Khơi dậy niềm đam mê đọc sách

Ngày đăng: 02/04/2014 - 08:04

Những ai đã một lần được học môn lịch sử với thầy giáo Lương Văn Lân, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, TP. Phan Rang - Tháp Chàm hẳn không quên cảm giác háo hức, sôi nổi với những câu chuyện lịch sử và cách dẫn dắt bài học hấp dẫn của thầy. Thầy giáo Lương Văn Lân cho biết: “Vốn kiến thức rộng, bám sát thực tế để thu hút học sinh vào bài học chính là kết quả của sự kiên trì tự học và thói quen đọc sách hằng ngày”.

khoi-day-niem-dam-me-doc-sach-Trường TH Phước Đại B (Bác Ái) xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện”,

thu hút học sinh đọc sách sau giờ học.

Cô giáo Nguyễn Thị Khánh Trang, giáo viên bộ môn Văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - giáo viên đã nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi Văn đoạt giải Quốc gia cho biết: “Những học sinh đoạt giải văn Quốc gia hàng năm đều là những người có niềm đam mê đọc sách. Ngược lại, theo quan sát của cô thì những học sinh có thói quen đọc sách, cách viết văn luôn có sự trau chuốt, chặt chẽ và kiến thức phong phú hơn”.

Rõ ràng, dù trong thời đại công nghệ thông tin, con người có nhiều cách lựa chọn để cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức và phục vụ nhu cầu giải trí cho mình. Nhưng, sách vẫn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống, bởi một cuốn sách hay không chỉ đem đến cho người đọc những thông tin cần thiết mà nó còn như chất xúc tác rèn luyện sự kiên nhẫn, giúp con người cảm thụ, suy ngẫm và có những góc nhìn mới về cuộc sống.

Ý nghĩa của việc đọc sách là không thể phủ nhận nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà văn hóa đọc hiện nay đang xuống cấp trầm trọng. Phần lớn giới trẻ, đặc biệt là học sinh hiện nay đang thờ ơ, thậm chí quay lưng lại với thư viện, sách, và những tác phẩm văn học. Em Phan Nữ Ngọc Như, học sinh Trường THPT Tháp Chàm chia sẻ: “Em có đọc sách nhưng chỉ là sách truyện tranh “ít chữ” để giải trí sau giờ học. Nếu lên thư viện cũng chỉ tìm mượn sách giải bài tập, những bài văn mẫu… Em gần như không có thời gian và cũng không đủ kiên nhẫn với những cuốn sách dày cộp, hay những tác phẩm văn học kinh điển”.

Chia sẻ của Ngọc Như cũng là thực tế chung về vấn đề đọc sách của học sinh hiện nay. Nhưng thực tế này lỗi không hoàn toàn do các em. Chương trình học căng thẳng, những giờ học thêm, những kỳ thi nối tiếp và áp lực từ gia đình… đã chiếm trọn gần hết thời gian trong ngày. Không chỉ riêng học sinh, mà bản thân các bậc phụ huynh, ngay cả giáo viên hiện nay nhiều người cũng không còn mấy mặn mà với sách. Một số học sinh còn bị cha mẹ phản đối đọc sách với lý do cần tập trung cho việc học, cho các bài kiểm tra; cần học đều các môn để đạt danh hiệu học sinh giỏi hay đọc sách là ướt át, thiên về văn học, xã hội trong khi xu hướng hiện nay là các môn khoa học tự nhiên để vừa đa dạng lựa chọn ngành nghề, vừa có cơ hội việc làm tốt hơn…

Thực tế, việc đọc sách không chỉ dành cho những học sinh chuyên Văn. Sách là nguồn kiến thức vô tận có ích với tất cả mọi người. Để đến với sách, trước hết phải có niềm đam mê. Cô giáo Nguyễn Thị Khánh Trang cho rằng: “Gia đình và nhà trường mà đặc biệt là các thầy, cô giáo có vai trò rất quan trọng trong việc khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh. Cha mẹ nên hình thành cho con mình thói quen và sự kiên nhẫn đọc sách từ nhỏ. Các thầy, cô giáo cần tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn từ những cuốn sách để khơi dậy niềm đam mê trong các em. Nếu không có sự định hướng từ gia đình, thầy cô thì thói quen đọc sách của học sinh có thể sẽ bị hướng vào những truyện tranh, tiểu thuyết lãng mạn… chỉ nhằm tới mục đích giải trí”. Là một giáo viên dạy văn, để động viên, khuyến khích học trò đọc sách, cô Trang không chỉ giới thiệu, định hướng các tác phẩm cho học sinh mà còn thường xuyên kiểm tra, cùng các em thảo luận về những cuốn sách hay, những tác phẩm văn học có giá trị…

Từ thói quen đọc sách của mình, thầy giáo Lương Văn Lân, lại có những cuốn sổ với dòng chữ “Tôi đọc sách” - ghi lại những câu nói hay, những kiến thức, những cảm nhận và những bài học cuộc sống mà thầy có được từ những cuốn sách đã đọc. Đây cũng chính là nguồn tư liệu, là tài sản quý giá để thầy có những giờ giảng hấp dẫn học trò cũng như vốn kiến thức phong phú trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Thầy Lân cho rằng: “Đọc sách chính là một cách tự học, tự rèn. Người đọc sách phải biết cảm nhận, biết biến cái của người thành cái của mình”.

Những năm gần đây, nhiều trường TH trên địa bàn tỉnh ta phát động xây dựng các mô hình: Thư viện xanh, thư viện thân thiện - được trang trí đẹp mắt, thu hút học sinh đọc sách sau giờ học. Đây cũng chính là một cách làm hay để khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong học sinh cần được nhân rộng ở tất cả các trường và các cấp học.

Nhật Nam (NTO)



Bình luận