Quá trình ra đời và phát triển của nền xuất bản cách mạng Việt Nam (P5: Thời kỳ từ 1986 đến nay)

Ngày đăng: 22/02/2012 - 15:02

Đại hội VI của Đảng đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đã tạo ra một bước đột phá lớn và toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới trong toàn xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước ta tiến lên. Đến nay, công cuộc đổi mới đã diễn ra được 25 năm. Trong 25 năm đó đã xảy ra rất nhiều biến động to lớn, phong phú, phức tạp trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp đến đất nước ta, tác động đến tiến trình đổi mới của chúng ta. Sự tăng trưởng của kinh tế thế giới, sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ hiện đại, đặc biệt là cách mạng tin học, thông tin, truyền thông, đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội - văn hoá của nước ta. Tất cả đặt ra cho ngành xuất bản những cơ hội và thách thức chưa từng có. Vượt qua các khó khăn, thách thức, phát huy các thuận lợi, cơ hội lớn, công cuộc đổi mới qua 25 năm đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Thành tựu nổi bật của toàn ngành xuất bản trong những năm đổi mới, đặc biệt khoảng 10 năm trở lại đây là vượt qua nhiều khó khăn to lớn, những thách thức gay gắt do tác động nhiều mặt và phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá trong nước và quốc tế, nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm, từng bước phát triển nhanh, thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ ngày càng có hiệu quả công tác tư tưởng - văn hoá, góp phần khẳng định nền tảng tư tưởng của xã hội nước ta là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hoạt động xuất bản cũng đã góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế và văn hoá, nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân, đáp ứng và định hướng cho sự phát triển các nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú về văn hoá đọc của các đối tượng khác nhau khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đó là cơ sở vững chắc để xuất bản Việt Nam tự tin bước vào thế kỷ XXI.

Để đạt được thành tựu trên, xuất bản nước ta phải đi qua những chặng đường gian khó, với những đặc điểm khác nhau.

a) Từ năm 1986 đến 1991

Những năm đầu của sự nghiệp đổi mới, mặc dù bị tác động trực tiếp của các luồng tư tưởng lệch lạc, sai lầm đến từ bên ngoài thời "mở cửa", song, nhìn chung, xuất bản giai đoạn này vẫn cố gắng xuất bản được các loại sách cơ bản, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, văn học, nghệ thuật, khoa học, giáo dục, thanh thiếu niên... Cơ cấu sách và chất lượng sách nhìn tổng thể, vẫn đảm bảo sự cân đối nhất định và yêu cầu về nội dung. Nhiều nhà xuất bản vượt qua khó khăn thời kinh tế thị trường, tiếp tục cho ra mắt những xuất bản phẩm có giá trị. Tuy vậy, đây là thời kỳ tìm kiếm, thể nghiệm, vừa bung ra, vừa lúng túng trước những vấn đề mới, cho nên, khó tránh khỏi những thiếu sót, khuyết điểm, chệch choạc cả trong định hướng và cả trong chỉ đạo, tổ chức cụ thể. Các nhà xuất bản phải chuyển mạnh từ cơ chế bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh.

Về hệ thống các nhà xuất bản, thời kỳ 1986 - 1991 là những năm có nhiều nhà xuất bản nhất, so với trước đó (1954 - 1985) và so với cả những năm sau (1992 - 2000). Hàng chục nhà xuất bản mới ra đời thuộc các bộ, ngành ở Trung ương và đặc biệt ở các tỉnh trong cả nước. Đến năm 1991, cả nước có tới 52 nhà xuất bản, trong đó có 29 nhà xuất bản ở Trung ương và 23 nhà xuất bản ở địa phương. Tuy nhiên, trung bình, hằng năm, các nhà xuất bản ở Trung ương chỉ xuất bản được từ 50 đến 70 đầu sách, còn các nhà xuất bản ở địa phương chỉ đạt trên 20 đầu sách. Vì vậy, trên phạm vi cả nước, hằng năm, có khoảng trên 2.000 đầu sách được xuất bản. Đó là một con số rất thấp so với dân số và nhu cầu của nhân dân. Nhiều nhà xuất bản hoạt động không có hiệu quả, không đủ năng lực, trình độ và sự chuẩn bị để hoạt động trong cơ chế thị trường, làm ăn cầm chừng hoặc thua lỗ. Có những nhà xuất bản chỉ hoạt động được mấy năm, tự thấy không đủ điều kiện tiếp tục tồn tại và phát triển nên đã phải ngừng hoạt động. Vào cuối thời kỳ này, năm 1991, các nhà xuất bản như Hậu Giang, An Giang, Bình Định đã ngừng hoạt động, sang năm 1992, các nhà xuất bản Quảng Ngãi, Long An, Tiền Giang, Quảng Ninh... tiếp tục xin ngừng hoạt động.

Xét về cơ cấu của hệ thống các nhà xuất bản thời kỳ này cũng bộc lộ những bất cập rõ rệt. Trong số 52 nhà xuất bản (ở thời điểm cao nhất) thì số nhà xuất bản có chức năng, nhiệm vụ và được phép xuất bản sách văn học, nghệ thuật, kể cả ở Trung ương và địa phương, lên đến vài chục nhà xuất bản, trong đó sáu nhà xuất bản trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin, 10 nhà xuất bản của các bộ, ngành và đoàn thể Trung ương, hai nhà xuất bản của Thành phố Hồ Chí Minh, và hầu hết các nhà xuất bản ở địa phương đều có tham gia xuất bản sách văn học, nghệ thuật.

Sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của một số nhà xuất bản cũng gây khó khăn cho các nhà xuất bản hoạt động trong cơ chế mới, tăng thêm số lượng nhà xuất bản mà không tạo được cái mới về chất lượng và khả năng phát triển lâu dài của các nhà xuất bản đó. Việc xuất hiện các nhà xuất bản như Tư tưởng - Văn hoá, Thông tin - Lý luận trong thời kỳ này là một dẫn chứng cụ thể cho đặc điểm trên. Chỉ trong dăm ba năm hoạt động mà một nhà xuất bản sách chính trị đã đổi tên đến ba lần như Nhà xuất bản Sách giáo khoa Mác - Lênin, sau đổi tên là Nhà xuất bản Tuyên huấn, rồi Nhà xuất bản Tư tưởng - Văn hoá.

Thời kỳ từ năm 1986 đến 1991 cũng là những năm tháng gian nan nhất của nhiều nhà xuất bản, khi các nhà xuất bản phải chuyển mạnh từ cơ chế bao cấp toàn bộ cho quy trình hoạt động xuất bản về vốn, thiết bị, vật tư in, kế hoạch xuất bản và cả việc phát hành xuất bản phẩm, sang cơ chế hạch toán kinh doanh, xoá bỏ bao cấp, phải tự lo về kinh tế và phải thực hiện những quy định về lãi suất, về thuế như với một doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần. Hầu hết các nhà xuất bản đều thiếu vốn, khan hiếm giấy, vật tư thiết bị in và phải tự xoay sở để tồn tại trong cơ chế mới. Một số nhà xuất bản điêu đứng, tưởng chừng không thể đứng được trước "cơn bão" kinh tế thị trường. Ví dụ: Nhà xuất bản Thanh niên, vào năm 1988, tiền trong két chỉ còn 200.000 đồng (trong khi tiền lương cần phải có 3 triệu/tháng). Cán bộ, công nhân viên Nhà xuất bản có lúc phải tự đem sách đi rao bán ở khắp nơi, tại các địa điểm công cộng, cả trên tàu hoả. Một ví dụ khác, Nhà xuất bản Sân khấu thành lập năm 1986, trong hai năm đầu đã ra mắt được một số tập sách có giá trị (1987 - 1988), nhưng đến các năm từ 1989 đến 1991 gặp rất nhiều khó khăn, mỗi năm chỉ xuất bản được dăm ba đầu sách, một vài đầu lịch và đến năm 1991, Nhà xuất bản đã đứng trước nguy cơ bị giải thể.

Như vậy, bên cạnh những cố gắng to lớn của hoạt động xuất bản những năm đầu đổi mới để tồn tại và thích ứng bước đầu với cơ chế mới, đã xuất hiện một căn bệnh trong hoạt động xuất bản, đó là khuynh hướng thương mại hoá, chạy theo lợi nhuận đơn thuần và có lúc, khuynh hướng này đã tác động rất tiêu cực, gây tác hại không nhỏ đối với định hướng phát triển của hoạt động xuất bản thời kỳ này.

Đánh giá những khuyết điểm, nhược điểm của xuất bản giai đoạn này, trong Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 31-3-1992, Ban Bí thư đã nghiêm khắc chỉ ra những "khuyết điểm nghiêm trọng và kéo dài" như: "Xuất bản sách vẫn còn lộn xộn. Nhiều cơ quan không được phép tổ chức xuất bản chuyên nghiệp cũng in sách bán rộng rãi. Một số ít sách có nội dung độc hại đã và đang được lưu hành. Có tình trạng in tràn lan bài viết, tranh ảnh và cuốn sách giải trí có chất lượng thấp hoặc kích thích những thị hiếu không lành mạnh. Không ít sách báo thường xuyên khai thác những chuyện tình dục, moi móc đời tư, đăng quá nhiều vụ án, miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, bạo lực, in nhiều hình ảnh thiếu thẩm mỹ, tuyên truyền mê tín dị đoan, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Sử dụng thông tin của người nước ngoài thiếu chọn lọc; sách dịch tràn lan, có cuốn không phù hợp với cách nghĩ, lối sống và đạo đức của dân tộc Việt Nam".

b) Từ năm 1992 đến nay

Đánh giá về thành tựu của hoạt động xuất bản giai đoạn này, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản" đã khẳng định: "hoạt động xuất bản đã có bước phát triển nhanh, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - văn hoá...". Đó là một sự khẳng định rất đáng tự hào của hoạt động xuất bản Việt Nam, được thể hiện rất rõ qua sự phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng, hiệu quả đối với xã hội của hoạt động xuất bản khi xuất bản chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI.

Tuy vậy, hoạt động trong một thời kỳ vô cùng phong phú, phức tạp với nhiều thách thức mới, vừa làm, vừa thể nghiệm, tìm hướng đi đúng và có hiệu quả, phải luôn luôn tự vượt chính mình, công tác xuất bản trong những năm từ 1992 đến nay không tránh khỏi những thiếu sót, khuyết điểm, đồng thời chính trong quá trình phát triển đó, đã và đang nảy sinh những vấn đề rất mới cần tiếp tục tìm cách giải quyết nhằm đưa sự nghiệp xuất bản tiếp tục vươn lên.

So với những năm trước 1991, về số lượng, các nhà xuất bản không tăng, mà có thời kỳ giảm đáng kể sau khi được tổ chức lại theo Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư. Từ 52 nhà xuất bản vào thời điểm năm 1991, đến năm 1994, chỉ còn 36 nhà xuất bản trong cả nước. Một loạt nhà xuất bản địa phương đã xin ngừng hoạt động hoặc giải thể vì không đủ điều kiện hoạt động và thực hiện theo Chỉ thị số 08-CT/TW. Các nhà xuất bản Hậu Giang, An Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Long An, Tiền Giang, Quảng Ninh... đã ngừng hoạt động trong thời gian đó.

Đồng thời, cũng theo Chỉ thị số 08-CT/TW, những nhà xuất bản nào trùng lặp về chức năng, có thể được sắp xếp lại, hợp nhất hoặc sáp nhập. Trước năm 1991 ra đời các nhà xuất bản sách lý luận chính trị như Nhà xuất bản Sách giáo khoa Mác - Lênin, Nhà xuất bản Thông tin - Lý luận, Nhà xuất bản Pháp lý. Năm 1992, đã có quyết định hợp nhất ba nhà xuất bản trên với Nhà xuất bản Sự thật thành Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Ba nhà xuất bản thuộc ngành văn hoá - thông tin đã hợp nhất thành Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin. Hai nhà xuất bản ngành giáo dục là Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Đại học - Trung học chuyên nghiệp hợp nhất thành Nhà xuất bản Giáo dục.

Từ năm 1995 đến nay, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh của một số lĩnh vực chuyên ngành như bản đồ, bưu chính - viễn thông, thông tấn, tư pháp, tài chính... và sự phát triển của các trường đại học lớn của nước ta, một số nhà xuất bản đã được thành lập nâng tổng số nhà xuất bản ở Việt Nam đến năm 2011 lên tới 61 nhà xuất bản. Phần lớn các nhà xuất bản ra đời sau năm 1995 đều hoạt động có hiệu quả, góp phần cho sự phát triển vững chắc của ngành xuất bản Việt Nam.

Nhằm đánh giá tổng quát những thành tựu đã đạt được của hoạt động xuất bản từ năm 1992 đến nay, chúng ta cần phân tích trên một số mặt chủ yếu sau:

- Sau hơn 25 năm chuyển đổi cơ chế, các nhà xuất bản đã trải qua những thời điểm vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm không ngừng, tính đến năm 2010, phần lớn các nhà xuất bản hoạt động đạt được yêu cầu và nhiệm vụ đã xác định. Cơ cấu đề tài phân bố tương đối hợp lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc, ngày càng phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... của đất nước. Từ năm 1998 đến nay, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có sách. Người dân cần sách gì cho công việc và đời sống của mình đều có thể tìm thấy trong các hiệu sách, nhà sách, siêu thị sách. Nhiều nhu cầu rất mới, rất đa dạng về sách, về văn hoá đọc theo sự phát triển của các lĩnh vực đời sống thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã được đáp ứng. Đây là một bước phát triển quan trọng của hoạt động xuất bản nước ta. Cơ sở vật chất - kỹ thuật cũng có một số thay đổi rõ rệt. Đó là: đổi mới công nghệ; cải thiện nhà cửa và phương tiện làm việc. Xuất hiện một số nhà xuất bản khép kín cả ba khâu: xuất bản, in, phát hành (khoảng 30 nhà xuất bản), trong đó nhiều nhà xuất bản đã trang bị cho khâu in rất hiện đại như Nhà xuất bản Bản đồ, Nhà xuất bản Giáo dục...

- Ngành in có những bước tiến vượt bậc về số lượng và chất lượng ở tất cả các khâu công nghệ: trước in, in và sau in. Nhiều cơ sở in đã trang bị thêm dây chuyền in hiện đại, trong đó có máy in offset nhiều màu tờ rời và máy in cuộn thế hệ mới nhất; hệ thống thiết bị chế bản và dây chuyền đóng sách bằng keo dán tổng hợp tương đối hiện đại. Đồng thời, Nhà nước cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ hai trung tâm in là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đồng bộ hoá công nghệ in offset, tạo bước đi vững chắc, có tác dụng thúc đẩy ngành in cả nước phát triển nhanh chóng. Toàn ngành hiện có hơn 40 hệ thống chế bản điện tử kỹ thuật cao tập trung ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các trọng điểm Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, đáp ứng hầu hết nhu cầu chế bản của cả nước. Chất lượng các sản phẩm in có bước phát triển khá nhanh. Sách, đặc biệt là sách giáo khoa và báo chí được in nhiều màu với chất lượng cao. Sách bìa cứng từ chỗ chưa đến 1% nay đã đạt khoảng 8% tổng số đầu sách xuất bản hằng năm.

- Ngành phát hành sách đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá của đất nước, vừa phục vụ công cuộc đổi mới, vừa tự đổi mới để thích nghi với cơ chế mới, đã cố gắng thực hiện mục tiêu: "đưa sách tốt, sách hay đến tay người đọc"; nhiều siêu thị, trung tâm, cửa hàng và hệ thống đại lý sách đã đổi mới phương thức hoạt động; bước đầu đã hình thành thị trường xuất bản phẩm đa dạng, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Như vậy, qua ba mươi năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), và trong quá trình cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, xuất bản nước ta có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất, trong đó đặc điểm và thành tựu độc đáo của nó là sự nỗ lực và tự nguyện bám sát những yêu cầu cấp thiết của hai cuộc kháng chiến, tổ chức biên tập và xuất bản ngày càng nhiều những loại sách phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của hai cuộc kháng chiến kéo dài suốt 30 năm, số lượng xuất bản phẩm ngày càng tăng, chất lượng tốt hơn, thể loại phong phú hơn nhiều. Đặc điểm nổi bật và thành tựu đáng quý của xuất bản cách mạng Việt Nam trong 30 năm chiến tranh chính là sự tham gia trực tiếp vào cuộc chiến đấu, các sản phẩm của xuất bản đã trở thành một sức mạnh tinh thần của nhân dân. Một số đặc điểm khác của xuất bản trong 30 năm chiến tranh cũng được làm rõ như đặc điểm của hoạt động xuất bản ở vùng tạm bị chiếm thời chống Pháp, vùng Mỹ - ngụy chiếm đóng thời chống Mỹ, cứu nước và các giai đoạn phát triển cụ thể với các đặc trưng riêng của nó trong xuất bản ở miền Bắc, qua đó, khẳng định khả năng sàng lọc, đấu tranh, tập hợp và ngày càng lớn mạnh của xuất bản cách mạng.

Từ năm 1975 đến nay, xuất bản Việt Nam trải qua những chặng đường đầy gian khó, nhiều thử thách, luôn luôn phải tìm kiếm, thể nghiệm, vượt qua những lúng túng, vấp váp, kiên trì xác định con đường phát triển với mục tiêu vừa nối tiếp và phát huy truyền thống, vừa nỗ lực đổi mới để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng mới và cao của cách mạng và cuộc sống. Chặng đường phát triển quan trọng đó đã được phân tích, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm, vấp ngã, đồng thời khẳng định bước phát triển về chất lượng của xuất bản từ năm 1991 đến nay, từng bước trở thành một nền xuất bản độc lập, đang lớn mạnh, tiến dần đến hiện đại.

Trích trong cuốn Xuất bản Việt Nam trong những năm đổi mới đất nước;

Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011

Bình luận