'Người Việt đọc sách quá ít so với thế giới'

Ngày đăng: 12/10/2018 - 15:10

 Ở Malaysia, mỗi năm một người đọc khoảng 12 cuốn sách. Tại Việt Nam, cộng cả sách giáo khoa và giáo trình thì con số trung bình mới đạt vỏn vẹn 4 cuốn/người/năm.  

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, chỉ ra rằng sự tiến bộ của công nghệ Internet tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất bản.

Ngày 10-10 là dịp kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam. Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản, trưởng đại diện Văn phòng phía Nam - chia sẻ thẳng thắn xung quanh sự thành công và cả những tồn đọng, thách thức mà ngành đang đối diện.

Sức đọc của người Việt quá thấp

- Ngành xuất bản trong 6 tháng đầu năm đạt doanh thu cao. Theo ông, sự tiến bộ của ngành còn thể hiện ở những điểm nào?

- Qua số liệu sơ kết của ngành, tôi thấy hoạt động xuất bản nói chung đang có tiến bộ, khởi sắc. Lượng xuất bản phẩm trong năm 2018 không tăng đột biến nhưng giữ được mức phát triển tốt, với trên 300 triệu bản in, gần 20.000 tựa sách.

Sau khi có chỉ thị 42 của Ban Bí thư và quyết định chọn ngày 21-4 hàng năm trở thành Ngày sách Việt Nam của Thủ tướng đã tạo nên sự chuyển biến về mặt nhận thức của chính quyền, người dân về sách, văn hóa đọc. Ngành xuất bản nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước.

Trong tổng số 60 nhà xuất bản, có những đơn vị thua lỗ nhưng khu vực tư nhân lại kinh doanh khá tốt. Họ ngày càng chuyên nghiệp hơn trong sản xuất, phát hành. Sự năng động, nhạy bén của họ đã góp phần cho sự phát triển của ngành xuất bản.

Ngoài ra, các tổ chức phát hành cũng có sự phát triển tốt. Ví dụ, Fahasa trong năm 2018 đã có độ phát triển gấp 3 lần so với trước. Tổng số cửa hàng của đơn vị này trên cả nước là 105, doanh thu tăng 15-20%.

Trước đây, các tác giả được bạn đọc yêu thích có số bản in lần đầu chỉ dừng lại ở mức vài nghìn. Đến nay con số có thể lên tới hàng chục nghìn bản in. Đã xuất hiện những tác giả triệu bản như Tonny Buổi Sáng, Hamlet Trương, Nguyễn Nhật Ánh...

Về phía Hội Xuất bản Việt Nam, chúng tôi đã kết nối với các đơn vị cùng vận động nguồn lực xã hội, để đưa sách tặng học sinh vùng sâu vùng xa. Trong năm 2018, dự án nhận được 1 tỷ đồng.

- Có nhận xét rằng xuất bản phẩm của Việt Nam hiện nay chủ yếu đạt số lượng hơn chất lượng. Quan điểm của ông thế nào?

- Theo dõi chất lượng của xuất bản phẩm trong những năm gần đây, tôi lại thấy đáng mừng chứ. Nội dung của các xuất bản phẩm được chăm chút, cải thiện hơn. Những ấn phẩm vô bổ, nhàn nhạt, phản cảm hầu như được loại trừ.

Ấn phẩm có nội dung và chất lượng tăng lên vì người đọc ngày càng khó tính hơn. Họ bỏ tiền ra tất nhiên sẽ chọn những cuốn có lợi cho tri thức, cuộc sống. Trước đây, sách ngôn tình của Trung Quốc từng bán chạy nhưng bây giờ đã thoái trào. Rõ ràng nội dung xuất bản phẩm có sự cải thiện chứ không đáng lo như trước.

- Theo ông đâu là những khó khăn, nhược điểm của ngành xuất bản trong thời gian qua?

- Tôi cho rằng ngành xuất bản Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn thách thức, tồn tại rất lớn. Hiện nay, sách chỉ mới đến được cư dân thành thị, trung tâm còn hơn 70% dân số ở nông thôn hầu như không có điều kiện tiếp cận với sách.

Trong khi đó hệ thống phát hành chưa về được nông thôn, còn hệ thống thư viện văn hóa ở huyện, xã không phát huy được tác dụng.

Thực tế cho thấy, thói quen đọc của người Việt rất thấp. Ở Malaysia, có 12 cuốn/người/năm, còn tại Việt Nam cộng cả sách giáo khoa, giáo trình mới đạt 4 cuốn/người/năm.

Nếu không tính sách giáo khoa thì Việt Nam mới chỉ đạt 1 cuốn/người/năm. Con số này cho thấy sức đọc của người Việt quá thấp. Chính tồn tại này dẫn tới thực tế nhà xuất bản chỉ in lần đầu cho đầu sách là 2.000 bản. Có quyển bán 2 năm chưa hết và chỉ cần tồn kho 10-20% sách là nhà xuất bản nắm chắc phần lỗ. Điều này cho thấy doanh nghiệp xuất bản rất khó khăn và chịu nhiều rủi ro.

