Vài suy nghĩ về nâng cao chất lượng, hiệu quả sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng trong tình hình mới

Ngày đăng: 12/05/2021 - 14:05

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới và khu vực có những biến động nhanh chóng, phức tạp và khó dự đoán. Trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận, nhiều vấn đề thực tiễn, nhiều quan điểm, tư tưởng lý luận mới, phức tạp cần được nhận thức, tổng kết, luận giải và đánh giá để có định hướng xử lý đúng đắn, kịp thời. Tình hình đó đòi hỏi sách lý luận, chính trị phải đổi mới mạnh mẽ để thực sự nâng cao chất lượng và hiệu quả, bảo đảm về nội dung, thuyết phục về lập luận, tiếp tục là vũ khí sắc bén, tiên phong trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Với ý nghĩa đó, bài viết là những suy nghĩ của tác giả về nâng cao chất lượng, hiệu quả sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng trong tình hình mới.

1. Xét đến cùng, sách có chất lượng, sách tốt, sách hay, dù viết về đề tài nào, cũng có ý nghĩa, giá trị về lý luận, về chính trị, nếu nhìn từ ý nghĩa sâu rộng của hai phạm trù này. Sách viết về Thánh Gióng, về Hai Bà Trưng, sách về các di sản văn hóa dân tộc, sách pháp luật, sách nghiên cứu, sáng tác văn học, nghệ thuật... đều hàm chứa và truyền tải trong đó ý nghĩa lý luận, chính trị về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lý luận về nhà nước pháp quyền... Hay nói cách khác, xuất bản sách lý luận, chính trị không chỉ là chức năng riêng của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật mà còn là nhiệm vụ chung của hệ thống xuất bản ở nước ta. Từ đó, mở ra những con đường khác nhau để đạt tới mục tiêu của sách lý luận, chính trị. 

Theo đó, có thể chỉ ra hai nội dung mang tính khách quan, một là, xuất bản sách có ý nghĩa lý luận, chính trị - theo những cách khác nhau - là nhiệm vụ chung của xuất bản; hai là, cần chỉ ra đặc trưng riêng của sách lý luận, chính trị để xác định vị trí, vai trò của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Bài viết này tập trung phân tích nội dung thứ hai.

Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 27/01/2003 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới nhấn mạnh: “Trực tiếp truyền bá, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; góp phần xây dựng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; giáo dục, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Ở đây, cần quan tâm đến từ “trực tiếp” để nhận biết đặc trưng của loại hình sách lý luận, chính trị. Trên cơ sở xác định đặc trưng, bản chất và mục tiêu chính yếu của sách lý luận, chính trị, Chỉ thị khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt, chủ lực của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Cần nhận thức rõ quan điểm này. Đặc trưng trên không hề hạn chế việc nỗ lực tìm tòi các con đường và phương thức đa dạng, sinh động để đạt tới đặc trưng và mục tiêu trên của sách lý luận, chính trị và từ đó, khuyến khích sự chủ động tham gia của các nhà xuất bản khác trong việc làm phong phú, tính hiệu quả của mảng sách này.

Những điều trình bày trên đây được coi là điểm tựa lý luận và thực tiễn để suy nghĩ về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của sách lý luận, chính trị trong tình hình mới.

2. Trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, có rất nhiều nội dung gợi ý cho việc tìm đề tài của sách lý luận, chính trị, không phải để minh họa cho văn kiện, mà là sự bàn sâu, bàn thêm, là sự phát triển và đặc biệt là sự tổng kết, nghiên cứu thực tiễn để đặt ra những vấn đề mới, kể cả những vấn đề khó, những ẩn số cần lý giải về mặt lý luận và chính trị. 

Khi dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”1. Theo đó, việc xuất bản sách lý luận, chính trị đứng trước hai vấn đề: Một là, đặt công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong bối cảnh mới, phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với trước đây; Hai là, nhận định trên trở thành gợi ý cho việc nghiên cứu, đề xuất và giải đáp những vấn đề lý luận, chính trị mới đang và sẽ đặt ra. Đó cũng chính là những vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn hiện nay và nhiều năm tới, đòi hỏi sách lý luận, chính trị phải tìm lời giải đáp, chẳng hạn như: Đất nước ta sẽ vượt qua những “diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo” trên thế giới như thế nào? Vì sao “bốn nguy cơ” mà Đảng ta đã chỉ ra có mặt còn gay gắt hơn, khắc phục nó bằng cách nào? Những “vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn” là gì? Khả năng vượt qua nó sẽ như thế nào?...

