Đối ngoại biên phòng góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong tình hình mới

Ngày đăng: 27/11/2019 - 16:11
Là "kế sách" bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình, công tác đối ngoại quốc phòng nói chung, đối ngoại biên phòng nói riêng đã góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích của quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Đối ngoại biên phòng cùng với đối ngoại quốc phòng trở thành phương thức quan trọng để củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Đối ngoại biên phòng Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng của công tác biên phòng; đồng thời là một bộ phận cấu thành của đối ngoại quốc phòng. Thành quả của hoạt động đối ngoại biên phòng trong thời kỳ đổi mới là dấu ấn sâu đậm trong chặng đường xây dựng và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng. Thực tiễn tiến hành công tác đối ngoại biên phòng thời kỳ đổi mới cho thấy, đối ngoại biên phòng đạt nhiều thành quả quan trọng, có ý nghĩa chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần làm rõ và khẳng định vị trí, vai trò của quân đội trong tham gia củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Thành quả đó thể hiện tập trung ở một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, đối ngoại biên phòng góp phần cung cấp luận cứ để Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục đổi mới hoạt động đối ngoại biên phòng, qua đó tăng cường nâng cao hiệu quả chính sách đối ngoại, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Quán triệt sâu sắc mục tiêu, nguyên tắc, quan điểm, phương châm, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước theo hướng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trực tiếp là Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/04/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân đội nhân dân Việt Nam, mà một trong những lực lượng nòng cốt là Bộ đội Biên phòng đã triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều hoạt động đối ngoại biên phòng với nhiều nước láng giềng và đạt được những kết quả quan trọng.

Sau hơn 30 năm đổi mới, với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, mở rộng giao lưu, hợp tác với tất cả các nước theo nguyên tắc bảo đảm độc lập, tự chủ và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Việt Nam đã mở rộng, đưa vào chiều sâu các mối quan hệ quốc tế ở trên cả hai bình diện song phương và đa phương, nâng cao hiệu quả đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong đó, đối ngoại biên phòng là chức năng của Bộ đội Biên phòng gồm các hoạt động như: tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; tham gia các đoàn đàm phán, trao đổi giải quyết các vấn đề liên quan đến thực hiện điều ước quốc tế về biên giới; phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng tuần tra, kiểm soát, đấu tranh chống tội phạm và các hoạt động tiêu cực khác; gặp gỡ, trao đổi tình hình, đón tiếp lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng… đã góp phần khẳng định hiệu quả chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đối ngoại quốc phòng, thành quả đối ngoại biên phòng đã góp phần tạo thế và lực mới cho đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trên cơ sở đó “củng cố, duy trì đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng, mở rộng quan hệ với các nước đối tác, giữ vững môi trường hòa bình để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo thuận lợi cho hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới và xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh”1. Đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, tạo môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới, nâng cao vị thế đất nước và quân đội trên trường quốc tế. Thực tiễn này là minh chứng cho thấy, đối ngoại biên phòng không chỉ gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng, mà còn là cơ sở thực tiễn để Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tiếp tục đổi mới hoạt động đối ngoại biên phòng, góp phần đổi mới, tăng cường chính sách đối ngoại trong tình hình mới, thông qua đó tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Thứ hai, đối ngoại biên phòng cùng với đối ngoại quốc phòng hợp thành phương thức quan trọng để củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Là một bộ phận cấu thành của đối ngoại quốc phòng, Bộ đội Biên phòng đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại biên phòng với đối ngoại quốc phòng nhằm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và một số nhiệm vụ đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và quân đội trên trường quốc tế. Cùng với đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng ngày càng phát triển đồng bộ cả về bề rộng và chiều sâu. Thông qua đối ngoại biên phòng, vai trò, trách nhiệm và lập trường nhất quán của Việt Nam trong quan hệ hợp tác quốc tế về quốc phòng nói chung, về biên phòng nói riêng tiếp tục được khẳng định; nâng cao uy tín, năng lực của Việt Nam trong việc phối hợp với các nước láng giềng giải quyết các vấn đề quốc tế bằng biện pháp hòa bình, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới trên cơ sở giữ vững hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, phát triển bền vững của Việt Nam và các nước láng giềng. Nhờ tiến hành khéo léo đối ngoại biên phòng, Việt Nam xử lý có hiệu quả mối quan hệ với các nước láng giềng, nhất là việc phân giới cắm mốc và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Bộ đội Biên phòng Việt Nam có nhiều đề xuất sáng tạo, trực tiếp tham gia nhiều hoạt động đối ngoại biên phòng có ý nghĩa thiết thực, qua đó góp phần tăng cường niềm tin với các nước láng giềng, thúc đẩy hợp tác quân sự, quốc phòng giữa Việt Nam với các nước láng giềng nhằm giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới.

Thực tế cho thấy, để xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển với các nước láng giềng, Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã tiến hành tốt các hoạt động nghiệp vụ biên phòng; phát huy tốt vai trò vừa là “lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”2, vừa là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong triển khai đối ngoại biên phòng khu vực biên giới. Theo đó, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ đối ngoại biên phòng với đối ngoại quốc phòng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai hoạt động này đã góp phần xây dựng, củng cố nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân khu vực biên giới; đồng thời trở thành một phương thức quan trọng để củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Ngược lại, nhờ mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng thường xuyên được củng cố, tăng cường một cách vững chắc mà nguy cơ về quốc phòng và xung đột vũ trang ở khu vực biên giới được hạn chế một cách đáng kể. Qua đó, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia của Việt Nam cũng như các nước láng giềng.

Thứ ba, đối ngoại biên phòng có vai trò quan trọng trong xây dựng đường biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển là biên giới giữa các nước có quan hệ hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau; mọi quan hệ biên giới được thực hiện theo hiệp ước biên giới, hiệp định về quy chế biên giới quốc gia đã ký giữa Việt Nam với các nước láng giềng và bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế; các vấn đề tồn tại hay mọi phát sinh trong quan hệ biên giới được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực3. Việt Nam có đường biên giới quốc gia trên đất liền dài “khoảng 4.610 km, phía Bắc giáp Trung Quốc (1.449,566 km), phía Tây giáp Lào (2.067 km), phía Tây Nam giáp Campuchia (1.137 km)”4 bao gồm “25 tỉnh; 103 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 435 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới đất liền”5. Vì vậy, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh khu vực biên giới. Với ý nghĩa đó, Việt Nam luôn kiên trì và nhất quán “thực hiện chính sách xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng; giải quyết các vấn đề về biên giới quốc gia thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau”6.

Thực tế cho thấy, đối ngoại biên phòng là hoạt động đối ngoại có đóng góp to lớn và quan trọng vào việc củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng; thông qua đó, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Theo đó, xây dựng đường biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và an ninh biên giới của mỗi quốc gia, mà còn là động lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng. Theo đó, Bộ đội Biên phòng luôn chủ động trong mối quan hệ với các cơ quan, lực lượng quản lý và bảo vệ biên giới của các nước láng giềng, phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đặc biệt, trong quan hệ với các nước láng giềng, Bộ đội Biên phòng đã phát huy tốt vai trò là lực lượng “chủ trì phối hợp các ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”7.

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng luôn coi trọng vấn đề hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, tăng cường quan hệ kết nghĩa, giao lưu với nhân dân và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của các nước láng giềng trên nhiều lĩnh vực, tạo sự hiểu biết, tình đoàn kết, góp phần làm cho Việt Nam và các nước láng giềng ngày càng gần gũi, gắn bó, thân thiết, ổn định và phát triển. Hằng năm, Bộ đội Biên phòng Việt Nam và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của các nước láng giềng đã tổ chức hội đàm luân phiên, đánh giá tình hình và thiết lập quy trình, cơ chế phối hợp linh hoạt, phong phú; thường xuyên duy trì chế độ giao ban, gặp gỡ định kỳ, đột xuất giữa lực lượng vũ trang, chính quyền các địa phương khu vực biên giới để trao đổi thông tin, thông báo tình hình, phối hợp bảo vệ mốc biên giới quốc gia, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Các hoạt động này góp phần giải quyết ổn thỏa nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Trên cơ sở đó, mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng tiếp tục được củng cố, tăng cường.

Thứ tư, đối ngoại biên phòng ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các cơ quan, các ngành chức năng và nhân dân các địa phương khu vực biên giới.

Thông qua đối ngoại biên phòng, mối quan hệ đoàn kết giữa các cơ quan, các ngành chức năng quản lý nhà nước và nhân dân các địa phương khu vực biên giới ngày càng thân thiện, hiểu biết nhau hơn, đặc biệt là đã từng bước tạo được sự đồng thuận cao giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong việc tăng cường hợp tác trên nhiều mặt, với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, hiệu quả; giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề phát sinh ở khu vực biên giới; đồng thời đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm quốc tế, chống buôn lậu, gian lận thương mại và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác. Những hoạt động đối ngoại biên phòng như vậy không chỉ thiết thực góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia của mỗi nước, mà còn là động lực thúc đẩy mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, phát triển bền vững giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Trên cơ sở mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các cơ quan, các ngành chức năng quản lý nhà nước và nhân dân các địa phương khu vực biên giới được củng cố, tăng cường mà môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia của các địa phương khu vực biên giới. Đây là nền tảng chính trị vững chắc góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Nền tảng chính trị vững chắc này được tạo ra bởi nhiều hoạt động đối ngoại, trong đó đối ngoại biên phòng có những đóng góp rất quan trọng.

Để đối ngoại biên phòng tiếp tục đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng, Bộ đội Biên phòng, nhất là Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới cần tập trung quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X; Nghị định số 22/2016/NĐ-CP, ngày 31/3/2016 của Chính phủ Quy định về đối ngoại quốc phòng; Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31/12/2016 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Quốc phòng. Thực hiện có hiệu quả đối ngoại biên phòng phù hợp với đặc thù mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

1. Trung tướng Võ Trọng Việt: “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số tháng 01/2014, tr. 12.

2. Điều 31, Luật Biên giới quốc gia năm 2003.

3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 2009, tr. 85.

4. Phạm Thị Thanh Huế: “Thực hiện pháp luật về quản lý biên giới quốc gia trên đất liền của Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/An-ninh-quoc phong/2017/47472/Thuc-hien-phap-luat-ve-quan-ly-bien-gioi-quoc-gia-tren.aspx, ngày 18/10/2017.

5. Nghị định số 34/2014/NĐ-CP, ngày 29/04/2014 về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

6. Điều 11, Luật Biên giới quốc gia số  năm 2003.

7. Điều 5, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 55/1997/L-CTN, ngày 28/03/1997.  

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách kkhoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.

2. Nghị định số 34/2014/NĐ-CP, ngày 29/04/2014 về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Luật Biên giới quốc gia năm 2003.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả