Đọc và Nghĩ

Ngày đăng: 14/11/2021 - 15:11

Đọc và Nghĩ là tựa đề cuốn sách của GS. TS. Đinh Xuân Dũng vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. Sách giới thiệu các bài viết chọn lọc từ những ghi chép phê bình, nhận định của ông, giúp chúng ta hiểu hơn về hoạt động sáng tác và đời sống văn chương sôi động hiện tại, gợi mở những hướng đi để nâng tầm tác phẩm.

Đọc sách là một nhu cầu, một cách thưởng thức văn hóa sang trọng và có chiều sâu, một phương thức tốt nhất để làm giàu vốn tri thức của con người. Việc đọc sách giúp người đọc khám phá ra nhiều điều mới mẻ, thú vị. Người đọc phải suy nghĩ, tưởng tượng, liên hệ, học hỏi, trải nghiệm… và mục đích cuối cùng của việc đọc sách là biết vận dụng những nội dung đã học vào cuộc sống. Trong thời đại ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự ra đời của mạng internet, việc đọc sách đã có những ảnh hưởng lớn. Một trong những điểm đáng lo ngại là, thông qua mạng internet, các thế lực phản động và các phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng để tuyên truyền, phổ biến những thông tin sai lệch, mập mờ, phiến diện để bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công khai bày tỏ quan điểm đối lập, khơi gợi hận thù chế độ, khai thác tâm lý bức xúc của người dân… Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, xuất hiện một số tác phẩm có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm những mặt trái của đời sống xã hội mà không cảm nhận được đầy đủ bản chất, chiều sâu, tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước. Cuốn sách Đọc và Nghĩ của GS.TS. Đinh Xuân Dũng cung cấp nguồn tài liệu đáp ứng nhu cầu tuyên truyền và đẩy mạnh văn hóa đọc.

Đọc và Nghĩ chỉ là phần nhỏ trong những nghiên cứu, ghi chép, nhìn nhận, đánh giá, phân tích được tuyển chọn chủ yếu về lý luận, phê bình văn học và đời sống văn hóa, nghệ thuật từ năm 2016 đến tháng 6/2021. Tuy chỉ là một phần trích đoạn trong nhật ký ghi chép của ông, nhưng đó là cả một quá trình làm việc công phu và tỉ mỉ.

Các ghi chép, cảm nhận dù theo cách gọi của ông chỉ là “nhật ký đọc sách”, song đây thực sự thật sự là những bài phê bình văn học với những nhận xét kỹ, sắc sảo về thể loại cùng nét đặc sắc của tác phẩm, thế mạnh và hạn chế của từng tác giả. Có bài đã đăng báo, song nhiều bài có khi chỉ là để trao đổi hoặc góp ý với tác giả. 

Phần I- Đọc: Là những bút ký ghi chép việc đọc và cảm nhận của tác giả sau khi đọc gần 80 tác phẩm, sáng tác văn học của hơn 100 tác giả được xuất bản từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2020. Bên cạnh các bài viết phê bình tác phẩm của các nhà văn đã có tên tuổi, tác giả dành nhiều phần ưu ái với các cây bút trẻ, tìm ra những phát hiện sáng tạo, những đổi mới ở từng tác phẩm, từng tác giả qua kinh nghiệm và vốn sống, trải nghiệm của họ về quá khứ, lịch sử, về cuộc sống hôm nay, cách khai thác đề tài và cả dấu ấn mới đóng góp vào nền văn học đương đại. Đồng thời, dưới góc nhìn của một nhà lý luận phê bình sắc sảo, giàu kinh nghiệm, GS. TS. Đinh Xuân Dũng cũng chỉ ra những hạn chế, giúp các cây bút trẻ trưởng thành hơn, nâng tầm tư tưởng để có được những tác phẩm thật sự đứng được trong lòng bạn đọc.

Phần II- Nghĩ: Với 20 bài viết tuyển chọn các nghiên cứu, tiểu luận khoa  học của tác giả được viết từ năm 2020 đến tháng 6/2021 đề cập những vấn đề lý luận về đời sống văn hóa, nghệ thuật, phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, những tư tưởng chỉ đạo toàn diện, có ý nghĩa chiến lược và tính thực tiễn sâu sắc của Đảng trong lĩnh vực văn hóa và văn học nghệ thuật; giáo dục lý tưởng, nhận thức thẩm mỹ, xây dựng nguồn lực văn hóa... 

Cuốn sách mang nhiều giá trị tham khảo, nhất là với những người mới bước vào nghề viết và yêu thích mảng phê bình, lý luận văn học nghệ thuật. Từ đó có thể rút ra những bài học nghề nghiệp, làm giàu có vốn tri thức và quan trọng hơn là truyền đến họ “lửa nghề”, động viên họ bước tiếp trên cánh đồng văn chương đầy nhọc nhằn. Đồng thời, sách góp phần tuyên truyền, định hướng xây dựng văn hóa đọc trong xã hội, khuyến khích và tạo thói quen đọc sách một cách có chọn lọc.  

Bình luận