Nghĩ về “văn hóa đọc”

Ngày đăng: 19/05/2014 - 10:05

Tôi nghĩ “Văn hóa đọc” có thể rộng hơn ra ngoài câu đã được viết ở một kỳ của Tạp chí Tri thức Thời đại mới đây, rằng đó là “thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc”! Vì, chẳng hạn, nó liên quan hữu cơ, thậm chí chung cấu trúc trong một chỉnh thể, với câu chuyện “Ông già Kính chỉ” mà nhà Hà Nội học lão thành Hoàng Đạo Thúy đã kể nhiều lần trong các công trình viết về Hà Nội ngày xưa: có một ông già (ở phố Hàng Gai cũ) hằng ngày vẫn thường gánh đôi bồ đi nhặt từng mảnh giấy mà có chữ, vương trên đường, kính cẩn đem về đền Ngọc Sơn để “hóa” (đốt), vì kính trọng những giấy tờ có chữ nghĩa thánh hiền đã được viết (in) ở đấy!

1 doc

Chắc chắn nó cũng còn liên quan, thậm chí: bắt nguồn từ câu cổ ngữ “Duy hữu độc thư cao” (Chỉ có đọc sách mới là cao trọng (cao cả, cao sang, cao quí, thanh cao…) định hướng cho việc xác nhận phẩm chất ưu thắng trong “bảng giá trị” của con người và đời người. Và cả lối sống nữa, của những con người - như Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII - từng được ông Nghè - danh sĩ Trần Danh Lâm ca ngợi là: nhà cửa thì tuềnh toàng nhưng lại rất nhiều sách: “Sách chứa đầy bàn, đầy tủ không thể kể xiết”, và: “Tuy làm quan to, mà tay thì vẫn không lúc nào rời quyển sách”…Đó mới là/gồm đủ đầy hơn, phần nào nội dung của thuật ngữ và khái niệm “Văn hóa đọc”. Vì - như đã thấy qua nhiều tư liệu lịch sử - khi người xưa chỉnh tề khăn áo, đốt trầm lên để đọc sách, thì ở đây không chỉ có/cần “thói quen, sở thích, và kỹ năng”, mà còn cả đạo đức (đạo lý), sự linh thiêng, thậm chí gần như là tôn giáo (tín ngưỡng) của/trong việc đọc sách nữa. Cái “Thư đạo” này - chừng mực nào đấy, có thể đem so sánh với “Trà đạo” của “Văn hóa (uống) trà” - đôi khi dẫn người ta tới chỗ mụ mị, quá tin vào sách, khiến cổ nhân đã phải có câu răn “Tín thư bất như vô thư” (Tin vào (thứ) sách (dở) chẳng thà không có sách), hoặc đôi khi nữa - ở một khía cạnh khác - cũng có thể làm cho một số người đọc sách bị “cuồng chữ” mà hóa ra lẩn thẩn, nhưng chính vì thế mà đặt ra/đòi hỏi cùng với chữ “Đạo” - phải có chữ “Trí” (chữ “Tuệ”) nữa, cho “Văn hóa đọc”.

Lời khuyên khi đọc sách, hãy đọc ở những chỗ trống (để trắng) giữa các dòng chữ, thậm chí cả ở khe các con chữ nữa, là một ví dụ về/cho việc đọc sách bằng/với “Tuệ nhãn”. Tôi đã rất nhiều lần “xin” với mọi người rằng, đừng nói (gọi tên) Kinh đô nước ta ở thời Hùng Vương là “Phong Châu”, vì đó là một địa danh - giống như “Hàng Châu”, “Tô Châu”, “Kinh Châu”, “Dương Châu”… – của/ở phương Bắc mà những thế lực đô hộ nhà Tùy - nhà Đường, hồi các thế kỷ VII-VIII sau Công nguyên đã đem sang úp lên (áp đặt cho) miền đất Kinh đô “Văn Lang” (ngữ nghĩa là: “Con Người”) của nước Văn Lang ta, có từ thế kỷ VII trước Công nguyên! (Thời đó, giống như ở nhiều nơi, đô hiệu và quốc hiệu của nước ta là một (trùng nhau). Tuy nhiên, có người lại vẫn đã chìa ra câu sử bút của sử thần Ngô Sĩ Liên - trong bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” (bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, H.1998, tập I, tr.133) viết ở mục “Hùng Vương” rằng: “Đóng đô ở Phong Châu” - để cãi! Thành ra - vì dưới (cách) câu sử bút đó 7 dòng, cụ Ngô Sĩ Liên còn đã có câu quan trọng: “Bộ gọi là Văn Lang, là nơi vua đóng đô” - đành phải chỉ dẫn: Hãy đọc đoạn sử bút gồm năm chữ “Đóng đô ở Phong Châu” ấy bằng tuệ nhãn, sẽ thấy hiện lên ở chỗ trống (trắng) giữa (sau) ba chữ “Đóng đô ở” và (trước) hai chữ “Phong Châu” là (có) những chữ “chìm”: “nơi mà Tùy - Đường gọi là” để được câu hoàn chỉnh: “Đóng đô ở nơi mà Tùy - Đường gọi là “Phong Châu”.

Đọc cả ở chỗ trống (trắng) giữa các dòng chữ, thậm chí cả ở khe các con chữ nữa là như thế! Cây bút nghiệp dư Nguyễn Bảo Sơn - trong cuốn sách “Bát phố” – vừa mới tùy hứng mà tung ra bốn câu bông phèng thâm thúy:

“Lịch sử toàn chuyện ồn ào

Sự thật im lặng đi vào lãng quên

Lịch sử bầy chữ đặt tên

Khe chữ chân lý lặng yên ra vào”

mà nếu bây giờ ta đem ứng “Văn hóa đọc” vào đây sẽ còn có thể/phải thêm cho nó nhiều công năng và thuộc tính nữa, như: Đọc để khám phá, Đọc để thấu hiểu, Đọc để thông cảm, Đọc để đừng lãng quên...