Trong bài “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” (Bài đăng báo Nhân dân, số ra ngày 01/9/2020), đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có nhiều ý kiến chỉ đạo toàn diện, có ý nghĩa chiến lược và tính thực tiễn sâu sắc. Rất nhiều gợi mở lý thú và cấp thiết cho hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị trong bài viết quan trọng này. Qua nhiều kỳ đại hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất tâm đắc và nhấn mạnh nhiều lần, phải “đặc biệt chú trọng xử lý tốt hơn các mối quan hệ” và đó là “những mối quan hệ lớn phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới ở nước ta, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nhận thức đầy đủ, thật sự thấm nhuần, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả”2. Trong bài viết, đồng chí đã nêu ra 10 mối quan hệ lớn đó3. Có thể nói, đây là những vấn đề rất lớn, quan trọng của sách lý luận, chính trị trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Trong từng mối quan hệ lại chứa đựng những đề tài cụ thể, đa dạng và phong phú cho sách lý luận, chính trị. Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để đào sâu, làm rõ các quan hệ đó, chỉ ra những cái được và những cái chưa được trong “xử lý” các quan hệ là nhiệm vụ của sách lý luận, chính trị, vì đó là những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới ở nước ta. 
3. Những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực xuất bản, mà điều cần đặc biệt quan tâm chính là đối tượng phục vụ của hoạt động xuất bản - người đọc, người tiếp nhận. Câu hỏi đặt ra ở đây là, mức độ quan tâm của người đọc đối với sách lý luận, chính trị như thế nào; đối tượng nào dành nhiều sự quan tâm, tâm huyết cho sách lý luận, chính trị; xu hướng biến đổi của việc đọc và văn hóa đọc hiện nay ra sao... 

Có thể nói, việc đọc và văn hóa đọc hiện nay đang có sự phân hóa, phân nhóm và cá thể hóa rõ rệt. Có 5 xu hướng nổi trội trong “thế giới người đọc” hiện nay như sau: Một là, xu hướng đọc để phục vụ nghề nghiệp, chuyên môn của bản thân; Hai là, xu hướng đọc trên mạng, đây là xu hướng lớn làm thay đổi sâu sắc diện mạo, nội dung, phương thức đọc; Ba là, xu hướng đọc theo nhu cầu cá nhân, đây là xu hướng mới, tùy thuộc vào sự say mê, sở thích của mỗi người; Bốn là, xu hướng đọc giải trí, người đọc tìm đến sách để giải tỏa căng thẳng hoặc đọc sách khi có thời gian nhàn rỗi; Năm là, xu hướng lười đọc sách, đây cũng là một trong những vấn đề “nổi cộm” hiện nay khi một bộ phận không nhỏ người dân, học sinh, sinh viên... còn có tư tưởng coi trọng giá trị vật chất và coi nhẹ giá trị tinh thần.

Các xu hướng trên đều đang vận động, biến đổi, chưa định hình, có cả mặt tích cực và tiêu cực. Trước tình hình đó, hoạt động xuất bản, đặc biệt là hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị phải có giải pháp căn cơ đối với đối tượng phục vụ của mình. Cần phát huy đặc trưng nổi bật của sách lý luận, chính trị, đó là tính định hướng.

Trong khi đó, xu hướng tiếp nhận, nhu cầu của người đọc đã thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc như phân tích ở trên, vì vậy, sách lý luận, chính trị phải tự xác định cho mình nhiệm vụ kép, đó là vừa có năng lực định hướng tư tưởng lý luận, chính trị, thế giới quan, nhân sinh quan, vừa có khả năng đáp ứng nhu cầu của người đọc, phát hiện, khơi dậy, nuôi dưỡng nhu cầu lành mạnh, thị hiếu tốt đẹp của người đọc. Nếu không thực hiện được nhiệm vụ kép này, sách lý luận, chính trị sẽ hoặc trở thành áp đặt đối với người đọc, hoặc chạy theo nhu cầu của thị trường, từ đó đánh mất vị trí, vai trò của mình. Chỉ thị số 20-CT/TW yêu cầu sách lý luận, chính trị không những phải nâng cao tính chính trị, tính khoa học, mà còn nhấn mạnh tính thực tiễn, tính thuyết phục và hấp dẫn. Đó là nhận thức mới về mặt lý luận cần được vận dụng sáng tạo trong quy trình xuất bản sách lý luận, chính trị. Trong thời gian qua đã có một số cuốn sách đáp ứng được nhiệm vụ kép nêu trên, song bên cạnh đó cũng còn không ít sách lý luận, chính trị viết theo kiểu cũ, định hướng khô khan, tuyên truyền áp đặt, thiếu tính thuyết phục, nên không được công chúng tiếp nhận, không đem lại hiệu quả cao. Yêu cầu đặt ra là sách lý luận, chính trị phải có khả năng “kích hoạt” nhu cầu của bản thân người đọc, đáp ứng được sự biến đổi và phát triển của bốn xu hướng đọc đã và đang hình thành, đồng thời giảm thiểu tối đa xu hướng thứ năm - xu hướng lười đọc sách. 

Trong lĩnh vực kinh doanh nói chung, người ta nhấn mạnh việc điều tra nhu cầu khách hàng, “phân khúc khách hàng” và từ đó nhắm tới đích là “khách hàng mục tiêu”. Để sách lý luận, chính trị đến được với khách hàng, có lẽ cũng cần áp dụng cả ba khâu đó, để đi tới tập trung cho “khách hàng mục tiêu” của mình. Đối với sách lý luận, chính trị, “khách hàng mục tiêu” không phải tự nhiên mà có, mà bản thân chất lượng, tính khoa học, tính thực tiễn, tính thuyết phục và sức hấp dẫn sẽ thu hút, tập hợp “khách hàng mục tiêu” của mình.

Trong thời gian qua, hoạt động phát hành sách lý luận, chính trị còn chưa thực sự hiệu quả, do chưa chú trọng việc điều tra tổng thể nhu cầu người đọc, “phân khúc” người đọc để từ đó hướng đến “người đọc mục tiêu”. Để nâng cao hiệu quả công tác phát hành sách lý luận, chính trị, cần xem hoạt động này không chỉ dừng lại ở việc bán sách, phân phối sách, mà phải trở thành một khoa học - thực tiễn, nghiên cứu khách hàng để từ đó hỗ trợ công tác biên tập, công tác tổ chức mạng lưới tác giả, cộng tác viên. Muốn vậy, lực lượng làm công tác phát hành phải là những người thực sự am hiểu nhu cầu của khách hàng, quy luật của thị trường, gắn bó, đồng hành với người biên tập, có khả năng tuyên truyền, quảng cáo để mở rộng thị trường phát hành, không ngừng phát hiện những “khách hàng tiềm năng” của sách lý luận, chính trị.

4. “Người đọc mục tiêu” của sách lý luận, chính trị tập trung vào hai đối tượng quan trọng: cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân. Gắn liền với hai đối tượng đó là hai loại sách, trước hết là những sách lý luận, chính trị thể hiện kết quả nghiên cứu có giá trị trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống; và những sách nghiên cứu sâu các vấn đề lý luận, chính trị đang đặt ra trong thực tiễn. Ở đây, cần một tư duy hệ thống theo cả chiều ngang và chiều dọc nằm trong kế hoạch đề tài, kế hoạch xuất bản của nhà xuất bản. Chiều ngang là khả năng tìm kiếm và tổ chức bản thảo bao quát được các lĩnh vực trọng yếu: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường... Chiều dọc là tìm kiếm những công trình có bước phát triển mới, có kết quả mới và có cách nhìn mới về một vấn đề lý luận, chính trị so với các công trình đã được công bố trước đó. Trong công việc này đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tầm nhìn, hiểu biết sâu rộng và có sự phối hợp giữa các đơn vị trong nhà xuất bản. 

Đối với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đối tượng phục vụ quan trọng là quần chúng nhân dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Gắn với đối tượng này là loại sách lý luận, chính trị phổ thông thiết thực, dễ hiểu, dễ vận dụng để nâng cao trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vừa qua, Nhà xuất bản đã lưu ý triển khai loại sách này, song trong thời gian tới cần triển khai một cách có hệ thống, coi đây như một đột phá vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị. Cần đầu tư xây dựng một chương trình, một đề án có tính hệ thống trong thời gian tương đối dài để có được những bộ sách lý luận, chính trị có khả năng bao quát các lĩnh vực trọng yếu của đất nước góp phần tạo nên một nền tảng tri thức cơ bản cho quần chúng, nâng cao dân trí trên lĩnh vực lý luận, chính trị. Công việc này cần sự đổi mới triệt để, vượt qua lối mòn tư duy cũ, tạo nên cách làm mới ở ba lực lượng: tác giả, biên tập viên và cán bộ phát hành. Ở các nước như Pháp, Anh, Đức, Nhật..., một số nhà xuất bản đã thực hiện hiệu quả điều này. Xin nêu vài ví dụ: Will Durant được xem là người đi tiên phong trong việc “phổ thông hóa triết học” với cuốn sách Câu chuyện triết học được xuất bản ở cả năm châu lục với hàng chục triệu bản, và được tái bản rất nhiều lần. Hay một cuốn sách với nội dung truyền bá những triết lý của đạo Tin Lành dành cho người trẻ tuổi của một nhà xuất bản nước ngoài. Cuốn sách chứa đựng những tư tưởng cốt lõi của đạo Tin Lành nhưng được thể hiện bằng những câu chuyện ngắn, súc tích gắn với hình ảnh minh họa và diễn đạt sinh động, dễ hiểu, hấp dẫn, phù hợp với tuổi trẻ. Cuốn sách đã được in và phát hành 150 triệu bản trên toàn thế giới, trong đó có bản tiếng Việt. Bộ sách Tôi biết gì? (Que Sais-Je?) được ấn hành từ năm 1940 tại Pháp và đã được dịch ra 40 thứ tiếng. Tính đến năm 2004, bộ sách đã được xuất bản, tái bản hơn 160 triệu bản. 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 109. 

2. Báo Nhân dân (tuyển chọn): Tầm nhìn chiến lược và ý chí vươn lên của dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 55.

3. 10 mối quan hệ đó là: giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo

Nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận