Nhà báo Hữu Thọ: Người đọc hiện nay đang bị động

Ngày đăng: 02/02/2014 - 11:02

"Sách bây giờ rất nhiều, tên sách cũng hay, nhưng nội dung thì nghèo nàn, tập hợp tạp nham; Độc giả thì chỉ quen đọc qua những chương trình giới thiệu trên truyền hình, báo chí và những quyển sách đang có vấn đề gây tranh cãi"- Nhà báo Hữu Thọ nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nhận xét.

Huu Tho 25

P.V: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thị trường sách và vấn đề đọc sách hiện nay?

Nhà báo Hữu Thọ: Bây giờ không có điều kiện để đọc nhiều, xã hội hiện nay cũng chỉ quan tâm đến 2 loại sách: một là sách đang có vấn đề tranh cãi người ta tìm cách để đọc; hai là sách đã được truyền hình giới thiệu. Đó là hai sự hỗ trợ người ta đọc sách cho nên người đọc hiện nay rất bị động. Bởi vì: thứ nhất là sự giới thiệu đó có chính xác hay không, hiện nay chưa có tờ báo nào hoặc chương trình nào có thẩm quyền trong việc giới thiệu sách. Trên thực tế tôi thấy giới thiệu sách hầu như là giới thiệu cuốn sách mà tác giả gửi biếu, đặc biệt là các tác giả thân quen. Điều đó không đảm bảo đó là cuốn sách hay. Cho nên nếu phụ thuộc vào việc giới thiệu sách trên báo thì người đọc khó mà đọc được những cuốn sách có chất lượng tốt. Thông thường, các chương trình giới thiệu những loại sách xã hội đang quan tâm như sách về xung quanh vấn đề làm giàu, chữa bệnh, trồng cây cảnh… Xã hội bây giờ đa dạng, ai cũng cần phải đọc sách.        

Cái đó là cái cần thiết và đừng phê phán người ta tại sao bây giờ lại đi vào những cái lặt vặt. Đó là nhu cầu tất yếu của suộc sống, nhưng trong cuộc sống hiện đại thì người ta chỉ có thói quen mua sách qua truyền hình giới thiệu. Thứ hai là những quyển sách có vấn đề đang gây tranh cãi. Người ta tò mò muốn biết sự tranh cãi đó là như thế nào. Thực trạng đang có những cuộc tranh luận họ bịa ra để bán báo; và xã hội hiện nay đang có trào lưu tìm ra tranh luận để thu hút bạn đọc. Ra hiệu sách bây giờ thấy có khá nhiều sách nhưng hầu như “treo đầu dê bán thịt chó” tên sách thì rất hay nhưng nội dung rất nghèo nàn, tập hợp tạp nham. Bên cạnh đó, hiện nay giá sách rất cao, làm sao mà đủ tiền để mua. Tôi muốn nói rằng người đọc hiện nay đang rất bị động. Do vậy vấn đề đặt ra phải có một chương trình và một cơ quan có thẩm quyền giới thiệu sách cho người đọc, đồng thời phải có những cuộc tranh luận “đúng” và những cuộc đánh giá khách quan.

P.V: Hiện nay thị trường sách đang tràn lan và người đọc không có định hướng như vậy thì theo ông về phía cơ quan quản lý cần có những giải pháp gì để cải thiện tình hình?

Nhà báo Hữu Thọ: Các cơ quan quản lý khó mà duyệt được hết sách vì sách cứ đến ngồn ngộn như vậy. Với Cục Xuất bản như hiện nay mỗi tháng phải đọc rất nhiều sách mà cũng không đọc được hết, chủ yếu là nghe dư luận, tất cả những cuốn sách đã in xong rồi mới xem lại, cho nên vấn đề đặt ra lớn nhất chính là giám đốc các nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mình đưa ra, phải có lương tâm và trách nhiệm, cái đó biểu hiện sự tín nhiệm thương hiệu nhà xuất bản của mình với xã hội và phải tạo ra thương hiệu của riêng mình. Nhưng vấn đề thương hiệu này cũng không đơn giản, bởi vì có nhà xuất bản chuyên xuất bản những sách có vấn đề để tạo ra thương hiệu. Do đó, hiện nay loạn chuẩn đánh giá sách và đánh giá nhà xuất bản. Trong tình trạng như vậy bao giờ người ta cũng tìm đến những ý kiến chính thống. Cho nên vai trò của Cục Xuất bản là cực kỳ quan trọng. Ví dụ khi muốn nghe về kinh tế - xã hội bao giờ người ta cũng muốn nghe báo cáo của Chính phủ, tuy có thể vẫn còn những ý kiến này khác nhưng người ta vẫn muốn nghe ý kiến chính thống. Ví dụ như “Cánh đồng bất tận” không thể coi đó là một kiệt tác nhưng chính vì chúng ta phê phán nên biến Nguyễn Ngọc Tư trở thành một nhà văn xuất sắc. Có một nhà văn đã viết về Nguyễn Ngọc Tư: Nếu cô ấy cứ viết kiểu này thì cô ấy không thể lớn được vì trong tất cả những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đều không có tư tưởng lớn, triết lý lớn nhưng cô ấy có cái hay là tập trung vào mảng đề tài Nam Bộ, suy nghĩ của người nông dân Nam Bộ, nhưng cái đó không đủ để thành kiệt tác, để thành tác phẩm lớn... cho nên cứ có dư luận lại trở thành cái gì đó lớn lao. Vấn đề quan trọng là có một quan điểm là cứ để xã hội người ta đánh giá, mình có ý kiến mà làm gì. Nhưng nếu buông lỏng tất cả mà không quản lý thì cũng không được, cho nên phải quản lý như thế nào cho phù hợp với từng ngành mang tính chất đặc thù và tạo được sự đồng thuận của xã hội. Vấn đề khó nhất hiện nay là lực lượng phê bình văn học nghệ thuật rất yếu và phê bình với những động cơ khác nhau. Nếu chúng ta có lực lượng phê bình chính xác thì sẽ giúp cho xuất bản rất là nhiều.

P.V: Trong tình hình hiện nay, có rất nhiều sách kém chất lượng nhưng vẫn bán được và như thế thì họ vẫn làm, nhiều khi các nhà xuất bản cũng không quan tâm đến nội dung sách, họ chỉ bán giấy phép cho đối tác và mặc cho đối tác. Ông thấy vấn đề này như thế nào?

Nhà báo Hữu Thọ: Đó là xã hội hóa, mà mình cũng cần xã hội hóa, không có cách nào khác. Nhưng xã hội hóa như thế nào thì giám đốc các nhà xuất bản cũng phải thẩm định nội dung tất cả những xuất bản phẩm của đơn vị mình. Trên thực tế thì không phải như vậy, Tổng biên tập hầu như không đọc mà như thế thì làm sao mà thẩm định nội dung. Bên cạnh đó là thù lao tức là nhuận bút cho người viết cũng là vấn đề nan giải. Ví dụ như cuốn sách của tôi in chính thống, nhuận bút hơn 2 triệu, nhưng có một anh trả tôi 30 triệu, mà vẫn là nhà xuất bản đó. Tôi có hỏi vì sao thì anh ta trả lời đây là làm tư, nhà xuất bản chỉ bán giấy phép và anh ta trả nhuận bút theo lợi nhuận, điều đó thu hút những cây viết giỏi, những cây bút có tên tuổi. Xã hội hóa hiện nay không chỉ ở lĩnh vực xuất bản mà tất cả các lĩnh vực khác, về nguyên tắc thì tất cả những người phụ trách đều phải chịu trách nhiệm. Hiện nay sẽ chưa có vấn đề gì nhưng khi tình hình chính trị có vấn đề thì sẽ rất nguy hiểm, cho nên phải tính đến cái lúc nguy hiểm.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Lê Thu Hiền

(Theo Tri thức thời đại)

 

Bình luận