Thấy gì đằng sau làn sóng bạo loạn chưa từng có ở Mỹ?

Ngày đăng: 24/08/2020 - 09:08

Thế giới hoàn toàn bị bất ngờ trước làn sóng biểu tình biến thành cuộc bạo loạn nhanh chóng lan tỏa trên toàn lãnh thổ nước Mỹ từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2020, được châm ngòi bởi hành động của nhân viên cảnh sát người da trắng Derek Chauvin sát hại người đàn ông da màu George Floyd với cáo buộc người này sử dụng đồng đôla giả tại thành phố Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota.

Theo kết quả điều tra, khi bị bắt giữ, ông George Floyd bị cảnh sát viên Derek Chauvin dùng đầu gối siết cổ gần 9 phút trong tư thế bị hai cảnh sát khác kéo ngoặt hai tay về phía sau và khóa chặt. Bị ngạt thở quá lâu, George Floyd đã chết ngay sau đó trước sự chứng kiến của các cảnh sát viên khác khi những người này ập tới trên chiếc xe tuần tra. Kết quả khám nghiệm tử thi công bố vào ngày 01/6/2020 cho thấy, George Floyd chết do tim phổi ngừng hoạt động trong khi bị cảnh sát dùng chân ghìm quá lâu vào gáy. Bác sĩ pháp y gọi cái chết của George Floyd là “một vụ giết người”. Vì thế, cảnh sát viên Derek Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát do bất cẩn. Ba cảnh sát viên khác có liên quan cũng bị điều tra và có thể cũng bị truy tố.
Hình ảnh cảnh sát viên Derek Chauvin dùng đầu gối siết cổ người đàn ông da màu George Floyd

Thông tin về cái chết của George Floyd ngay lập tức được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông, trước hết là trên mạng xã hội, đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình đòi cảnh sát viên Derek Chauvin phải đền tội. Chỉ trong vòng hai ngày, các cuộc biểu tình của người dân, cả da màu và da trắng, phản đối hành động bạo lực của sảnh sát đã lan tỏa trên toàn lãnh thổ Mỹ. Nhiều khu vực phải áp dụng lệnh giới nghiêm như Atlanta, Chicago, thủ đô Washington, các thành phố Dallas, Los Angeles, Miami, Minneapolis, Nashville, Philadelphia, San Francisco và Seattle. Theo yêu cầu của một số thống đốc bang, lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ đã điều động hơn 5.000 người tới 21 bang và thủ đô Washington để trấn áp người biểu tình. Tuy nhiên, bất chấp lệnh giới nghiêm và nỗi lo lây nhiễm virus Sars-CoV-2, hàng triệu người biểu tình vẫn ồ ạt đổ ra đường trong nhiều ngày liên tiếp. Tính đến chiều 01/6/2020, đã có 4.000 người biểu tình bị các lực lượng bảo vệ pháp luật bắt giữ. Riêng tại thành phố New York, nhà chức trách đã bắt giữ khoảng 350 người biểu tình, hàng chục cảnh sát đã bị thương nhẹ trong khi trấn áp những thành phần quá khích. Thậm chí, bên ngoài Nhà Trắng, hàng nghìn người biểu tình hò hét, đập phá và đốt lửa, buộc cảnh sát phải dùng tới lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán đám đông .

Làn sóng biểu tình đã nhanh chóng biến thành cuộc bạo loạn trên toàn nước Mỹ

Theo chuyên gia nghiên cứu lịch sử Douglas Brinkley, nước Mỹ chưa bao giờ phải chứng kiến cơn cuồng phong bạo loạn như vậy kể từ vụ ám sát mục sư Martin Luther King năm 1968. Làn sóng biểu tình không thể kiểm soát đã đẩy đại dịch Covid-19 ở Mỹ tiếp tục bùng phát. Tính đến ngày 01/6/2020, ở Mỹ có ít nhất gần 1,8 triệu người nhiễm virus Sars-CoV-2 và hơn 104.000 ca tử vong. Chỉ tính riêng ngày 31/5/2020, đã có thêm 20.000 ca nhiễm mới. Nhiều quan chức Mỹ cảnh báo, con số này sẽ tăng vọt trong điều kiện các cuộc biểu tình tiếp tục lan tỏa.

