Hội nghị học tập, quán triệt Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư

Ngày đăng: 17/09/2020 - 16:09

Sáng 17/9/2020, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị”. Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản Nhà xuất bản trình bày nội dung Chỉ thị.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập; Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động Nhà xuất bản tại Hà Nội, các chi nhánh, trung tâm phát hành sách trực thuộc Nhà xuất bản.

Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trình bày nội dung Chỉ thị

Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định, Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, từ đó đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng, văn hóa và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tại Hội nghị, đồng chí tập trung làm rõ một số vấn đề: sự cần thiết ban hành Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư; những nội dung cơ bản của Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư; nội dung Hướng dẫn số 142-HD/BTGTW, ngày 24/7/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư.

Bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX, Chỉ thị số 44-CT/TW tập trung vào những vấn đề cấp bách đã được xác định trong công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị. Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tập trung thực hiện việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới đất nước; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Cần xác định nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của tổ chức cơ sở đảng. Khuyến khích phát triển phong trào đọc, nghiên cứu, học tập sách, trong đó có sách lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm giáo dục, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới; đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, Chỉ thị yêu cầu: 1) Các cấp ủy đảng, các ngành, cơ quan liên quan, cơ quan chủ quản chỉ đạo các nhà xuất bản hoạt động trên cơ sở xác định chương trình hành động, đề án xuất bản sách hằng năm và chiến lược xuất bản sách. 2) Nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu của sách lý luận, chính trị, đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng trong tình hình mới… 3) Rà soát, sắp xếp hợp lý các nhà xuất bản có chức năng và đủ điều kiện xuất bản sách lý luận, chính trị, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo và kém hiệu quả… 4) Đổi mới công tác biên soạn, biên tập, hoạt động xuất bản, in, phát hành sách lý luận, chính trị phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế… 5) Tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác, sử dụng sách lý luận, chính trị… 6) Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật; có cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích, ưu tiên và bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị… 7) Thực hiện xã hội hóa, liên kết giữa nhà xuất bản với các tổ chức kể cả các tổ chức nước ngoài được phép hoạt động ở Việt Nam... trong hoạt động in và phát hành sách lý luận, chính trị theo đúng quy định của pháp luật. 8) Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin cho các nhà xuất bản, cơ sở phát hành sách lý luận, chính trị. Đa dạng hóa các thể loại sách và phương thức xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, đặc biệt là xuất bản sách điện tử và phát hành sách trên mạng Internet. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lý luận, chính trị… 9) Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn, biên tập, xuất bản, phát hành, cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất bản sách lý luận, chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao… 10) Xây dựng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trở thành trung tâm xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; giữ vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan liên quan về xuất bản sách lý luận, chính trị.

Tiếp thu Hướng dẫn số 142-HD/BTGTW ngày 24/7/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư, đồng chí nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị, đó là: mục đích của Chỉ thị là làm cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản, các nhà xuất bản nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ rệt về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị trong thời gian tới; đổi mới nội dung, phương thức quán triệt Chỉ thị phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát;...

Toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia buổi học tập và quán triệt Chỉ thị

Buổi học tập, quán triệt Chỉ thị số 44-CT/TW đã giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Nhà xuất bản nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu và học tập sách lý luận, chính trị. Từ đó liên hệ với thực tiễn, xác định rõ nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện Chỉ thị, thiết thực phục vụ công tác biên tập, xuất bản sách của Nhà xuất bản trong thời gian tới.

Phạm Hương

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả