Xuất bản bộ sách nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam

Ngày đăng: 08/05/2020 - 17:05

 

Việt Nam là quốc gia ven biển, có chiều dài đường bờ biển hơn 3.260 km, đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, biển đảo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành văn hóa biển, thiết lập quan hệ giao thương và xác lập chủ quyền an ninh biển quốc gia. Chính vì vậy, văn hóa biển đảo Việt Nam trở thành mối quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau.

Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương” khi vấn đề khai thác biển đang trở thành vấn đề mang tính chiến lược đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có biển. Bên cạnh đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến nền hòa bình của nhiều quốc gia cũng như thế giới. Trong bối cảnh đó, việc biên soạn, xuất bản một công trình nghiên cứu toàn diện về văn hóa biển đảo Việt Nam sẽ góp phần hệ thống hóa lý luận về văn hóa biển đảo từ thực tiễn.

Trong hai năm 2015-2016, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam. Từ kết quả của Chương trình này, Viện đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chuyển thành bộ sách Văn hóa biển đảo Việt Nam. Bộ sách gồm 09 tập, do GS.TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, làm Tổng chủ biên.

Trong số 09 tập sách, tập đầu tiên và tập cuối cùng cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quan, chung nhất về văn hóa biển đảo Việt Nam và vấn đề quản lý văn hóa biển đảo Việt Nam. Tập 1 - Tổng quan văn hóa biển đảo Việt Nam (GS.TS. Nguyễn Chí Bền chủ biên) nghiên cứu lý thuyết, cách tiếp cận và tình hình nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam; làm rõ chủ thể, sự phát triển và giá trị của văn hóa biển đảo Việt Nam; phân tích thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo ở Việt Nam hướng tới phát triển bền vững. Trong khi đó, Tập 9 - Quản lý văn hóa biển đảo Việt Nam (PGS.TS. Bùi Hoài Sơn chủ biên) tập trung đi sâu vào một lĩnh vực của văn hóa biển đảo, nhưng là một lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt, được xem là một trong những giải pháp để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia mạnh toàn diện về biển, đó là lĩnh vực quản lý văn hóa biển đảo. Quản lý văn hóa biển đảo là việc thực thi các chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo. Để phù hợp với nội dung tổng thể của cả bộ sách và tránh trùng lặp với nội dung tập 1 cũng như tổng quan tình hình nghiên cứu của các tập khác, tập sách này chủ yếu nghiên cứu những vấn đề lý luận về quản lý văn hóa biển đảo, kinh nghiệm quản lý biển đảo của một số nước trên thế giới và của các triều đại phong kiến, các cộng đồng trong lịch sử ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các tác giả đi sâu phân tích thực trạng quản lý văn hóa biển đảo ở Việt Nam qua tác động của quản lý văn hóa đến hệ thống giá trị văn hóa truyền thống và những tác động của kinh tế, chính trị, xã hội đối với quản lý văn hóa biển đảo.

Các tập sách còn lại (từ tập 2 đến tập 8), là những nội dung nghiên cứu chuyên sâu chia theo vùng văn hóa, trải từ Bắc Bộ qua Trung Bộ, tới Nam Bộ. Mỗi tập sách, các tác giả đều lựa chọn một số địa bàn tiêu biểu để khảo sát, nghiên cứu, từ đó tìm ra, khái quát nên những đặc điểm chung nhất, nổi bật nhất của văn hóa biển đảo vùng.

PGS.TS. Từ Thị Loan, tác giả Tập 2 - Văn hóa biển đảo vùng Đông Bắc Bộ cho rằng, có thể chia vùng biển đảo Đông Bắc Bộ thành hai khu vực để nghiên cứu: khu vực duyên hải và khu vực hải đảo. Từ đó, tác giả lựa chọn 3 địa bàn tiêu biểu là vịnh Hạ Long (ở khu vực duyên hải) và đảo Vân Đồn, đảo Cát Bà (ở khu vực hải đảo) để tiến hành nghiên cứu, khảo sát.

Riêng Tập 3 - Văn hóa biển đảo vùng Bắc Trung Bộ (TS. Vũ Anh Tú chủ biên), các tác giả không lựa chọn địa bàn nghiên cứu cụ thể nào mà tiến hành khảo sát toàn bộ 6 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), có lẽ bởi theo các tác giả, văn hóa biển nơi đây mang nhiều đặc trưng khác biệt so với các vùng khác. Bắc Trung Bộ là vùng chuyển tiếp giữa khu vực mang đặc trưng văn hóa biển mờ nhạt nhất (từ Móng Cái đến Ninh Bình) và vùng có văn hóa biển đậm nét nhất (từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu) nên thế mạnh nông nghiệp của đất liền rất hạn chế trong khi vai trò của biển thì chưa đủ thay thế. Là một phức thể văn hóa gồm 3 yếu tố: văn hóa đồng bằng, văn hóa núi và văn hóa biển, nên vùng văn hóa biển Bắc Trung Bộ là “kết quả của sự ứng xử của cư dân nông nghiệp khi từ các cửa sông vươn ra biển”.

Văn hóa biển đảo vùng Nam Trung Bộ được chia tách, nghiên cứu riêng về văn hóa ven biển và văn hóa đảo, quần đảo, trình bày trong tập 4, 5 của bộ sách. Nếu Đà Nẵng, Hội An, Bình Định là 3 địa bàn trọng tâm của Tập 4 - Văn hóa ven biển vùng Nam Trung Bộ (PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thủy chủ biên) thì các tác giả của Tập 5 - Văn hóa đảo và quần đảo vùng Nam Trung Bộ (GS.TS. Bùi Quang Thanh chủ biên) cũng lựa chọn các đảo tiêu biểu: Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) để khảo sát, nghiên cứu.

