Đồng chí Hoàng Quốc Việt - tấm gương người cộng sản kiên trung

Ngày đăng: 21/05/2025 - 16:05

Đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 25/12/1992) tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, ở làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Đồng chí đã có những đóng góp to lớn và xuất sắc vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, đồng chí Hoàng Quốc Việt sớm thấu hiểu nỗi đau mất nước và mang nặng mối căm thù kẻ thù xâm lược. Năm 1922, đồng chí học ở trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng và tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, thanh niên, thợ thuyền đất cảng. Sau đó, đồng chí bị đuổi học do tham gia phong trào bãi khóa và tham gia đoàn biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, đi làm công nhân và tham gia hoạt động cách mạng. Thời gian này, đồng chí đã gặp những chiến sĩ cách mạng tiền bối như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện…

Tháng 7/1928, đồng chí Hoàng Quốc Việt được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Giữa năm 1929, đồng chí được phái vào Nam bộ hoạt động cùng với đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương. Đến cuối năm 1929, theo chủ trương của tổ chức đảng, đồng chí được giới thiệu xuống làm việc ở tàu Chantilly của Pháp để có điều kiện tìm đường sang Pháp tìm hiểu và móc nối liên lạc với phong trào công nhân và Đảng Cộng sản Pháp. Sau Hội nghị thành lập Đảng, tháng 2/1930, đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.

Tháng 4/1930, trên đường ra Bắc công tác, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng và bị chúng tra tấn dã man dẫn đến thương tật suốt đời. Nửa cuối năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, bị đày ra Côn Đảo cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ... Tại Côn Đảo, đồng chí cùng các đồng chí trong Đảng tiến hành xây dựng tổ chức đảng trong nhà giam, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Cuối năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng một số chiến sĩ cách mạng khác được thực dân Pháp trả tự do. Ngay sau khi ra tù, đầu năm 1937, đồng chí đã cùng với một số đồng chí khác tổ chức xuất bản một số tờ báo công khai ở Hà Nội, như Bạn Dân, Thời Thế... Thời gian này, đồng chí được tổ chức phân công cùng đồng chí Trường Chinh phụ trách các tờ báo của Đảng ở Bắc kỳ. Tháng 5/1937, đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. 

Năm 1941, đồng chí Hoàng Quốc Việt tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập, chủ trì. Tại Hội nghị này, đồng chí được cử vào Trung ương Đảng. Tháng 8/1945, đồng chí được bầu vào Thường vụ Trung ương Đảng. Sau đó, đồng chí được cử thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh vào Nam bộ để chỉ đạo và kiểm tra việc khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 2/1946, đồng chí Hoàng Quốc Việt trở ra Pác Bó, sau đó trực tiếp phụ trách Tổng bộ Việt Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, phụ trách công tác dân vận, mặt trận và làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Năm 1960, đồng chí được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Trung.

Sau khi đất nước thống nhất, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1977, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; năm 1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa V, VI, VII và VIII.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt từ trần ngày 25/12/1992. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là tấm gương sáng, đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho đất nước, với những đóng góp xuất sắc vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng.

Sớm hòa mình vào dòng thác đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một trong những đồng chí lãnh đạo có uy tín của Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thể hiện đầy đủ phẩm chất cao đẹp của người cộng sản chân chính, một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và nhiệt huyết, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng đã có những đóng góp to lớn và quan trọng. Với những thành tích và công lao to lớn đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều huân chương cao quý khác.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2025), Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước và nhân dân Việt Nam, các thế hệ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí, một chiến sĩ cách mạng trung kiên, đã cống hiến cuộc đời mình cho độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trân trọng giới thiệu đến quý độc giả một số ấn phẩm về đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Các ấn phẩm về đồng chí Hoàng Quốc Việt do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.

Các ấn phẩm về đồng chí Hoàng Quốc Việt do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.

Cuốn sách Hoàng Quốc Việt - Tiểu sử thuộc Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam nhằm tôn vinh công lao to lớn của các chiến sĩ cộng sản kiên trung đối với Đảng, cách mạng và nhân dân Việt Nam. Cuốn sách gồm 7 chương được chia thành các tiểu mục, trình bày tóm lược về quê hương, gia đình và tuổi trẻ của đồng chí Hoàng Quốc Việt; những hoạt động sôi nổi của đồng chí thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước…

Cuốn sách Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân - Kỷ yếu Hội thảo khoa học Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt và 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân tập hợp các bài tham luận tại Hội thảo khoa học, nêu bật những cống hiến trọn đời của đồng chí Hoàng Quốc Việt cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc, đặc biệt là sự tôn vinh, tri ân sâu sắc những công lao, đóng góp quan trọng của đồng chí đối với ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam.

 

Bình luận