Tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh soi đường cho công tác dân vận hiện nay

Ngày đăng: 05/11/2019 - 14:11

Sự nghiệp đổi mới diễn ra ở Việt Nam hơn 30 năm qua có nhiều cái mới và thay đổi so với 70 năm trước - khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Dân vận. Tuy nhiên cũng cần khẳng định, dù iện nay đã có những thay đổi lớn nhưng những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận trên hai mặt trận nhận thức và hành động vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác dân vận trong tình hình mới. Tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh là cẩm nang cho những người làm công tác dân vận ngày nay với nhận thức hiểu thấu và làm đúng, làm khéo theo quy uật "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm".

Vấn đề dân vận đã nói nhiều, bàn kỹ. 70 năm qua, đặc biệt sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta có nhiều nghị quyết về công tác dân vận, nội dung các nghị quyết được triển khai sâu rộng đã giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bên cạnh những thành tựu to lớn, “công tác dân vận còn nhiều hạn chế, yếu kém... Một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết; quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

Soi đường về nhận thức đúng, hiểu thấu

Tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh giúp cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn, sâu sắc, toàn diện, hiểu thấu vấn đề dân vận. Nhận thức mở đường cho hành động. Nhận thức đúng sẽ hành động đúng, nhận thức sai, lệch lạc dẫn đến hành động sai, lệch lạc. Hiện nay, bên cạnh một bộ phận cán bộ, đảng viên cố tình hiểu sai, cũng còn nhiều cán bộ do học không đến nơi đến chốn, chạy theo bằng cấp, nên bị hổng về nhận thức, kiến thức, hiểu không đúng, không thấu. Muốn làm tốt công tác dân vận thì phải hiểu thấu từ hiểu dân đến dân chủ và cuối cùng là dân vận.

Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đặt “óc nghĩ” lên đầu tiên khi bàn về “quy luật” dân vận cho những người phụ trách dân vận. “Óc nghĩ” là suy nghĩ, là hiểu thấu. Nhận thức đầu tiên, có ý nghĩa như sợi chỉ đỏ xuyên suốt mà Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu là “Nước ta là nước dân chủ”. Giá trị lớn nhất của cách mạng do Đảng lãnh đạo là đưa Nhân dân từ thân phận nô lệ bước lên địa vị làm chủ. Nói tới một nước dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ là nói đến địa vị, vị thế, năng lực, bổn phận của người dân, nghĩa là lợi ích, trách nhiệm đều của dân; tài trí, sức lực, của cải, quyền hành, lực lượng, lòng tốt đều ở nơi dân. Hiểu thấu như vậy để thấy rằng không khơi nguồn dân chủ - dân chủ chân chính, thật sự, có kỷ cương, có lãnh đạo - không thể có công tác dân vận tốt.

Không hiểu dân thì làm sao thực hành được dân chủ và dân vận? Theo Hồ Chí Minh, “lực lượng của dân rất to”, không có gì quý bằng dân, mạnh bằng dân. Họ nhiều mắt, nhiều tai, cái gì cũng nghe, cũng thấy. Ý dân là ý trời. “Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Dân chúng rất tốt, thông minh, tài giỏi, sáng tạo, khôn khéo, hăng hái, anh hùng; họ đồng lòng, việc gì cũng làm được, họ không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Họ biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng mà có lúc những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Nếu ta vun bồi được lòng tin, lòng tốt, tài, sức của dân chúng thì đó là bức tường thành vững chắc nhất bảo vệ Đảng và chế độ. Nói theo tinh thần của Hồ Chí Minh, lòng dân là quốc bảo dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước; lấy lòng dân để đo vận nước.

Không phải chỉ nước ta làm công tác dân vận. Mỗi nước - tùy theo hoàn cảnh, điều kiện - có kiểu làm dân vận với phong cách, ngôn ngữ riêng. Nhưng lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm văn hiến cho thấy, dân ta có nhiều nét độc đáo, tạo nên bản sắc, cốt cách Việt Nam. Chỉ riêng hai tiếng “đồng bào” cũng cho thấy gốc tích lịch sử Hồng Bàng, con Lạc cháu Hồng mà không nước nào có được. Ở Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước có trước chủ nghĩa cộng sản; phong trào yêu nước có trước phong trào công nhân; lòng dân có trước ý Đảng. Dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Sự kết hợp của chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn đến Đảng ra đời cho thấy Nhân dân sinh thành ra Đảng. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Hồ Chí Minh viết: “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên” hàm chứa những ý nghĩa to lớn và sâu xa đó.

Không có một cẩm nang nhận thức đúng, hiểu thấu về đồng bào, về dân ta như vậy, không bao giờ làm tốt công tác dân vận. Nhưng đáng tiếc rằng những hiểu biết và nhận thức rất căn bản, rất quan trọng và cần thiết đó không phải cán bộ, đảng viên nào cũng hiểu. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng vẫn có những cán bộ thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Có người cho là dân không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình. Họ không thích dân chủ mà thích “quan” chủ; không thích làm đầy tớ dân mà thích đè đầu, cưỡi cổ dân, làm “quan” cách mạng. Đó là sai lầm rất nguy hiểm, liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học lại những lời dạy của Hồ Chí Minh về dân, dân chủ để thực hành dân vận tốt, làm bệ đỡ vững chắc cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Soi đường cho làm đúng và khéo

“Đúng” là nhấn mạnh quy luật, “khéo” là chú trọng cách làm. Tác phẩm Dân vận nói rõ tuy chúng ta nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng làm chưa đúng, nên phải nhắc lại. Người nhấn mạnh “dân vận khéo việc gì cũng thành công”. Muốn làm đúng, làm khéo và sửa đổi những sai lầm trong công tác dân vận hiện nay, phải mở, đọc và học cẩm nang của Hồ Chí Minh về vận động nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, “dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Ở một cách tiếp cận khác, thực chất công tác dân vận là xây dựng mối liên hệ “máu thịt” giữa Đảng, Chính phủ với Nhân dân, thông qua Mặt trận Dân tộc thống nhất và các tổ chức nhân dân, nhằm phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Làm đúng là biết vận động tất cả mọi người, không để sót một ai. Trong mỗi một người dân tiềm ẩn nhiều năng lượng như tài dân, sức dân, của dân, lòng dân, quyền dân, lực lượng dân, khôn khéo, hăng hái, anh hùng, sáng tạo. Lực lượng ấy có thể “chở thuyền”, cũng có thể “lật thuyền”. Nếu huy động được tất cả lực lượng đó sẽ góp thành lực lượng toàn dân tộc, có khả năng “dời non lấp biển”.

Làm đúng và khéo công tác dân vận, trước hết, Đảng và Chính phủ phải có chỉ thị, nghị quyết, tuyên truyền, giáo dục bằng báo chí, sách vở, khẩu hiệu, mít tinh. Đó là yếu tố quan trọng hàng đầu mà trong tình hình hiện nay, chúng ta có quyền tự hào bởi những nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những yếu tố cần mà chưa đủ. Cẩm nang công tác dân vận của Hồ Chí Minh - nói một cách đúc kết - là làm theo cách quần chúng, tức là phải “theo đúng đường lối nhân dân”; “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Ngược lại với cách quần chúng là cách quan liêu, tức là cái gì cũng làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, dùng mệnh lệnh, ép dân chúng làm. “Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo” Đó là cách làm ““khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta”. Cẩm nang của Hồ Chí Minh là “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.

Cũng như mọi công tác cách mạng khác, công tác dân vận có quy luật của nó. Hồ Chí Minh tổng kết, “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” chính là quy luật của công tác dân vận.

Cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể (Đảng), các tổ chức nhân dân phụ trách công tác dân vận phải có trách nhiệm cao trong công tác dân vận, chống thói xem khinh việc dân vận. Cốt lõi của dân vận là vận động, là nhúng tay vào việc, là làm, chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Phụ trách trước Nhân dân tức là việc gì cũng bàn bạc với Nhân dân, giải thích cho Nhân dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề.

Cẩm nang công tác dân vận của Hồ Chí Minh là “phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân”. Việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm. Đó là chìa khóa của thành công và nhất định thành công.

Muốn hiểu biết, học hỏi, hiểu dân chúng thì cán bộ làm công tác dân vận không được kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Người phụ trách dân vận phải nhận thức rằng sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình chưa đủ cho dân vận. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, còn phải dùng kinh nghiệm của Nhân dân để bổ sung thêm cho kinh nghiệm của mình. Nghĩa là một giây một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng, phải lắng nghe ý kiến của dân chúng. Phải có nhiệt thành, quyết tâm, khiêm tốn, phải chịu khó, biết so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Nhờ so sánh kỹ càng mà cách giải quyết của dân chúng luôn gọn gàng, hợp lý, công bình.

Những người phụ trách công tác dân vận phải bàn tính kỹ càng, phân công các việc, giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức lực lượng, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết khó khăn.

Cán bộ phụ trách dân vận phải có thái độ cầu thị, lắng nghe những ý kiến khác nhau của Nhân dân để tìm ra chân lý, tức là tìm ra cái gì có lợi cho dân. Phải có cách làm khoa học như một “nghệ thuật”; phải có cái tâm, cái đức trong sáng mới nghe được ý kiến của dân.

Một nội dung rất quan trọng, cần thiết trong cẩm nang của Hồ Chí Minh giúp cho cán bộ phụ trách dân vận làm tốt và trọn vẹn nhiệm vụ của mình là, “trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”. Nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không, rồi tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành.

Dân vận là công việc thiết thực, gắn với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng loại việc, từng lứa tuổi, từng người với nhiều trình độ, nhận thức, hiểu biết khác nhau. Vì vậy, phải “mắt trông, tai nghe”, theo dõi, động viên, khuyến khích người dân làm. Nếu có khó khăn thì phải thiết thực “bày vẽ” cho dân. Cán bộ phụ trách từng lĩnh vực phải hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, giúp đỡ dân cách sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện sinh hoạt để bồi dưỡng sức của, sức người của Nhân dân.

Khi thi hành xong phải cùng với Nhân dân tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Đây là cẩm nang không thể thiếu trong việc lãnh đạo nói chung, việc dân vận nói riêng. Vấn đề cần nhận thức và làm đúng là phải cùng Nhân dân kiểm thảo, chứ không phải chỉ lãnh đạo hoặc những người phụ trách dân vận đóng cửa kiểm thảo với nhau. Nếu chỉ tự lãnh đạo rút kinh nghiệm với nhau mà không có Nhân dân thì rất dễ dẫn đến chủ quan, thậm chí dẫn đến “tự diễn biến”.

Không chỉ chú trọng rút kinh nghiệm từ thành công mà còn phải quan tâm rút kinh nghiệm từ thất bại. Cẩm nang của Hồ Chí Minh về vấn đề này cho thấy, giấu giếm khuyết điểm là hỏng. Có gan thừa nhận khuyết điểm, vạch rõ nguyên nhân vì đâu sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa, thế mới là những tổ chức, cá nhân tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

Đó cũng là quan điểm của chúng ta hiện nay khi Đảng khẳng định: “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình”.

Rút kinh nghiệm, tổng kết, cuối cùng phải có phê bình, khen thưởng. Vấn đề là ở chỗ phải khen đúng, chê đúng. Khen không đúng sẽ phản tác dụng. Chê đúng làm cho người có khuyết điểm tâm phục, khẩu phục, lại trở thành động lực cho phát triển.

Hiện nay, để thực hiện tốt công tác dân vận, một vấn đề cấp bách nổi lên, đó là tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đất đai, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận cho ta một nhận thức khoa học, Nhân dân không cần lý luận suông, họ cần thấy những lợi ích rõ ràng, thiết thực theo tinh thần “dân dĩ thực vi thiên”. Đường lối, chủ trương, chính sách nếu không thuận lòng dân, không xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân thì cũng chẳng có nghĩa lý gì. Điều này đòi hỏi cán bộ chính quyền, đoàn thể, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải là những người thấm nhuần sâu sắc, học và làm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “Làm theo cách quan liêu…, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”. Cần hiểu thấu lời dặn của Hồ Chí Minh từ 70 năm trước: “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Gần đây, người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

Dân vận là công việc lâu dài gắn với nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ. Làm theo cẩm nang tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh tức là làm đúng và khéo. Mà hiểu thấu, dân vận đúng và khéo thì việc gì cũng thành công, ngược lại, dân vận kém thì việc gì cũng kém.

PGS.TS. Bùi Đình Phong

Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức số 5 (111) Tháng 9+10/2019

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả