Đã có 6 nhà xuất bản được cấp phép xuất bản sách giáo khoa

Ngày đăng: 25/01/2019 - 16:01

Thực hiện lộ trình xóa bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chủ quản, đến cuối năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp bổ sung chức năng, nhiệm vụ xuất bản sách giáo khoa, sách giáo viên cho 6 nhà xuất bản có đủ năng lực. Đó là Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Huế và Nhà xuất bản Đại học Vinh.  

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu kết luận và chỉ đạo

Thông tin trên là một trong những nội dung được nêu lên tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản Nhà xuất bản năm 2018, diễn ra tại Hà Nội sáng 18-1.

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo.

Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng đại diện lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam, các cơ quan chủ quản Nhà xuất bản và giám đốc - tổng biên tập các Nhà xuất bản trong nước.

Số xuất bản phẩm sai phạm trong năm 2018 giảm 50%

Năm 2018, không chỉ số lượng đầu xuất bản phẩm và số bản in tăng lên mà hình thức và chất lượng xuất bản phẩm cũng được nâng cao hơn so với năm 2017. Nội dung xuất bản phẩm đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao về đời sống văn hóa tinh thần, tri thức của công chúng và xã hội; đồng thời phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương cũng như các ngày lễ lớn, các sự kiện kinh tế, chính trị, đối ngoại của đất nước, như: Sự kiện Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tại Hà Nội; Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống Thi đua yêu nước; Kỷ niệm 60 năm ra đời tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phần lớn các Nhà xuất bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội dung chính trị, tư tưởng của xuất bản phẩm, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu

Tổng số xuất bản phẩm của 59 Nhà xuất bản nộp lưu chiểu năm 2018 là: 33.087 xuất bản phẩm với 430.142.259 bản (tăng gần 9% về số đầu sách và 26% về số bản sách so với năm 2017). Trong đó xuất bản phẩm dưới dạng sách giấy là 31.438 cuốn với 404.600.895 bản; xuất bản phẩm điện tử: 86 xuất bản phẩm với 318.400 lượt phát hành; xuất bản phẩm khác (băng, đĩa, bản đồ, bưu ảnh, lịch...): 1.563 loại với 25.222.964 bản.

Một số cơ quan chủ quản đã tạo điều kiện cho Nhà xuất bản trực thuộc tổ chức các trại sáng tác văn học, như Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; Trại sáng tác văn học “Cây bút vàng” do Nhà xuất bản Công an Nhân dân tổ chức... Cùng với đó, một số cơ quan chủ quản đã tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan liên quan kịp thời chỉ đạo, định hướng các nội dung phức tạp, nhạy cảm ngay từ khâu tổ chức bản thảo, góp phần hạn chế việc khai thác các mảng đề tài xa rời tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ; khắc phục được sai phạm trong nội dung xuất bản phẩm...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu

Năm 2018, số sách sai phạm bị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý giảm 50%. Cụ thể là xử lý 44 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung; 20 xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả; 12 xuất bản phẩm vi phạm các quy định khác của Luật Xuất bản; 2 xuất bản phẩm mạo danh Nhà xuất bản để in lậu, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp... Ngoài ra, có 43 xuất bản phẩm vi phạm được các Nhà xuất bản tự xử lý và báo cáo với cơ quan chức năng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2018, ngành Xuất bản vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục, như: tình trạng xuất bản sách kém chất lượng, thậm chí có nội dung sai phạm về chính trị tư tưởng vẫn tiếp tục diễn ra; truyền thông sách chưa được quan tâm đúng mức; hiệu quả kinh doanh thấp; năng lực, tiềm lực yếu, nhất là ứng dụng công nghệ; chưa phát triển được thị trường sách điện tử... Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài trách nhiệm trước hết của các Nhà xuất bản, còn có trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan chủ quản Nhà xuất bản.

Góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong xã hội

Trao đổi tại Hội nghị, bên cạnh nêu lên những kết quả, khó khăn, kinh nghiệm và kiến nghị, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là ngành Xuất bản phải góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong xã hội.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Nguyễn Quốc Huy phát biểu

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Nguyễn Quốc Huy, văn hóa đọc của người dân nước ta, đặc biệt là trong thanh thiếu niên còn rất thấp so với một số nước trong khu vực. Cùng với Đề án của Thủ tướng Chính phủ về "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", thời gian qua, các bộ, ngành, tổ chức, địa phương cũng đã có những giải pháp để thúc đẩy văn hóa đọc trong xã hội. Tuy nhiên tính hiệu quả bước đầu vẫn chưa được như mong muốn.

