Năm 2019, xuất bản 400 triệu bản sách, doanh thu 2.600 tỷ đồng

Ngày đăng: 13/01/2020 - 09:01

Trên 33.000 cuốn với 400 triệu bản sách được xuất bản, sách điện tử đã có bước cựa mình. Tuy vậy, ngành sách vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tiếp nối đà tăng trưởng vài năm qua, năm 2019 là năm mà ngành xuất bản tiếp tục có sự phát triển.

Lượng sách tăng, nhưng chưa đạt kỳ vọng

Theo tổng kết của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm qua toàn ngành xuất bản trên 33.000 cuốn sách (năm 2018 đạt gần 32.000 cuốn). Lượng bản sách trên 400 triệu bản (năm 2018 đạt 390 triệu bản).

Lĩnh vực sách điện tử tuy còn nhỏ song đã có bước phát triển so với năm 2018. Xuất bản phẩm điện tử đạt trên 2.400 cuốn với 1,5 triệu lượt truy cập, tốc độ tăng trưởng tăng 25 lần (số cuốn), 5 lần (lượt truy cập) so với 2018.

Cả nước có 59 nhà xuất bản (NXB), trong đó 49 NXB thuộc các cơ quan Trung ương và 10 NXB địa phương. Doanh thu đạt trên 2.600 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2018. Lợi nhuận đạt khoảng 230 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2018).

Lượng sách tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Ảnh: Bá Ngọc.

Lĩnh vực in, cả nước có trên 1.900 cơ sở in công nghiệp (tăng 5,3% so với năm 2018) trên tổng số hơn 10.000 cơ sở in. Doanh thu ngành in đạt trên 96.000 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2018). Lợi nhuận ngành in đạt gần 8.000 tỷ đồng (tăng 4%), nộp ngân sách nhà nước 2.220 tỷ đồng.

Năm qua, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp tham gia phát hành xuất bản phẩm (tăng 3%), trên 10.000 hộ gia đình, đại lý tham gia phát hành. Doanh thu phát hành trên 4.200 tỷ đồng (tăng 5%). Số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu là 430.000 cuốn, 53 triệu bản (tăng 5,7%).

Năm 2019, Cục Xuất bản có nhiều hoạt động trong công tác phát triển ngành sách, văn hóa đọc. Hoạt động nổi bật là việc chủ trì xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể; hướng dẫn các bộ, ngành tổ chức và các địa phương tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.

Cục phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam hoàn thiện công tác tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2; đề xuất lựa chọn trao giải cho các tác phẩm, công trình có giá trị. Chủ động xã hội hóa, tạo điều kiện để doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh tài trợ, đưa mức giải thưởng lên cao.

Năm 2019, Cục Xuất bản cũng phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức thành công gian hàng Hà Nội - Việt Nam tại Hội chợ sách Frankfurt 2019.

Năm qua, Cục cũng tổ chức các hội thảo, chuyên đề khoa học làm cơ sở xây dựng chính sách phát triển ngành sách. Một số hội thảo chất lượng được tổ chức như: hội thảo Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0; hội thảo Phát triển thị trường và cải cách thủ tục hành chính đối với ngành công nghiệp in Việt Nam, hội nghị chuyên đề Xuất nhập khẩu xuất bản phẩm nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị xuất nhập khẩu xuất bản phẩm.

Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực cũng được chú trọng. Cục tổ chức hai hội nghị tập huấn nghiệp vụ xuất bản 2019 nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc nâng cao vai trò của công tác xuất bản trong từng giai đoạn cụ thể, đặc biệt chú trọng vai trò của đội ngũ lãnh đạo nhà xuất bản.

Năm 2019, Cục tổ chức thành công Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức thành công Hội sách ở Hoàng Thành Thăng Long với chủ đề “Thành phố vì hòa bình”.

Sách lậu hoành hành, sách điện tử phát triển chưa xứng tiềm năng

Tuy vậy, ngành sách vẫn còn những khó khăn và thách thức. Vấn nạn sách lậu như một căn bệnh nhờn thuốc vẫn ngang nhiên tồn tại. Các cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện những kho sách lậu lớn vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng sách lậu. Thậm chí, sách lậu ngày càng được làm tinh vi, lưu hành trên mạng Internet khó kiểm soát.

Sách giả ngày càng tinh vi, khó lường.

Mạng lưới phát hành sách còn đang mất cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, miền núi.

Dù đã làm ra nhiều đầu sách hơn và có sự tăng trưởng so với năm 2018, song xuất bản điện tử vẫn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và xu thế phát triển của thế giới. Đến nay, mới có 6/59 nhà xuất bản tham gia thị trường sách điện tử.

Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng cho rằng các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động xuất bản phẩm còn thiếu đồng bộ. Một số quy định không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn khi triển khai thực hiện, thậm chí đặt doanh nghiệp trước nguy cơ thua lỗ như việc tăng tiền thuê nhà đất đối với các nhà xuất bản, cơ sở phát hành sách.

Cục Xuất bản, In và Phát hành đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020. Trong đó, xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về xuất bản, in và phát hành là công tác quan trọng.

Tiếp tục triển khai Giải thưởng Sách Quốc gia để đưa giải thưởng thành giải có uy tín và giá trị hàng đầu trong các giải thưởng cho báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ là một trong những nhiệm vụ Cục Xuất bản đề ra.

Tập trung nghiên cứu, đầu tư phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm. Đẩy mạnh xã hội hóa, triển khai Chương trình Sách Quốc gia, phát triển các tủ sách trọng điểm. Triển khai Giải thưởng Sách Quốc gia hằng năm theo hướng thu hút xã hội hóa. Phối hợp với các cơ quan báo chí giới thiệu sách hay, sách giá trị đến công chúng.

Tập trung công tác quản lý như: Công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xuất bản. Xây dựng Quỹ hỗ trợ Xuất bản Việt Nam từ nguồn lực xã hội hóa. Phòng, chống in lậu bằng nhiều giải pháp. Ứng dụng công nghệ vào quản lý thị trường xuất bản, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng QR code để quản lý xuất bản phẩm từ khâu xuất bản, in, phát hành. Xây dựng phần mềm phục vụ cho công tác kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu và hỗ trợ cho công tác biên tập của nhà xuất bản.

Theo Zing

Bình luận