Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Ngày đăng: 17/12/2020 - 09:12

Hệ tiêu chí nước công nghiệp là tập hợp các tiêu chí phản ánh thành quả phát triển và đặc điểm, tính chất của một đất nước khi đạt trình độ của nước công nghiệp hay nước phát triển. Cho đến nay, trên thế giới, một số quốc gia đã đưa ra các tiêu chí để xây dựng, phát triển đất nước thành nước công nghiệp, song cũng không có hệ tiêu chí nào được thừa nhận một cách rộng rãi để xác định cụ thể một quốc gia cần đạt được mức độ phát triển nào được coi là nước công nghiệp. Vì thế, việc xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại là rất cần thiết.

Cuốn sách Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Sách chuyên khảo) của tập thể tác giả do GS.TS. Trần Thị Vân Hoa làm chủ biên, cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về bộ tiêu chí để đánh giá nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước KX.04/16-20: “Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại” thuộc Chương trình KX.04.13/16-20: “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”.

Với kết cấu 05 chương, cuốn sách trình bày cơ sở lý luận hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại; hệ tiêu chí và giải pháp đạt được tiêu chí nước công nghiệp của một số nước trên thế giới; đồng thời phân tích, đánh giá quá trình xây dựng hệ tiêu chí và thực trạng xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp của Việt Nam thời gian qua; trên cơ sở đó, xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại cho Việt Nam và đưa ra định hướng, giải pháp để đạt được các tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045.

Chương 1: Cơ sở lý luận về hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ở chương này, các tác giả tập trung khái quát cơ sở lý luận về hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại, làm sáng tỏ khái niệm “tiêu chí nước công nghiệp”, hệ tiêu chí nhận diện nước công nghiệp đối với các quốc gia trên thế giới và hướng tiếp cận hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chương 2: Hệ tiêu chí và giải pháp đạt các tiêu chí nước công nghiệp của một số nước trên thế giới, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, các tác giả đi sâu phân tích, đánh giá các dữ kiện để làm sáng tỏ hệ tiêu chí và giải pháp để đạt các tiêu chí nước công nghiệp của một số nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Israel và Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xác định các tiêu chí và lựa chọn các giải pháp để đạt được các tiêu chí là nước công nghiệp. Thứ nhất, bài học về xác định các tiêu chí nước công nghiệp: (1) tiêu chí phát triển nước công nghiệp của các nước tùy thuộc vào mục tiêu phát triển đất nước qua từng thời kỳ; (2), không phải nước nào cũng có tiêu chí phát triển thành nước công nghiệp hay nước phát triển nhưng quốc gia nào cũng đưa ra tiêu chí tăng trưởng nhanh và nâng cao thu nhập bình quân đầu người; (3) hệ thống các tiêu chí phát triển đất nước của một số quốc gia bao gồm các hệ tiêu chí thể hiện sự tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, sự phát triển của xã hội, bảo vệ môi trường sống, năng lực thích nghi với sự thay đổi của môi trường…Thứ hai, bài học về lựa chọn giải pháp để đạt được các tiêu chí nước công nghiệp.  Để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong giai đoạn tới theo các tiêu chí đã đề ra, cần lựa chọn giải pháp để đạt được các tiêu chí nước công nghiệp như: khẳng định vai trò của chính phủ trong định hướng phát triển và hoàn thiện thể chế; xây dựng tư duy chiến lược và văn hóa đổi mới sáng tạo; cần có các chính sách vì con người và sứ mệnh phụng sự nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước; phải phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển…

Chương 3: Thực trạng xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại ở Việt Nam. Ở chương này, từ nhận thức về nước công nghiệp và nước công nghiệp theo hướng hiện đại ở Việt Nam qua các thời kỳ, các tác giả tập trung phân tích thực trạng việc xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại ở Việt Nam. Được thể hiện qua 02 giai đoạn đó là: giai đoạn trước Đại hội XII (2007-2015) và sau Đại hội XII (từ năm 2016 đến nay). Từ đó, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của các hệ tiêu chí và các nguyên nhân.

Trên cơ sở xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại cho Việt Nam ở Chương 4, Chương 5, các tác giả đã đưa ra định hướng, giải pháp để đạt được các tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045; nhận diện bối cảnh trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến việc đạt được các hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại ở Việt Nam và phương hướng, giải pháp nhằm thực hiện các tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Các tác giả đề xuất bốn điều kiện để thực hiện các giải pháp nhằm đạt tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại là: đổi mới tư duy nhận thức về phát triển nước công nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với bối cảnh mới; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động; cập nhật và hoàn thiện hệ thống tài sản quốc gia.

Việc xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng nhằm phát triển đất nước trong thời gian tới. Cuốn sách thực sự là một công trình được nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và sâu sắc về thực trạng, giải pháp, quá trình xây dựng cũng như một số bài học cho Việt Nam trong việc xác định các tiêu chí và lựa chọn các giải pháp để đạt được các tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại, là tài liệu tham khảo bổ ích cho những độc giả quan tâm đến vấn đề này.

Bình luận