Xã hội hóa xuất bản: Tư nhân làm sách - mập mờ trách nhiệm

Ngày đăng: 20/07/2011 - 14:07

Là nhân tố quan trọng trong quá trình xã hội hóa xuất bản, trải qua 7 năm được công nhận chính thức, những nhà làm sách tư nhân đã ghi đậm dấu ấn của mình trong sự phát triển chung của nền xuất bản Việt Nam, đồng thời cũng tạo nên những sự nghi ngại về vai trò tích cực trong quá trình xây dựng một nền xuất bản tiên tiến.

alt
Quầy sách vỉa hè, thiên đường của sách lậu, đe dọa lợi ích chính đáng 
của các nhà làm sách hiện nay.

Sức sống của ngành xuất bản

Không phải ngẫu nhiên mà các đơn vị làm sách tư nhân được ví von là “sức sống của ngành xuất bản”, không chỉ vì số lượng sản phẩm liên kết xuất bản chiếm ưu thế mà còn vì tính năng động của tư nhân trong sự biến đổi thị trường sách.

Đơn cử  ví dụ: trong đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua, nhu cầu mua sách giảm mạnh ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu của các đơn vị làm sách. Nếu là trước đây, giai đoạn các NXB nhà nước chủ đạo, sự thay đổi của thị trường có thể gây tình trạng khủng hoảng như đã từng xảy ra những năm 80-90 của thế kỷ trước, thì nay các nhà làm sách tư nhân đã nhanh chóng tìm cách vượt qua khó khăn.

Ông Minh Đức, phụ trách hệ thống Phương Nam Books, cho biết “Ngay khi dự đoán sức mua có thể giảm, chúng tôi đã cố sức tìm kiếm thể loại sách khác, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn”. Và lối ra của Phương Nam Books là các loại sách cho trẻ em, dạy trẻ em các kiến thức đầu đời với nguyên tắc “Dù khó khăn đến đâu, các bậc phụ huynh cũng sẽ mong muốn điều tốt nhất cho con mình”. Các đơn vị khác cũng tìm những lối đi riêng như Đông A chọn mảng sách cổ điển vốn đã hết hạn bản quyền để giảm chi phí và lại dễ được bạn đọc chú ý, Nhã Nam làm sách từ phim hoạt hình nổi tiếng…

Thế nhưng, sự năng động vốn được đánh giá cao của các nhà làm sách tư nhân đồng thời cũng gây ra những vấn đề đối với lĩnh vực xuất bản. Do yêu cầu về lợi nhuận, những nhà làm sách thường cố nắm bắt nhu cầu sách của bạn đọc và kết quả là đôi khi thị trường sách tràn ngập một thể loại sách do các nhà làm sách đổ xô vào thực hiện trong khi những mảng sách khác lại thiếu hụt. Điều này đã nhiều lần xảy ra như trào lưu sách thiếu nhi huyền ảo, sách tự truyện người nổi tiếng, sách dạy làm người…

Quan hệ với NXB - Chiếu trên

Điều 20 trong Luật Xuất bản quy định những vấn đề trong việc liên kết xuất bản, trong đó ở khoản 3 có quy định “Tổ chức, cá nhân liên kết với nhà xuất bản… được đứng tên trên xuất bản phẩm và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với xuất bản phẩm liên kết”. Thế nhưng, chính ở đây xuất hiện một vấn đề “Thế nào là liên đới chịu trách nhiệm?”. Chính sự mập mờ này đã tạo nên một tình huống đặc thù trong lĩnh vực xuất bản Việt Nam. Nếu trước đó, các đơn vị làm sách tìm mọi cách vận động để được trực tiếp xuất bản thì sau đó họ phát hiện ra là việc xử phạt trong trường hợp sách bị vi phạm hầu như chỉ dồn vào NXB, còn đơn vị liên kết rất khó bị quy kết trách nhiệm. Điều này đã xảy ra trên thực tế như trường hợp NXB Thanh Hóa liên kết cùng nhà sách Nhân Văn làm lậu sách của NXB Trẻ hay gần đây là vụ NXB Hội Nhà văn liên kết với Công ty Youbooks làm cuốn “Sợi xích”…

Không chỉ lách luật, các nhà làm sách còn nắm trong tay một lợi thế cực lớn khác, đó là quyền chọn lựa NXB. Với 60 NXB trên cả nước, các nhà làm sách tư nhân có thể dễ dàng lựa chọn đối tác liên kết cho mình. Trong khi đó, các NXB trừ một vài đơn vị có thực lực còn hầu hết, đặc biệt là các NXB sống dựa vào liên kết thì việc lựa chọn đối tác rất khó khăn. Một tác phẩm nếu bị từ chối ở NXB này hoàn toàn có thể tìm được lối ra ở một NXB khác, nhiều tác phẩm sau khi xuất bản bị phạt vì vi phạm Luật Xuất bản thì trước đó đã bị từ chối tại nhiều NXB khác. Thậm chí, các NXB còn cạnh tranh giảm phí xuất bản để thu hút đối tác. Có thể nói không ngoa rằng người làm sách tư nhân đang ở “chiếu trên” trong mối quan hệ với các NXB.

Sách lậu  - độc dược tinh thần

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News), bức xúc: “Sách đầu tư bao công sức, tiền bạc, chỉ vừa đưa ra thị trường 5-10 ngày đã bị in lậu. Sách lậu chiết khấu cao, các nhà phát hành ưa chuộng hơn sách thật nên sách thật thất thu”. Thực tế, có cuốn vừa in xong chưa kịp phát hành đã có bản lậu ngoài thị trường. Giám đốc một công ty làm sách tiết lộ: “Sách lậu ngay từ nhà in, sáng in sách cho khách hàng, tối in cho đầu nậu làm sách lậu”.

Để đối phó với sách lậu, các đơn vị làm sách dùng nhiều biện pháp như dùng tem chống giả, cài nhân viên theo dõi kiểu “tình báo”, quay phim chụp ảnh rồi báo cơ quan chức năng... Tuy nhiên những biện pháp này tỏ ra kém hiệu quả. Ví dụ như tem chống giả cũng bị in giả như thật, trong khi cơ quan chức năng xử quá nhẹ, thiếu tính răn đe…

Sách lậu không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà làm sách mà còn gây tác hại chung đến toàn ngành xuất bản. Ông Nguyễn Văn Phước đưa ra một ví dụ: “Nếu làm 10 cuốn sách, có lợi nhuận tầm 2-3 cuốn thì chúng tôi có thể trích ra, thực hiện một số cuốn sách hay, có ý nghĩa dù sức mua trước mắt có thể thấp, chôn vốn lâu. Còn như hiện nay 10 cuốn không lời nổi 1, thử hỏi lấy đâu ra kinh phí để làm những cuốn sách hay”.

                                                                                                  Tường Vy

                                                                                                 Theo SGGP


Bình luận