Xã hội hóa hoạt động xuất bản và những điều cần bàn

Ngày đăng: 09/05/2014 - 10:05

Phải nói rằng mười năm sau khi chủ trương xã hội hóa hoạt động xuất bản được triển khai, ngành xuất bản ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, từ thực trạng của vấn đề có thể nói, bài toán liên kết trong hoạt động xuất bản vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng để thật sự có ý nghĩa văn hóa đối với xã hội và con người.

1HoisachTPHCM

Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8, năm 2014

Chủ trương xã hội hóa hoạt động xuất bản thể hiện tầm nhìn của Ðảng và Nhà nước ta trong khi cố gắng đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân, phát triển tri thức của xã hội thời toàn cầu hóa. Trong đó, trọng tâm là liên kết xuất bản giữa Nhà nước với tư nhân đã được quy định trong Ðiều 23 Chương 1 Luật Xuất bản. Ðiều 23 có vai trò rất quan trọng vì bảo đảm sự cân bằng trong phát triển kinh tế, truyền bá văn hóa, tri thức của ngành xuất bản trước những biến đổi trong nước và thế giới. Theo đó, các nhà xuất bản vẫn giữ vai trò chủ đạo, là đầu tàu của ngành xuất bản Việt Nam trong hiện tại và tương lai; mặt khác, việc liên kết xuất bản với tư nhân không phải là giải pháp tạm thời để cứu vãn ngành xuất bản mà là tạo thêm quyền lợi cho doanh nghiệp kinh doanh sách và tác giả, dịch giả. Tuy vậy, đến nay, Ðiều 23 Luật Xuất bản vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, thấu đáo, triệt để. Khi không còn được bao cấp, phần lớn đơn vị xuất bản trong nước tỏ ra lúng túng, thậm chí là bế tắc trong hoạt động xuất bản, phát hành ấn bản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động xuất bản lại liên tục ra đời và tiến hành công việc kinh doanh, cho nên số lượng ấn phẩm tăng liên tục. Cùng với đó là sự xuất hiện nạn sách lậu, sách giả, sách chất lượng kém,... mà báo chí, dư luận đã rất nhiều lần lên tiếng phê phán.

Xã hội hóa hoạt động xuất bản là hướng đi đúng. Trên thực tế, sau khi không còn "sống" trong sự bao cấp, hoạt động xuất bản ở Việt Nam đã diễn ra sôi động và nhộn nhịp. Một số công ty truyền thông và nhà sách tư nhân đã làm nên luồng "gió mới" cho ngành xuất bản vốn trì trệ trong nhiều năm. Công ước Brench về bản quyền tác giả tưởng chừng là thách thức với hoạt động xuất bản nhưng sau khi triển khai lại đưa tới động lực mới. Sự nhanh nhạy của nhà sách tư nhân và một số nhà xuất bản góp phần không nhỏ trong việc đưa một số tác phẩm của thế giới đến với người đọc ở Việt Nam với mức giá hợp lý, như tác phẩm của Dan Brown, J.K.Rowling,... Một số tác giả nổi tiếng cũng đã được mời đến Việt Nam tham gia hoạt động ra mắt cuốn sách của họ, như Mark Levi, Eran Katz, Nick Vujicic... Ngoài việc hướng đến độc giả phổ thông, một số nhà sách còn kết hợp với nhà xuất bản chuyên ngành cho ra các đầu sách kinh điển, tinh hoa của thế giới. Bên cạnh đó, Công ước Brench còn tạo điều kiện giúp một số tác giả trong nước chứng tỏ tài năng, thực lực của mình. Cũng phải kể tới việc một số đơn vị tư nhân tỏ ra xông xáo trong công việc tìm kiếm bản thảo hay, có chất lượng, có khả năng thành công. Họ không dừng lại trong quan hệ với tác giả đã khẳng định được tên tuổi mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận tác giả tiềm năng, với nhiều hình thức như mở các cuộc thi trên báo chí, trên internet, từ đó có được một số tác phẩm viết và dịch có giá trị. Một số nhà sách còn chủ động tìm đến với tác giả trên internet, một việc làm không mới ở nhiều nước trên thế giới, nhưng có thể coi đó là bước đột phá của ngành xuất bản ở nước ta. Vì đến nay, khi đưa sản phẩm viết hoặc dịch của mình lên internet, một số tác giả vẫn coi như là tham gia một sân chơi, một kiểu thư giãn, mà không trông đợi vào số độc giả vẫn theo dõi bài viết, bản dịch của họ. Việc làm và sự ưu tiên của nhà xuất bản, đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm đã góp phần thay đổi nhận thức của tác giả, dịch giả, nhờ đó một số tác giả đã "sống" được bằng nghề viết. Họ không còn xem đó là nghề tay trái, nghề chơi, mà bắt đầu có tác phong làm việc chuyên nghiệp, ý thức được quyền lợi, trách nhiệm. Ðáng tiếc là các mô hình liên kết trong các công việc như vậy hiện vẫn còn rất ít, chưa được nhân rộng.

Tuy nhiên, có thể nói sau mười năm, việc xã hội hóa ngành xuất bản chủ yếu để cho doanh nghiệp tư nhân sử dụng tiềm lực kinh tế thao túng quá trình xuất bản, phát hành. Ðiều này dẫn tới hậu quả là hoạt động xuất bản ở nước ta mới chỉ phát triển về số lượng, chưa phát triển về chất lượng. Tình trạng một số nhà xuất bản tồn tại chủ yếu qua việc cấp giấy phép xuất bản, thu mấy loại phí có liên quan, hầu như không có thực quyền trong quá trình in ấn - phát hành đã nảy sinh một số vấn đề mà nổi lên là, xuất hiện một số xuất bản phẩm mắc lỗi nghiêm trọng, như: in cờ nước ngoài trong sách giáo khoa, minh họa một đằng ý nghĩa một nẻo, truyện tranh bạo lực, hình ảnh phản cảm, đồi trụy xuất hiện trong một số xuất bản phẩm dành cho thiếu nhi; một số ấn phẩm có nội dung bóp méo, xuyên tạc hiện thực vẫn được phát hành; thậm chí có cuốn sách in ra lại có phần không đúng với bản thảo được nhà xuất bản duyệt in... Nếu không có ý kiến của báo chí, dư luận, của người đọc sách và phụ huynh học sinh thì các xuất bản phẩm nêu trên hoàn toàn có thể vẫn trôi nổi và gây tác hại trong xã hội. Thật đáng lo ngại khi loại sách từ vô thưởng, vô phạt đến "nhảm nhí" gần như giữ tỷ lệ áp đảo trong số các đầu sách xuất bản hằng năm. Tại lễ hội sách năm 2014, giới xuất bản có thể "vui mừng" về sự "lên ngôi" của các cuốn sách Buồn làm sao buông, Người yêu cũ có người yêu mới, Nếu như không thể nói nếu như,... song điều này khiến người quan tâm đến việc đọc sách phải lo lắng, vì hiện tượng đó cho thấy văn hóa đọc đang có vấn đề. Ngoài hai cuốn Ðắc nhân tâmCho tôi xin một vé đi tuổi thơ, những cuốn còn lại trong thống kê best seller (bán chạy nhất) cũng không phải là những ấn phẩm có chất lượng tốt, không có gì bảo đảm sẽ tiếp tục là best seller sau lễ hội sách. Như vậy, liệu có nên coi đó là tín hiệu lạc quan, như câu hỏi của một dịch giả đã đưa ra gần đây? Hiện, với dân số khoảng 90 triệu người, tỷ lệ dân trí cao, nhiều người sử dụng thành thạo ngoại ngữ thì Việt Nam là nơi có tiềm năng lớn trong việc đọc sách. Nhưng con số mức tiêu thụ sách khoảng 0,8 quyển/người/năm là quá thấp. Có thể nói, so thời kỳ trước, thói quen đọc sách đang mất đi trong nhiều người, nhất là thế hệ trẻ. Vì vậy, nếu không kịp thời thay đổi quan niệm trong việc in ấn và phát hành xuất bản phẩm, chỉ chạy theo lợi nhuận, phục vụ thói quen giải trí của một bộ phận độc giả, hoạt động xuất bản sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình đọc sách. Mà dù thế nào thì quá trình đó vẫn phải bảo đảm được các yêu cầu là vừa thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, vừa nâng cao tri thức, góp phần nâng cao văn hóa cá nhân, xây dựng xã hội học tập,...

