Thực tiễn phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế biển ở New Zealand - Một số kinh nghiệm với Việt Nam

Ngày đăng: 13/11/2018 - 14:11

Đảo quốc New Zealand tuy không giàu tài nguyên, dân số không đông, nhưng lại là quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, thu nhập bình quân đầu người thuộc loại cao, đặc biệt, New Zealand luôn có mặt trong danh sách những quốc gia thịnh vượng và đáng sống nhất trên thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức Minh mạch quốc tế, năm 2017, New Zealand được đánh giá là quốc gia “trong sạch” nhất thế giới căn cứ trên mức độ tham nhũng trong khu vực công. Ngoài ra, với tỷ trọng nông nghiệp rất lớn cùng với tỷ lệ diện tích biển chiếm phần lớn diện tích quốc gia, New Zealand có nền kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển rất phát triển, có nhiều thành tựu để các nước khác tham khảo, trong đó có Việt Nam.

1. Đôi nét về đất nước New Zealand và quan hệ Việt Nam - New Zealand

Là đất nước không giàu tài nguyên, dân số hơn 4,7 triệu người (tháng 1-2018) và diện tích khoảng 270.000 km2, nhưng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017 của New Zealand đạt gần 200 tỉ USD, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 40.000 USD.

Người đứng đầu Nhà nước New Zealand là Nữ hoàng Anh, được đại diện bởi Toàn quyền New Zealand. Thủ tướng và Nội các nắm quyền hành pháp. Thủ tướng là người có thực quyền cao nhất trong hệ thống cơ quan hành pháp. Quốc hội nắm quyền lập pháp, chỉ có 1 viện là Viện Dân biểu gồm 121 ghế (trong đó có 7 ghế dành riêng cho người Maori), được bầu 3 năm một lần.

New Zealand không có Hiến pháp chính thức bằng văn bản, các quy định của Hiến pháp được điển hóa trong nhiều đạo luật khác nhau, nhất là Đạo luật về Hiến pháp năm 1986. Hệ thống tư pháp và tòa án là cơ quan quyền lực quan trọng, được chia thành 4 cấp: Tòa án tối cao, Tòa phúc thẩm, Tòa thượng thẩm và Tòa án quận.

Từ năm 1984, New Zealand tiến hành cải cách kinh tế triệt để theo hướng thị trường tự do và hội nhập quốc tế; từ đó nền kinh tế tăng trưởng mạnh và có tính cạnh tranh cao. Năm 2016, New Zealand được xếp số 1 thế giới về môi trường đầu tư và kinh doanh. Đầu năm 2017, New Zealand công bố chiến lược thương mại tầm nhìn 2030, trong đó đặt mục tiêu tạo ra thị trường cho 90% hàng hóa xuất khẩu của nước này vào năm 2030.

Bãi biển thuộc top đẹp nhất thủ đô của Niu Di lân

New Zealand có nhiều đồi, núi, sông, hồ, đồng bằng thấp, lại có khí hậu ôn đới và thời tiết thuận lợi (nhiệt độ trung bình năm từ 7-160C), là điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển. Kinh tế nông nghiệp của New Zealand có nhiều thành tựu để các nước khác tham khảo, nhưng quan trọng nhất là họ đã có chính sách tập trung đầu tư mạnh cho phát triển nông nghiệp (nhất là chăn nuôi, trồng trọt), với tỷ trọng nông nghiệp chiếm tới 57% trong cơ cấu GDP và 3/4 sản phẩm nông nghiệp dùng để xuất khẩu (các sản phẩm bơ sữa, thịt, rượu vang và gỗ).

New Zealand còn đứng đầu thế giới về Chỉ số phát triển xã hội (SPI) với các đánh giá về sức khỏe, vệ sinh, chỗ ở, an toàn cá nhân, khả năng tiếp cận thông tin, tính ổn định, mức độ hòa nhập và tiếp cận với giáo dục.

Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 6-1975 và thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào tháng 9-2009 trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế (thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải, lao động), an ninh, quốc phòng, giáo dục - đào tạo, hợp tác đa phương. Hai nước đã và đang làm sâu sắc hơn mối quan hệ này, đồng thời tiếp tục khẳng định tinh thần hướng tới mục tiêu trở thành Đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Cùng là thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam và New Zealand có nhiều thế mạnh để hợp tác phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao là những lĩnh vực mà New Zealand có ưu thế và sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam. Về nghề cá và nuôi trồng thủy sản, hai nước đang ưu tiên xem xét các yêu cầu tiếp cận thị trường đối với vẹm xanh của New Zealand và cá tra/basa của Việt Nam.

New Zealand luôn dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm, chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ sự phát triển bền vững thông qua việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân các vùng nông thôn, nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường năng lực cho cán bộ Việt Nam. Trong thời gian tới, hai nước xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm nông nghiệp, giáo dục, du lịch, nghiên cứu khoa học, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng 5.000 người; khoảng 3.000 sinh viên/học sinh đang du học tại New Zealand; du lịch hai chiều (năm 2017) tăng trưởng mạnh mẽ với 17.000 lượt khách Việt Nam đến New Zealand và gần 50.000 lượt khách New Zealand đến Việt Nam.

2. Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng, xây dựng Chính phủ liêm chính 

Việc phòng, chống tham nhũng ở New Zealand được thực hiện trên cơ sở xây dựng một đội ngũ công chức liêm chính, đạo đức và xây dựng nền hành chính thân thiện, cởi mở, thật sự vì nhân dân, phục vụ nhân dân thông qua phát triển mô hình chính phủ điện tử.

- Việc xây dựng, quản lý đội ngũ công chức được kiểm soát, tiến hành bởi Ủy ban Công vụ New Zealand (the State Services Commission - SSC), là cơ quan hướng dẫn và giám sát hệ thống khu vực nhà nước, có các chức năng: xem xét, rà soát lại thiết kế, cách thức quản lý, cấu trúc của hệ thống; bổ nhiệm người lãnh đạo điều hành ở các cơ quan công vụ; xem xét, rà soát lại việc thực thi nhiệm vụ của người lãnh đạo điều hành được bổ nhiệm và các bộ phận trực thuộc; thúc đẩy sự phát triển khả năng quản lý, năng lực, năng suất và trách nhiệm của người lãnh đạo; đề ra những tiêu chuẩn cao về sự liêm chính và tư cách đạo đức. 

SSC xây dựng và ban hành Bộ luật về liêm chính và tư cách đạo đức, được công bố trong Đạo luật khu vực công năm 1988 (the State Sector Act 1988), quy định các công chức trong các cơ quan công vụ phải bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn về tính công bằng, vô tư, có trách nhiệm và đáng tin cậy. Dù làm việc trong một bộ phận trực thuộc hay trong cơ quan tối cao, các công chức phải hành động với một tinh thần phục vụ vì cộng đồng, đáp ứng các tiêu chuẩn của sự liêm chính và tư cách đạo đức được đặt ra trong bộ luật này. Đó là:

+ Về tính công bằng: phải đối xử tôn trọng với tất cả mọi người; có tác phong nhanh nhẹn, chuyên nghiệp; làm việc với mục tiêu để sự phục vụ của Nhà nước trở nên dễ tiếp cận và có hiệu quả; luôn phấn đấu vì sự phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân.

+ Về sự khách quan: phải duy trì quan điểm chính trị trung lập cần có trong công việc; thực hiện các chức năng của tổ chức một cách khách quan, không bị chi phối bởi quan điểm cá nhân; tôn trọng quyền lực của Chính phủ đương nhiệm.

+ Về trách nhiệm: mọi hành động phải tiến hành khách quan theo pháp luật; sử dụng các nguồn lực của tổ chức một cách cẩn trọng; xử lý thông tin cẩn thận và chỉ dùng cho những mục đích chính đáng; làm việc tích cực, chủ động để nâng cao hiệu suất và hiệu quả của tổ chức.

+ Về sự đáng tin cậy: luôn trung thực; làm việc tận tụy, cống hiến hết mình, bảo đảm không bị ảnh hưởng, chi phối bởi các mối quan hệ; không được lạm dụng chức quyền để tư lợi; tránh tất cả các hoạt động, việc làm có thể gây nguy hại tới danh tiếng của tổ chức, của các cơ quan công vụ.

Việc bổ nhiệm công chức nói chung ở các cơ quan công vụ được phân quyền cho các bộ; ở địa phương do Hội đồng địa phương lựa chọn, bổ nhiệm. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm người lãnh đạo điều hành ở các bộ thuộc Chính phủ do SSC là cơ quan điều phối, có trách nhiệm mời hội đồng thẩm định và tổ chức thi tuyển, đăng tuyển công khai nhân sự và phỏng vấn trực tiếp người dự tuyển. Sau thi tuyển, nhân sự được lựa chọn sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng trước khi SSC ra quyết định bổ nhiệm. Mặc dù ít xảy ra, nhưng đã có trường hợp Bộ trưởng từ chối việc bổ nhiệm nhân sự đã qua thi tuyển và được SSC lựa chọn.

- Nền hành chính và thủ tục hành chính của New Zealand rất đơn giản và cởi mở: từ việc thành lập doanh nghiệp, làm thủ tục khai báo, nộp hồ sơ cho đến nộp thuế, thanh toán,… đều được tiến hành thông qua hệ thống tự động hoặc thực hiện trên mạng với quy trình công khai, minh bạch và rõ ràng, giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với công chức. Ở New Zealand, mô hình chính phủ điện tử, chính phủ số được triển khai rộng rãi và được coi là giải pháp quản lý quốc gia tốt nhất để ngăn ngừa các căn bệnh công quyền cố hữu như quan liêu, trì trệ, thiếu trách nhiệm, lãng phí và tham nhũng.

Theo đại diện Cơ quan Hợp tác Chính phủ New Zealand (G2G), chính phủ điện tử là hình mẫu của một chính quyền gần gũi với nhân dân, thân thiết với nhân dân và thật sự phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân; đây là phương pháp tối ưu hiện nay để quản lý phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước New Zealand, đáp ứng yêu cầu nhanh nhất, kịp thời nhất, tiết kiệm nhất; đặc biệt, đây còn là giải pháp chủ yếu, hữu hiệu, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng. Ngày nay, rất nhiều quốc gia đang đi theo mô hình này trong tổ chức, xây dựng chính quyền nhà nước để quản lý phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp. New Zealand là một trong những quốc gia đã đạt được nhiều thành công trong triển khai vận hành mô hình chính phủ điện tử.

Có thể nói, hệ thống pháp luật, mức độ tự do báo chí và khả năng tiếp cận của người dân đối với thông tin từ Nhà nước (thông qua mô hình chính phủ điện tử) là ba yếu tố quan trọng, quyết định để New Zealand được xem là một trong 2 quốc gia trong sạch nhất thế giới (năm 2017), có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới.

- Thông qua thực tiễn phòng, chống tham nhũng của New Zealand, có thể rút ra một số kinh nghiệm đối với Việt Nam như sau:

+ Việc xây dựng hệ thống pháp luật và thực thi chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước cần rõ ràng, minh bạch, được công bố công khai và chia sẻ rộng rãi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; cần đề cao sự trung thực và liêm chính của các công chức thông qua xây dựng bộ tiêu chuẩn về tính công bằng, sự vô tư, trách nhiệm và đáng tin cậy, từ đó tạo dựng sự tin tưởng của người dân vào Nhà nước, vào nền hành chính nhà nước trong giải quyết các công việc, các vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội; trong việc bổ nhiệm nhân sự, quan trọng nhất là bổ nhiệm người lãnh đạo, điều hành ở các cơ quan công vụ, việc bổ nhiệm cần được thực hiện bằng cách thi tuyển, thông qua đăng tuyển công khai và cạnh tranh tự do, như vậy mới tuyển chọn được người tài năng, đáp ứng tốt nhất cho công việc.

+ Nhà nước cần có chính sách, với các quy định cụ thể, yêu cầu các cơ quan hành chính ở cả Trung ương và địa phương tập trung đẩy mạnh việc triển khai và vận hành trên thực tế mô hình chính phủ điện tử. Cần coi mô hình chính phủ điện tử là một trong những giải pháp chủ yếu hiện nay để kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa có hiệu quả việc tham nhũng của công chức, nhất là công chức có quyền hành trong các cơ quan quản lý nhà nước.

3. Kinh nghiệm quản lý phát triển kinh tế biển

New Zealand chỉ có 25% diện tích là đất liền, 75% là biển, do vậy, việc quản lý phát triển kinh tế biển được Chính phủ hết sức quan tâm coi trọng.

- Về phát triển nghề cá, hiện nay, phương thức đánh cá an toàn và giám sát việc đánh cá (bằng camera) đang là vấn đề “nóng”, được cả xã hội quan tâm.

New Zealand đã thiết lập Chương trình quản lý đánh cá bằng hạn ngạch, với biện pháp kiểm soát, giới hạn lượng tàu đánh cá và những khu vực có thể đánh bắt cá. Chương trình này quy định: hạn chế việc đánh cá gần bờ, kiểm soát đánh cá ở vùng nước sâu (cách bờ 12 hải lý), hạn chế lượng người đánh cá và quy định người đánh cá phải có chứng chỉ đánh cá; chia ra các vùng đánh cá, xác định các loại cá có mặt và các loại cá được đánh bắt ở từng vùng; người dân được quyền lựa chọn vùng đánh cá tốt nhất;…

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp đại sứ New Zealand tại Việt Nam

Qua 30 năm quản lý việc đánh bắt cá, bắt đầu từ việc ban hành Hệ thống quản lý hạn ngạch (Quota Management System - QMS) năm 1986, đến những chuẩn mực mới trong luật đánh cá năm 1996, rồi luật đánh cá năm 1999, New Zealand đã quản lý được các loài cá đánh bắt; kiểm soát được các loài cá bị đánh bắt quá mức; kiểm soát được cả số lượng và chất lượng cá đánh bắt; đồng thời việc thay đổi quota hay quy định về mua bán quota đã làm thay đổi mục đích đánh bắt cá.

Hiện nay, New Zealand có 3 cơ chế quản lý: quản lý mở với việc người dân có chứng chỉ đánh bắt cá được tự do đánh bắt các loài cá có giá trị thấp (nhưng khi có vấn đề sẽ chuyển sang quản lý bằng quota); quản lý bằng quota - QMS; quản lý đặc biệt (riêng biệt cho từng loài cá). Với các cơ chế quản lý này, việc điều chỉnh đánh bắt cá không làm ảnh hưởng đến các loài khác như cá voi, chim hải âu,... Ngoài ra, New Zealand có quy định: sử dụng biện pháp mạnh như đóng cửa những vùng đánh cá mà ở đó có loài cá bị đánh bắt có nguy cơ tuyệt chủng; có chế tài với cả người đánh cá, người mua bán cá và họ phải có báo cáo về việc đánh cá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trọng lượng, kích cỡ cá được đánh bắt và cá phải thả về biển, lắp camera trên các tàu đánh cá,… 

- Về nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, đây là ngành có thế mạnh của New Zealand với 2 cấp độ quản lý nhà nước (Trung ương ban hành luật chung, địa phương ban hành luật riêng) để bảo đảm khai thác hiệu quả, bền vững. Hiện nay, New Zealand nuôi 3 loại thủy sản chính là vẹm xanh, cá hồi và hàu.

Việc nuôi trồng thủy sản xa bờ (đại dương) được Chính phủ quan tâm, áp dụng khoa học công nghệ cao, lai tạo, chọn giống, có chương trình khoa học, kỹ thuật phòng chống biến đổi khí hậu (nước ấm lên, ngày dài hơn,…).

New Zealand đề ra mục tiêu đạt được giá trị 1 tỉ USD vào năm 2025, với 90% sản lượng xuất khẩu ra nước ngoài (trong đó có nhập một số mặt hàng từ nước ngoài để phục vụ xuất khẩu) và rất coi trọng giá trị gia tăng trong xuất khẩu và chế biến thủy sản an toàn.

Ngoài việc đề ra các chính sách, ban hành các quy định để quản lý phát triển kinh tế biển, các cơ quan quản lý nhà nước New Zealand đã tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển ngành thủy sản, chẳng hạn như đã đề ra 14 chương trình cùng 900 dự án với nguồn quỹ từ Chính phủ và các tổ chức khác nhằm hỗ trợ cho ngư dân, các doanh nghiệp sản xuất, thu hoạch và chế biến thủy sản có được công nghệ đánh cá, nuôi trồng thủy sản mới, tiếp cận được thông tin chọn giống, sản xuất giống mới, chọn biện pháp bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường,…

Về quản lý vùng biển đánh cá, Chính phủ New Zealand quy định các tàu nước ngoài vào khai thác phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. Đối với việc đánh cá chồng lấn trên biển, các vùng đánh cá chung, các cơ quan quản lý các nước cùng phối hợp, thống nhất và đề ra các biện pháp hợp lý cho ngư dân trong việc khai thác, đánh bắt cá.  

Do ¾ diện tích là biển nên diện tích phòng vệ bờ biển của New Zealand rất lớn. Để phát triển kinh tế biển, việc bảo đảm cho các tuyến đường tự do vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, an toàn, an ninh hàng hải đối với quốc gia này có vai trò rất quan trọng. Hiện nay, New Zealand đang gặp phải 3 thách thức lớn đối với an ninh hàng hải, đó là: thách thức về môi trường; thách thức về tội phạm xuyên quốc gia; thách thức về địa chính trị.

- Qua những kinh nghiệm quản lý phát triển kinh tế biển của New Zealand, có thể rút ra một số vấn đề có thể tiếp thu, áp dụng đối với Việt Nam như:

+ Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước New Zealand là rất quan trọng trong đổi mới và phát triển ngành thủy sản (nhất là nghề cá và nuôi trồng thủy sản) thông qua các quỹ hỗ trợ có nguồn tài chính từ cả Nhà nước và xã hội, thành lập mới cơ quan quản lý ngành, xây dựng, ban hành các chương trình, các luật quy định cụ thể việc đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, khai thác, nuôi trồng và phòng chống biến đổi khí hậu để bảo vệ ngành thủy sản.

+ Nhà nước New Zealand rất quan tâm đến quản lý rủi ro, dự báo thách thức trong nghề cá, nuôi trồng thủy sản và đặc biệt quan tâm đến ý kiến của cộng đồng người dân sinh sống ở ven biển khi ban hành hoặc thay đổi chính sách, pháp luật về thủy sản; coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật và dành thời gian khá dài (khoảng 2-3 năm) để người dân làm quen trước khi có các chế tài xử lý vi phạm.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cần có sự hợp tác với các cơ quan khoa học về thủy sản trong việc nghiên cứu, học tập và tiếp thu kinh nghiệm của New Zealand để có thể triển khai thí điểm, áp dụng trong thực tế việc quản lý quần thể một số loài cá đại dương có trữ lượng nhất định bằng hệ thống quản lý hạn ngạch. Ngoài ra, nên sớm giao cho Tổng cục Thủy sản nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp nuôi biển để phát huy và khai thác tốt tiềm năng nuôi trồng thủy sản của nước ta.

Hơn hết, các bộ, ngành và các địa phương có liên quan ở nước ta cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác với New Zealand trên các lĩnh vực hai bên đã ký kết; chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thúc đẩy việc đưa quan hệ hai nước trở thành quan hệ Đối tác chiến lược trong thời gian sớm nhất.d

ThS. NCS. Nguyễn Hồng Sơn

Hội đồng Lý luận Trung ương

Bình luận