Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: Một nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 16/12/2020 - 14:12

Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất và các tổ chức quần chúng cách mạng. Trong lịch sử hào hùng, vẻ vang của Đảng, không thể không kể đến những đóng góp của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - một yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng miền Nam.

1. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời nêu cao tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời giữa rừng rậm tỉnh Tây Ninh - là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, đánh dấu một mốc lịch sử của cách mạng miền Nam, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, tiến công, mở đường cho quân và dân ta vượt qua muôn vàn thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và cuối cùng dẫn đến thắng lợi hoàn toàn: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời bắt nguồn từ đòi hỏi bức xúc của cách mạng miền Nam. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, nhân dân ở miền Bắc cũng như miền Nam mong đợi sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà, nhưng ngay từ năm 1955, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về thành lập chính quyền tay sai, nhằm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chia cắt vĩnh viễn nước Việt Nam. Phong trào hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Sài Gòn - Chợ Lớn, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, giáo sư Phạm Huy Thông đứng đầu bị đàn áp ngay từ đầu. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Giáo sư Phạm Huy Thông cùng Giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng bị bắt và lưu đày ra Hải Phòng.

Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của giới trí thức ở miền Nam, Giáo sư Phạm Huy Thông được ở lại miền Bắc, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị đưa đi quản thúc tại Phú Yên. Chính quyền Ngô Đình Diệm dưới sự chỉ huy của Mỹ, tiến hành các chiến dịch chống cộng, tố cộng nhằm tiêu diệt những người kháng chiến cũ và tất cả những ai dám chống lại chúng.

Theo Đạo luật 10/59, Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, giết hại hang nghìn người yêu nước, tàn sát đồng bào ta hết sức man rợ. Những năm sau 1955 là những năm tháng đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Theo chủ trương chung, nhân dân ở miền Nam chủ yếu đấu tranh chính trị bằng những hình thức: biểu tình, kiến nghị đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, tổ chức tổng tuyển cử, chống đàn áp, khủng bố, nhưng tất cả đều bị dìm trong máu và lửa. Sự căm phẫn và uất ức của nhân dân lên đến tột độ. Tháng 01/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng lần thứ 15. Trên cơ sở Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15, chủ trương kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Từ những cuộc đấu tranh riêng lẻ ở Bác Ái, Trà Bồng (Liên khu 5) đến đồng khởi ở Bến Tre, phong trào cách mạng nhanh chóng lan rộng ra toàn miền Nam, mở rộng nhiều vùng giải phóng.

Trước tình hình trên, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã đưa ra cương lĩnh 10 điểm, đề cập đến các chính sách đối nội và đối ngoại, hướng mọi hoạt động của Mặt trận vào mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất Tổ quốc, đề cao chính sách đại đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc, quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào, đặc biệt là nông dân, phụ nữ, trẻ em. Về đối ngoại, Mặt trận chủ trương chính sách hòa bình trung lập. Cương lĩnh của Mặt trận đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của tất cả các tầng lớp nhân dân, do đó, Mặt trận đã tạo ra làn sóng ảnh hưởng rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng lên một bước. Sau khi thành lập, Mặt trận không những đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước, mà còn tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên thế giới.

2. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - một yếu tố quyết định thắng lợi cách mạng miền Nam

Từ khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, cuộc chiến đấu của nhân dân ta ở miền Nam bước sang một giai đoạn mới. Với sự giúp đỡ và chi viện kịp thời của miền Bắc, quân và dân miền Nam liên tiếp đánh bại các âm mưu và thủ đoạn chiến tranh của Mỹ - Diệm. Các cuộc đấu tranh chính trị, trong đó lực lượng chính là đội quân tóc dài đã làm thất bại nhiều cuộc càn quét, khủng bố của địch.

Trong vùng giải phóng, cùng với việc tổ chức sản xuất, các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng hậu phương kháng chiến. Từ năm 1962, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương mở rộng mặt trận đối ngoại, phối hợp với đấu tranh về quân sự, chính trị trong nước, đưa cuộc kháng chiến tiến lên. Nhiều đoàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được cử đi thăm các nước, vận động công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, mở các cơ quan đại diện, thông tin ở nhiều nước. Nhiều đoàn của các đoàn thể như Phụ nữ giải phóng, Ủy ban Hòa bình, đoàn kết Á Phi, Hội Luật gia giải phóng có mặt ở nhiều diễn đàn quốc tế, qua đó làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, tội ác của chúng và lập trường chính nghĩa của nhân dân ta.

Có thể nói, chính sách đối ngoại hòa bình trung lập của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một chủ trương vô cùng khôn khéo, qua đó làm cho nhân dân các nước hiểu được sự khao khát hòa bình của nhân dân ta. Chính sách trung lập của Mặt trận còn làm nổi bật khát vọng độc lập, tự do của nhân dân, phù hợp với xu thế không liên kết của nhiều nước. Nhờ đó Mặt trận đã tranh thủ được sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả những người còn sợ cộng sản, không tán thành chủ nghĩa xã hội. Cùng với hoạt động đối ngoại nhà nước, đối ngoại nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc xã hội chủ nghĩa), hoạt động đối ngoại của miền Nam đã góp phần quan trọng vào việc tranh thủ được một mặt trận đoàn kết quốc tế ủng hộ rộng rãi - điều chưa từng có trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời, nhiều nhà trí thức, nhân sĩ yêu nước, tiến bộ tham gia kháng chiến. Giữa năm 1968, xuất hiện cục diện mới, các cuộc tấn công, nổi dậy Tết Mậu Thân đã làm ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay. Để đối phó với dư luận trong nước và thế giới, Mỹ chấp nhận đàm phán với Việt Nam. Ban đầu, Mỹ từ chối đàm phán với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vì không muốn thừa nhận ở miền Nam Việt Nam có một phong trào kháng chiến chống lại sự can thiệp của Mỹ. Nhưng cuối cùng Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris với sự có mặt của 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Sự có mặt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại cuộc đàm phán 4 bên đã nâng vị thế của Mặt trận với nhân dân trong nước và thế giới, tạo điều kiện cho Mặt trận hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực. Trên cơ sở sự lớn mạnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, ngày 06/6/1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Như vậy, cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để đấu tranh và đàm phán với Mỹ. Với tư cách là một chính quyền thực sự, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một trong 4 bên ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/01/1973.

Từ cuối năm 1969 đến đầu năm 1971, mặc dù trên chiến trường gặp nhiều khó khăn nhưng mặt trận đối ngoại của Việt Nam vẫn hoạt động rất tích cực, phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam tiếp tục diễn ra sôi nổi, có tác dụng động viên quan trọng đối với cuộc chiến đấu ở trong nước. Giữa năm 1972, trước những thất bại nặng nề của chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, trước sức ép trên chiến trường và dư luận ở Mỹ, để tạo thuận lợi cho cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon chấp nhận đàm phán “thực chất” với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Đảng ta chủ trương tập trung đấu tranh đòi quân Mỹ rút hoàn toàn khỏi miền Nam; về vấn đề chính trị miền Nam sẽ do các bên miền Nam Việt Nam tự giải quyết. Một Hội đồng hòa giải dân tộc ba thành phần sẽ được thành lập bàn về vấn đề tổng tuyển cử và các vấn đề khác của miền Nam Việt Nam. Chủ trương vừa mang tính chiến lược, vừa có tính sách lược này của Đảng ta đã buộc Mỹ phải chấp nhận những nội dung chính của bản dự thảo Hiệp định do phía ta đề ra, sau đó trở thành Hiệp định chính thức, đồng thời tác động mạnh đến chính trường miền Nam. Để phân hóa hơn nữa hàng ngũ địch và chuẩn bị cho các phương án kết thúc chiến tranh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tích cực vận động các tổ chức và cá nhân chưa theo Mặt trận và Liên minh muốn chấm dứt chiến tranh, chống Mỹ, chống Thiệu. Lực lượng thứ ba phát triển rất đa dạng, có vai trò nhất định trong việc cô lập chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và tay sai hiếu chiến ở miền Nam, giúp quân và dân ta trong những giờ phút cuối của chiến tranh bớt đổ máu, giữ được Thành phố Sài Gòn nguyên vẹn.

Ngày 30/4/1975, cùng với cờ đỏ sao vàng, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phấp phới bay trên nóc Dinh Độc lập, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời là sự kết thúc vẻ vang 15 năm hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 17/6/1976, tại Hội nghị Hiệp thương giữa hai miền Nam - Bắc, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - luật sư Nguyễn Hữu Thọ long trọng tuyên bố: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử mà nhân dân giao phó. Từ đây trên đất nước Việt Nam chỉ có một mặt trận, là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chỉ có một Đảng, là Đảng Cộng sản Việt Nam; chỉ có một nhà nước, là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường các hoạt động có hiệu quả, tập hợp, động viên được đông đảo quần chúng nhân dân cả nước tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”1.

Trải qua 60 năm, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - một thành tố không thể thiếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã in dấu trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để có một Việt Nam phát triển, phồn vinh, hạnh phúc như ngày nay.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 70.

Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam

PGS. TS. VŨ QUANG VINH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận