Vinh danh để tiếp lửa

Ngày đăng: 03/04/2019 - 14:04

Bắt đầu từ năm 2018, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức giải thưởng “Sách bán chạy nhất năm”, nhằm vinh danh những cuốn sách có số lượng phát hành từ 100.000 bản trở lên. Đây được xem là giải thưởng hiếm hoi dành cho tác giả đến từ một đơn vị xuất bản, là cách tạo sự gắn kết giữa Nhà xuất bản với tác giả, đồng thời giúp tác giả có thêm động lực trong sáng tạo.

Một cách giữ chân tác giả

Giải thưởng “Sách bán chạy nhất năm 2018” vừa được trao vào ngày 24-3 tại Đường sách TPHCM. Lần thứ 2, giải thưởng vinh danh 13 tác phẩm của 3 tác giả Nguyễn Nhật Ánh, Dương Thụy và Tony Buổi Sáng. Đứng đầu danh sách best seller (sách bán chạy) là tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, ra mắt năm 2008. Đến nay, sau 10 năm với 66 lần tái bản, tác phẩm này đã đạt được con số 410.500 bản in. Năm ngoái, giải thưởng cũng vinh danh 12 tựa sách của 3 tác giả Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư và Tony Buổi Sáng.

Ngoài kỷ niệm chương, các tác giả có tác phẩm được vinh danh tại giải thưởng còn nhận một khoản hiện kim được tính theo tỷ lệ phần trăm dựa trên số bản in và giá sách. Mỗi cấp độ sẽ có tỷ lệ tương ứng, cụ thể: 100.000 bản có tỷ lệ là 0,1%; 200.000 bản là 0,2%; 300.000 là 0,35%; 400.000 bản là 0,55%; 500.000 bản là 0,8%...

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, giải thưởng này nằm ngoài hợp đồng với tác giả. “Ngoài việc ghi nhận sức sống của tác phẩm, còn một vấn đề thực tế là chúng tôi mong ước giữ chân các tác giả. Chúng tôi hy vọng giải thưởng này sẽ có một tác động tích cực đến tác giả, để họ có động lực gửi sách cũng như giữ sách của mình tại Nhà xuất bản Trẻ”, ông Nhựt cho biết.

Thông thường, các tác giả sẽ gửi bản thảo đến các đơn vị xuất bản. Bản thảo được duyệt in, tác giả sẽ nhận 10 cuốn sách tặng cùng 8% - 10% nhuận bút dựa trên số lượng bản in và giá sách (một số tác giả nổi tiếng thì phần trăm nhuận bút có thể cao hơn). Chỉ khi nào sách được tái bản, lúc đó tác giả mới được nhận thêm nhuận bút. Đây là quy trình phổ biến từ trước tới nay, nhưng lại ít có sự tương tác và ràng buộc lẫn nhau giữa đơn vị xuất bản với tác giả. Trường hợp tác giả trong một phút ngẫu hứng không muốn cộng tác với Nhà xuất bản A nữa, thế là bản thảo sẽ được chuyển sang Nhà xuất bản B hoặc một đơn vị xuất bản nào đó. Nhìn lại trong ngành xuất bản hiện nay, rất hiếm hoi có tác giả đi cùng Nhà xuất bản lâu dài như trường hợp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với Nhà xuất bản Trẻ.

Tiếp thêm động lực cho tác giả

Dù mới chỉ diễn ra 2 kỳ nhưng không khó để nhận ra, cả 2 lần nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều chiếm số lượng sách áp đảo so với các tác giả còn lại. Năm 2017, ông có 10/12 tựa sách được trao giải; năm nay là 11/13 tựa sách. Điều này khiến có người thắc mắc: Phải chăng giải thưởng “Sách bán chạy nhất năm” mở ra chủ yếu để vinh danh nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, liệu có là bất cập của giải hay không?

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, đối tượng chính của giải là tác phẩm. “Số lượng sách công bố không phải do tưởng tượng mà dựa trên số liệu thực tế Nhà xuất bản đã bán được. Ở đây không phải là cuộc tôn vinh tác giả hay tác phẩm hay, có giá trị về mặt hàn lâm mà đây thực sự là tác phẩm bán chạy nhất của Nhà xuất bản tính từ trước tới bây giờ. Nhà xuất bản đã bán chạy những tác phẩm này, đã được hưởng lợi từ những tác phẩm này. Từ lợi ích thực tế đó, Nhà xuất bản trao lại một phần lợi ích nhỏ cho người làm ra tác phẩm. Đó là điều rất bình thường”, ông Nguyễn Minh Nhựt nói.

Sở dĩ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có nhiều tác phẩm được vinh danh vì ông đã có 35 năm cộng tác với Nhà xuất bản Trẻ, nhờ đó có ưu thế hơn so với những tác giả khác. Không tính bộ truyện dài tập Kính vạn hoa (từng được in tại Nhà xuất bản Kim Đồng), tính đến nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có 44 tác phẩm được ra đời tại Nhà xuất bản Trẻ. Ông bắt đầu cộng tác với Nhà xuất bản Trẻ (tiền thân là Nhà xuất bản Măng Non) từ năm 1984 với truyện dài Trước vòng chung kết.

Ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết, theo phép tính cộng dồn mà Nhà xuất bản Trẻ đang áp dụng, những tác giả có sự gắn kết với Nhà xuất bản càng lâu sẽ có nhiều tác phẩm lọt vào danh sách sách bán chạy này. “Hôm nay tôi rất vui vì có tác giả trẻ như Dương Thụy, cộng tác hơn 10 năm với Nhà xuất bản nhưng đã có tác phẩm lọt vào bảng vàng rồi. Thậm chí, ngắn hơn Dương Thụy là Tony Buổi Sáng, mới chỉ cộng tác với Nhà xuất bản vài năm gần đây thôi nhưng liên tục 2 lần có tên trong bảng vàng. Vấn đề ở đây không phải tác giả là ai mà tác phẩm ấy là gì. Ở đây, chúng tôi không tôn vinh tác phẩm theo kiểu Nobel, mà đây là những tác phẩm đã bán chạy, có sức sống thực sự trong đời sống”, ông Nhựt lý giải. 

Với tác phẩm Oxford thương yêu (và Beloved Oxford - phiên bản tiếng Anh) đạt 115.000 bản sau 29 lần tái bản, nhà văn Dương Thụy là cái tên mới nhất trong danh sách tác giả nhận giải “Sách bán chạy nhất năm”. Nhà văn Dương Thụy vui mừng chia sẻ: “Với tôi, giải thưởng là tấm lòng của Nhà xuất bản dành cho tác giả, tôi cảm thấy may mắn khi Nhà xuất bản Trẻ luôn đồng hành với mình từ thời kỳ mà chưa ai biết đến tác phẩm của Dương Thụy. Nhận giải thưởng này, tôi cảm thấy mình có thêm động lực để tiếp tục viết. Dĩ nhiên, không có giải thưởng thì tôi vẫn viết nhưng với giải thưởng này, tôi càng được động viên hơn nữa vì biết là độc giả vẫn luôn theo sát bên mình”.

Như vậy, có thể xem giải thưởng “Sách bán chạy nhất năm” là kinh nghiệm cho các đơn vị xuất bản khác trong việc tạo nên mối quan hệ thân thiết và giữ chân các tác giả. “Bên cạnh giải thưởng này, chúng tôi sẽ tạo thêm nhiều hoạt động khác ngoài hợp đồng, thậm chí ngoài sự kỳ vọng của tác giả để càng ngày càng có nhiều tác giả gửi tác phẩm hay đến Nhà xuất bản. Có như vậy Nhà xuất bản mới sống được, vì Nhà xuất bản không thể tự viết ra tác phẩm mà chỉ làm công tác xuất bản trên cơ sở bản thảo tác giả gửi đến. Càng có nhiều tác giả gửi bản thảo hay đến, Nhà xuất bản càng có điều kiện để hoàn thiện và phát triển bản thân”, ông Nguyễn Minh Nhựt bày tỏ.

BT: Kiều Trang

Theo Sài Gòn giải phóng

Bình luận