Làn sóng biểu tình đã gây sức ép mạnh mẽ đối với Tổng thống Donald Trump, trong khi ông đang phải tập trung đối phó với đại dịch Covid-19. Trước khi đưa ra tuyên bố chính thức về các cuộc biểu tình, Tổng thống D. Trump bày tỏ cảm xúc qua những dòng thể hiện dày đặc trên mạng xã hội Twitter, trong đó ông cho biết ủng hộ người dân đấu tranh cho George Floyd nhưng sẽ mạnh tay đối với những phần tử quá khích, hôi của, cướp bóc và gây mất trật tự công cộng. Trong khi đó, phần đông những người biểu tình ôn hòa cũng cực lực phản đối những kẻ lợi dụng bạo loạn để cướp bóc. Trong một video được phóng viên tạp chí Forbes đăng lên mạng xã hội Twitter, đông đảo người biểu tình đã nắm tay nhau tạo thành hàng rào bảo vệ phía trước các cửa hàng của Công ty Target ở thành phố New York để ngăn không cho những kẻ quá khích xông vào cướp phá. Mặc dù đã được bảo vệ nhưng nhiều chi nhánh của công ty này vẫn bị cướp phá và buộc phải tạm thời đóng cửa hàng ở nhiều khu vực. Tập đoàn công nghệ Apple nổi tiếng cũng thông báo phải đóng nhiều cửa hàng để tránh bị cướp phá. Thị trưởng thành phố Minneapolis - nơi khởi đầu làn sóng bạo loạn, cho biết, khoảng 170 cửa hàng ở khu vực này đã bị cướp phá. Nhiều chủ cửa hàng bày tỏ, họ cảm thấy như thể họ là nạn nhân của một cuộc tấn công không đúng chỗ.

Trước yêu cầu khẩn thiết của người dân, ngày 01/6/2020, Tổng thống D. Trump phải tuyên bố: “Thống đốc các bang và thị trưởng các thành phố cần điều động lực lượng hành pháp để dẹp yên bạo lực. Nếu thành phố hoặc bang nào từ chối thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, tôi sẽ triển khai quân đội Mỹ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ”. Ông Trump còn cảnh báo sẽ kích hoạt Đạo luật chống nổi loạn năm 1807, trong đó quy định tổng thống có quyền sử dụng quân đội để dẹp các cuộc nổi loạn, bạo động trên lãnh thổ. Tuy nhiên, lời đe dọa của Tổng thống D. Trump khiến nhiều quan chức Lầu Năm Góc lo ngại vì cho rằng tình hình hiện nay chưa phải là điều kiện thích đáng để kích hoạt Đạo luật này, trừ khi thống đốc các bang kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ. Một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Đạo luật Posse Comitatus 1878 cấm quân đội Mỹ triển khai lực lượng trong nước hoặc thực hiện các chức năng hành pháp thay cảnh sát trên lãnh thổ Mỹ.

Ngay cả trong nội bộ lực lượng Vệ binh quốc gia - một thành phần thuộc các lực lượng vũ trang Mỹ, cũng có nhiều người bày tỏ ý kiến phản đối việc các thành viên lực lượng này được huy động tham gia thực hiện các nhiệm vụ trên nước Mỹ nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, đã có hơn 17.000 lính thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia được huy động tới thủ đô Washington và 29 bang, cùng với 45.000 người đang hỗ trợ nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19. Đây là mức triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ, vượt mức 51.000 người tham gia nỗ lực khắc phục hậu quả của bão Katrina năm 2005.

