Các Đại hội và Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2018)

Ngày đăng: 09/09/2019 - 12:09

Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 12 kỳ Đại hội. Như một cuốn “lịch sử Đảng”, cuốn sách Các Đại hội và Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2018) đã ghi chép và lưu giữ những trang sử hào hùng, vẻ vang của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc ta.

Nội dung cuốn sách gồm hai phần. Phần thứ nhất: Các Đại hội và Hội nghị Trung ương.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản diễn ra vào đầu năm 1930 là hội nghị mang tầm vóc lịch sử của một Đại hội thành lập Đảng. Đây là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng dân tộc, sự kết tinh lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX. Tại Hội nghị này, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng gồm Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt đã được thông qua.

Từ đó đến nay, trải qua 12 kỳ Đại hội Đảng và các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách, đề ra những nhiệm vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng, phù hợp với những thay đổi trong nước và quốc tế trong từng thời kỳ, giúp cách mạng tiến lên giành những thắng lợi to lớn, đưa đất nước đạt được những bước phát triển mới.

Tháng 3/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng đặt ra 3 nhiệm vụ chính là củng cố và phát triển Đảng; đẩy mạnh cuộc vận động thu phục quần chúng; mở rộng tuyên truyền chống đế quốc, chống chiến tranh, ủng hộ Liên Xô và cách mạng Trung Quốc... Đại hội I đã đánh dấu thắng lợi căn bản của Đảng trong cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức Đảng từ cơ sở đến Trung ương.

Đến tháng 02/1951, sau hơn 15 năm, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được triệu tập, gọi là Đại hội kháng chiến bởi nhiệm vụ chính của Đảng trong thời kỳ này là kiên quyết lãnh đạo toàn dân đi đến “Kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”. Đại hội II là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng, Đảng công khai hoạt động với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam.

Nếu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng diễn ra vào tháng 9/1960 được coi là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà thì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tổ chức vào tháng 12/1976 là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc; là đại hội tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là đại hội thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa; Đại hội Đảng lần thứ V được triệu tập vào tháng 3/1982 đánh dấu những chuyển biến mới về sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đấu tranh “tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Đến tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã đánh dấu sự đổi mới toàn diện đất nước. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội thẳng thắn đánh giá: chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu tổng quát do Đại hội lần thứ V đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân. Nghiêm khắc nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, Đại hội đã đặt ra quyết tâm đổi mới, đoàn kết tiến lên và đề ra hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thành công của Đại hội đã mở ra một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam, đưa đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Đại hội VII được triệu tập vào tháng 6/1991 là Đại hội của trí tuệ - đổi mới - dân chủ - kỷ cương - đoàn kết. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 do Đại hội thông qua là những văn kiện hết sức quan trọng, đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cơ bản của toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, tháng 6/1996, Đại hội VIII được triệu tập với chủ đề “Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vào tháng 4/2001, Đại hội IX đã được triệu tập, mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa trước thềm thế kỷ XXI.

Với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đại hội X trong tháng 4/2006 đã đánh dấu một mốc son trên chặng đường hơn 76 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng, mở ra một thời kỳ phát triển mới của công cuộc đổi mới. Tổng kết sâu sắc 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mở đường cho đất nước tiến vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, Đại hội XI của Đảng diễn ra vào tháng 01/2011 đã thông qua những văn kiện hết sức quan trọng: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII diễn ra vào tháng 01/2016 có ý nghĩa hết sức trọng đại, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020), 2 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013. Đại hội XII có ý nghĩa định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với yêu cầu đó, Đại hội khẳng định, phải “đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, có bước đi phù hợp trên các lĩnh vực, nhất là giữa kinh tế và chính trị” (tr.418). Trên cơ sở đó, Đại hội xác định 12 nhiệm vụ tổng quát và 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong 5 năm 2016-2020.

Có thể thấy, sau gần 90 năm thành lập và phát triển, trải qua nhiều kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định được sự trưởng thành của mình. Các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội trong từng thời kỳ, đánh dấu sự phát triển và từng bước kiện toàn của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần khẳng định “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là kết quả, sự kết tinh của nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến vai trò của các Chủ tịch Đảng, Tổng Bí thư qua các thời kỳ. Tiểu sử của 12 vị Chủ tịch Đảng và Tổng Bí thư được lược trích và giới thiệu trong phần thứ hai của cuốn sách: Chủ tịch Đảng và các Tổng Bí thư.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước, cũng là vị Chủ tịch Đảng đầu tiên và duy nhất của nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một tấm gương sáng ngời, hết lòng vì dân, vì nước và nhân loại cần lao bị áp bức. Tên tuổi và sự nghiệp của Người gắn liền với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ qua. Cho đến nay, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa to lớn trong việc định hướng, xây dựng đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội tốt đẹp.

Qua 10 đời Tổng Bí thư, hiện nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm hai cương vị: Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mang trọng trách hết sức quan trọng, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phấn đấu tạo nền tảng để đưa đất nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bằng việc hệ thống hóa một cách cụ thể các sự kiện gắn liền với sự phát triển của Đảng, các tác giả đã làm rõ phẩm chất và vai trò của từng vị Chủ tịch Đảng, Tổng Bí thư trong từng thời kỳ lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Bình luận