Sức đọc của người dân thấp, tác động ngược lại làm cho kinh tế xuất bản không phát triển tốt, hoạt động của doanh nghiệp xuất bản gặp khó khăn.

- Nâng cao văn hóa đọc là câu hỏi  được đặt ra trong nhiều cuộc tọa đàm, tuy nhiên chưa đi vào cuộc sống. Theo ông đâu mới là giải pháp căn cơ?

- Với vai trò là hội nghề nghiệp, chúng tôi đã nghiên cứu và đề ra một số giải pháp. Đầu tiên, tôi nghĩ phải nâng sức đọc từ trẻ em. Đa số trẻ em Việt hiện chỉ học sách giáo khoa, đọc sách khác rất ít.

Vậy tập trung cho các em như thế nào? Chỉ khi các bậc cha mẹ, phụ huynh giúp con em hình thành thói quen đọc sách từ khi chập chững thì mới mong thay đổi tình hình.

Nói vậy nhưng thực hiện được không phải dễ vì tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, mưu sinh của mỗi gia đình. Làm được hay không phải nhờ sự quyết tâm của cha mẹ học sinh.

Ngoài ra trường học cũng góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc. Nhiều nước trên thế giới đã đưa việc đọc sách vào quá trình học tập, tạo ra những buổi ngoại khóa liên quan đến sách... Có thể nói ngành giáo dục Việt Nam chưa đặt văn hóa đọc trong việc dạy và học.

Về phía Hội Xuất bản, chúng tôi dự định liên kết với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để tạo ra những chương trình khuyến đọc. Chúng tôi cũng nghiên cứu, tham khảo Luật khuyến đọc của Nhật Bản, Luật thư viện trong trường học của các nước để có kiến nghị lên Bộ Giáo dục và các đơn vị liên quan.

Tôi cho rằng phải có giải pháp đồng bộ, liên kết giữa các ban ngành mới nâng cao sức đọc hiệu quả.

Đường sách khó nhân rộng

- Một trong những hoạt động đáng chú ý của ngành xuất bản là hội sách TP.HCM. Tuy nhiên thời gian qua các đơn vị tham gia than bị lỗ, số gian hàng sụt giảm?

- Sự tham gia của các đơn vị trong Hội sách TP.HCM là hoàn toàn tự nguyện. Vừa qua, có một số đơn vị làm sách phải cân nhắc tính hiệu quả ngay trong hội sách nên đã không tham gia. Họ tự quyết định việc đó và ban tổ chức không có sự ép buộc, gò bó nào cả.

Khi tham gia vào hội sách, doanh nghiệp đó có thể không có nhiều lợi ích kinh tế nhưng lại là dịp quảng bá thương hiệu với công chúng. Đó cũng là cơ hội để nhà xuất bản kết nối với những đối tác mua sỉ, hoặc đối tác phát hành...

Thời gian bán lẻ, trực tiếp cho người đọc chỉ diễn ra trong 10 ngày nên so với chi phí thuê mặt bằng, nhân công... thì các đơn vị tham gia khó bù được chi phí. Chúng tôi cũng có ý kiến với các đơn vị tổ chức để có mức giá thuê gian hàng phù hợp cho các đơn vị tham gia hội sách.

- Sự sụt giảm về số lượng và gian hàng có chứng tỏ là hội sách đã không còn được sự quan tâm của công chúng so với trước?

- Sự tham gia của các đơn vị trong hội sách TP.HCM thì ít hơn nhưng số lượng gian hàng thì không giảm hơn. Fahasa đã bổ sung số lượng gian hàng thay cho những đơn vị không tham gia. Các đơn vị rút cũng không phải nhiều.

Riêng công chúng đến với hội sách, chúng tôi vẫn thấy đông. Doanh thu bán lẻ của các đơn vị trong hội sách thì như Kim Đồng, Trẻ... không giảm.

- Đường sách ở TP.HCM cũng được đánh giá là thành công của ngành xuất bản. Theo ông, vì sao mô hình này được nhân rộng nhưng lại chưa thành công?

- Xét về sự thành công của đường sách TP.HCM thì chúng ta thấy đường sách có vị trí đắc địa. Đường Nguyễn Văn Bình ở trung tâm của trung tâm.

Yếu tố quan trọng không kém là cơ chế điều hành quản lý đường sách. Nếu chúng ta không tạo ra cơ chế riêng cho các đơn vị hoạt động trên đường sách như quyền chủ động trong kinh doanh, tổ chức hoạt động mà dùng cơ thế nhà nước quản lý, xin cho thì sẽ triệt tiêu động lực của doanh nghiệp.

Ngoài ra, ban điều hành cần phải là người hiểu nghề xuất bản, hoạt động về sách thì mới tạo ra nhiều cuộc giao lưu, sự kiện. Chính hoạt động giao lưu, sự kiện đó mới tạo cho đường sách sức sống. Ngược lại, sức sống đó lại lôi cuốn độc giả đến với đường sách.

Vì hai nguyên nhân trên đã làm cho đường sách TP.HCM thành công và cũng vì 2 nguyên nhân này mà đường sách ở các nơi khác không thể phát triển tốt.

Bích Hằng – Minh Khôi

Theo Zing.vn

Bình luận