Cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên không phải để cho có

Ngày đăng: 26/09/2013 - 15:09

Công việc biên tập sách là công việc hết sức quan trọng để xuất bản một cuốn sách. Từ trước tới nay, những người biên tập này vẫn không được xã hội ông nhận bằng một chức danh mà họ đáng được hưởng. Bởi vậy, tại điều 19, 20 thuộc chương II của Luật xuất bản 2012 có quy định cụ thể về quyền hạn và cấp chứng chỉ hành nghề chứng chỉ hoạt động cho các biên tập viên. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ hành nghề như thế nào, tiêu chuẩn ra sao mới là vấn đề cần phải bàn.

24 11BTV

    Biên tập viên - âm thầm làm “bà đỡ” cho tác phẩm

    Thợ - biên tập sách không đồng nghĩa với một viên chức ăn lương nhà nước, quen với tác phong sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Sau 8 giờ ở cơ quan là coi như dứt hẳn lịch làm việc một ngày. Những trang giấy con chữ đều lùi lại phía sau. Thực tế, có không ít người khi chọn nghề biên tập, là gắn bó hết thời gian riêng của mình bên trang sách. Có người nói đùa rằng: “Chúng tôi là nghệ sĩ trang sách”. Tuy nhiên, nhiều người, cùng với công việc là niềm đam mê với sách, họ gắn bó với sách như chính gia đình mình, bỏ cả thời gian nghỉ ngơi, vùi đầu vào đọc và biên tập, cũng có khi do NXB giao thời hạn mà phải làm thâu đêm suốt sáng. Mấy ai hiểu được công việc của người biên tập, cứ nghĩ ngồi một chỗ đọc sách là nhàn hạ, là không hao tâm khổ tứ. Làm cả đời với con chữ chỉ để cho người đọc được những trang sách hay. Biên tập viên chính là “bà đỡ” cho cuốn sách ra đời. Ấy thế mà, đến bây giờ, có những người đã không sắm nổi vai người biên tập, huống hồ là “nghệ sĩ của trang sách” chỉ vì áp lực công việc và không được công nhận ít nhất là một chức danh để đời.

     Nghề biên tập không chỉ là năng khiếu

    Năng khiếu là nhân tố bẩm sinh, là cơ sở cho sự phát triển tài năng của một nghệ sĩ - biên tập. Nghệ sĩ ở đây không phải là tác phong làm việc cưỡi ngựa xem hoa, đọc bản thảo qua loa, để lọt ra thị trường những ấn phẩm yếu kém cả về hình thức lẫn chất lượng. Một biên tập thực thụ phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên sâu về một lĩnh vực học thuật nào đấy để có thể thẩm định được bản thảo mà cộng tác viên gửi gắm cho mình.

    Từ xa xưa, các tác phẩm nổi tiếng, các công trình sử học, văn học được lưu lại cho hậu thế ngày nay cũng nhờ vào công sức và trí tuệ của biết bao người biên tập vô danh. Họ phải ngồi hàng tháng để đọc đi đọc lại một bản thảo viết tay, hoặc đánh máy vi tính từng lỗi chính tả, từng đấu chấm, dấu phẩy… nhưng vẫn phải tôn trọng ý kiến của tác giả bản thảo, Nghĩa là, phải đạt đến một trình độ thẩm thấu tác phẩm, người biên tập mới có thể sửa chữa những lỗi sai nghiêm trọng, câu chữ lẫn văn phong của tác giả để cho ra đời một tác phẩm hay.

    Biên tập viên Đới Thị Kim Thoa, một người làm việc hơn 10 năm trong nghề ở NXB Chính trị hành chính cho biết: “Một bản thảo phải đọc ít nhất 4 lần, đọc bông, đọc soát trang, theo dõi tác phẩm một quy trình từ bản thảo đến khi xuất bản, có lẽ chúng tôi còn hiểu tác phẩm và đọc nhiều hơn tác giả của nó. Không chỉ thế nhiều lúc chúng tôi còn phải kết cấu lại hết toàn bộ tác phẩm đối với những người viết còn non, chúng tôi nói đùa với nhau, tên tác giả cuốn sách là chúng tôi thì hợp lí hơn”.

    Thế mà, khi cầm một cuốn sách trên tay, việc đầu tiên mà bạn đọc quan tâm hẳn phải là tên tác giả, sách tác giả trong nước hay sách dịch, thậm chí dịch từ ngoại ngữ nào…Thử hỏi mấy ai chú ý đến cái tên “người biên tập” được ghi ở trang sau cùng của ấn phẩm theo luật định. Trong số hàng nghìn cuốn sách ra đời hằng năm, đã không ít người biên tập phải bỏ công theo đuổi từ A đến Z. Cái tên “bà đỡ” về mặt tinh thần mà người biên tập được mệnh danh mới quan trọng làm sao. Công việc của họ là một thứ lao động “rót dầu” thầm lặng, một loại lao động tỉ mỉ, thầm lặng và cũng căng thẳng, đòi hỏi phải hao nhiều tâm trí và bút lực chẳng kém một nghề lao động nặng nhọc chân chính nào. Khi tác phẩm ra đời, được giải thưởng này nọ, người đầu tiên được vinh danh là tác giả, sau đó là nhà xuất bản và người chịu trách nhiệm xuất bản, còn chẳng bao giờ nhắc tới tên người biên tập. Biên tập Đới Thị Kim Thoa tâm sự: “khi bản thảo sai thì chúng tôi chịu trách nhiệm đầu tiên. Làm hàng nghìn việc tốt thì chẳng ai nhắc đến, nhưng chỉ cần sai sót một tí bằng móng tay thì lại kêu lên kêu xuống”.

    Đã đến lúc được xã hội công nhận

    Nghề biên tập sách cũng vất vả như những nghề khác. Tuy nhiên, họ vẫn chưa được công nhận một cách xứng đáng. Cùng mang chức danh biên tập, cũng là tác giả của không ít bài báo, trang sách nhưng nếu công tác tại tờ báo nào đấy sẽ được hưởng lương nghiệp vụ, được cấp Thẻ Nhà báo, để hành nghề và kèm theo một số ưu tiên cần thiết, nếu có quá trình cống hiến thì được thưởng huy chương “Vì Sự nghiệp Báo chí Việt Nam”... Người ta tự hào vì nhà văn, nhà báo, nhà thơ, chứ chưa thấy ai khoe là biên tập viên xuất bản! Có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, anh hùng lao động ngành này, lĩnh vực này, lĩnh vực nọ, nhưng xuất bản thì không thấy.

    Luật xuất bản 2012 đã có hiệu lực thi hành. Tại các điều 19, 20 chương II của Luật này đã quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập. Theo đó, người biên tập sẽ có nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

    Một thành viên Tổ biên tập dự án Luật xuất bản cho biết: Đây là một quy định mới và đúng đắn của Luật xuất bản về hoạt động xuất bản nói chung và anh chị em biên tập xuất bản nói riêng, có ý nghĩa quan trọng đối với những người làm công việc âm thầm nhưng vô cùng lớn lao và đầy trách nhiệm với bạn đọc.

    Theo điều luật, để được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập thì biên tập viên phải có Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Như vậy, đây là một quy định bắt buộc. Đi cùng đó là trách nhiệm của biên tập viên được thắt chặt, nhằm hạn chế những sơ suất mà hiện nay, nhiều nhà xuất bản đang gặp phải như việc thẩm định qua loa, thiếu đầu tư của đội ngũ biên tập viên, đặc biệt là người trẻ. Kể từ đây, người biên tập xuất bản được xã hội công nhận đóng góp và thành tựu lao động của họ, có chức danh như những người lao đông chân chính khác.

   Cấp như thế nào? Tiêu chuẩn ra sao?

   Mặc dù, Luật xuất bản đã quy định về cấp chứng chỉ hành nghề cho người biên tập xuất bản. Thế nhưng, các điều luật về vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề vẫn còn rất chung chung. Chẳng hạn, một người biên tập có như thế nào thì được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu chỉ thông qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Bộ Thông tin và truyền thông thì đã đủ hay chưa? Đa phần các biên tập viên của các nhà xuất bản hiện nay là người trẻ, nếu mở lớp nghiệp vụ với hầu hết số lượng biên tập viên thì còn là vấn đề cần phải bàn. Hơn nữa, nghề biên tập không chỉ học qua một hai ngày, nó là cả tích lũy từ một quá trình làm việc cùng với kiến thức nền của người biên tập. Để trở thành người biên tập có thể cho ra những tác phẩm hay, đạt chất lượng thì cần một thời gian và công sức rèn luyện. Vì vậy, không phải ai cũng được cấp chứng chỉ hành nghề, cũng như cấp chứng chỉ hành nghề nhà báo đòi hỏi phải làm việc tại một cơ quan báo chí từ 3 năm trở lên. Theo kiến nghị của biên tập viên Kim Thoa thì nếu cấp chứng chỉ hành nghề cần có quy định thâm niên làm việc, chí ít là 5 năm. Tên chứng chỉ hành nghề như thế nào để người ta biết và được xã hội công nhận, có quyền lợi khi xuất chứng chỉ hành nghề, chứ không phải cấp chứng chỉ hành nghề cho oai”. Như vậy, để tránh cấp chứng chỉ hành nghề tràn lan, các văn bản dưới Luật cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, cụ thể là: cấp chứng chỉ hành nghề cho người biên tập từ độ tuổi bao nhiêu, làm việc trong nghề bao nhiêu thời gian, và tiêu chuẩn về kiến thức như thế nào.

   Nhà văn Phạm Trung Đỉnh - Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho biết: “Phần lớn người làm biên tập của Hội Nhà văn là các nhà văn, từ trước đến nay, trải qua mấy chục năm làm biên tập, họ tích lũy kinh nghiệm để làm biên tập. Không thể đánh đồng rằng họ không phải là những người biên tập chính thống. Tuy nhiên, nếu cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên thì cũng chưa rõ là cấp như thế nào, và ai sẽ được cấp, vì họ đều xứng đáng”. Ông Hoàng Ngọc Bình - Trưởng phòng Pháp chế của Cục Xuất bản cũng cho biết, sắp tới đây Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành các văn bản quy định chi tiết về vấn đề này.

   Tóm lại, cấp chứng chỉ hành nghề là việc nên làm, nhưng làm thế nào, làm ra sao để mang lại hiệu quả, chứ không phải chỉ cần một chức danh rồi để đấy. Vậy nên cần có những văn bản bổ sung dưới luật rõ ràng để việc cấp chứng chỉ hành nghề cho biên tập viên xuất bản được thực thi một cách hiệu quả.

Hoài Lê (trithucthoidai.vn)

 

Bình luận