Tôi không chắc là nếu theo một “Văn hóa đọc” như thế, mình có thể thực hiện nổi lời khuyên bảo của vị Tiến sĩ khả kính họ Nguyễn - cũng vừa viết trên “Tri thức Thời đại” rằng: “Một ngày bạn phải đọc trên một ngàn trang” - hay không. Tôi được nhờ và đã nhận đọc trong một tuần, bản thảo cuốn sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tiến sĩ Tạ Đức (mới được Nhà xuất bản Trí thức in xong: 844 trang, khổ 16x24). Nhưng thực tế tôi đã đọc mất hơn 2 tuần và chỉ là đọc để viết “lời giới thiệu” thôi đấy. Vì thế câu cuối của “lời giới thiệu” ấy, đã là: “Cuốn sách này cần được đọc kỹ. Nó rất nhiều thông tin và vấn đề, nhưng để đọc, thậm chí còn lôi cuốn người ta chăm chú đọc”. Còn, ba chữ cuối cùng là: “Và rồi: nghĩ”.

Tôi cho rằng “Nghĩ” là một động thái đi liền, thậm chí cùng một lúc với “Đọc” của/trong “Văn hóa đọc”. Vì thế, ta đã có một nền và một thời “Văn minh đọc - nghĩ”, để đặt “Văn hóa đọc” lên trên và vào trong.

Đó là cái thời mà nhịp sống của người ta không phải quá gấp gáp bộn chộn và sách thì gần như là sản phẩm độc tôn giữa thế giới tinh thần, không có quá nhiều thứ cạnh tranh hoặc lấn lướt. Xã hội thời này có sự cân bằng (công bằng) giữa vật chất và tinh thần trong phát triển, nên sách là chỗ gửi gắm chủ yếu của tâm sự và tài năng, ý chí và trí tuệ...

Ở cuốn “The third Warve” (Đợt sóng thứ ba) mô tả diễn tiến của văn minh nhân loại thành ba đợt sóng Tiến sĩ A.Toffler gọi đó là thời của “Đợt sóng thứ hai”, sau “Đợt sóng thứ nhất” là thời sơ sử của “Văn minh nông nghiệp”, và trước “Đợt sóng thứ ba” là thời đại của “Kỹ thật số và thông tin mạng” bây giờ.

Ở “Đợt sóng thứ hai” ấy, người ta có được chút thư thả (thư thái), cùng với rất nhiều đạo lý và học thuyết, nên mới có thể và thường xuyên đọc - nghĩ (vừa đọc vừa nghĩ (ngẫm nghĩ - nghĩ ngợi) để làm “Văn hóa đọc” giữa nền “Văn minh đọc - nghĩ” như thế. Do đó mà có những Độc giả lớn, để sinh ra những Tác giả lớn. Từ đấy mà tạo thành được những Nhân cách lớn, để cuối cùng, có được những Nhân vật lớn.

 Nhưng bây giờ thì kẻ sớm người muộn, và muốn hay không muốn chúng ta đều ở vào “Đợt sóng thứ ba”, mà cùng với “Kỹ thuật số và thông tin mạng”, thì còn được mệnh danh nữa, là thời của “Văn minh nghe - nhìn”.

Có nghĩa là đọc và nghĩ của “Văn hóa đọc” ở một thời “Văn minh đọc - nghĩ” trong “Đợt sóng thứ hai” giờ thì, đã bị “Đợt sóng thứ ba” với vô số sản phẩm và công cụ của/phục vụ cho “Văn minh nghe - nhìn” lướt (phủ) qua. Đọc với năng suất ngàn trang/ngày, không thể vừa đọc vừa nghĩ được, mà chỉ có thể là đọc như máy, đọc bằng máy! Những thứ máy ấy lại thêm có vô vàn chức năng và cách sử dụng ở mặt trái: “chơi game” đêm ngày, “chát chít” miên man để “buôn dưa lê” và lừa đảo, hoặc chụp ảnh - quay phim chuyện “tự sướng” và “sex”! Cho nên nó cạnh tranh và/rồi nhanh chóng lấn lướt, đắc thắng ngon lành trong việc thay thế sách và đọc sách, một khi sách không còn biết tự đề kháng và được giúp đỡ để đề kháng.

Ở Việt Nam ta thì còn thêm cả việc - với điểm xuất phát thấp và cũ kỹ (cổ sơ) mà lại hấp tấp và dễ dãi - “hội nhập”, “mở cửa”, chắc chắn là chỉ tạo thêm điều kiện cho sự thất bại của “Văn hóa đọc” trước sự lộng hành ồ ạt học đòi các mặt trái của “Văn minh nghe - nhìn”. Rồi chỉ mải miết việc “làm kinh tế” thôi, cũng chắc chắn là đã hướng dẫn người ta vào chỗ chỉ cần/cốt kiếm sống (“kiếm ăn”) và làm giàu (bằng mọi cách) để chăm chăm mê mải hưởng thụ vật dục - vật chất, mà không còn chỗ nào cho sách và đọc sách nữa.

Cho nên, ở cuộc họp bàn về việc tổ chức “Ngày sách Việt Nam” đầu tiên do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức vào hồi đầu tháng 3-2014, tôi đã xin được đưa việc “cứu Văn hóa đọc” như là một trong những mục đích và ý nghĩa hàng đầu của “Ngày Sách Việt Nam” lúc này, chính là vì vậy.

GS. Lê Văn Lan

Theo Trithucthoidai




 

 

Bình luận