Đồng chí Trường Chinh với công tác xuất bản sách lý luận, chính trị

Ngày đăng: 11/05/2021 - 08:05

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 09/02/1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Với hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trên mọi cương vị công tác, đồng chí Trường Chinh luôn là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tận tụy, yêu thương đồng chí, đồng bào, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Sự ra đời, hoạt động và phát triển của Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) gắn liền với vai trò chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh. Là người đầu tiên phụ trách Nhà xuất bản Sự thật, đồng chí đã có đóng góp rất quan trọng đối với sự hình thành, phát triển của Nhà xuất bản cũng như đối với công tác xuất bản sách lý luận, chính trị.

1. Đồng chí Trường Chinh với hoạt động xuất bản

Đồng chí Trường Chinh là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Không chỉ là nhà chính trị, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước, đồng chí Trường Chinh còn là nhà tư tưởng, nhà lý luận xuất sắc, nhà văn hóa lớn của dân tộc có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực văn hóa - tư tưởng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã dành nhiều thời gian, công sức và trí tuệ cho công tác xuất bản, xác định xuất bản là một mặt trận quan trọng, một vũ khí đấu tranh sắc bén của Đảng. Trong quá trình hoạt động công khai cũng như bí mật, trên chính trường cũng như trong ngục tù đế quốc, thấu suốt quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn coi trọng việc xuất bản tài liệu, sách báo để tuyên truyền, vận động cách mạng. 

Ngay từ những năm giữa thập niên 30 của thế kỷ XX, trong điều kiện khắc nghiệt của ngục tù đế quốc, để có tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ, đảng viên trong tù, đồng chí Trường Chinh đã viết cuốn sách Chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cải lương. Với việc phê phán gay gắt chủ nghĩa thực dân và đồng minh của chúng là chủ nghĩa cải lương, đồng thời dự kiến bước phát triển tiếp theo của cách mạng và những nhiệm vụ của Đảng, cuốn sách là một tài liệu quý cho cán bộ, đảng viên trong Nhà tù Sơn La nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị và rèn đúc tinh thần đấu tranh cách mạng, sẵn sàng bước vào trận chiến đấu sinh tử với quân thù trong bước chuyển mới của cách mạng. 

Trong thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), tranh thủ điều kiện hoạt động công khai, hợp pháp, công tác báo chí, xuất bản được Đảng ta đẩy mạnh. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đời sống xã hội cũng như vai trò, vị trí của nông dân và nông thôn trong lịch sử dân tộc, đồng chí Trường Chinh đã cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp biên soạn và xuất bản cuốn sách Vấn đề dân cày với bút danh Qua Ninh và Vân Đình. Cuốn sách đã phân tích một cách sâu sắc và tương đối toàn diện thực trạng xã hội Việt Nam đương thời, nhất là về giai cấp nông dân và nông thôn - nền tảng của xã hội Việt Nam. Với những cứ liệu cụ thể, cuốn sách đã phác họa một bức tranh sinh động về tình hình kinh tế, chính trị và văn hóa nông thôn, làm rõ tính tất yếu phải thực hiện cách mạng ruộng đất và cách mạng văn hóa ở nông thôn Việt Nam. Có thể nói, cuốn sách là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về đời sống của nông thôn Việt Nam dưới chế độ thuộc địa, qua đó phơi bày sự tàn bạo của thực dân Pháp và nỗi thống khổ của người nông dân Việt Nam dưới ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến.

Nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của văn hóa và cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa, tháng 02/1943, đồng chí Trường Chinh khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam. Bản Đề cương đã đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Với những quan điểm tiến bộ và thấm đẫm tinh thần dân tộc, Đề cương văn hóa đã có sức thuyết phục rất lớn và là ngọn cờ tập hợp đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ dấn thân vào cuộc vận động văn hóa của Đảng, là ánh sáng soi đường cho cuộc đấu tranh bảo vệ, phát triển và cách tân những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cũng như các lĩnh vực khác, dưới ánh sáng của Đề cương văn hóa, công tác xuất bản của Đảng đã có nhiều đổi mới theo hướng dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa, phù hợp với nhận thức và yêu cầu của quần chúng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mặc dù rất bận, nhưng đồng chí Trường Chinh vẫn dành thời gian chỉ đạo công tác xuất bản. Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xuất bản sách, báo cách mạng, trực tiếp phụ trách Nhà xuất bản Sự thật - cơ quan xuất bản chính trị của Đảng, đồng chí còn viết và xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, mang tính chỉ đạo, như: Cách mạng Tháng Tám (1946); Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947); Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948); Khắc phục khó khăn giành thắng lợi lớn (1951); Bàn về cách mạng Việt Nam (1951)... Những chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh thông qua các xuất bản phẩm được công bố công khai đã góp phần xác lập và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến vừa kiến quốc của Đảng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều tác phẩm của đồng chí Trường Chinh như Kháng chiến nhất định thắng lợi, Bàn về cách mạng Việt Nam... đã trở thành “cẩm nang” của cán bộ, đảng viên trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Từ đây, cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới. Công tác tư tưởng của Đảng được đẩy mạnh, tập trung tuyên truyền về công cuộc “hàn gắn vết thương” chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí Trường Chinh đã viết và xuất bản nhiều tác phẩm như: Thấu suốt đường lối chung của Đảng ở nông thôn để sửa sai cho tốt (1957); Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội (1957); Tăng cường đoàn kết để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh (1958); Kiên quyết đưa nông thôn miền Bắc nước ta qua con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội (1959); Tiến lên dưới lá cờ của Đảng (1961); Hồ Chủ tịch, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam (1966); Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi theo con đường Các Mác đã vạch ra (1968);... Các tác phẩm của đồng chí Trường Chinh đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, củng cố niềm tin của quân và dân ta vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từng bước đổi mới và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, nhiệm vụ đặt ra cho công tác tư tưởng hết sức nặng nề, vừa phải đấu tranh xóa bỏ những tàn dư lạc hậu của chế độ cũ, vừa phải tuyên truyền, cổ vũ những giá trị mới của chế độ xã hội chủ nghĩa. Là nhà tư tưởng, nhà lý luận lớn của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã viết và xuất bản nhiều cuốn sách về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, về phát triển kinh tế, văn hóa, về đổi mới và phát triển đất nước, như: Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1981); Mấy vấn đề về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1985); Về cách mạng tư tưởng và văn hóa (1985); Chủ nghĩa cộng sản - Mục đích và lý tưởng của Đảng ta (1986); Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (1986); Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại (1987)... Các tác phẩm của đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, xác lập đường lối đổi mới toàn diện đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

2. Đồng chí Trường Chinh với Nhà xuất bản Sự thật - cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước

Nhà xuất bản Sự thật, nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là “cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước”, có nhiệm vụ “biên tập, xuất bản các sách chính trị, lý luận và pháp luật, góp phần làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nâng cao kiến thức của nhân dân về chính trị, lý luận và pháp luật, phục vụ sự nghiệp đổi mới và hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Sự ra đời, hoạt động và phát triển của Nhà xuất bản gắn liền với vai trò chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng. Là người đầu tiên phụ trách Nhà xuất bản, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều đóng góp rất quan trọng đối với sự hình thành, phát triển của Nhà xuất bản Sự thật, đặc biệt là trong thời kỳ Nhà xuất bản mới thành lập. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lịch sử dân tộc bước sang một kỷ nguyên mới. Song, vừa mới ra đời, nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã lâm vào tình thế “thù trong, giặc ngoài”, “ngàn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp rất quyết liệt và sáng tạo để giữ vững thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ mới. Nhằm tránh sự chống phá, chia rẽ của kẻ thù, củng cố khối đoàn kết dân tộc, ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố “tự ý giải tán”, thực chất là rút vào hoạt động bí mật, duy trì dưới hình thức công khai là “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”1. Các cơ quan ngôn luận của Đảng như Báo Cờ giải phóng, Nhà xuất bản Cờ giải phóng cũng tuyên bố “đình bản” và “đóng cửa”. Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật ra đời - các cơ quan của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Trên Báo Sự thật số đầu tiên ra ngày 05/12/1945, Nhà xuất bản Cờ giải phóng thông báo: “Vì báo Cờ giải phóng đình bản nên Nhà xuất bản Cờ giải phóng cũng tự ý đóng cửa. Những sách đã in ra, chúng tôi giao toàn quyền cho Nhà xuất bản Sự thật phát hành”. Từ đây, các tài liệu quan trọng của Đảng và Nhà nước đều được xuất bản tại Nhà xuất bản Sự thật. 

Do tầm quan trọng đặc biệt của Nhà xuất bản Sự thật đối với công tác tư tưởng - lý luận của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trực tiếp phụ trách Nhà xuất bản. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, Nhà xuất bản Sự thật đã nhanh chóng ổn định tổ chức và đi vào hoạt động. Mặc dù công việc rất bận, nhưng đồng chí luôn dành cho Nhà xuất bản sự quan tâm đặc biệt. Là lãnh đạo cấp cao của Đảng nhưng đồng chí luôn quan tâm đến từng chi tiết nhỏ trong công tác xuất bản. Không chỉ chú ý đến nội dung sách, đồng chí còn quan tâm đến cả hình thức sách, không chỉ yêu cầu cẩn trọng về văn phong mà còn chú ý đến từng dấu chấm, dấu phẩy... Nhiều cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản Sự thật đã từng được làm việc với đồng chí Trường Chinh đều rất ấn tượng trước sự chỉ dẫn ân cần, chu đáo của đồng chí trong những công việc cụ thể. Khi làm việc với Nhà xuất bản, đồng chí luôn yêu cầu các cán bộ, biên tập viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự cẩn thận, nghiêm túc trong công việc. Tuy thời gian trực tiếp phụ trách Nhà xuất bản không dài, nhưng dấu ấn của đồng chí Trường Chinh đã in đậm trên từng trang sách của Nhà xuất bản Sự thật qua nhiều thế hệ. 

Khẳng định vai trò, vị trí của công tác xuất bản nói chung, của Nhà xuất bản Sự thật nói riêng, trong một dịp về thăm Nhà xuất bản, đồng chí nêu rõ: Xuất bản là một công cụ của đấu tranh giai cấp. Xuất bản phải là một phương tiện đắc lực trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực đấu tranh chống các tư tưởng phi vô sản, góp phần bảo đảm thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Là một bộ phận của cách mạng tư tưởng và văn hóa, xuất bản phải ra sức làm cho tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của đất nước và trở thành hệ tư tưởng của toàn dân. Công tác xuất bản phải đi sâu vào quần chúng, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Muốn quần chúng đọc sách thì sách phải đáp ứng đúng yêu cầu hiểu biết của quần chúng, phù hợp với trình độ và điều kiện của quần chúng. Phải biên soạn và xuất bản các sách thích hợp với từng loại đối tượng. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, phải nghiên cứu cần có những loại sách gì, phục vụ cho những đối tượng nào để tập trung sức mà thực hiện. Bên cạnh việc xuất bản toàn tập các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, cần chú ý xuất bản toàn tập Hồ Chí Minh và sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản những loại sách lý luận phổ thông về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối, chính sách của Đảng. Cải tiến công tác in và phát hành, bảo đảm sách bền đẹp; kịp thời, nhanh chóng đưa sách đến đúng đối tượng. Sách in ra, phải biết cách giới thiệu đến bạn đọc. Phải tìm mọi cách khơi gợi tinh thần ham muốn hiểu biết, ham muốn học tập của bạn đọc, làm cho bạn đọc cảm thấy nội dung cuốn sách gắn với công việc hằng ngày của họ, bổ ích cho họ, từ đó lôi cuốn họ đọc sách. Dịch và giới thiệu rộng rãi sách của nước ta ra nước ngoài. Cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản vừa phải có trình độ lý luận chính trị vừa phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao, sâu sát thực tế, gắn kết với bạn đọc. Lãnh đạo Nhà xuất bản phải tổ chức việc học tập lý luận Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, văn hóa, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên; phải hết sức coi trọng việc bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ cho những cán bộ trẻ; phải tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi thực tế để họ nắm được trình độ và yêu cầu của bạn đọc. Là cơ quan xuất bản đầu tiên của Đảng sau khi nước nhà giành được độc lập, Nhà xuất bản Sự thật phải thấy hết trách nhiệm và vinh dự của mình đối với công tác tư tưởng và sự nghiệp xuất bản của Đảng ta. Sách của Nhà xuất bản là sách của Đảng, phải mẫu mực cả về nội dung và hình thức. 

Hơn 45 năm đã trôi qua, song những lời căn dặn của đồng chí vẫn còn nguyên giá trị, là “kim chỉ nam” cho cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản trong công tác biên tập, xuất bản. Thực hiện lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh, trong những năm qua, Nhà xuất bản đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Từ khi thành lập đến nay, Nhà xuất bản đã biên tập, xuất bản được hàng chục nghìn đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau. Sách lý luận, chính trị của Nhà xuất bản đã trở thành tài liệu nghiên cứu, học tập tin cậy của cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân trong cả nước. Nhiều cuốn sách, bộ sách của Nhà xuất bản đã vinh dự được trao Giải Vàng, Giải Bạc Sách hay, Sách đẹp Giải thưởng Sách Việt Nam; Giải A, Giải B, Giải C Giải thưởng Sách Quốc gia... Đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Nhà xuất bản: Huân chương Sao Vàng, hai lần Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Nhà xuất bản không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập, công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó, xây dựng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trở thành “trung tâm xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị” hiện đại, “giữ vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan liên quan về xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị” trong cả nước. 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t. 8, tr. 19.

Phạm Chí Thành

Nguyên Quyền Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận