Kể từ khi Tổng thống Herbert Hoover “chuyển giao” lại cuộc Đại khủng hoảng 1930 cho Tổng thống Franklin Roosevelt, chưa một tổng thống Mỹ nào lại để lại cho người kế nhiệm của mình một “di sản” đáng ngại như những gì mà ông Bush để lại cho ông Obama từ ngày 20-1-2009. Đó là hai cuộc chiến tranh còn chưa kết thúc, kinh tế Mỹ ngập sâu trong suy thoái, thâm hụt ngân sách có thể lên tới 1.000 tỷ USD và hình ảnh nước Mỹ đi xuống nghiêm trọng trên trường quốc tế.
Mặc dù ông Bush và những người ủng hộ ông vẫn khẳng định lịch sử sẽ có một cái nhìn ôn hòa hơn về di sản mà ông để lại sau tám năm cầm quyền, các nhà lịch sử học vẫn đang tranh cãi về việc có nên xếp ông vào hàng những tổng thống dở nhất của Mỹ, trong “đội ngũ” của các Tổng thống Herbert Hoover, Warren Harding và James Buchanan.
Bill Clinton đã từng nói với các cố vấn chính trị của ông rằng không thể có một tổng thống vĩ đại nếu họ không nắm quyền trong thời gian chiến tranh hoặc các thời điểm khủng hoảng lớn khác. Điểm nhanh trong lịch sử, chúng ta cũng thấy rõ ràng điều đó là sự thật, ví dụ như Washington, Lincoln, Franklin Roosevelt – đều nắm quyền trong những thời điểm hết sức hiểm nghèo. Tuy nhiên, các tổng thống, đặc biệt là các tổng thống thành công, cũng đều tạo ra hoàn cảnh cho bản thân. Vì vậy, cần đặt ra các câu hỏi: George W. Bush đã định hình con đường đi cho bản thân mình như thế nào? Trong những di sản ông để lại, có bao nhiêu thứ của bản thân ông, và bao nhiêu thứ là do thời đại?
Các câu hỏi trên sẽ lần lượt được trả lời qua các chương trong cuốn sách “Di sản của George W. Bush” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản. Tuy bằng những cách trả lời khác nhau thông qua việc xem xét các phạm vi chính sách và chính trị của Tổng thống Bush, nhưng những phác họa tổng thể nhất về thời gian cầm quyền của Bush đều được xét trên hai bối cảnh giúp định hình nhiệm kỳ tổng thống của ông và ngược lại, được định hình bởi các hành động của ông, đó là bối cảnh tình huống và bối cảnh thể chế.
Khi xem xét những di sản của Bush, các tác giả của cuốn sách còn tập trung tìm hiểu các động cơ khuyến khích và hạn chế chính quyền, được tạo ra bởi công luận và thực tiễn bầu cử; sự tương tác của Nhà Trắng dưới quyền Bush với Quốc hội, nhánh tư pháp và phần còn lại của nhánh hành pháp, và các chính sách cũng như nền chính trị được tạo ra từ đó.
Với kết cấu chặt chẽ, nội dung cuốn sách được chia thành 14 chương. Trong đó, sự phân chia đảng phái là trọng tâm của một số chương đầu cuốn sách. Gary Jacobson xem xét sự chia rẽ trong công chúng thông qua nghiên cứu cuộc chiến tại Irắc. James E. Campell đi sâu phân tích cuộc tranh luận về các nguyên nhân và hệ quả của sự phân cực giữa những người Dân chủ và Cộng hòa trong giới cử tri. Còn Lawrence Jacobs và Robert Shapiro tập trung vào việc xem xét thái độ của công luận.
Các chương tiếp theo lần lượt nghiên cứu về các thể chế quản lý nhà nước của Tổng thống Bush. Barbarra Sinclair, Aberbach, Andrew Rudalevige và David Yalof trong các chương của mình đều đưa ra những nhận xét về hoạt động tương tác giữa Bush và Quốc hội, những quyết định hành pháp trong chính quyền Bush cũng như mối quan hệ tương tác giữa Nhà Trắng với Tòa án.
Các chương cuối của cuốn sách xem xét những chính sách và nền chính trị nào được tạo ra bởi mối quan hệ đan xen giữa bối cảnh và thể chế. Các tác giả Raymond Tanter, Stephen Kersting, Colin Campbell, Chrritopher Foreman, Mark Peterson và Bert Rockman tập trung phân tích chính sách đối nội, đối ngoại cũng như đưa ra kết luận về những di sản mà Tổng thống Bush đã để lại cho người kế nhiệm ông.
Di sản của George W. Bush đánh giá chiến lược chính trị của Tổng thống Bush cũng như các chính sách của chính quyền của ông. Với hai nhiệm kỳ tổng thống, được đánh dấu bởi sụ căng thẳng toàn cầu và quan hệ không êm thấm giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, các tác giả đã xem xét những nỗ lực của chính quyền Bush nhằm gây ảnh hưởng tới định hướng của ngành tư pháp, mở rộng thẩm quyền hành pháp, thể chế hóa các đạo luật cắt giảm thuế năm 2001, ban hành các chính sách và bổ nhiệm các quan chức để tạo thuận lợi cho giới cử tri “nền tảng”, đồng thời tăng quy mô và phạm vi của hoạt động bảo đảm an ninh quốc gia. Các tác giả cũng đưa ra quan điểm về những phản ứng của chính quyền Bush trước các sự kiện ngày 11 tháng Chín 2001 - bao gồm cả quyết định bước ngoặt là tiến hành chiến tranh ở Irắc – một quyết định có thể trở thành hành động hạn chế của nhiệm kỳ tổng thống này.
Cuốn sách đưa ra những nhận xét, đánh giá rất hữu ích và đáng tin cậy về tác động trong ngắn hạn và dài hạn của những thành công và thất bại của Bush tại những thời điểm hết sức quan trọng trong lịch sử nước Mỹ. Cuốn sách là tài liệu tham khảo quan trọng và cơ bản cho các học giả, những người muốn tìm hiểu xem Bush sẽ được nhìn nhận như thế nào trong những năm sắp tới và tác động lâu dài của nhiệm kỳ tổng thống của ông.