Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Tấm gương đạo đức sáng ngời

Ngày đăng: 23/07/2020 - 11:07

Đồng chí Hoàng Quốc Việt là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tín nhiệm, giao phó nhiều trọng trách quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Quốc Việt là một tấm gương đạo đức sáng ngời để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

1. Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang (thường gọi là Sáu Cang), sinh ngày 28/5/1905 trong một gia đình nghèo tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xã, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), một mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo và hiếu học. Thời niên thiếu, cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng sự yêu thương, giáo dục của gia đình đã rèn luyện cho Hoàng Quốc Việt phẩm chất cần cù, chịu khó, ham học và sự đồng cảm sâu sắc với thân phận lam lũ của người lao động. Tinh thần yêu nước, thương dân biến thành hành động khi Hoàng Quốc Việt cùng nhóm học sinh yêu nước trường Bách Nghệ Hải Phòng tham gia phong trào bãi khóa, biểu tình đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh. Vì sự kiện này, Hoàng Quốc Việt bị đuổi học, trở về quê Đáp Cầu, sau đó lên mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên) làm thợ nguội rồi về làm thợ sửa chữa máy ở mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) và Nhà máy cơ khí Carông (Hải Phòng). 
Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, tư tưởng cứu nước đúng đắn mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vạch ra sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài đã giác ngộ những người thanh niên Việt Nam yêu nước, trong đó có Hoàng Quốc Việt. Năm 1928, Hoàng Quốc Việt tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xác định đi theo con đường cách mạng vô sản và quyết tâm phấn đấu, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Năm 1930, Hoàng Quốc Việt gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Thấm nhuần những bài học đạo đức đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc về “Tư cách một người cách mệnh”, Hoàng Quốc Việt xác định làm cách mạng là chấp nhận hy sinh, gian khổ, phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, trước hết, phải thực hiện cho được yêu cầu và mệnh lệnh của người cán bộ làm cách mạng đó là: Tự mình phải: Cần, kiệm. Hòa mà không tư... Vị công vong tư… Nói thì phải làm… Ít lòng tham muốn về vật chất...1.
Năm 1930, Hoàng Quốc Việt bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao ở Hải Phòng, sau đó bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Mặc dù vậy, chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc không làm lung lạc được ý chí sắt đá của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Dù bị đánh đập, tra tấn dã man, Hoàng Quốc Việt vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, biến lao tù đế quốc thành trường học, tuyên truyền, vận động cách mạng. Sự ra đời của tờ báo Ý kiến chung do Hoàng Quốc Việt phụ trách tập hợp các bài viết phản ánh những khẩu hiệu và yêu sách của cuộc đấu tranh trong tù, được anh em tù nhân tích cực tham gia, hưởng ứng, không chỉ góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần mà còn nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, rèn luyện chí khí của người cộng sản, đồng thời cảm hóa, làm thay đổi tư tưởng và lập trường của một số tù nhân theo Quốc dân Đảng lúc bấy giờ. Đồng chí Hoàng Quốc Việt trở thành tấm gương sáng về tinh thần kiên trung, bất khuất, không lùi bước trước gian nan, thử thách, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng.
Những năm 1932-1935 là thời kỳ đầy khó khăn của cách mạng Việt Nam do chính sách khủng bố trắng của địch, đồng chí Hoàng Quốc Việt trở thành hạt nhân hoạt động tích cực, hiệu quả trong quá trình tái lập Đảng bộ Hải Phòng, tạo điều kiện, cơ sở cùng với một số địa phương khác tiến tới tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936-1939, báo chí được coi là một công cụ đắc lực phục vụ mục tiêu đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hòa bình, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Đảng giao nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động báo chí giữ đúng tôn chỉ, mục đích; lĩnh hội chủ trương của Đảng để quán triệt trong giới làm báo, ngăn chặn sự xuyên tạc, phá hoại báo chí cách mạng; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đối với nền báo chí của Đảng, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ. Là một thành viên quan trọng trong cơ quan báo chí công khai của Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt không chỉ góp phần to lớn vào việc tuyên truyền, tập hợp, tổ chức, xây dựng lực lượng cách mạng, cổ vũ Nhân dân đấu tranh mà còn góp phần tác động, làm thay đổi lập trường, quan điểm của nhiều tờ báo lúc bấy giờ, đồng thời đào tạo lực lượng cán bộ làm công tác báo chí cho Đảng. Với những công lao to lớn đó, cuối năm 1937, Hoàng Quốc Việt được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí trở thành người chủ chốt xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức Nhân dân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. 
Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển nhanh chóng. Phát xít Đức mở rộng chiến tranh, đánh chiếm các nước như Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan… và chuẩn bị tấn công Liên Xô. Tại châu Á, Nhật Bản đánh chiếm Trung Quốc, nhòm ngó Đông Dương. Trong nước, thực dân Pháp ra sức vơ vét sức người, sức của, đàn áp, khủng bố các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của Nhân dân ta. Trước tình hình đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt từ Bắc Giang lên Thái Nguyên, nhanh chóng làm quen với địa hình miền núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, khẩn trương triển khai công việc mở các lớp huấn luyện, tiếp tục phát triển cơ sở cách mạng ở Thái Nguyên.
Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, thực dân Pháp thi hành chính sách khủng bố khắp nơi, lùng sục, bắt bớ, giết hại những đảng viên và quần chúng đã tích cực tham gia đấu tranh thời kỳ dân chủ công khai. Lúc này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ còn lại duy nhất đồng chí Phan Đăng Lưu. Trước tình hình đó, các đồng chí Đặng Xuân Khu, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố và phát triển cơ sở cách mạng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Với tư cách là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với hai đồng chí là Đặng Xuân Khu và Hoàng Văn Thụ đã tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cũng như các văn kiện cần thiết cho việc tổ chức Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Hội nghị quyết định “thay đổi chiến lược” để phù hợp với tình hình mới. Đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục được cử làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Sau Hội nghị, đồng chí tích cực truyền đạt nghị quyết Hội nghị, chương trình, điều lệ của Việt Minh; xây dựng và kiện toàn tổ chức Đảng; thực hiện công tác vận động quần chúng nhân dân ở Hà Nội và các vùng lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa... chuẩn bị điều kiện cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
2. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn giữ vững, củng cố chính quyền cách mạng, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, đảng viên nắm giữ các vị trí then chốt trong bộ máy quyền lực nhà nước. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ và dân làm chủ, Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Lúc này, đạo đức cách mạng là một trong những lĩnh vực được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều nhất, bởi lẽ Người quan niệm, khi Đảng trở thành đảng cầm quyền thì “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”2. Người lo lắng vì một bộ phận cán bộ có biểu hiện say mê quyền lực, tranh giành quyền lực, lợi dụng quyền lực để làm những điều “bất nhân”. Ngay sau khi nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều tác phẩm để cảnh báo, răn đe và ngăn chặn những biểu hiện phi đạo đức của cán bộ, đảng viên, trong đó tiêu biểu là các tác phẩm: Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (1945); Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (1947); Thư gửi các đồng chí Trung Bộ (1947); Sửa đổi lối làm việc (1947); Cần kiệm liêm chính (1949); Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu (1952)… Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trở thành một hệ thống quan điểm đạo đức hoàn chỉnh, có tính chỉ đạo trong xây dựng đạo đức mới đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà trước tiên là tư tưởng, đạo đức và phong cách của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng. 
Thấm nhuần tư tưởng, tích cực học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trở thành tấm gương sáng trong thực hành đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Với sự tin tưởng lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Trưởng đoàn cán bộ cấp cao vào Nam công tác để chỉ đạo và kiểm tra, giải quyết những vấn đề nảy sinh cần thống nhất về tổ chức và hành động để củng cố chính quyền cách mạng vừa mới giành được. Đồng chí đã cùng với Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ khéo léo trực tiếp giải quyết nhiều mâu thuẫn, hiểu lầm nảy sinh trong nội bộ của lực lượng cách mạng, thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở nhiều tỉnh, qua đó củng cố, tăng cường khối đoàn kết thống nhất, tạo niềm tin  trong Nhân dân đối với Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Kết thúc nhiệm vụ đặc phái viên ở miền Nam, đồng chí Hoàng Quốc Việt quay trở về Bắc theo yêu cầu của Trung ương Đảng và Bác Hồ, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác dân vận, mặt trận và công đoàn. Đồng chí đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng hoạch định chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện xuất sắc mục tiêu “thêm bạn bớt thù”, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp đoàn kết các dân tộc, đảng phái, tôn giáo vì lợi ích tối cao của dân tộc. Đồng chí đã để lại dấu ấn quan trọng với sự ra đời của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt), sự mở rộng của Mặt trận Việt Minh; đặc biệt là sự hợp nhất giữa Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành một mặt trận thống nhất, củng cố vững chắc khối đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhiệm vụ ngoại giao trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử làm Trưởng đoàn cán bộ ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm một số nước, tuyên truyền và tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối với Việt Nam và cuộc kháng chiến của Nhân dân ta. 
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục được được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục phụ trách công tác dân vận và là Trưởng ban Mặt trận của Đảng, kiêm phụ trách tiểu ban Công vận và Thanh vận, Ủy viên Ban Tổ chức, Ủy viên Ban Lào - Miên.
Năm 1956, Đảng ta chủ trương tiến hành sửa sai do những sai lầm tả khuynh trong việc thực hiện cải cách ruộng đất. Với vai trò là Trưởng ban, chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo thí điểm cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xin rút khỏi Bộ Chính trị. Mặc dù ra khỏi Bộ Chính trị nhưng đồng chí vẫn tiếp tục có những cống hiến quan trọng trong công tác Mặt trận và Công đoàn của Đảng. Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí đã kiến nghị với Đảng, Chính phủ và Quốc hội sớm ban hành Luật Công đoàn Việt Nam, đồng thời chủ trì việc triển khai nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật Công đoàn trình Quốc hội thông qua, nhằm xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam trong chế độ dân chủ nhân dân. Từ đó, Công đoàn Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để hoạt động công khai trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Ngày 15/7/1960, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trở thành viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát Việt Nam và giữ cương vị này trong vòng 16 năm (1960-1976). Đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát, góp phần xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức rất mới này trong thể chế nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cùng tập thể lãnh đạo của ngành tập trung giải quyết những vấn đề lớn như: xác định đường lối, quan điểm, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ cho ngành; xác định mối quan hệ Đảng lãnh đạo ngành Kiểm sát và mối quan hệ giữa ngành Kiểm sát với các ngành hữu quan khác, nhất là đối với hệ thống hành pháp...
Trong những năm 1960-1975, đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục lãnh đạo phong trào công nhân và Công đoàn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc; tham gia vào những hoạt động quốc tế nhằm thực hiện đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta, giới thiệu về cách mạng Việt Nam với bạn bè thế giới, giúp nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam.
3. Sau giải phóng miền Nam (30/4/1975), đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng tham gia vào quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước, thống nhất Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí tiếp tục có những đóng góp quan trọng trên cương vị mới như: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977), Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983). Thực hiện đường lối và tấm gương đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã củng cố và mở rộng hệ thống mặt trận trong cả nước. Xây dựng Mặt trận trở thành chỗ dựa vững chắc cho chính quyền, không ngừng phát huy vai trò trong hoạt động của Nhà nước và xã hội. Đồng chí đã để lại nhiều bài học quý giá về công tác vận động Nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Với gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đồng chí là một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương đạo đức sáng ngời, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đánh giá về những cống hiến, đạo đức và phong cách của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đảng ta khẳng định: “Đồng chí Hoàng Quốc Việt để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng”3.
 Công lao và đóng góp của đồng chí Hoàng Quốc Việt với Đảng và cách mạng Việt Nam là vô cùng to lớn. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân Việt Nam. ◈

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 280; t. 6, tr. 127. 
3. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Quốc Việt, báo Nhân Dân, ngày 31/12/1992.

 

THS. TRẦN THỊ HỢI

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả