Đường mòn Hồ Chí Minh qua tài liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa

Ngày đăng: 10/10/2019 - 10:10

Trong 16 năm xây dựng, bảo vệ và chiến đấu (1959-1975),  đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã lập nên kỳ tích vẻ vang, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có thể nói, đối với người Việt Nam, đường Hồ Chí Minh là kết tinh của sự sáng tạo, tinh thần quật khởi, kiên cường, đã góp phần làm thay đổi cục diện thế cuộc cách mạng; còn đối với đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, vào thời điểm đó, con đường này được xem là “mối đe dọa”, “mối nguy hại” lớn nhất, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đó là lý do chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã dùng mọi âm mưu, thủ đoạn, quyết tâm “cắt đứt” mạng lưới giao thông quân sự chiến lược trọng yếu này của ta, mà trước hết và quan trọng nhất là chúng đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng đường mòn Hồ Chí Minh.

Ngày 19/5/1959, Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) thành lập, đánh dấu sự ra đời của tuyến đường Trường Sơn. (Ảnh: TL)

Ngày 19/5/1959, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) tổ chức “Ðoàn công tác quân sự đặc biệt” (Ðoàn 301), sau này gọi là Binh đoàn Trường Sơn (Ðoàn 559), có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho chiến trường miền Nam; đồng thời, đưa bộ đội, cán bộ cơ quan dân - chính - đảng vào Nam ra Bắc. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Theo các tài liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, việc phát hiện, đặt tên “đường mòn Hồ Chí Minh” của chính quyền này còn diễn ra trước cả thời điểm Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” và sớm hơn rất nhiều so với những thông tin cho rằng tên gọi “HoChiMinh trail” xuất phát từ các văn bản, tài liệu của Mỹ và phương Tây từ năm 1971.

Trong Công văn số 4070/VP/CTM  ngày 27/4/1956 của Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt gửi cho các bộ trưởng Phủ Tổng thống, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng có đoạn viết: “Việt Cộng đã khai phá thêm một con đường xuyên sơn từ vĩ tuyến 17 đến mật khu Thô Lô, con đường này nằm trên con đường chiến lược 14, giáp Đông Miên, Hạ Lào”1. Cũng trong năm 1956, sau nhiều lần nhận lệnh, ngày 5/11, Giám đốc Nha An ninh Quân đội Việt Nam Cộng hòa gửi Công văn số 03353/38/I9/H cho Bộ trưởng phụ tá Bộ Quốc phòng, trong đó nêu rõ: “Con đường xuyên sơn đã có từ lâu, nối liền từ Bắc vào Nam chứ không phải đến Phú Yên mà thôi và Việt Cộng gọi con đường này là đường xuyên sơn Hồ Chí Minh”2. Cũng trong một văn bản của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có đoạn viết: “Con đường xuyên sơn này khi hoàn thành sẽ lấy tên là đường Hồ Chí Minh”3. Đến năm 1960, trong Công văn số 518-/VP-CTM của Văn phòng Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên - Trung phần gửi Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống trong bảng thống kê đã gọi con đường này là “Đường chiến lược Hồ Chí Minh”4.

Trong khoảng thời gian 1959-1968, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu về đường mòn Hồ Chí Minh. Các tài liệu cho thấy, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất như chiếc bếp đun nấu trên đường, mô hình tiếp vận, các trạm tiếp vận, tổ chức Đoàn 559,… đều được nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Ngay từ đầu năm 1959, những nghiên cứu đầu tiên về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống tiếp vận miền Bắc trên đường mòn Hồ Chí Minh đã xuất hiện. Lược đồ liên hệ giữa các cấp trong hệ thống tiếp vận cho thấy hệ thống trực tiếp chỉ đạo của miền Bắc bao gồm: từ cấp Đảng, Chính phủ đến cấp ủy ban hành chính các khu ủy, tỉnh ủy và huyện ủy; từ cấp Bộ Tư lệnh Tổng Quân ủy đến cấp quân khu, tỉnh đội, huyện đội; từ cấp Bộ Chỉ huy Mặt trận Chiến dịch đến cấp sư đoàn, trung đoàn và cấp quản lý trực tiếp. Bên cạnh đó, lược đồ cũng cho thấy hệ thống hậu cần được chỉ đạo trực tiếp từ Tổng Công ty Lương thực thuộc Bộ Kinh tế đến công ty lương thực khu, công ty lương thực tỉnh, cán bộ công ty lương thực; từ Tổng cục Hậu cần đến phòng hậu cần các quân khu, ban cung cấp tỉnh đội, quản lý huyện đội; từ Phòng Hậu cần Bộ Chỉ huy Mặt trận Chiến dịch đến phòng hậu cần cấp sư đoàn, ban hậu cần cấp trung đoàn và cấp quản lý hậu cần trực tiếp. Ngoài ra, lược đồ còn thể hiện mối liên hệ trong hệ thống tổ chức Đảng và hệ thống cấp phát ngang do chỉ thị của tổ - cục.

Những năm 1964-1965, việc nghiên cứu về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống tiếp vận miền Bắc trên đường mòn Hồ Chí Minh đã được chính quyền Việt Nam Cộng hòa nâng lên một bước. Các quy luật hoạt động của đoàn vận chuyển và cách bố trí các trạm cung cấp của quân ta trên đường mòn Hồ Chí Minh được ghi chép một cách tỉ mỉ và khá chi tiết. Điều này được thể hiện rõ trong Bản nghiên cứu về tình hình xâm nhập của Việt Cộng tính đến hết ngày 31/12/1965 của Phòng Nhì Bộ Tư lệnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa5.

Theo bản nghiên cứu này, dọc các lộ trình “xâm nhập” trên đất liền đều có các trạm. Các trạm này là chỗ nghỉ chân của các đoàn “xâm nhập”. Trên lộ trình nội địa từ Khu phi quân sự (vĩ tuyến 17) vào tới Ara Salour (Bình Thuận) có tất cả 32 trạm (trạm đầu tiên có tên là trạm “Hai con voi”). Thông thường, mỗi trạm đều có 01 trạm trưởng và một số nhân viên giao liên vận tải hướng dẫn các đoàn xâm nhập từ trạm này đến trạm kia và vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào. Các trạm thường đặt trong rừng và xa các trục lộ giao thông, có một số nhà sàn được dựng dưới tán cây để tránh phi cơ quan sát. Mỗi trạm chính được bố trí cách nhau từ 2 đến 4 ngày đường, tại đây các đoàn “xâm nhập” được tiếp tế. Giữa các trạm chính, Việt Cộng tổ chức những trạm giao liên phụ. Các đoàn “xâm nhập” đến trạm nào thì phải theo nội quy sinh hoạt ở trạm đó. Việc nấu ăn cũng do trạm ấn định (thường là buổi chiều) để tránh có khói khiến phi cơ dễ quan sát.

Cũng theo Bản nghiên cứu của Phòng Nhì Bộ Tư lệnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa, tính đến hết ngày 31/12/1965, việc bố trí các đơn vị tiếp vận theo lộ trình từ Bắc vĩ tuyến 17 vào Cao nguyên Trung phần của miền Bắc được thực hiện như sau: Đoàn 559 phụ trách vận chuyển từ chân núi 1001 thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình đến biên giới Lào - Quảng Nam. Đoàn Bình Sơn phụ trách vận chuyển trong nội địa Việt Nam Cộng hòa từ ranh giới hai tỉnh Thừa Thiên - Quảng Nam vào quốc lộ 14 thuộc tỉnh Quảng Tín. Đoàn Nam Sơn phụ trách từ quốc lộ 14 đến căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (vùng Sông Tranh - Đỗ Xá). Từ căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trở vào các tỉnh Khu T6 và các tỉnh duyên hải, việc vận chuyển do các bộ phận giao bưu địa phương đảm trách. Bản nghiên cứu khẳng định: Như vậy, có nghĩa là số vũ khí, quân nhu chỉ được đưa từ miền Bắc vào tới Quân khu 5, còn sự vận chuyển kế tiếp hoặc sự phân phối do địa phương phụ trách.

Trong Phiếu trình số 194/P.Th.T/VoP/QV/2 ngày 12/6/1968, Văn phòng Phủ Thủ tướng đã trình bày những nghiên cứu tổng hợp về tổ chức và hoạt động của Đoàn 559, qua đó cho thấy, Đoàn 559 là đoàn hậu cần chiến lược, chiến dịch và chiến đấu với nhiệm vụ đa năng, đa hiệu để vận chuyển người và vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam. Đoàn có 3 cơ quan Tham mưu - Chính trị - Hậu cần, gồm 18 phòng ngang với cấp cục. Ngoài ra, Đoàn 559 còn có hệ thống đường tiếp vận qua 4 phía Trường Sơn có thể tiếp vận một khối lượng lớn người và vũ khí đến 6 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và Kon Tum. Đường chính vào đến Quảng Nam gọi là “trục”. Dọc theo trục, Việt Cộng tổ chức nhiều trạm tiếp vận gọi là binh trạm và kho trạm, có hầm giấu xe và giấu hàng trong sườn núi để tránh phi pháo. Lực lượng Đoàn 559 gồm 10 tiểu đoàn và 2 đại đội quân vận, ngoài ra còn có lực lượng công binh, quân giới, phòng không, bộ binh, quân y, thông tin, hậu cần, dân công và thanh niên xung phong. Đoàn 559 sử dụng cả phương tiện vận tải cơ giới và nhân lực để vận chuyển.

Trong những năm 1967-1968, Đoàn 559 đã sử dụng 700 xe vận tải để đưa Sư đoàn 304 vào chiến trường Khe Sanh, vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí vào chiến trường Trị Thiên chuẩn bị cho cuộc tổng công kích.

Phiếu trình dự báo, mặc dù Đoàn 559 vận tải trong khu vực Bắc Việt Nam Cộng hòa và tại Trung, Hạ Lào, song trong tương lai Đoàn có thể mở rộng khu vực hoạt động xuống miền Nam. Đây là minh chứng hùng hồn cho việc Bắc Việt đang dốc toàn lực chi viện cho miền Nam với một số lượng rất lớn về người và vũ khí.

Hoạt động tiếp vận trên đường mòn Hồ Chí Minh được các cơ quan chính quyền Việt Nam Cộng hòa mô tả là hoạt động “xâm nhập” cán bộ và vũ khí của Việt Cộng miền Bắc vào miền Nam. Thông qua các tài liệu lưu trữ6, có thể khái quát hoạt động này như sau:

- Tổ chức xâm nhập: Theo Bản nghiên cứu về tình hình “xâm nhập” của Việt Cộng (1964), miền Bắc Việt Cộng đã thành lập Ủy ban Thống nhất Trung ương để đặc trách về tình hình miền Nam, có nhiệm vụ tuyển mộ, huấn luyện và trang bị cho cán bộ “xâm nhập”. Số cán bộ này chủ yếu là những người thuộc các đơn vị tập kết như Sư đoàn 305, 324, 330, 338. Sau khi được huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện Xuân Mai (Hà Đông), các cán bộ được tổ chức thành đoàn ngũ (mang danh hiệu) tiến hành hoạt động “xâm nhập”.

- Số lượng, thành phần cán bộ “xâm nhập”: Theo Bản đệ trình Tổng thống của Tham mưu biệt bộ Tổng thống Phủ về nhận định cuộc “xâm nhập” của Việt Cộng vào Việt Nam Cộng hòa đến cuối năm 1962, từ năm 1954-1959, cán bộ “xâm nhập” của ta chủ yếu là cán bộ chính trị và một số ít cán bộ lãnh đạo quân sự. Bản đệ trình này cũng nhận định, mặc dù số lượng “xâm nhập” không nhiều, song Việt Cộng đã đạt được nhiều kết quả như: thiết lập được một hệ thống giao liên an toàn, huấn luyện hiệu quả các lực lượng miền Nam về chiến thuật du kích.