“Để nâng cao văn hóa đọc của cộng đồng, cần có chiến lược mang tầm vĩ mô quốc gia, trong đó xác định chiến lược phát triển ngành xuất bản, thị trường xuất bản điện tử. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy văn hóa đọc đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; thúc đẩy xã hội hóa...”, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn nêu.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn đề xuất, bên cạnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, gắn với cuộc sống và nhu cầu ngày càng cao của người đọc, các Nhà xuất bản cần đẩy mạnh những giải pháp truyền thông hiệu quả, để không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm của mình, mà còn tạo hiệu ứng nâng cao văn hóa đọc trong xã hội. Các tổ chức chính trị-xã hội cũng phải xác định được trách nhiệm của mình trong việc khuyến khích, thúc đẩy văn hóa đọc của cộng đồng.

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cho biết: Các sự kiện về sách tiêu biểu và đã trở thành nét đặc trưng của Thành phố mang tên Bác như: Hội Sách TP. Hồ Chí Minh, Lễ hội đường sách Tết Nguyên đán... được tổ chức liên tục trong những năm trở lại đây đã góp phần rất hiệu quả trong việc thúc đẩy văn hóa đọc của công chúng. Chính vì thế, theo đại điện Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, cần phải tiếp tục tăng cường hướng dẫn, quảng bá các tác phẩm hay, có giá trị thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là công tác tuyên truyền, triển lãm, nâng cao hiệu quả của thư viện... nhằm góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam trao đổi: Trong xã hội chúng ta hiện nay, đa số công chúng mới chỉ dành sự quan tâm đến thông tin báo chí, còn thông tin sách thì rất ít quan tâm. Chính vì thế, các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản và các Nhà xuất bản phải tích cực góp sức cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng được những lộ trình thích hợp, giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong xã hội. Muốn vậy, cần phải có những cơ chế, chính sách cụ thể, đặc biệt chú ý đầu tư về chất xám.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc-Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu

Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh thêm: Sách là con đường im lặng, không tạo ra bề nổi như báo chí. Thông tin báo chí là thông tin hàng ngày, hàng giờ về những điều đang diễn ra; còn thông tin từ sách là thông tin hàng trăm năm - có những vấn đề phải đến thế hệ con cháu chúng ta mới thấy được kết quả hoặc hậu quả. Vì thế, thông tin từ sách phải rất thận trọng, hay nhưng phải đúng để tạo dựng hành vi văn hóa; phê phán tiêu cực nhưng không được lợi dụng tiêu cực để làm rối loạn xã hội...

Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản

Bên cạnh nhấn mạnh thêm về những kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn của hoạt động xuất bản năm 2018, trong phát biểu kết luận, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị trong năm 2019, các cơ quan chủ quản và Nhà xuất bản quan tâm tới một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tập trung xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, bộ, ngành, địa phương, đặc biệt chú trọng tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 với chủ đề: “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; triển khai thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” và các ngày lễ kỷ niệm quan trọng năm 2019.

Hai là, cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện, triển khai ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch, thông tư, nghị định bổ sung, sửa đổi đối với các lĩnh vực quản lý của ngành; triển khai thực hiện Đề án “Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; xây dựng Đề án Chiến lược sách Quốc gia và Đề án Phát triển xuất bản điện tử theo tinh thần Thông báo Kết luận số 19-TB/TW ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; chủ động phối hợp với các cơ quan chủ quản hướng dẫn việc chuyển đổi Nhà xuất bản theo loại hình tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; hoàn thành việc chuyển đổi các Nhà xuất bản địa phương và các Nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị sang loại hình đơn vị sự nghiệp chậm nhất trong quý IV năm 2019 theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết 08/2018/NQ-CP của Chính phủ.

Toàn cảnh Hội nghị.

Ba là, cơ quan chủ quản chủ động phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản, thực hiện nghiêm Quyết định 281, 282, 283 QĐ/TW ngày 26-1-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, quản lý xuất bản; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ một cách thực chất những ách tắc, rào cản đối với các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của các đơn vị xuất bản; triển khai sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Nhà xuất bản, nhất là các Nhà xuất bản hoạt động theo loại hình doanh nghiệp; xử lý dứt điểm những đơn vị hoạt động yếu kém; mạnh dạn trình Chính phủ đầu tư trở thành đơn vị mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển văn hóa...

Bốn là, Nhà xuất bản cần chủ động xây dựng giải pháp phát triển và mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời tập trung làm tốt công tác cán bộ, xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ xuất bản, bảo đảm nâng cao về phẩm chất chính trị cũng như năng lực chuyên môn, khắc phục tình trạng thiếu cán bộ trong ngành hiện nay; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ những người làm công tác xuất bản; nâng cao chất lượng quy hoạch lãnh đạo chủ chốt Nhà xuất bản theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với nền xuất bản hiện đại; tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn thiện quy chế hoạt động trong đơn vị, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng vị trí công tác, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường quản lý hoạt động liên kết, hoạt động của văn phòng đại diện; coi trọng công tác quảng bá, truyền thông sách; phát triển xuất bản điện tử.

Tặng hoa, tri ân cán bộ lãnh đạo ngành Xuất bản nghỉ hưu trong năm 2018

Bình luận