Ở Tập 6 - Văn hóa biển đảo vùng Đông Nam Bộ (TS. Đinh Văn Hạnh chủ biên), để làm rõ đặc trưng, giá trị văn hóa biển đảo vùng này, các tác giả tiến hành khảo sát trên hai khu vực chính là các cộng đồng có sinh kế gắn với biển ở khu vực cận duyên và cộng đồng sống ở vùng hải đảo.

Còn các tác giả của Tập 7 - Văn hóa biển đảo vùng Tây Nam Bộ (PGS.TS. Phạm Lan Oanh chủ biên) lại lựa chọn một số địa điểm tiêu biểu thuộc 6 tỉnh có đường bờ biển của vùng Tây Nam Bộ để nghiên cứu, trong đó chú trọng 03 di tích lịch sử quốc gia thuộc hệ thống di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển thuộc địa bàn ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, do những địa điểm này có nhiều hoạt động và dịch vụ ngư nghiệp, có hệ sinh thái đa dạng ở vị trí cửa sông, cửa biển, có rừng ngập mặn, khu bảo tồn thiên nhiên, đó là những yếu tố để vùng Tây Nam Bộ thực hiện định hướng hướng biển hiệu quả, từng bước đa dạng hóa giá trị văn hóa biển đảo của vùng.

Phú Quốc không chỉ là điểm tiền tiêu trọng yếu về quốc phòng an ninh, mà còn là một ngư trường rộng lớn với tài nguyên biển phong phú, dồi dào, giàu tiềm năng của đất nước, lại có tài nguyên rừng đa dạng với những khu rừng nguyên sinh rộng lớn, nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái và du lịch biển, do vậy Phú Quốc được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu của Tập 8 - Văn hóa biển đảo Phú Quốc (PGS.TS. Bùi Quang Thắng chủ biên).

Trải qua quá trình sinh tồn, thích ứng với biển và khai thác, chinh phục biển, cộng đồng cư dân ở các vùng này đã tích lũy, hình thành được kho tàng tri thức vô cùng phong phú về biển, kết hợp với đặc điểm riêng về vị trí địa lý, tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư đã tạo nên những giá trị văn hóa biển đảo đặc trưng tiêu biểu của từng vùng.

Thiên nhiên rộng lớn, bao la, mang lại cho con người nguồn sinh kế vô biên, nhưng cũng rất khó đoán định, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cuộc sống, công cuộc mưu sinh trên biển của người dân. Do vậy, nhằm ứng phó, thích nghi với thiên nhiên và tận dụng những lợi thế từ tự nhiên, từ bao đời nay, người dân ở những vùng ven biển, hải đảo đã không ngừng tích lũy những kinh nghiệm, tri thức dân gian trong việc dự báo thời tiết, phục vụ cho hoạt động sản xuất, khai thác các nguồn tài nguyên biển. Và như một lẽ tự nhiên, những tri thức, kinh nghiệm ấy tự bao giờ đã thấm sâu vào tâm thức, vào mọi hoạt động trong đời sống sinh hoạt, lao động của họ, hiện diện trong từng câu ca, hò vè, ghi dấu trong từng di tích, từng nghi thức hội hè, tín ngưỡng, lễ hội… tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có của từng vùng biển đảo. Những giá trị văn hóa biển đảo cho đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị, được bảo lưu, gìn giữ, kế thừa và phát huy nhằm phục vụ tốt cho cuộc sống đương đại.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo của vùng vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Từ nghiên cứu hiện trạng thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của cư dân các vùng biển đảo, đánh giá giá trị văn hóa của các vùng biển đảo thông qua khảo sát di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như nghiên cứu từ nhiều phương diện: lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán, tri thức dân gian, tín ngưỡng, hoạt động sinh kế, lễ hội, văn học…, một số vấn đề cần được đặt ra hiện nay là: xu hướng xa rời các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác biển thiếu định hướng và hủy hoại môi trường, yếu tố văn hóa mới xâm nhập, nguy cơ biến mất của nhiều làng nghề, sự xuống cấp của các di tích, ô nhiễm môi trường, nghề đánh bắt trên biển gặp khó khăn, du lịch văn hóa nghèo nàn, v.v.. Trên cơ sở đó, tác giả các tập sách đề xuất những giải pháp/nhóm giải pháp cụ thể mang tính cấp bách và lâu dài đối với mỗi vùng, mỗi địa bàn, cung cấp cơ sở dữ liệu và luận điểm khoa học cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị, xây dựng chính sách và quản lý, quy hoạch và khai thác tài nguyên văn hóa biển đảo. Đó là những giải pháp căn cơ, chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo theo hướng bền vững.

Có thể khẳng định, Văn hóa biển đảo Việt Nam là một công trình nghiên cứu toàn diện và giàu tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, hệ thống hóa các vấn đề liên quan đến văn hóa biển đảo các vùng trên cả nước; đề xuất các giải pháp trong quản lý, phát triển văn hóa biển đảo, góp phần thiết thực bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như phát triển kinh tế - văn hóa biển đảo quê hương, đất nước. Bộ sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa biển đảo Việt Nam.     

Giao Linh - Phạm Hương

Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức

Bình luận