Sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở Việt Nam hiện nay - Một số vấn đề đặt ra

Ngày đăng: 24/02/2020 - 10:02

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ngoài các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng, vấn đề sắp xếp ổn định hệ thống đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa quan trọng.

1. Căn cứ pháp lý thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Việc điều chỉnh, sắp xếp cácđơn vị hành chính cấp huyện, xã được thực hiện từ sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975 cho đến nay và đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chia, tách đơn vị hành chính các cấp trong thời gian qua đã nảy sinh một số bất cập và hạn chế. Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở cho công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực của địa phương và Trung ương cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp nói chung và cấp huyện, xã nói riêng đã dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương cồng kềnh hơn; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng; ở đa số các đơn vị cấp huyện, xã, thu ngân sách tại địa phương không đủ cân đối chi thường xuyên, Trung ương phải hỗ trợ...

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, với mục tiêu tổng quát: “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Căn cứ Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

2. Nội dung thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

 Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; đồng thời, khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện sắp xếp để giảm số lượng đơn vị hành chính.

Về nguyên tắc, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 quy định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Sau khi sắp xếp, các đơn vị hành chính được sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, trừ trường hợp nhập từ 03 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên hoặc nhập 02 đơn vị hành chính cùng cấp nhưng do có yếu tố đặc thù mà không thể nhập thêm đơn vị hành chính khác liền kề. Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 yêu cầu Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; chỉ đạAo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chỉ đạo việc tổng kết thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2021.

 Lộ trình thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Năm 2019, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định để giảm số lượng đơn vị hành chính. Kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tiến hành sắp xếp (thực hiện hằng năm trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021).

Năm 2020, tổ chức thành công Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 tại những đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp; tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 tại những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp.

Năm 2021, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và kiện toàn tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 tại những đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp. Tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Nghị quyết yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bám sát các nguyên tắc nêu tại Điều 2, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, cần lưu ý, đối với trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù: có vị trí biệt lập với đơn vị hành chính khác; được hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội hoặc việc sắp xếp chưa nhận được sự đồng thuận của đa số cử tri trên địa bàn thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thận trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù, có văn bản giải trình và đề xuất các phương án cụ thể gửi Bộ Nội vụ để báo cáo xin ý kiến của Chính phủ trước khi xây dựng đề án.

Xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Thông qua phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2019-2021, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 quy định: Căn cứ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng và trình tỉnh ủy, thành ủy xem xét thống nhất phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019-2021.

Phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019-2021 cần nêu được số lượng và danh sách các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp; phương án, kế hoạch, lộ trình, dự trù kinh phí thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giải trình, thuyết minh các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù không đưa vào phương án tổng thể sắp xếp của địa phương.

Nghị quyết nêu rõ, chậm nhất là ngày 31/5/2019, ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019-2021 cho Bộ Nội vụ để tổng hợp, xem xét, có ý kiến sau đó mới xây dựng đề án.

Trong trường hợp phương án tổng thể của các địa phương chưa được thực hiện đúng theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì trong thời gian không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án tổng thể, Bộ Nội vụ có ý kiến bằng văn bản đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét bổ sung, sửa đổi phương án tổng thể nhằm bảo đảm việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 được thực hiện theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp cần thực hiện nghiêm túc quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, tạm thời dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp cho đến khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì báo cáo, xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ của địa phương trước khi thực hiện quy trình bầu, bổ nhiệm cán bộ giữ chức danh đó.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo: trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 31/12/2019.

Tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp, bảo đảm lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, năng lực để đảm nhận vị trí công việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới; xác định số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, thời gian hoàn thành chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành.

Rà soát, xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát tài sản, đất đai khi đưa vào khai thác sử dụng; xây dựng và hoàn thiện danh mục, số lượng vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp.

Xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với thực hiện tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước, bảo đảm phù hợp với thực tế và theo lộ trình, kế hoạch của địa phương. Việc thực hiện phải bám sát và đồng bộ với lộ trình kiện toàn về tổ chức bộ máy cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương khi tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có các cơ quan, đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp cần kịp thời phối hợp với địa phương tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc ở các đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp, bảo đảm lộ trình thời gian theo quy định.

Nghị quyết cũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, theo phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các địa phương khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp.

3. Thực tế triển khai và một số vấn đề cần giải quyết khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Thực tế triển khai

Tháng 7/2019, tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngành nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trình bày tiến độ thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Theo đó, Bộ Nội vụ đã tập trung hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Để kịp tiến độ, trước hết, Bộ Nội vụ sẽ thẩm định việc sáp nhập 20 huyện và 653 xã.

Theo báo cáo của 61 địa phương (không kể Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ), có 20/713 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp lại. Trong đó, có 03 huyện đảo là Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ không phải sắp xếp do nằm biệt lập. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là 623/11.160 xã. Theo Bộ Nội vụ, sẽ có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện phải sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Có 4 tỉnh: Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La và Tây Ninh mặc dù không nằm trong diện này nhưng đã chủ động thực hiện. Đến nay, đã có 04 đơn vị hành chính cấp huyện có phương án sáp nhập, gồm 03 huyện ở Cao Bằng và 01 huyện ở Hòa Bình. Tỉnh Yên Bái sẽ điều chỉnh đơn vị hành chính của thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn để bảo đảm các tiêu chí theo quy định. Theo phương án của các địa phương, sẽ giảm được 539 đơn vị hành chính cấp xã. Các xã này sẽ sáp nhập với xã liền kề, theo đó, đối tượng chịu tác động của quá trình sáp nhập là 1.026 đơn vị hành chính cấp xã1.

Một số vấn đề đặt ra trong quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Thứ nhất, về tầm hạn quản trị của chính quyền địa phương. Việc sáp nhập sẽ làm cho tầm hạn quản trị của chính quyền địa phương được mở rộng, đòi hỏi năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng như công chức cấp huyện, cấp xã phải tương ứng, tư duy quản trị phải hiện đại. Việc sáp nhập các huyện, xã không đơn thuần chỉ là sự thay đổi theo phép cộng gộp cơ học các đơn vị hành chính không đủ tiêu chí về diện tích và dân số với nhau, về bản chất, nó sẽ kéo theo sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức quản trị của chính quyền.

Thứ hai, về tính đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi một loạt văn bản quy phạm pháp luật. Trước hết là luật về tổ chức bộ máy: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; các nghị định hướng dẫn thi hành; các chính sách đối với cán bộ, công chức; các chính sách phát triển vùng; các chương trình mục tiêu quốc gia,...

Thứ ba, về vấn đề nhân sự. Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính luôn kéo theo những vấn đề về bố trí, sắp xếp nhân sự. Theo thẩm định của Bộ Nội vụ về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 của các tỉnh, thành phố, riêng tỉnh Cao Bằng sau khi sắp xếp, số đơn vị hành chính của tỉnh sẽ giảm 03 huyện và 38 xã. Tổng cộng có 691 cán bộ, công chức cấp huyện và 1.533 cán bộ, công chức cấp xã liên quan đến việc sắp xếp. Dự kiến sẽ có 350 cán bộ, công chức cấp huyện và 362 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sáp nhập. Nếu không làm tốt công tác nhân sự, không có cơ chế đặc thù cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập, sắp xếp, bảo đảm ổn định về tư tưởng sẽ rất dễ tạo ra sự mất ổn định và khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Thứ tư, về thời gian và khối lượng công việc khi thực hiện sáp nhập. Khối lượng công việc khi thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã rất lớn nhưng lại được thực hiện khẩn trương trong thời gian khá ngắn. Theo Bộ Nội vụ, giai đoạn 2019-2021, cả nước20 đơn vị hành chính cấp huyện và 623 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp lại (chưa kể Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) để giảm 04 huyện và 539 xã. Trong khi, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra lộ trình tới năm 2021, cơ bản sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Như vậy, chỉ còn khoảng 2 năm để thực hiện; đồng thời, dự kiến từ cuối năm 2019, năm 2020 và đến quý I năm 2021, cả hệ thống chính trị sẽ phải tập trung vào thực hiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.

Một số giải pháp thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp phải bám sát yêu cầu, nội dung thực hiện đã nêu trong các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và địa phương; đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, không gây xáo trộn lớn và bất ổn về chính trị - xã hội; sắp xếp gắn với đổi mới, tinh gọn bộ máy; dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các huyện, xã thuộc diện sắp xếp.

Hai là, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được thực hiện dựa trên nguyên tắc công khai, dân chủ, theo đúng trình tự, thủ tục, theo quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Ba là, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật. Chẳng hạn, cần có những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể việc xử lý nợ công tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp, tránh gánh nặng cho huyện, xã khác sau sáp nhập; cho phép thành lập cấp ủy lâm thời để kịp thời chỉ đạo các huyện, các xã sau sáp nhập được kiện toàn bộ máy mới trước, sau đó mới kiện toàn tổ chức để bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Bốn là, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có định hướng cho việc đặt tên mới cho các huyện, xã, vị trí đặt trụ sở, quản lý sử dụng các trụ sở cũ sau sắp xếp... tránh việc không đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân sau sắp xếp. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ phân công cán bộ phối hợp với các huyện, thành, thị xây dựng và hoàn thiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng lộ trình. 

Năm là, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tư tưởng, tăng cường chỉ đạo các hội viên, đoàn viên nắm bắt dư luận xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương.

Sáu là, cần quan tâm tạo mọi điều kiện: bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đề án; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng các địa phương làm tốt để việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đạt hiệu quả cao nhất.

1. Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ tại Hội nghị Công tác ngành Nội vụ 6 tháng đầu năm 2019

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật số 77/2015/QH13 của Quốc hội: Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

2. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

3. Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

4. Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

5. Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

6. Nghị định số 54/2018/NĐ-CP, ngày 16/4/2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

7. Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.                                   

ThS. Đinh Thị Nguyệt

Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả