp tác kinh doanh”[2] và "gia nhập các tổ chức và hiệp hội kinh tế quốc tế khác khi cần thiết và có điều kiện”[3]. Đại hội X (4-2006) đề ra chủ trương: Đẩy mạnh tự do hóa thương mại phù hợp các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Tới Đại hội XI (1-2011), chủ trương này tiếp tục được nâng tầm thành "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế", trong đó, Việt Nam không chỉ "là bạn, đối tác tin cậy" mà còn là "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế"; hai định hướng lớn là "phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư"[4] và "tăng nhanh xuất khẩu, giảm nhập siêu cả quy mô và tỷ trọng, phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu”[5].

Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương tự do hóa thương mại và lồng ghép chủ trương này trong các định hướng về hội nhập quốc tế. Đại hội xác định nhiệm vụ: "Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng, ký kết và thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước"[6]. Để việc tự do hóa thương mại đem lại hiệu quả cao nhất, Đại hội cũng thông qua các định hướng như: phát triển mạnh thị trường trong nước, mở rộng và đa dạng hóa thị trường ngoài nước, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững; nâng cao chất lượng sản phẩm; tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các hiệp định, thỏa thuận thương mại để thúc đẩy xuất khẩu.

(Trích trong sách: Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng,

Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016)

[1], [2], [3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tậpSđd, t.51, tr. 178, 179.

[4], [5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XISđd, tr.111, 117.

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIISđd, tr.155. 

Bình luận