Tuy là một thành phần của các lực lượng vũ trang Mỹ, nhưng các thành viên của lực lượng Vệ binh quốc gia chủ yếu là dân thường, được huấn luyện quân sự chuyên nghiệp trong thời gian đầu và tiếp tục được đào tạo bổ sung mỗi tháng một lần, thường là vào dịp cuối tuần, kết hợp với chương trình huấn luyện tập trung hai tuần mỗi năm. Mỗi bang và vùng lãnh thổ Mỹ đều có lực lượng Vệ binh quốc gia chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thống đốc bang - người đóng vai trò là Tổng Tư lệnh lực lượng Vệ binh quốc gia ở bang đó. Vệ binh quốc gia có nhiệm vụ ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong nội địa, hoặc tham gia chiến đấu ở nước ngoài như một bộ phận của Lục quân Mỹ. Thống đốc bang có thể triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia tới bất cứ địa điểm nào trong bang trong tình huống khẩn cấp, thông thường liên quan đến thiên tai. Tuy nhiên, lực lượng này cũng được huy động để đối phó với bạo loạn, bất ổn, tấn công khủng bố.

Ngày 06/6/2020, một cuộc biểu tình lớn diễn ra ở thủ đô Washington D.C có sự tham gia của Thị trưởng Muriel Bowser. Đáp ứng lời thỉnh cầu của bà, Tổng thống D. Trump đã ra lệnh rút lực lượng an ninh được điều động bổ sung ra khỏi thành phố với lý do “tình hình đã được kiểm soát tốt”. Hưởng ứng làn sóng biểu tình ở Mỹ, ở nhiều nước trên thế giới như Canada, Anh và một số nước châu Âu cũng diễn ra các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, làn sóng biểu tình liên quan tới vụ sát hại người đàn ông da màu George Floyd chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong lòng nước Mỹ. Đằng sau đó còn có những nguyên nhân khác “nặng ký” hơn mới có thể đẩy làn sóng biểu tình biến thành bạo loạn. Đó là, sự chia rẽ và bất đồng sâu sắc trong giới tinh hoa chính trị ở Washington, tệ phân biệt chủng tộc chưa được hóa giải tận gốc, sự bất bình đẳng và phân hóa giàu - nghèo ngày càng lớn và những khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trước hết, là nguyên nhân xuất phát từ nạn phân biệt chủng tộc. Có thể thấy, Mỹ là quốc gia đa sắc tộc và đa văn hóa. Ẩn giấu sau đằng sau bức tranh về một nước Mỹ phồn vinh, phát triển hàng đầu thế giới và luôn tự hào với những giá trị “bình đẳng”, “bác ái” và “dân chủ” là mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn giữa các hệ phái tư tưởng và dân tộc, là tệ phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của người da trắng với cộng đồng người da màu. Những mâu thuẫn này luôn âm ỉ và chỉ cần có cơ hội là bùng phát thành bạo lực. Công bằng mà nói, nước Mỹ đã làm được rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm cho rằng đất nước này được gây dựng từ những người da trắng thượng đẳng, rằng những “hòn đá tảng” đầu tiên làm nên nước Mỹ được đặt bởi những người đàn ông da trắng. Ngay sau cuộc nội chiến diễn ra từ năm 1861 đến 1865, Quốc hội Mỹ đã thông qua Tu chính án thứ 13 để chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ. Năm 1964, Đạo luật Dân quyền được thông qua, coi sự phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính đều là bất hợp pháp. Thế nhưng, xung đột sắc tộc ở Mỹ không thể được giải quyết tận gốc và hễ có cơ hội là ngay lập tức bùng phát. Nhìn lại lịch sử, trong suốt thế kỷ gần đây, Mỹ vẫn luôn phải đối mặt với những vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc mà điển hình là vụ bạo loạn sắc tộc ở bang Florida, tháng 5/1980; vụ nổi loạn của người da màu ở bang Ohio, tháng 4/2001; biểu tình và bạo động sắc tộc ở bang Missouri, tháng 8/2014; vụ đụng độ sắc tộc ở thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina, tháng 9/2016; v.v.. Sự kiện người đàn ông da màu Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2008 chỉ là chuyện đơn lẻ, không thể khỏa lấp được sự rạn nứt trong xã hội Mỹ do tệ phân biệt chủng tộc. Nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo loạn sắc tộc ở Mỹ là hậu quả từ một xã hội bị chia rẽ sâu sắc mà chưa một chính quyền nào ở Mỹ có thể giải quyết tận gốc rễ. Thí dụ, hiện nay tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp của người da đen gốc Phi ở Mỹ cao gấp 2 lần so với người da trắng; thu nhập trung bình của các hộ gia đình người da đen thấp hơn 20 lần so với các hộ gia đình người da trắng; v.v.. Những vết nứt trong xã hội Mỹ do tệ phân biệt chủng tộc chỉ tạm thời được giải tỏa bằng cách tôn vinh những giá trị “tự do”, “’bình đẳng” và “bác ái”. Còn trên thực tế, sự kỳ thị chủng tộc ở Mỹ chưa bao giờ biến mất, luôn ngầm tồn tại và sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào. Sau hàng chục năm gần như biến mất khỏi đời sống xã hội Mỹ, các tổ chức phân biệt chủng tộc hoặc hận thù dân tộc đã bất ngờ tái sinh cùng với chủ trương đề cao thuyết người da trắng là chủng tộc thượng đẳng. Chính vì thế, sự việc người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát da trắng bức chết giống như mồi lửa châm được ném vào lò thuốc súng, ngay lập tức biến thành bạo loạn.

