Những năm Hợi quan trọng trong việc soạn sử Việt

Ngày đăng: 28/02/2019 - 16:02

Bộ quốc sử lớn nhất của nước ta, Đại Việt sử ký toàn thư, được soạn trong nhiều triều đại khác nhau, và có những dấu mốc về việc biên soạn trong các năm Hợi vào thời nhà Lê.

Sử chính thống nước ta được bắt đầu từ bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, soạn từ thời Trần. Lê Văn Hưu (1230–1322) là một học giả nổi tiếng, quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa, từng thi đỗ Bảng nhãn năm 1247 khi mới 17 tuổi. Dưới thời Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông ông từng giữ các chức vụ Kiểm pháp quan, Binh bộ thượng thư, rồi thăng lên Hàn lâm viện học sĩ, Quốc sử viện giám tu.

Theo lệnh vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu đã chủ trì Quốc sử viện biên soạn bộ chính sử đầu tiên của nhà Trần mang tên Đại Việt sử ký, chép từ thời Triệu Vũ đế (Triệu Đà) đến khi Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho Trần Thái Tông (1225).

Hiện nay, bộ sử này không còn, có lẽ đã bị quân xâm lược nhà Minh đem về nước hoặc tiêu hủy khi chúng xâm lược nước ta trong suốt 20 năm (1407-1427). Theo sử sách sau này thì bộ sử của Lê Văn Hưu gồm 30 quyển.

Sau khi đánh đuổi quân Minh, vua Lê Lợi lên ngôi năm 1428, khởi đầu nhà Lê, tức Lê Thái Tổ. Đến năm Ất Hợi, niên hiệu Diên Ninh năm thứ 2 đời vua Lê Nhân Tông (1455), nhà vua sai Quốc tử bác sĩ Phan Phu Tiên soạn bộ Đại Việt sử ký tục biên.

Phan Phu Tiên (1370 -1462), quê gốc tổ tiên ở Nghệ An nhưng sinh ra ở làng Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Ông thi đỗ thứ ba khoa Minh kinh năm Kỷ Dậu (1429), ngay sau khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi.

Sau khi thi đỗ, Phan Phu Tiên được bổ làm Đồng tu sử ở Quốc Sử viện. Sau khi biên soạn Việt âm thi tập, và đây chính là "bộ hợp tuyển thơ văn đầu tiên của nước Việt", ông được bổ làm An phủ sứ ở Thiên Trường (Nam Định ngày nay), rồi ở Hoan Châu (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay).

Nhiều năm sau, ông được vua Lê Nhân Tông triệu ông về lại Quốc sử viện, để tổ chức biên soạn bộ Đại Việt sử ký tục biên. Bộ sách viết tiếp từ thời Trần Thái Tông lên ngôi đến khi người Minh về nước, tức từ năm 1225 đến năm 1427, gồm 10 quyển.

Hai mươi tư năm sau, lại là một năm Hợi khác, tức năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479) đời vua Lê Thánh Tông, nhà vua sai Sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên tiếp tục soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 15 quyển.

Mộc bản Đại Việt sử ký toàn thư, bản khắc của Quốc tử giám thời Nguyễn.

Bộ quốc sử hoàn thành vào tiết đông chí, khoảng tháng 11 năm Kỷ Hợi, bao quát lịch sử Việt Nam trong hơn bốn thiên niên kỷ, với phần khởi thủy được mở rộng ngược lên từ một thời điểm truyền thuyết về thời Hồng Bàng từ năm 2879 trước Công nguyên, dừng lại ở sự kiện quân Minh rút về Trung Quốc, kết thúc giai đoạn Bắc thuộc lần 4 năm 1427. Tuy nhiên sau khi hoàn thành, bộ Đại Việt sử ký toàn thư này không được khắc in để phát hành mà vẫn nằm lại trong Sử quán của triều đình dưới dạng bản thảo viết tay.

Đến đời vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Phạm Công Trứ, sửa chữa bộ quốc sử của Ngô Sĩ Liên, đồng thời sai biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ đến năm 1662 đời vua Lê Thần Tông nhà Hậu Lê. Bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, gồm 23 quyển, đã được đem khắc in định phát hành nhưng công việc chưa xong, phải bỏ dở.

Sang đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Căn lại hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Lê Hy, tiếp tục khảo đính bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, đồng thời biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1663 đời vua Lê Huyền Tông đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Bộ quốc sử này lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư, theo đúng tên mà sử gia Ngô Sĩ Liên cách đó gần hai thế kỷ đã đặt cho bộ sử của ông.

Đại Việt sử ký toàn thư bản của nhóm Lê Hy gồm 25 quyển, được khắc in toàn bộ và phát hành thành công vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18 đời vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697.

Trong lời tựa của lần xuất bản đó - gọi là Tựa Đại Việt sử ký tục biên - nhóm biên soạn đứng đầu là Tham tụng, Hình bộ thượng thư tri Trung thư giám Lê Hy, cho biết bộ Quốc sử này là kết quả của một quá trình biên soạn, tu bổ qua nhiều đời: "Nước Việt ta, sử ký các đời do các tiên hiền Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên làm ra trước, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh soạn tiếp sau, đến đời Lê Huyền Tông (1663 - 1671) sai bọn tể thần Phạm Công Trứ tham khảo sử cũ như Sử ký ngoại kỷ, Bản kỷ toàn thư, Bản kỷ thực lục đều y theo danh lệ của các sử trước, lại tham xét biên soạn từ quốc triều Trang Tông Dụ Hoàng đế (1533 - 1548) sai bọn khảo thần khảo đính sử cũ, chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy”.

“Lại sưu tầm sự tích cũ, tham khảo các dã sử, loại biên, biên soạn từ Huyền Tông Mục Hoàng Đế năm Đức Nguyên thứ 2 (1675), tất cả sự thực trong mười ba năm, cũng gọi là Bản kỷ tục biên. Sách làm xong, dâng lên ngự lãm, bèn sai thợ khắc in, ban bố trong thiên hạ".

Bản Đại Việt sử ký toàn thư chúng ta đọc ngày nay là bản năm Chính Hòa, với bản khắc chữ Hán gọi là Nội các quan bản, được các dịch giả Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long, Hà Văn Tấn dịch sang quốc ngữ, NXB Khoa học Xã hội xuất bản lần đầu năm 1983, sau đó, liên tục được nhiều NXB khác tái bản, là bộ sử liệu quan trọng dành cho những người muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà.

BT: Kiều Trang

Theo Zing.vn

Bình luận