Cần nhìn thẳng vào sự thật là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa tới tình trạng trên là việc xã hội hóa ngành xuất bản đã để cho doanh nghiệp tư nhân với khả năng kinh tế mạnh hơn thao túng quá trình xuất bản và phát hành. Ðặt xuất bản phẩm là mục đích kinh doanh hàng đầu, một người làm sách tư nhân có thể bất chấp tất cả để đạt được lợi nhuận. Thay vì tình yêu với văn hóa, thay vì ý thức tự giác trong khi đưa những xuất bản phẩm có giá trị tư tưởng - nghệ thuật đến với xã hội, vì lợi nhuận mà người ta có thể làm biến dạng chủ trương xã hội hóa xuất bản. Ở đây cũng phải nhắc tới vai trò của truyền thông trong việc quảng bá xuất bản phẩm, nhất là sách văn học. Một cuốn sách văn học ra đời thường đi cùng với một buổi giới thiệu sách kèm theo thông cáo báo chí có tính chất tiếp thị. Tại buổi giới thiệu, một số nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình lại dành cho cuốn sách các lời ca ngợi "có cánh", rồi một số phóng viên dựa vào "thông cáo báo chí" và mấy lời "có cánh" để quảng bá, cho nên đã xuất hiện nhiều bài giới thiệu sách mang tính khoa trương, không tương ứng với nội dung cuốn sách. Như thế là thiếu trung thực với bạn đọc, làm nhiễu loạn tiêu chí lựa chọn của xã hội. Một thực tế là sau mười năm, sự tham gia mạnh mẽ của thành phần kinh tế tư nhân vào hoạt động xuất bản chưa cho thấy dấu hiệu bảo đảm rằng "các doanh nghiệp tư nhân thận trọng với các bước đi chiến lược kinh doanh của mình. Nhạy bén, năng động, và chịu khó thâm nhập chà xát thị trường để tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu người đọc. Không chỉ giỏi trong nắm bắt nhu cầu người đọc, họ còn có "con mắt vàng" trong thẩm định, lựa chọn đâu là bản thảo hay, tốt, có khả năng thành công trong kinh doanh để đưa vào kế hoạch xuất bản" như ý kiến một tác giả đưa ra gần đây. Vì một ngày mà người đọc mua một cuốn sách vừa mới xuất bản tại quầy sách đã được giảm giá ít nhất 10% (thậm chí một cuốn tiểu thuyết vừa phát hành tháng 3-2014 có giá bìa 82.000 đồng còn được vinabook.com quảng cáo giá bán 57.000 đồng, giảm hơn 30%!) là một ngày còn cho thấy hoạt động liên kết xuất bản đang có vấn đề, chí ít cũng thể hiện qua sự mù mờ giữa giá thực và giá bìa!

Phát triển văn hóa, phát triển tri thức là một công việc khó khăn và đầy thách thức, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường khiến không ít người chỉ quen với lối tư duy thực dụng, tầm nhìn hẹp, dễ dàng đánh mất mình vào những nguồn lợi trước mắt mà quên đi yêu cầu tự hoàn thiện qua việc bổ sung vốn hiểu biết. Chính vì vậy, công tác xuất bản càng phải được chú ý, xem trọng. Việc liên kết xuất bản giữa nhà xuất bản của Nhà nước và tư nhân là một lựa chọn phù hợp với đặc thù phát triển của Việt Nam. Có thể đối chiếu, tham khảo thêm từ các mô hình xuất bản tiến bộ, có hiệu quả từ một số nước ở phương Tây, nhưng không vì thế mà mô phỏng, bắt chước máy móc theo mô hình của họ. Sự kiện năm 1988, một nhà xuất bản tại nước Anh cho ra đời cuốn sách của Ahmed Salman Rushdie như "đổ thêm dầu" vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây là bài học mà giới xuất bản cần tham khảo. Xuất bản vì lợi nhuận và xuất bản vì sự phát triển của xã hội, con người là khác nhau về mục đích, bản chất. Vì thế, dù có thể còn gặp khó khăn thì hoạt động xuất bản ở Việt Nam vẫn phải hướng về người đọc, mang những điều tốt đẹp, lành mạnh đến với xã hội.

HỒNG QUANG

(Theo nhandan.com.vn)

 

 

 

 

Bình luận