Tiếp đến, cần nhận thấy nguyên nhân từ tác động của đại dịch Covid-19. Do lệnh cách ly xã hội và phong tỏa, đại dịch Covid-19 đã đẩy đội quân thất nghiệp ở Mỹ lên tới mức kỷ lục là 40 triệu người. Nền kinh tế tạm ngừng hoạt động có thể đẩy nước Mỹ lâm vào cuộc đại suy thoái. Tổng thống D. Trump từng đưa ra lời kêu gọi người lao động Mỹ trở lại với các xí nghiệp và nhà máy, bởi theo ông nếu kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái thì số người thiệt mạng còn lớn gấp nhiều lần số người chết do Covid-19. Theo nhận định của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED), đại dịch Covid-19 gây ra sự suy thoái kinh tế chưa từng có trong lịch sử, sẽ dẫn tới siêu lạm phát, thậm chí khiến nước Mỹ phải tuyên bố phá sản. FED đã tung ra gần 7 nghìn tỷ USD để chống dịch, nhưng trên thực tế chỉ là để cứu hệ thống tài chính của Mỹ khỏi bị sụp đổ hơn là giúp người lao động Mỹ thoát khỏi vấn nạn thất nghiệp. Nhà nước tuyên bố sẽ trợ cấp tiền cho dân chúng, 1.200 USD cho mỗi người lớn và 500 USD cho mỗi trẻ em, nhưng số tiền này chỉ là “muối bỏ biển” nếu so với nhu cầu được sống để tồn tại của các gia đình Mỹ. Vì thế, chi tiêu cho nhu cầu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 đã giảm 13,6%. Đây là mức giảm đáng kể nhất kể từ năm 1959 và là lý do thúc đẩy hàng nghìn người nhân cơ hội bùng phát các cuộc biểu tình để cướp của trong tình cảnh cùng cực.

Cuối cùng là nguyên nhân xuất phát từ sự chia rẽ và bất đồng sâu sắc giữa hai đảng cầm quyền và trong giới tinh hoa chính trị ở Mỹ. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, chiến thắng hoàn toàn bất ngờ của ứng cử viên từ Đảng Cộng hòa D. Trump đã dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc chưa từng có trong giới tinh hoa chính trị ở Washington. Sự chia rẽ này dẫn tới tình trạng tồn tại hiện tượng “hai nhà nước trong một quốc gia”, hay là hệ thống quyền lực kép - một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau cuộc bầu cử đó, hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở Mỹ được kích hoạt bởi các lực lượng đối lập trong Đảng Dân chủ, để phản đối kết quả bầu cử đem lại chiến thắng cho ứng cử viên D. Trump với lý do có “sự can thiệp của Nga”. Vì thế, kể từ sau cuộc bầu cử năm 2016 đến nay, các thành viên của Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã đi đầu tiến hành hai chiến dịch luận tội Tổng thống D. Trump. Chiến dịch thứ nhất liên quan tới cái gọi là “sự thông đồng với Nga” của ông D. Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Kết quả điều tra sau đó chứng minh hoàn toàn không có chuyện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử trong năm 2016 và ông D. Trump vô tội. Chiến dịch thứ hai liên quan tới cáo buộc Tổng thống D. Trump “lạm dụng quyền lực trong chính sách đối ngoại”. Trong chiến dịch này, Đảng Dân chủ chiếm đa số trong Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống D. Trump và gửi lên Thượng viện. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ - nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số, đã khẳng định Tổng thống D. Trump hoàn toàn vô tội. Như vậy, Đảng Dân chủ đã thất bại trong cả hai chiến dịch luận tội ông D. Trump. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ vẫn không chấp nhận thua cuộc.

Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ từ đầu năm 2020 đã tạo ra cơ hội lịch sử hiếm có cho Đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống D. Trump đã “phản ứng chậm chạp”, “lúng túng” và “không biết cách xử lý hiệu quả”, nên đã để nước Mỹ trở thành trung tâm lây nhiễm dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Thậm chí, một số tờ báo ở Mỹ đã đổ lỗi cho Tổng thống D. Trump là “ngu ngốc” và “vô đạo đức”. Sau khi Tổng thống D. Trump áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn quốc, các lực lượng đối lập lại cáo buộc ông “làm sụp đổ nền kinh tế” và “gia tăng tổng số người thất nghiệp lên tới 40 triệu người”. Đội quân thất nghiệp này được ví như “một lò thuốc súng” có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh đó, được các lực lượng đối lập trong Đảng Dân chủ kích động, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2020, hàng loạt cuộc biểu tình có vũ trang nổi lên ở nhiều bang như Michigan, Washington, Kentucky, Virginia, Colorado, Minnesota, Oregon, Idaho, Pennsylvania, Maryland, Illinois và California để phản đối lệnh cách ly của Tổng thống. Những người biểu tình mang theo biểu ngữ với dòng chữ “Không có tự do, không có sự sống”. Tại Wisconsin và Michigan, người biểu tình đã xông vào các cơ quan lập pháp bang. Ở bang Texas, người biểu tình mang theo súng trường tấn công AR-15 và súng lục bao vây dinh thự của thống đốc bang với biểu ngữ “Cơ thể tôi - Nguy cơ của tôi - Sự lựa chọn của tôi”, “Không được tước quyền tự do của chúng tôi”. Ở tiểu bang Washington, những người biểu tình thậm chí mang theo biểu ngữ “Hãy cho tôi tự do hoặc cho tôi Covid-19”. Trong bối cảnh đó, bất kỳ một biến cố nào cũng có thể châm ngòi cho các cuộc bạo loạn mang tính chất chính trị trên chính trường Mỹ.

Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng đó, một số thế lực thuộc Đảng Dân chủ không ngớt đưa ra những tuyên bố kích động để lái mũi nhọn công kích của làn sóng bạo loạn nhằm vào Tổng thống D. Trump với các thông điệp như: “các cử tri Mỹ cần giành lá phiếu bầu cho một nhà lãnh đạo khác có khả năng dẹp yên bạo loạn”. Đây chính là thông điệp quan trọng nhất của các thế lực đứng đằng sau kích hoạt và cổ súy làn sóng bạo loạn hiện nay ở Mỹ. Có thể thấy rất rõ, làn sóng bạo loạn ở Mỹ hiện nay đang diễn ra theo kịch bản “cách mạng màu” như đã từng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, trong đó điển hình là cuộc bạo loạn ở Ukraine theo kịch bản và đạo diễn của các thế lực trong Đảng Dân chủ dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chỉ có điều khác là, nếu bạo loạn chính trị ở Ukraine trong năm 2014 đã từng dẫn tới cuộc đảo chính để lật đổ tổng thống nước này là ông Yanukovych, thì kịch bản bạo loạn ở Mỹ lúc này hướng tới cuộc bầu cử cuối năm 2020 nhằm ngăn cản đương kim Tổng thống D. Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Liệu Tổng thống D. Trump có vượt qua được thử thách nghiệt ngã này hay không hoàn toàn tùy thuộc vào tài “chèo lái” của ông và những lực lượng ủng hộ ông ở Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các cơ quan hành pháp khác của Mỹ.

Đại tá Lê Thế Mẫu

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả