Xuất bản năm 2011: Gieo hạt cho năm 2012?

Ngày đăng: 19/01/2012 - 11:01

Năm 2011 là một năm đặc biệt với nhiều sự kiện chính trị trọng đại, năm khởi đầu thực hiện quyết sách chiến lược của cả nhiệm kỳ (2011-2015) và chiến lược 10 năm (2011-2020), ngành xuất bản đã triển khai khối lượng công việc lớn. Trước vô vàn những khó khăn về kinh tế, sự mất giá của đồng tiền, hoạt động xuất bản của năm 2011 được ví như con thuyền đi trên biển rộng sóng lớn? Con thuyền ấy đã cập bến an toàn, sau nhiều cam go... để tiếp tục gieo hạt cho năm 2012.

hoatdongnxb-001

Nhìn lại những thành quả

Theo Báo cáo của Cục Xuất bản, tính đến ngày 12-12-2011, toàn ngành đã xuất bản được hơn 20.000 cuốn sách với gần 267 triệu bản (đạt 110% về cuốn và 103% về bản so với 2010). Trong khi đó, lượng văn hóa phẩm đạt gần 26 triệu bản so với năm ngoái, riêng lịch blốc là 17,6 triệu bản.

Năm 2011, toàn ngành đã gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng phần lớn các nhà xuất bản đã khắc phục, vươn lên, chủ động khai thác nguồn bản thảo trong và ngoài nước, tổ chức có hiệu quả việc xuất bản nên vẫn bảo đảm số lượng đầu sách và hiệu quả kinh tế. Nội dung sách bám sát nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thông tin, nghiên cứu của nhiều đối tượng bạn đọc, nổi bật là sách phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Công tác xuất bản năm 2011 đã góp phần quan trọng vào việc giới thiệu những thành tựu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình mới.

Báo cáo của Cục Xuất bản 6 tháng cuối năm cũng cho thấy bức tranh chung của toàn ngành năm 2011. Nhiều khó khăn và thách thức, trong đó vấn đề cơ bản nhất của xuất bản hiện nay là giải quyết mâu thuẫn trong quá trình thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chính trị và kinh tế vẫn chưa được triển khai một cách có hiệu quả. Song, vượt lên những khó khăn và thách thức đó, ngành xuất bản đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận. Hoạt động xuất bản của cả nước tiếp tục giữ được mức tăng trưởng, không chỉ về số lượng đầu sách, bản sách mà còn có bước phát triển nhất định về mặt chất lượng, với sự xuất hiện của nhiều bộ sách, đầu sách có giá trị, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của xã hội.

định hướng của ngành xuất bản năm 2012

Bước vào năm 2012, ngành xuất bản đang đứng trước nhiều trọng trách, theo Báo cáo hoạt động xuất bản 6 tháng cuối năm 2011, các nhà xuất bản cần chú trọng xuất bản các loại sách, tài liệu tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương của Đảng vào cuộc sống; lựa chọn những xuất bản phẩm có giá trị để xuất bản, phục vụ có hiệu quả Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xuất bản sách, tài liệu phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền và biển, đảo quốc gia; tổ chức tốt 3 sự kiện lớn liên quan trực tiếp đến hoạt động của ngành là tổng kết 7 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; sửa đổi, bổ sung Luật xuất bản… Đây là những nhiệm vụ lớn, nặng nề, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của sự nghiệp xuất bản, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành, nhất là các cơ quan chủ quan và nhà xuất bản phải tập trung tâm sức, trí tuệ.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chủ quản

Để khắc phục hạn chế, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xuất bản, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2012, thì cơ quan chủ quản các nhà xuất bản cần làm tốt vai trò chủ quản của mình. Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản và giao ban công tác xuất bản 6 tháng cuối năm 2011 tổ chức ngày 15-12-2011 tại Hà Nội, đã chỉ ra những vấn đề mà các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản cần tập trung thực hiện:

Một là, tăng cường phối hợp thực hiện nghiêm các quy định trong 3 Quyết định 281, 282 và 283 của Ban Bí thư về công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản, chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng, tập trung chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển và định hướng nội dung tư tưởng trong hoạt động xuất bản.

Hai là, tiếp tục tăng cường đầu tư cơ cở vật chất, kỹ thuật, trụ sở làm việc, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ và có cơ chế cần thiết giúp các nhà xuất bản khai thác nguồn bản thảo, tổ chức xuất bản tài liệu, sách trong phạm vi ngành, địa phương phù hợp với tôn chỉ, mục đích. Riêng đối với khối cơ quan chủ quản nhà xuất bản địa phương, cần chỉ đạo tăng cường mối quan hệ giữa nhà xuất bản với các đơn vị trong ngành ở địa phương như: in, phát hành và hệ thống thư viện.

Ba là, tạo dựng vị thế cho nhà xuất bản trong mối quan hệ với các đơn vị chức năng trong ban, ngành địa phương tương xứng với vị trí, chức năng của hoạt động xuất bản. Xây dựng, hoàn thiện quy chế hoạt động giữa cơ quan chủ quản và nhà xuất bản, tập trung xây dựng tổ chức đảng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tổ chức cán bộ, công tác thi đua, khen thưởng.

Bốn là, các nhà xuất bản cần chủ động xây dựng chương  trình, kế hoạch, đề xuất giải pháp khả thi, giúp cơ quan chủ quản thực hiện tốt chức năng và trách nhiệm của mình. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng quan hệ với các đơn vị trong ngành, địa phương, tìm kiếm nguồn bản thảo có chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên, đặc biệt là trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên trong các nhà xuất bản.

Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng; các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cơ quan chủ quản cần tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo các nhà xuất bản thuộc quyền từ nay đến năm 2020 theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và các nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng; rà soát, đánh giá công tác quy hoạch cán bộ; việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn; chuẩn bị đội ngũ kế cận các chức danh chủ chốt; bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào các vị trí quan trọng, nhất là ở khâu nội dung; kiên quyết đưa những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi cơ quan xuất bản.

 

Với 44 tác phẩm đạt giải Sách hay, 40 tác phẩm đạt giải Sách đẹp và một số giải đặc cách cho ấn phẩm Chiếu dời đô  trên tổng số 354 cuốn sách dự Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2011 của 35 nhà xuất bản, đã cho thấy, số lượng nhà xuất bản tham gia cao hơn năm 2010 (33 nhà xuất bản tham gia), số lượng sách tham gia cũng đạt cao hơn năm 2010 (275 tác phẩm dự giải). So với năm 2010, năm 2, số giải Vàng giảm, số giải Bạc và giải Đồng tăng; sách dự xét giải phân bố không đều, tập trung nhiều nhất vào các mảng sách: văn học – nghệ thuật, lý luận – chính trị, khoa học công nghệ.


Phạm Ngọc Huệ

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả