Báo chí phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện

Ngày đăng: 18/06/2020 - 12:06

Trước tình hình hiện nay, báo chí cần đổi mới, gắn với sáng tạo và phát triển, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

95 năm trước, ngày 21/6/1925, với việc thành lập Báo Thanh Niên - cơ quan của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức một cách sâu sắc về vai trò của báo chí cách mạng là "người tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo tập thể" của phong trào cách mạng, như Lênin từng nói.

Đồng hành cùng đất nước, dân tộc

Từ sau ngày Đảng ta thành lập, hàng loạt tờ báo cách mạng nối tiếp nhau ra đời, từ Tranh đấu, Dân chúng, Tiền phong đến Giải phóng, Cứu quốc, Cờ Giải phóng, Sự thật, tất cả đều do các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng phụ trách. Là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến, Bác Hồ từng có những lời căn dặn thân tình đối với Hội Nhà báo và những người làm báo:

"Báo chí của ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) đều phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng".

"Báo chí là mặt trận. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu".

Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại giành và giữ độc lập dân tộc, nhiều thế hệ nhà báo đã không ngại gian khó, hy sinh, trực tiếp có mặt ở tuyến đầu khói lửa, phản ánh kịp thời khí thế chiến đấu, cổ vũ quân và dân ta đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm, góp sức làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… Chúng ta trân trọng và ghi ơn hàng trăm nhà báo đã ngã xuống trong tư thế tay bút, tay máy, tay súng.

Từ ngày đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện (1986) đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng ngày càng thấm đậm trong sự nghiệp của chúng ta. Công tác báo chí gắn bó chặt chẽ với công tác tư tưởng của Đảng. Như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X (tháng 8/2007) chỉ rõ: Công tác tư tưởng, lý luận (bao gồm cả báo chí) là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị và tinh thần của chế độ; tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng; khẳng định và nêu cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức, thể hiện vai trò đi trước, mở đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tham gia xây dựng, phát triển Đảng

Cũng trên tinh thần đó, chúng ta không ngừng phấn đấu xây dựng một nền báo chí cách mạng vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội, vừa là diễn đàn của Nhân dân.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế, xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt. Chủ thể của nhiệm vụ then chốt ấy không ai khác, chính là Đảng - là các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương cùng với tổ chức, bộ máy tham mưu, giúp việc. Về con người, chủ thể là đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ trên xuống.

Vậy nói báo chí tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là theo ý nghĩa nào? Người tham gia có gì khác so với chủ thể?

Căn cứ văn kiện các đại hội Đảng và nghị quyết hội nghị trung ương các khóa, thấy rõ: Là chủ thể, Đảng đề ra phương hướng, nhiệm vụ và nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bao gồm nhiều mặt. Đó là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và phương thức lãnh đạo. Là nâng cao hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền; kiên quyết khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, bất cập gây nên những trì trệ và thoái hóa trong Đảng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ. Là đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tham gia thực hiện các trọng trách ấy, báo chí có nhiệm vụ chuyển tải một cách trung thực những tư tưởng và nội dung chủ yếu nhất của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến Nhân dân, tạo nên một phong trào Nhân dân ủng hộ và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng. Báo chí phải đi sâu vào cuộc sống, vừa phát hiện những tấm gương tốt, những điển hình tốt để biểu dương, vừa thông qua thực tiễn để góp phần phê phán những việc làm không đúng, sai trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời cũng qua phản ứng của Nhân dân, của dư luận xã hội mà kiến nghị với Đảng khắc phục những khiếm khuyết từ bản thân các chủ trương, chính sách, cả những khiếm khuyết trong chỉ đạo thực hiện. Tóm lại, báo chí là cánh tay nối dài trong việc đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, cũng là chiếc cầu nối đưa cuộc sống vào nghị quyết. Có thể nói, về mặt truyền thông đại chúng, báo chí là chủ thể.

Báo chí cách mạng là phương tiện truyền thông hữu hiệu, làm nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Việc tự do báo chí của nhà báo phải không trái với quyền tự do, tự nguyện phục vụ cách mạng và Nhân dân.

Đòi hỏi đổi mới

Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển nhanh chóng hiện nay, nghề báo mang tới nhiều cơ hội cũng như vô vàn thử thách, gian nan. Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo phải luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, báo chí cần có quyết tâm tiếp tục đổi mới, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa. Đổi mới theo tinh thần gắn chặt đổi mới với sáng tạo và phát triển, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của nền báo chí cách mạng, cùng với tiếp nhận cái hay, cái tiến bộ của báo chí hiện đại, báo chí trong thời cách mạng 4.0. 

Hà Đăng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương)

Theo Người lao động

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả