Nho giáo - triết học Nho giáo là thành tựu phong phú và rực rỡ không chỉ của nền văn minh phương Đông mà của cả nhân loại. Triết học Nho giáo nhấn mạnh sự tu dưỡng đạo đức và quy phạm làm người; “đạo trung dung” và các đức tính nhân, lễ, nghĩa...
Có thể nói, các giá trị Nho giáo “Nhân” - “Lễ” - “Nghĩa” chính là tư tưởng cốt lõi trong học thuyết của Khổng Tử - người được coi là nhà sáng lập triết học Nho giáo.
“Nhân” là trung tâm của các đức tính: tình cảm, chân thật, ngay thẳng, hết lòng vì nghĩa, rộng lượng, khoan dung và siêng năng, cần mẫn; người có đức tính nhân chỉ hành động vì nhân nghĩa, đối lập với kẻ bất nhân chỉ hành động vì lợi.
“Lễ” được xem là quy phạm đạo đức và hành vi được chế định cho con người, từ đó được biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm. “Nhân” và “Lễ” gắn bó chặt chẽ với nhau, “Nhân” là nội dung của “Lễ”, “Lễ” là hình thức của “Nhân”.
“Nghĩa” là nguồn gốc của “Lễ”, là cách hành xử đúng đắn, “Nghĩa” cũng xuất phát từ “Nhân”.
Để giúp bạn đọc có điều kiện nghiên cứu, tham khảo sâu hơn về các giá trị đạo đức của Nho giáo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai, có sửa chữa ba cuốn Sách thánh hiền - Nhân, Lễ, Nghĩa. Hai cuốn Sách thánh hiền - Trí, Tín của bộ sách này hiện đang được tổ chức biên dịch, xuất bản và sẽ sớm ra mắt bạn đọc. Bộ sách do Nhà xuất bản Văn nghệ Trường Giang (Trung Quốc) phát hành năm 2011.
Cuốn sách Sách thánh hiền - Nghĩa do hai tác giả Tiêu Hồng Quân và Nghê Diệc Trinh chủ biên. Nội dung đi sâu phân tích vai trò và ảnh hưởng của “Nghĩa” trong việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức cá nhân, giúp con người giữ quy chuẩn lời nói, cử chỉ, cách đối nhân xử thế trong các mối quan hệ giao tiếp, tình cảm...