Áp dụng công nghệ vào xuất bản là yêu cầu cấp thiết

Ngày đăng: 17/10/2018 - 16:10

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngành xuất bản và văn hóa đọc của Việt Nam đang có những bước chuyển mình rất nhanh và mạnh mẽ. Tuy nhiên, chừng đó liệu đã đủ để đứng vững trong “cơn lốc” 4.0 hiện nay? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ, một trong những đơn vị xuất bản năng động nhất hiện nay xung quanh vấn đề này. 

Ông Nguyễn Minh Nhựt giới thiệu dòng sách thân thiện với môi trường trong một chương trình giao lưu

Công nghệ tạo ra cầu nối cho bạn đọc, tác giả và Nhà xuất bản

Phóng viên: Gần đây, hầu như đi đâu người ta cũng nói về cuộc cách mạng 4.0. Ông hình dung như thế nào khi “cơn lốc” 4.0 tràn qua ngành xuất bản? 

Ông Nguyễn Minh Nhựt: Lâu nay, tôi vẫn làm việc theo tiêu chí: Bạn đọc là trung tâm, tác giả là then chốt, chất lượng bản thảo là ưu tiên hàng đầu. Mọi quyết định, việc làm đều xoay quanh theo tiêu chí đó. Tôi không nghĩ gì to tát, mà lúc nào cũng chỉ nghĩ làm sao để phục vụ bạn đọc được tốt hơn. Bởi bạn đọc chính là người chi trả và nuôi sống mình. Điều này đặt ra cho mình bài toán, làm sao sản phẩm của mình ngày càng hài lòng bạn đọc. Khi đó, mình phải mời gọi các tác giả có tác phẩm chất lượng, rồi giao dịch tác quyền để cố gắng thậm chí là cạnh tranh quyền được xuất bản những tác phẩm có giá trị trên thế giới.

Nói vậy là với ông, cuộc cách mạng 4.0 cũng… thường thôi!

Thực sự tôi cũng không hiểu nhiều về 4.0 nhưng việc áp dụng công nghệ vào quy trình xuất bản là một yêu cầu cấp thiết của thời đại. Không sớm thì muộn mình cũng phải áp dụng mà thôi. Mình áp dụng không chỉ trên sản phẩm cụ thể mà còn trong quy trình làm sách. Chẳng hạn như phần mềm quản lý xuất bản cho NXB như đã áp dụng cho siêu thị, bệnh viện. Tôi đang nghĩ về một NXB điện tử, nơi đó các quy trình áp dụng công nghệ được minh bạch, công khai giữa các khâu.

Ông có thể chia sẻ về những cải tiến mà Nhà xuất bản Trẻ đang áp dụng?

Thực ra, ý thức học hỏi, nâng cao chất lượng sản phẩm được các thế hệ của Nhà xuất bản Trẻ nhiều thời kỳ tiếp nối. Thế hệ sau học hỏi thế hệ trước để làm ngày một tốt hơn. Đơn cử như mã CIP (biểu ghi biên mục xuất bản), cái này ít có ai để ý. Người làm đầu tiên là chị Quách Thu Nguyệt, sau này chúng tôi học hỏi thêm để hoàn thiện phần song ngữ. Với sự cải tiến này, người nước ngoài họ không đọc được tiếng Việt nhưng nhìn vào mã CIP, họ vẫn biết cuốn sách này ở đâu; họ có thể xem và tải được những tư liệu về cuốn sách. Thay vì trước đây, người thủ thư phải đọc hết cuốn sách rồi mới ghi một bảng biểu ghi biên mục, sau đó người đọc căn cứ vào đó để tìm sách. Còn bây giờ, việc này đã được một thư viện đọc và làm biểu ghi biên mục trước. Cho nên những người thủ thư sau không cần phải đọc nữa, họ chỉ cần lên web tải dữ liệu về thôi. Nó được làm theo chuẩn MAC 21, là chuẩn của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, có thể áp dụng trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang thử nghiệm ứng dụng QR Code cho một vài cuốn sách. Với ứng dụng này, cho phép người đọc không chỉ đọc chữ mà còn có thể nghe được âm thanh, xem được video. Nó sẽ tạo ra sự tương tác, một cầu nối giữa người đọc đối với tác giả và NXB. Hay nói cách khác, đó chính là giá trị tăng thêm cho bạn đọc. Sau này, nếu chúng tôi muốn bổ sung, sửa chữa một vài chi tiết trong cuốn sách nào đó mà không thể in lại được, thì bạn đọc có thể cập nhật bằng QR code.

Ông nhận thấy, xuất bản của Việt Nam hiện nay đã theo kịp với thế giới hay chưa?

Vấn đề này tôi không đủ cơ sở để trả lời, chỉ nói ở khía cạnh trong Nhà xuất bản Trẻ. Chúng tôi đang cố gắng từng bước để tiệm cận được với những Nhà xuất bản lớn trong khu vực và trên thế giới. Thời gian qua, chúng tôi nỗ lực đổi mới về giấy, về chuẩn trình bày, mới đây là đổi mới về mực in. Tất cả đổi mới này nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn cơ bản của một xuất bản phẩm trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, việc cải tiến giấy và mực in còn nhằm tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường.

Làm sách thân thiện với môi trường

Nghĩ đến môi trường được xem là trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp hiện nay. Có điều, khi đó giá thành sản xuất cũng tỷ lệ thuận với trách nhiệm…

Đây là một trong những quyết định thực sự không dễ dàng. Đến năm 2019, chúng tôi sẽ bỏ màng co, khi đó sẽ phải tăng bù hao cho các đơn vị phát hành. Tuy nhiên, mình phải chấp nhận. Bởi lẽ, xu hướng của thời đại bây giờ là hướng đến môi trường, mình làm sách thân thiện với môi trường mà bọc màng co như vậy sẽ đi ngược lại với xu hướng và mong muốn của mình.

Đây là cuộc đấu tranh phải nói là vô cùng dai dẳng trong nội bộ. Ở mặt tiến bộ, ai cũng thấy, nhưng về phía cạnh kinh doanh, nếu không bọc màng co, sách sẽ nhanh hỏng, xấu mã. Bây giờ phải làm sao để giải quyết mâu thuẫn đó? Sau cùng, chúng tôi vượt qua mâu thuẫn trên tinh thần chung là cùng hướng về môi trường.

Chúng tôi bắt đầu áp dụng việc cải tiến giấy và mực in từ đợt sách khai trường năm nay với 62 tựa. Tất cả vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi đang chờ lắng nghe đánh giá và nhận xét từ phía bạn đọc.

Giá thành bị đội lên, ông có lo ngại sức mua sẽ giảm? 

Chi phí, giá thành có đội lên nhưng nó nằm trong khả năng cho phép. Nếu mình làm tốt, được bạn đọc ủng hộ thì doanh thu sẽ tốt hơn, lúc đó nó sẽ cân bằng lại với các chi phí khác. Tôi cho rằng mặc dù đất nước mình còn khó khăn, mức sống của người dân chưa cao nhưng mình phải làm dòng sách như vậy để tiệm cận với các nước trên thế giới.

Giá thành sách cao hơn, trong khi sách giấy đang phải cạnh tranh khốc liệt với sách điện tử và các loại hình giải trí khác. Ông có nghĩ đây là một bước liều?

Ở đây có hai loại nhu cầu: đọc và sở hữu. Nhu cầu đọc thì không ai cấm được. Nếu khó khăn, bạn đọc có thể đọc qua thư viện, sách điện tử, internet… Có nhiều cách để thỏa mãn nhu cầu đọc của mình. Nhưng nếu có nhu cầu sở hữu thì họ buộc phải chi trả cho nhu cầu đó. Sách là một sản phẩm tinh thần, ở một khía cạnh nào đó, nó vẫn là hàng hóa. Đã gọi là hàng hóa thì nó vẫn có những quy luật để tạo nên giá trị của hàng hóa đó thông qua sức lao động của tác giả, thông qua giá trị của nguyên vật liệu. Khi nguyên vật liệu đảm bảo những yêu cầu tương đối thì giá thành của nó cũng phải tương xứng.

Những khó khăn chưa dừng ở đó. Được biết, trong thời gian tới, Amazon sẽ vào Việt Nam, có thông tin họ sẵn sàng trả nhuận bút cao gấp đôi, thậm chí gấp 3.

Điều này có đáng lo ngại với những người làm sách trong nước không, thưa ông?

Tôi nghĩ có hai vấn đề đặt ra: Khi Amazon hay các công ty nước ngoài vào nước ta, ngoại trừ luật pháp, còn vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Đã là các công ty chuyên nghiệp, người ta sẽ không vi phạm câu chuyện này. Bởi vì việc mua tác quyền trên thế giới đều có barem và có chuẩn chung. Đối với một công ty lớn, không ai muốn vi phạm để mang tiếng là “kẻ phá bĩnh” hết.

Còn ngược lại, ở một góc độ nào đó, nó vừa là mối đe dọa nhưng cũng vừa là động lực. Mình phải phấn đấu làm tốt bằng hoặc hơn người ta. Xã hội bây giờ, không thể thấy người ta làm giỏi còn mình tìm cách ngăn cản. Tôi nghĩ sự vào cuộc của các công ty nước ngoài là một lợi thế cho bạn đọc. Và thứ hai là sự cạnh tranh về nghề nghiệp cho các Nhà xuất bản và công ty sách trong nước. Mình phải đối diện, mặc dù mình có thể cạnh tranh được hoặc cạnh tranh không lại với họ.

Hồ Sơn (thực hiện)

Theo Sggp.vn

Bình luận