Đến cuối năm 1963, ước lượng quân số Việt Cộng “xâm nhập” lên tới 27.000 người. Lực lượng “xâm nhập” đều là những người thuộc các sư đoàn, trung đoàn miền Nam tập kết, phù hợp với cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Nam. Theo nhu cầu của chiến trường, bên cạnh cán bộ, đảng viên, lực lượng quân sự, còn có một số chuyên viên về thông tin, quân y, tài xế, đặc biệt là đặc công, pháo binh.

Có thể nói, về cơ bản, những nghiên cứu về đường mòn Hồ Chí Minh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa phản ánh khá đầy đủ, đúng thời gian và địa điểm so với sự kiện lịch sử được ghi nhận trong các nguồn tài liệu chính thống. Tuy nhiên, trong nội dung cụ thể của từng văn bản vẫn có những thông tin chưa chính xác và chưa thật sự rõ ràng. Và có lẽ, hệ quả của những thông tin sai lệch và thiếu khách quan này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Thông qua việc tìm hiểu những tài liệu nghiên cứu của Việt Nam Cộng hòa về đường mòn Hồ Chí Minh, có thể hiểu rõ hơn về sự tồn tại và tầm vóc lớn lao của con đường “huyền thoại”, mà theo cách nhìn nhận, đánh giá của người Mỹ, đây là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX”.

60 năm qua, tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của ý chí và sức mạnh Việt Nam; là tuyến hậu cần và căn cứ chiến lược cho các chiến trường, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Mặc dù đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh phá ác liệt tuyến đường, song cũng không chiến thắng được tinh thần “chân trần, ý chí thép” của quân ta. Đường mòn Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cầu nối chiến lược giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, đây sẽ mãi là một trong những trang sử chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 

1, 2, 3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Phủ Tổng thống Đ1CH, Hồ sơ số 5479.

4.  Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Phủ Tổng thống Đ1CH, Hồ sơ số 6277.

5.  Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 15230.

6. Các tài liệu gồm:

- Bản đệ trình Tổng thống của Tham mưu biệt bộ Tổng thống Phủ về Nhận định cuộc xâm nhập của Việt Cộng vào Việt Nam Cộng hòa đến cuối năm 1962, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 14942.

- Bản tin đặc biệt, ngày 31/7/1963 của Phòng Nhì, Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng về việc phát hiện vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam qua ngả biên giới Việt - Miên, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa, Mục lục số 10, Hồ sơ số 15232.

- Bản nghiên cứu về tình hình xâm nhập của Việt Cộng (Tài liệu đính kèm Phiếu chuyển chung số 01.520/TTL/2/TTQB/3/K ngày 08/6/1964 của Phòng Nhì Bộ Tư lệnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa), Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 14942.

- Phiếu trình số 155-TTP/VoP/QV/CT ngày 09/3/1965 của Văn phòng Phủ Thủ tướng về việc đường tiếp tế vũ khí của Bắc Việt cho đồng bọn miền Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa, Mục lục số 10, Hồ sơ số 15232.

- Công văn số 01048 BNV/CT/P1/M ngày 04/3/1965 của Bộ Nội vụ về việc khám phá những con đường tiếp tế vũ khí của Bắc Việt cho đồng bọn miền Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa, Mục lục số 10, Hồ sơ số 15232.

Tài liệu tham khảo:

1. Thanh Mai: “Đôi điều trao đổi về công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ”, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, Số 11/2013.

2. Đồng Sĩ Nguyên: Hồi ký Đường xuyên Trường Sơn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

3. Đặng Phong: Đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2018.

TRỊNH VIỆT DŨNG

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ

TRẦN TRUNG HIẾU

Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An

Bình luận