Đường lối quân sự của Đảng - Lịch sử hình thành, phát triển và nội dung cơ bản

Ngày đăng: 08/05/2020 - 09:05

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đảm nhận sứ mệnh nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam. đã quy tụ lực lượng và sức mạnh toàn dân tộc, phát huy truyền thống cả nước chung sức đánh giặc, kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới trí tuệ và kinh nghiệm quân sự của dân tộc trong sự nghiệp lãnh đạo toàn dân tiến hành khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, biểu hiện tập trung ở đường lối quân sự.

Đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam là những chuẩn tắc cơ bản về phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, lực lượng, phương thức tổ chức thực tiễn về quân sự do Đảng vạch ra nhằm thực hiện những mục tiêu quân sự cụ thể trong mỗi thời kỳ cách mạng.

Nhằm góp phần đem lại cái nhìn toàn diện về cơ sở, quá trình hình thành và phát triển đường lối quân sự của Đảng trong suốt 90 năm qua - kể từ khi Đảng thành lập đến nay, từ đó góp phần gợi mở những đề xuất nhằm tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, đủ sức đáp ứng mọi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Đường lối quân sự của Đảng - Lịch sử hình thành, phát triển và nội dung cơ bản của PGS.TS. Vũ Quang Hiển.

Nội dung cuốn sách được chia làm 2 phần, gồm 8 chương:

Phần thứ nhất: “Lược sử hình thành và phát triển đường lối quân sự của Đảng” (từ Chương I đến Chương III);

Phần thứ hai: “Một số nội dung cơ bản đường lối quân sự của Đảng” được thể hiện qua các giai đoạn lịch sử cụ thể (từ Chương IV đến Chương VIII).

Trong thời kỳ 1930 - 1945, xuất phát từ điều kiện lịch sử, xã hội Việt Nam với những đặc trưng riêng, Đảng ta đề ra đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, tạm gác vấn đề đấu tranh giai cấp để có thể huy động tổng lực sức mạnh dân tộc, đưa việc kết hợp đấu tranh giữa phong trào công nhân với phong trào yêu nước lên đến đỉnh cao, đồng thời có sự chuyển hướng kịp thời theo tình thế cách mạng để xây dựng và củng cố về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chớp thời cơ giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), ở giai đoạn đầu, với sự ra đời Nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, cùng lúc phải đối phó với thù trong giặc ngoài, Đảng ta đã có sự linh hoạt trong việc kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao để có thể tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng, tránh tổn thất tối đa, tạo điều kiện chuẩn bị cho công cuộc vừa kháng chiến vừa kiến quốc lâu dài, kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Những chủ trương, chiến lược đó là cơ sở để chúng ta có sự chuyển hướng kịp thời, đúng đắn từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đưa lại thắng lợi to lớn trên mặt trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong thời kỳ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã đề ra đường lối quân sự sáng tạo, đưa cách mạng Việt Nam từng bước giành thắng lợi. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (1959), sau khi phân tích đặc điểm, tình hình nước ta từ khi hòa bình được lập lại, Đảng ta chỉ ra hai mâu thuẫn cơ bản mà cách mạng Việt Nam phải giải quyết, đó là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc, giai cấp địa chủ phong kiến, tư sản mại bản ở miền Nam với dân tộc Việt Nam, Nhân dân cả nước Việt Nam; mâu thuẫn giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc. Từ đó, đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam, hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau nhưng có mối quan hệ hữu cơ với nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau trong sự nghiệp giữ vững hòa bình, thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày đất nước thống nhất, hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được tiếp tục phát triển với nội dung phong phú, tập trung hoàn thiện nền quốc phòng toàn dân, toàn diện gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức đối phó với mọi biến động của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế; đồng thời, không ngừng nâng cao cảnh giác, dùng nhiều biện pháp đấu tranh phi quân sự và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, làm thất bại mọi mưu đồ của những thế lực thù địch.

Cuốn sách thể hiện sự xâu chuỗi mang tính hệ thống trong đường lối quân sự Việt Nam, chỉ ra những đặc trưng trong nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo qua từng thời kỳ với nguồn tư liệu phong phú, dẫn chứng sinh động, làm rõ được tính kế thừa những giá trị cốt lõi trong nghệ thuật tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự của các thế hệ đi trước, đồng thời làm nổi bật được sự sáng tạo trong đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với việc khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, luôn kiên định thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân nhưng với sách lược linh hoạt trong mỗi thời kỳ cách mạng dựa trên nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”, Đảng ta đã đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn về xây dựng lực lượng hậu bị, hậu phương kháng chiến; về tận dụng thời cơ, kết hợp chặt chẽ lực, thế, thời, mưu; về lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng ba vùng chiến lược; về chủ trương giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn; nghệ thuật vừa đánh vừa đàm, kết hợp đấu tranh chính trị với quân sự và ngoại giao, kinh tế với quốc phòng nhằm tạo nên sức mạnh tổng lực; về thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân… Đường lối quân sự đúng đắn đó đã được minh chứng bằng thắng lợi của cách mạng Việt Nam kể từ khi có Đảng, đặc biệt là trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975).

Trên cơ sở nghiên cứu, tác giả khẳng định đường lối quân sự phục vụ đường lối chính trị của Đảng có quá trình hình thành, phát triển liên tục và ngày càng hoàn chỉnh qua mỗi thời kỳ cách mạng, gắn với những điều kiện lịch sử cụ thể, đáp ứng việc giải quyết những vấn đề mới do sự biến chuyển của tình hình trong nước và quốc tế, những thay đổi trong âm mưu, thủ đoạn của các thế lực ngoại xâm và nội phản. Thực tiễn chiến đấu oanh liệt của các cuộc chiến tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối quân sự đúng đắn, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân sáng tạo, nghệ thuật quân sự phát triển cả về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật… là nền tảng, cơ sở để chúng ta tiếp tục kế thừa, phát huy trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đầy biến động như hiện nay; đồng thời, sẵn sàng đối phó, đánh bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Thực tế cho thấy, nội dung, lực lượng và biện pháp bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi Đảng phải phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo, phân tích và dự báo đúng tình hình, bổ sung và phát triển đường lối chính trị, đường lối quân sự, từ việc xây dựng và bố trí lực lượng giữ nước nói chung đến lực lượng vũ trang nói riêng; từ công tác tư tưởng đến vấn đề trang bị của lực lượng vũ trang; từ xây dựng nền quốc phòng toàn dân đến phương thức và nghệ thuật bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trước yêu cầu đó, sức mạnh toàn diện của đất nước là chỗ dựa cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trong đó chỗ dựa vững chắc nhất là lòng dân, là sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận của toàn dân tộc.

Đường lối quân sự của Đảng - Lịch sử hình thành, phát triển và nội dung cơ bản đã hệ thống sự lãnh đạo sáng tạo, toàn diện nhưng cũng rất cụ thể của Đảng, sát hợp với bối cảnh trong mỗi thời kỳ cách mạng, có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn sâu sắc, là ngọn cờ dẫn dắt cả dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cuốn sách là tài liệu bổ ích đối với việc nghiên cứu chiến lược quốc phòng trong giai đoạn hiện nay.

Bình luận