50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia)

Ngày đăng: 30/09/2019 - 15:09

Hơn 50 bài viết của những nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học có uy tín, lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương được tập hợp trong cuốn sách 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 28/8/2019 nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (02/9/1969 – 02/9/2019). Qua đó, chúng ta có thể hiểu thấu vì sao Di chúc được xem là một văn kiện lịch sử, là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta, có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các bài viết trong cuốn sách phân tích, nghiên cứu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những góc độ, khía cạnh hết sức đa dạng, nhiều chiều, xuất phát từ vị trí, lĩnh vực hoạt động, nghiên cứu khác nhau của tác giả bài viết. Đó có thể là một tập thể, một đoàn thể hay một cá nhân, là một tướng lĩnh Công an nhân dân, Quân đội nhân dân hay một chuyên gia nghiên cứu lịch sử, khoa học, là một cán bộ công tác tại cơ quan Trung ương hay đại biểu cho “tiếng nói” từ một địa phương. Có lẽ cũng chính điều đó đã tạo nên những trang viết sinh động, đầy đặn, làm phong phú thêm những nội dung cơ bản và giá trị lịch sử của bản Di chúc, cũng như những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm qua 50 năm thực hiện Di chúc trên các lĩnh vực.

Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết lần đầu vào hồi 9 giờ 00’ ngày 10/5/1965, nhân dịp sinh nhật 75 tuổi của Người. Từ đó đều đặn mỗi năm, Người chỉ viết và sửa trong 1 giờ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng. Bốn tháng sau khi sửa Di chúc lần cuối cùng (tháng 5/1969), Người vĩnh biệt chúng ta để trở về với tổ tiên, đi “gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” vào đúng ngày Tết độc lập - ngày thiêng của đất nước.

50 năm đã trôi qua, cũng là từng ấy năm chúng ta ra sức thực hành những di huấn mà Người để lại trong bản Di chúc, và có thể khẳng định, chúng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của quốc bảo và pháp bảo của Việt Nam ấy.

Là chuyên gia hàng đầu của nước ta nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá: Di chúc “là một hiện tượng văn hóa hiếm thấy ở đời, dường như chỉ tìm thấy ở Hồ Chí Minh. Bản văn trên 1.000 từ mà Người dành tâm sức 4-5 năm suy nghĩ, viết và sửa chữa, để lại muôn vàn tình thương yêu, niềm tin và hy vọng cho toàn dân, toàn Đảng, cho dân tộc và nhân loại”. GS.TS. Hoàng Chí Bảo cũng phát hiện và tổng kết, trong hơn 1.000 từ ấy, “Người dành cái tối đa cho dân, cho Đảng, cho con người và cuộc đời, cho dân tộc và thế giới, nhân loại. Người chỉ nhận cho mình cái tối thiểu, vẻn vẹn có 79 từ, dặn về việc riêng”, do đó có thể khẳng định, “Di chúc chứa đựng tư tưởng lớn trong một hình thức nhỏ”.

Trên cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành đặt vấn đề thực hành tinh thần gắn bó mật thiết với Nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như theo tinh thần trong Di chúc của Người. Dẫn ra nhiều lời căn dặn của Người về trách nhiệm phải gần dân, dựa vào dân, vì dân mà phụng sự, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đồng thời dẫn chứng rất nhiều hành động thiết thực thể hiện sự khắc cốt ghi tâm của lực lượng Công an nhân dân đối với những lời dạy của Bác Hồ, đã tạo ra sự gắn kết keo sơn, “máu thịt” một cách tự nhiên giữa lực lượng công an với Nhân dân, dù đâu đó vẫn còn có những trường hợp, những hành động, biểu hiện khiến cho mối quan hệ gắn bó giữa Công an với Nhân dân có nguy cơ “rạn nứt”. Từ đó, đồng chí đưa ra những giải pháp cơ bản để tăng cường, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Công an với Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Là vị tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm tới tinh thần trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc thực hành theo tinh thần đó của cán bộ, chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, dù trong thời kỳ nào, điều kiện nào, trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc hay trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; đồng thời luôn nêu cao quyết tâm, ra sức thực hiện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Từ tầm nhìn của một nhà nghiên cứu triết học, GS.TS. Trần Văn Phòng lại tiếp cận bản Di chúc qua những trang viết phân tích về triết lý phát triển Hồ Chí Minh được thể hiện trong di huấn của Người. Theo Giáo sư, triết lý phát triển trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua một số điểm: Một là, triết lý thực hành đoàn kết, dân chủ, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thấm nhuần đạo đức cách mạng là nguồn gốc của đoàn kết thống nhất trong Đảng, là cội nguồn sức mạnh của Đảng; Hai là, triết lý chăm lo cho mọi người sau chiến tranh là chăm lo cho sự phát triển đất nước, là trách nhiệm, đạo lý của Đảng; Ba là, triết lý về sự thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến chính nghĩa chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta; Bốn là, triết lý phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân là cơ sở để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, là động lực phát triển của cách mạng Việt Nam; Năm là, triết lý sống giản dị, hòa mình cùng thiên nhiên. Giáo sư nhận định, có thể còn những triết lý khác trong Di chúc mà chúng ta chưa tìm hiểu, khai thác hết được, nhưng đến nay, năm triết lý trên vẫn giữ nguyên ý nghĩa, giá trị phương pháp luận đối với sự phát triển bền vững của nước ta.

Còn nhiều nội dung, vấn đề khác như: về quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam; về tư tưởng đổi mới; về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng; về công việc đối với con người; về đạo đức cách mạng; về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn… được các tác giả đi sâu khai thác, nghiên cứu, tùy thuộc vào vị trí công tác, chuyên ngành nghiên cứu cũng như mối quan tâm khác nhau. Dù lựa chọn vấn đề việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nghiên cứu việc thực hành tinh thần “suốt đời vì nước, vì dân” trong Di chúc (Văn phòng Chủ tịch nước), phân tích, đánh giá quá trình thực hiện Di chúc về công tác chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) hay chú trọng tới những vấn đề gắn bó mật thiết với người dân địa phương như xây dựng đời sống mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xóa đói giảm nghèo (đại biểu các tỉnh, thành phố)…, tất cả các bài viết trong cuốn sách đều hướng tới khẳng định, Di chúc là một tác phẩm bất hủ được viết từ trái tim, trí tuệ và tư tưởng của một vĩ nhân. Đó là sự kết tinh trí tuệ của một nhà tư tưởng lỗi lạc, được thể hiện một cách trọn vẹn trong cả ngôn từ diễn đạt và các nội dung cốt lõi của văn kiện lịch sử vô giá ấy.

Giao Linh

 

Bình luận